1. CÔNG TÁC TỔ CHỨC
Khách mời danh dự:
Ông Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên TW Đảng – Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ; Ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI; Ông Lê Minh Hoan, Ủy viên TW Đảng – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn; Ông Trương Quang Hoài Nam, Phó ban Đối ngoại  TW Đảng; Ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại – Bộ Công thương; Ông Tạ Việt Dũng – Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển Công nghệ – Bộ Khoa học & Công nghệ; Ông Phạm Xuân Đà – Cục trưởng Cục Công tác phía Nam – Bộ Khoa học & Công nghệ; Ông Nguyễn Quốc Toản – Cục trưởng cục Chế biến và Phát triển Thị trường nông sản – Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn.
Lãnh đạo hai tổ chức doanh nhân nước ngoài lớn nhất: Eurocham và Amcham; Các chuyên gia kinh tế: Ông Lê Đăng Doanh, Bà Phạm Chi Lan …
Lãnh đạo các tỉnh ABCD:
An Giang           :     
  • Ông Trần Anh Thư – Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Tỉnh An Giang.
Bến Tre             :     
  • Ông Phan Văn Mãi – Ủy viên TW Đảng- Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre;
  • Ông Nguyễn Trúc Sơn – Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Tỉnh Bến Tre.
Cần Thơ            :     
  • Ông Lê Quang Mạnh – Ủy viên dự khuyết TW Đảng – Bí thư Thành ủy TP. Cần Thơ;
  • Ông Nguyễn Ngọc Hè – Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP. Cần Thơ.
Đồng Tháp       :     
  • Ông Lê Quốc Phong – Ủy viên dự khuyết TW Đảng – Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp;
  • Ông Phạm Thiện Nghĩa – Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp – Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Tỉnh Đồng Tháp.
Cùng các Lãnh đạo chính quyền các tỉnh ABCD Mekong… và đại điện các tổng lãnh sự, lãnh sự quán các nước, chuyên gia kinh tế, công nghệ, các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp, hợp tác xã, cộng đồng khởi nghiệp….
Lượt khách tham dự (sáng – chiều) : hơn 1.000 lượt (cách tính: 750 phần ăn trưa đại trà (hết) và 50 phần của khách VIP-100 khách cộng đồng khởi nghiệp dự xuyên trưa (không ăn) và khách đến dự với cuộc thảo luận các tỉnh đầu giờ chiều.
  1. NỘI DUNG
A – PHIÊN TOÀN THỂ BUỔI SÁNG
1 – Ông Lê Quốc Phong – Ủy viên dự khuyết TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp phát biểu mở đầu: Đây là lần thứ năm Mekong Connect được tổ chức, một mô hình liên kết tự nguyện giữa 4 tỉnh An Giang – Bến Tre – Cần Thơ – Đồng Tháp và sự gắn bó mật thiết của Hội DN HVNCLC cùng CLB Doanh nghiệp dẫn đầu với một mục tiêu là “Liên kết” cùng phát triển. Diễn đàn hôm nay, ngoài nhiệm vụ kết nối kinh tế 04 tỉnh, còn là một điểm sáng trong thực hiện liên kết để phát triển nhanh và bền vững trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; Với 04 chủ đề chính: (1) Công nghiệp hoá sản xuất kinh doanh nông nghiệp – góc nhìn từ OCOP; (2) Xây dựng và phát triển địa phương gắn với khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; (3) Quy hoạch và phát triển nguồn lực mới ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long; (4) Chuyển đổi số và liên kết chuỗi trong nông nghiệp. Diễn đàn năm nay cũng có nhiều đổi mới, tạo cơ hội để kết nối giao thương giữa nhà sản xuất, nhà tư vấn và nhà phân phối, bán lẻ trong và ngoài nước, có kết nối trực tuyến với các đầu mối quốc tế. (Xem chi tiết Tại đây)
2 – Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI: Những nét lớn của kinh tế ĐBSCL (Xem chi tiết tại đây) và các giải pháp phát triển đồng bằng trong tương lai: ĐBSCL cần dũng khí và trí tuệ để chuyển sang mô hình phát triển mới (Xem chi tiết tại đây)
3 – Ông Lê Minh Hoan, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT: Sức mạnh liên kết trong phát triển. ĐBSCL, trước mắt là các tỉnh ABCD Mekong, muốn phát triển thì sản phẩm, dịch vụ của vùng không thể chỉ phục vụ nhu cầu trong nước mà còn phải hướng vào chuỗi giá trị toàn cầu, nhất là trong thời buổi công nghệ phát triển và thế giới phẳng như hiện nay. Trong sản xuất nông nghiệp cần làm thế nào phục hồi hệ sinh thái tự nhiên, không lạm dụng hóa chất, và quan tâm xu hướnbg phát triển của thế giới (coi trong hệ sinh thái vùng miền, phát triển bền vững…) (Xem chi tiết tại đây)
4 – Ông Nguyễn Hải Minh, Phó chủ tịch Eurocham: Những thách thức mới của ĐBSCL sau khi Sau khi VN gia nhập EVFTA. Thị trường EU đòi hỏi các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và các sản phẩm lưu thông trên thị trường 450 triệu dân này phải đáp ứng tiêu chuẩn của khối EU về truy xuất nguồn gốc, kiểm dịch, vệ sinh và phát triển bền vững. “Nhưng đáp ứng được các tiêu chuẩn này, doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiến xa hơn và củng cố vị trí, gia tăng giá trị trong chuỗi cung ứng thực phẩm (Xem chi tiết tại đây)
5 – Bà Mary Tarnowka, Giám đốc điều hành AmCham Việt Nam –TP.HCM & Đà Nẵng: Đầu tư cho năng lượng tái tạo là đầu tư cho tương lai. Khu vực sông Mekong là một trong những khu vực đa dạng sinh học phong phú nhất trên thế giới. Đây cũng là một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu. Đồng thời, khu vực sông Mekong có một số quỹ đất và tài nguyên thiên nhiên thích hợp nhất cho năng lượng tái tạo – dồi dào nắng và gió. Nếu có những thay đổi chính sách đúng đắn, năng lượng tái tạo có thể mở rộng hơn nữa, góp phần tạo ra an ninh năng lượng sạch thúc đẩy đổi mới, việc làm và tăng trưởng bền vững (Xem chi tiết tại đây).
B –  PANEL DISCUSSION
Chủ đề: Những triển vọng mới thúc đẩy phát triển cho đồng bằng, với các diễn giả: ông Vũ Bá Phú– Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại – Bộ Công thương; Bà Trương Thị Lệ Khanh – Chủ tịch Công ty Vĩnh Hoàn; Bà Bùi Kim Thùy – Đại diện Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-Asean; Tiến sĩ Đặng Kim Sơn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường và Thể chế Nông nghiệp; Ông Phạm Phú Trường – Giám đốc Điều hành Tổ chức VBI Fast Track.
Các chủ điểm thảo luận: Kinh tế tuần hoàn để hội nhập và phát triển bền vững + Tận dụng các Hiệp định thương mại tự do, bước vào chuỗi giá trị toàn cầu + Chuyển đổi để phát triển nông nghiệp ĐBSCL theo hướng bền vững và hiệu quả +  Xu hướng chọn lọc nhà đầu tư cho giai đoạn phát triển của ĐBSCL + Hoạt động xúc tiến thương mại trong bối cảnh thực thi các FTA mới.
C –  PHIÊN THẢO LUẬN TỔ BUỔI CHIỀU CỦA 4 TỈNH
  1. Phiên An Giang: Công nghiệp hóa sản xuất kinh doanh nông nghiệp-góc nhìn OCOP: 10 điểm chốt trong hội thảo.
  • Quan trọng nhất là chọn công nghệ, công nghệ không có gì là ghê ghớm mà là tích hợp, kết nối nguồn lực và hoàn thiện hệ thống theo những chuẩn mực và nhu cầu thị trường.
  • Chủ thể OCOP phải kiên trì sáng tạo, tự tin, chấp nhận rủi ro trong mọi tình huống, trong mọi khó khăn, thậm chí phải nghĩ tới thị trường xa hơn. Trong điều kiện của An Giang phải nghĩ tới thị trường Lào, Campuchia, Thái Lan.
  • Sản phẩm OCOP được chấm sao, nhưng làm gì để xúc tiến thương mại? Các chủ thể cần quan tâm tới phát triển sức cạnh tranh, phát triển cộng đồng… đặc biệt nhấn mạnh tới vai trò ngoại ngữ như cầu nối. Có ngoại ngữ sẽ thuận lợi hơn trong việc thâm nhập kinh tế quốc tế, thị trường toàn cầu( tiếng Hoa, tiếng Nhật, tiếng Khmer), đặc biệt là tiếng Anh thương mại.
  • Các chủ thể OCOP hiện nay đang quan tâm tới sản phẩm là chính. Về lâu dài, cần nâng cao kỹ năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, xem đó là cách nâng tầm chiến lược.
  • Các chủ thể cần biết mình đạt tiêu chuẩn hay không, thích hợp thị trường nào – Eurofines có chương trình tư vấn, kiểm định, kiểm soát chi phí logistic, đồng hành với các chủ thể OCOP các trang trại, các hợp tác xã , các Start up.
  • Sản phẩm du lịch + OCOP; nông sản đặc hữu + dịch vụ; Tài nguyên + văn hóa địa phương- nhân văn đòi hỏi vai trò của con người được đào tạo: Kỹ năng, năng lực sáng tạo, mỹ thuật… để phát triển sản phẩm du lịch thay vì chỉ đào tạo kỹ năng phục vụ như hiện nay, cần đào tạo kỹ năng ứng dụng CNTT, giao dịch khách hàng, chào bán sản phẩm.
  • Hữu cơ vi sinh và nông nghiệp sinh học phải trở thành giá trị cốt lõi trong các sản phẩm du lịch OCOP của tỉnh An Giang.
  • Hoạt động OCOP có tính cộng đồng tại Mekong Connect 2020 hoạt động xúc tiến quảng bá ABCD đã được ký kết, cần có kế hoạch hành động lâu dài và thường xuyên, không chỉ là 5 điểm mà cần phát triển nhiều hơn nữa.
  • Các địa phương ABCD cần kết nối, lồng ghép các chương trình OCOP với những chương trình khác.
  • An Giang sẽ hợp tác VNPT hoặc Viettel phát triển sàn thương mại điện tử (TMĐT) và sẽ hợp tác phát triển thêm nhiều thành viên khác để gia tăng sản phẩm trên sàn TMĐT. Đặc biệt, nên mở rộng mối quan hệ hợp tác với các tham tán thương mại, các Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài.
  1. Phiên Bến Tre: Xây dựng và phát triển thương hiệu địa phương gắn với Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo
  • Điểm đến chung nhất mà tất cả các diễn giả đều đặt ra, đó là: “Xây dựng phát triển thương hiệu – đổi mới sáng tạo – ứng dụng KHCN – gắn với thị trường”.
  • Theo cách đặt vấn đề đó, một chiến lược thương hiệu đúng hướng là con đường ngắn nhất giúp doanh nghiệp tiếp cận với khách hàng trong nước cũng như quốc tế, giúp doanh nghiệp ghi được dấu ấn trong tâm trí khách hàng, khẳng định được vị thế của doanh nghiệp trên thương trường. Và hãy bắt đầu từ “Sở hữu trí tuệ”, bởi đó là thứ tài sản lớn nhất của doanh nghiệp, của địa phương và cao ơn nữa là của quốc gia. Sở hữu trí tuệ là cách hữu hiệu tạo ra hình ảnh, giá trị, uy tín, giá trị sử dụng, giá trị gia tăng cho hàng hóa, sản phẩm. Đó là con đường tạo ra thương hiệu.
  • Các doanh nghiệp, địa phương phải duy trì được danh tiếng, chất lượng đặc thù của sản phẩm đặc sản, nhất là các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận.
  • Liên quan đến định hướng xây dựng thương hiệu sản phẩm, doanh nghiệp, tỉnh cần hình thành những lĩnh vực, nhóm sản phẩm chủ lực mang thương hiệu của tỉnh để đăng ký ra nước ngoài, các doanh nghiệp sẽ sử dụng thương hiệu này (với tên riêng của công ty) để đưa sản phẩm đặc sản của tỉnh ra thị trường quốc tế ngày một tốt hơn.
  • Trong điều kiện hiện nay, muốn phát triển và hội nhập thì phải đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ. Phải nhanh chóng tìm hiểu, bắt kịp những xu hướng phát triển KHCN, nhanh chóng thực hiện các hoạt động bảo hộ, khai thác tài sản trí tuệ, khai thác thông tin sở hữu công nghiệp trong từng khâu của chuỗi giá trị nông sản để cải tiến kỹ thuật, đầu tư sâu rộng thì mới có thể nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển thị trường, đáp ứng yêu cầu cao đối với thị trường quốc tế.
  1. Phiên Cần Thơ: “Quy hoạch và phát triển nguồn lực mới ở vùng ĐBSCL”. Theo đó, Kế hoạch hành động trong giai đoạn sắp đến Cần Thơ đề xuất trong giai đoạn hiện nay và sắp tới:
  • Dịch vụ: Hậu cần – logistic nhằm trở thành HUB của khu vực ĐBSCL + Chăm sóc sức khỏe + Du lịch đẳng cấp khu vực và quốc tế + Giáo dục – Tài chính thương mại và xúc tiến thị trường.
  • Phát triển nguồn nhân lực: hậu cần – logistic từ cơ bản đến nâng cao và từ lao động phổ thông đến lao động tay nghề cao.
  • Khoa học công nghệ: Nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao + Sử dụng nguồn năng lượng tái tạo và năng lượng sạch mục tiêu + Giảm chi phí cho sản phẩm + Bảo vệ môi trường.
  • Chính sách hỗ trợ từ nhà nước: Liên kết vùng: Khuyến khích đầu tư phát triển vận tải thủy + Thủ tục hải quan + Đào tạo trong lĩnh vực hậu cần – logistic + Tài chính lãi suất cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.
  1. Phiên Đồng Tháp: Chuyển đổi số và liên kết chuỗi trong nông nghiệp.
  • Đồng Tháp có 100 hội quán nông dân với hơn 5.800 hội viên – đây là thành phần nòng cốt trong chuyển đổi số và liên kết chuỗi trong nông nghiệp. Tuy nhiên, gần như một điểm chung của 9,8 triệu nông hộ ở Việt Nam là tư duy “làm lén, không chịu làm lớn” bởi khi làm quy mô rộng và quy mô lớn thì mọi thứ phải minh bạch. Sản phẩm nông nghiệp cần qua 13 khâu từ nông dân, chành vựa, thương lái rồi đến nhà xuất khẩu hay người tiêu dùng. Tình trạng tranh mua tranh bán khiến sản phẩm không rõ ràng, không thể truy xuất nguồn gốc. Mỗi nông dân giờ là thương nhân với chỉ một smart phone do trong nước sản xuất có thể “sành điệu công nghệ” trong sản xuất nông nghiệp. Các ứng dụng trên smartphone có thể cung cấp “nhật ký điện tử” mà nông dân không thể chỉnh sửa, dễ theo dõi quá trình sản xuất và truy xuất nguồn gốc.
  • Một sự liên kết công nghệ hay nền tảng kết hợp nông dân với chính quyền, đơn vị cung cấp giải pháp, công ty thu mua và người tiêu dùng là quan trọng. Dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo và Internet vạn vật ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp tạo nên thế mạnh cho đồng bằng.
  • Vì thế, cần phải có mô hình thích hợp, công nghệ tương ứng, cùng với việc nông dân phải thay đổi tư duy “không làm lén nữa, mà làm lớn”. Thêm vào đó, cần phải có các chính sách hỗ trợ từ chính phủ và chính quyền các cấp. Và cuối cùng tỉnh phải xây dựng lộ trình ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để có chiến lược vận hành thích hợp.
D- CHƯƠNG TRÌNG SONG HÀNH THỨ 2 VỚI CHƯƠNG TRÌNH CHÍNH: TƯ VẤN XUẤT KHẨU NÔNG SẢN VÀ KẾT NỐI (ON-OFF) VỚI CÁC THƯƠNG NHÂN VÀ THỊ TRƯỜNG QUỐC TẾ.
Song song với Diễn đàn chính “Đưa sản phẩm dịch vụ Đồng bằng Sông Cửu Long vào chuỗi giá trị toàn cầu”, Ban tổ chức thiết kế chương trình “Tư vấn về xuất khẩu nông sản và kết nối ON-OFF với các thị trường”.
BUỔI SÁNG:
PHẦN 1: TƯ VẤN VỀ XUẤT KHẨU NÔNG SẢN.
Với chương trình tư vấn, có 2 panel báo cáo cho mọi người hỏi. Panel 1: Tư vấn về tiêu chuẩn quốc tế (làm sao để khỏi rớt “từ vòng gửi xe” và Panel 2: những vấn đề “lắt léo” và kinh nghiệm xuất khẩu nông sản đến các thị trường lớn: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Úc, Hà Lan…
Có khoảng 100 người tham dự, đa số là các nông dân của các hợp tác xã (HTX), ban quản lý các HTX và các doanh nghiệp nông nghiệp.
Tại buổi tọa đàm về tiêu chuẩn, có 5 chuyên gia tham gia nhóm các diễn giả trình bày gồm:
– Ông Phạm Việt Anh, đại diện của tổ chức tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP;
– Bà Nguyễn Kim Thanh, chuyên gia về chuỗi giá trị nông nghiệp, tư vấn về tiêu chuẩn Local GAP;
– Bà Ngô Thị Thu Hà, chuyên gia của tổ chức “HVNCLC-Chuẩn hội nhập” BSAS, tư vấn về tiêu chuẩn chuyên về chế biến nông sản HACCP;
– Đại diện của tổ chức Bureau Veritas, tư vấn về việc đáng giá chứng nhận các tiêu chuẩn quốc tế;
– Ông Nguyễn Huy, đại diện tổ chức tiêu chuẩn Eurofins, tư vấn về vấn đề xét nghiệm & dư lượng thuốc trừ sâu.
Nhiều câu hỏi được các HTX nêu về cách đạt chứng nhận các tiêu chuẩn, các khó khăn gặp phải khi tham gia việc xin cấp các chứng nhận.  Cũng có một số câu hỏi cũng là yêu cầu cụ thể, cần xây dựng tiêu chuẩn thế nào cho bưởi, cần kiểm định cho mật ong ra sao, cần chế biến trái cam, trái bưởi sao cho hợp thị trường?
Câu chuyện tiếp nối về “Kinh nghiệm xuất khẩu nông sản đến các thị trường lớn”, với 3 vị doanh nhân Ông Nguyễn Lâm Viên – Tổng giám đốc Vinamit, ông Nguyễn Đình Tùng – Tổng giám đốc Vina T&T và ông Nguyễn Ngọc Luận – Tổng giám đốc Công ty Liên kết thương mại toàn cầu với thương hiệu cà phê trái cây đang được ưa thích Meet More.
a/ Một số tình hình thực tế khó giải quyết về nguồn hàng xuất khẩu: sản lượng và chất lượng của nông dân hiện chưa đủ sức thuyết phục cho nên phải chăng cần có sự trợ giúp và can thiệp của nhà nước và cần kiểm soát được nguồn, hành động mạnh hơn để doanh nghiệp xuất khẩu bị phạt do bán hàng không đúng.
b/ Nông pháp sinh học thì hay nhưng bản thân doanh nghiệp khó thực hiện do phải tự lực và ít được trợ lực của nhà nước, vậy giờ phải làm gì?
c/ Vinamit, Vina T&T, nên chăng hợp tác phát triển sản phẩm sinh học, sản phẩm hữu cơ đưa về SG, xem đây là hình mẫu để sản xuất hữu cơ ?
Hiện nay, rất cần sân chơi chung như hội quán hay một mô hình bán hàng chung như Organic town mà Hội Doanh nghiệp HVNCLC và Công ty Vinamit cùng làm. Tức là sau những kết nối như hôm nay cần có hành động cụ thể để kết nối phát triển hiện thực, đem lại lợi ích .
PHẦN 2: 82 CUỘC KẾT NỐI THỊ TRƯỜNG.
Ban tổ chức đếm được 82 cuộc kết nối đã diễn ra thông qua 4 máy tính có đường truyền đủ mạnh. Kết nối đến Hà Lan, Úc, Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Cuba… và cả trong nội địa Việt Nam với nhau. Các lượt kết nối online tiếp cận trực tiếp với các nhà mua hàng ở Mỹ, Úc và Trung Quốc. Quan tâm đến sản phẩm nông sản Việt, qua xem xét cụ thể, người bán bớt bỡ ngỡ trước các yêu cầu của người mua. Các lượt kết nối trực tiếp với Hà Lan, Úc, Mỹ chỉ mới dừng ở việc hẹn nhau làm việc tiếp nhưng cũng thể hiện được quyết tâm của người dân và doanh nghiệp đồng bằng trong việc biến kết nối của Mekong Connect 2020 thành hiện thực.
Các chuỗi cửa hàng thực phẩm trong nước cũng tìm được các mặt hàng mới, chưa từng bán trong chuỗi kinh doanh của mình…
E- HOẠT ĐỘNG CỦA CHƯƠNG TRÌNH 3 :(DÀNH CHO) KHỞI NGHIỆP NÔNG NGHIỆP.
Trong khi diễn ra Mekong Connect, 40 thành viên của Cộng đồng này từ các tỉnh thành trên cả nước đã về Đống Tháp, tham dự Mekong Connect với các hoạt động sau:
– Trưng bày tại khu triển lãm dành cho Khởi nghiệp.
– Giao lưu 3 chuyên gia tư vấn Đổi mới sáng tạo (Nguyễn Phi Vân,  Lê Diệp Kiều Trang và Trương Gia Bảo) vào trưa ngày 21/12/2020.
– Chương trình tham quan và giao lưu, tập huấn nốitếp ngay sau Mekong Connect: Tiếp nối chương trình Mekong Connect, 45 bạn trẻ (khởi nghiệp nông nghiệp) và 5 chuyên gia đã cùng nhau đến khu du lịch Việt Mekong 2020  (gần Khu Vườn Quốc gia Tràm Chim ở Tam Nông ). Trong số các bạn tham gia chương trình này, có 3 Quán quân, Á Quân các cuộc thi Dự án khởi nghiệp SKC (do TT BSA tổ chức) của các năm 2018, 2019 và 2020 (quán quân 2018, Võ Văn Phong, công ty C2T; quán quân 2019, Ngọc Hương – công ty  bột rau má Quảng Thanh và quán quân 2020, Phạm Đình Ngãi, Tổng giám đốc Công ty Sokfarm… ).
Các diễn giả và các chủ dự án đã phát biểu và giao lưu gồm có:
–           Nữ doanh nhân Kim Hằng, Giám đốc Công ty Yes Huế chia sẻ về Kinh nghiệm xuất khẩu được nông sản trong giai đoạn dịch Covid bùng phát mạnh
–           Bạn Phạm Ngọc Anh Tùng, CEO- Sáng lập Sàn Thương mại điện tử Foodmap nói về Kinh nghiệm tổ chức một sàn thương mại điện tử và vấn đề “kết nối để tạo sự chú ý của người tiêu dùng;  kinh nghiệm xử lý khủng hoảng”.
–           Anh Nguyễn Võ Kim Khôi – Giám đốc Khu du lịch Vàm Sát nói về các yếu tố cốt lõi cần chú ý trong công trình du lịch sinh thái: Văn hóa là công cụ để giao tiếp, từng sản phẩm đều có tiếng nói riêng. Người làm du lịch phải chú ý các yếu tố tài nguyên thiên nhiên, gắn với tài nguyên – văn hoá bản địa  và quan trọng là yếu tố con người.
–           Anh Vũ Trung Hoà, Giám đốc công ty trà Thái Hưng, chuỗi cửa hàng cung ứng Nông sản Nhà quê – Cố vấn chương trình OCOP của VP Nông thôn mới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
  • Khi làm ra sản phẩm phải xem tình khả thi và khả năng tiêu thụ sản phẩm có tốt không, nếu không tốt phải xem lại. Có thể tính chuyện chuyển sang làm sản phẩm khác hoặc hợp tác với người khác để tăng thêm nguồn lực, tài chính. Về sản phẩm, khi làm thì phải chú ý đến những yêu cầu bắt buộc khi đưa sản phẩm ra thị trường như làm các mã vạch minh bạch nguồn gốc sản phẩm, bảo hộ các thông tin, logo sản phẩm…
  • Chú ý phân khúc thị trường, và phải thường xuyên làm mới sản phẩm nếu không muốn tự đánh mất thị phần của mình.
  • Chọn team. Phải chú ý chọn người phù hợp với mục tiêu phát triển của doanh nghiệp.
–           Phó GS- TS Đàm Sao Mai, Hiệu phó Trường Đại học Công nghệ  Tp HCM:  Lưu ý những vấn đề bắt buộc phải có khi làm sản xuất và chế biến sản phẩm.
F –  MỘT CUỘC TRAO CHỨNG NHẬN “HVNCLC-CHUẨN HỘI NHẬP” VÀ 2 CUỘC KÝ KẾT TẠI MEKONG CONNECT 2020.
  1. Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao trao chứng nhận “HVNCLC – Chuẩn hội nhập” cho 13 doanh nghiệp trong đó, có 6 doanh nghiệp Thực phẩm và 7 doanh nghiệp Phi thực phẩm.
Chương trình “HVNCLC-Chuẩn hội nhập” (với logo xanh lá) là chương trình lớn mà Hội doanh nghiệp HVNCLC đã thực hiện 4 năm qua, từ 2016; song hành với chương trình cũ vẫn tiếp diễn là “HVNCLC do người tiêu dùng bình chọn” (với logo đỏ) từ 1996 đến nay.
  1. Bốn tỉnh ABCD Mekong và Trung tâm BSA cùng ký ghi nhớ về “Phối hợp trưng bày và kết nối thương mại các sản phẩm đặc trưng của tỉnh”.
  2. Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp và Học viện Nông nghiệp Việt Nam ký kết: “Chiến lược Phát triển nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đến năm 2030, tầm nhìn 2050” và “Đề án Phát triển nền nông nghiệp xanh, giá trị gia tăng cao và thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Đồng Tháp”.
III – TRUYỀN THÔNG
–           Gần 200 tin bài (báo chí – phát thanh – truyền hình) trước trong và sau sự kiện, trên: như THVL, TTXVN, VTV, VnExpress, Tuổi Trẻ, VietnamFinance, Thanh Niên, Dân Trí, Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn, Lao Động, Pháp Luật TP.HCM, VOH, VOV, HTV, bốn đài của các tỉnh ABCD… và các fanpage của cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài như AmCham.
IV –  ĐÁNH GIÁ MEKONG CONNECT 2020.
  1. Hiệu ứng
–      Mekong Connect 2020 diễn ra ngày 21/12 tại Cao Lãnh, Đồng Tháp đến nay, có nhiều ý kiến cho rằng: đây là sự kiện thành công nhất và quy mô nhất trong 5 lần tổ chức. Tuy nhiên, lãnh đạo các tỉnh và Hội DN.HVNCLC (Trung tâm BSA) đã dành nhiều quan tâm, và các nhóm công tác thực thi của bốn tỉnh An Giang, Bến Tre, Cần Thơ và Đồng Tháp và Trung tâm BSA đã nỗ lực hết mức để tổ chức diễn đàn thành công trọn vẹn.
–      Năm nay, Diễn đàn diễn ra sau khi VCCI công bố Bản báo cáo kinh tế thường niên Đồng bằng Sông Cửu Long đầu tiên chỉ một tuần và báo cáo này được thực hiện công phu, độc giả đồng bằng và cả nước cũng quan tâm hơn đến tình hình phát triển kinh tế xã hội của ĐBSCL. Các vấn đề về “an ninh lương thực” được nêu liên tục trên TBKTSG Online, bài phát biểu khai mạc của Thứ trưởng Lê Minh Hoan trên CafeBiz, bài về năng lượng tái tạo của Giám đốc điều hành AmCham Mary Tarnowka là những bài được (đo cụ thể) là có người đọc nhiều nhất. Sự xuất hiện của các chuyên gia kinh tế hàng đầu như bà Phạm Chi Lan và TS. Lê Đăng Doanh, TS Đặng Kim Sơn cũng thu hút sự chú ý của truyền thông.  Sự khác biệt năm nay là các phiên thảo luận của các tỉnh được giới truyền thông tham gia đến giờ chót đến hết buổi chiều rồi sau đó, đăng nhiều bài tường thuật, chứng tỏ sức hút về nội dung của chính diễn đàn (các diễn đàn khác làm trọn ngày thì báo chí thường chỉ dự một buổi).
–      Đo hiệu quả trên không gian số: Các từ khóa Mekong Connect và Mekong Connect 2020 là những tài sản số đã được BSA duy trì suốt 5 năm qua trên không gian mạng. Qua thời gian, kết quả tìm kiếm search Google của từ khóa Mekong Connect tăng dần. Nếu như khi tìm từ khóa Mekong Connect 2015 trên Google, kết quả tìm kiếm chỉ là 714.000 thì với từ khóa Mekong Connect 2020 cho ra đến 1.754.000 kết quả. Riêng từ khóa Mekong Connect (nói chung, không kèm năm) thì thời điểm diễn ra Mekong Connect 2020, đã cho một kế quả tìm kiếm kỷ lục: hơn 3 triệu kết quả. Khối tài sản số này sẽ tiếp tục tăng dần theo năm nếu cơ quan truyền thông của Mekong Connect (lâu nay là BSA Media) tiếp tục nuôi dưỡng và các thành viên đóng góp, quan tâm khai thác.
  1. Kết luận. Xin nêu ra 4 điểm sau đây:
2.1/ Về Ý nghĩa thực chất và vai trò của “Connect-Kết nối”. Sau một năm 2020, đại dịch Covid 19 hoành hành, hiện vẫn khiến các châu lục, các nền kinh tế lớn bị “phong tỏa”, cắt liên lạc toàn cầu, chuỗi cung ứng bị đứt gãy nghiêm trọng thì từ Kết Nối (Connect) càng có ý nghĩa quan trọng hơn bất cứ lúc nào. Mekong Connect thực sự đã kết nối các tỉnh đồng bằng cùng doanh nghiệp cả nước, mở rộng ra các nước, thị trường thế giới; kết nối nông dân và doanh nghiệp và khởi nghiệp; nhà nghiên cứu với nhà đầu tư, nhà làm chính sách…trong ý nghĩa thực chất chứ không phải theo kiểu cách hình thức hay hành chánh. Chỉ có một ngày, mà có 3 chương trình chạy song hành và tận dụng tất cả hình thức kết nối có thể (triển lãm, hội thảo, tư vấn chung, tư vấn 1-1, thảo luận nhóm kiểu panel discussion, kết nối thị trường cả on lẫn off, chứng tỏ trình độ tổ chức thực hiện của Mekong Connect đã thực sự có nâng lên và thực hành tốt.
Chính chủ đề Diễn đàn: tham gia chuỗi giá trị toàn cầu cũng bao hàm ý nghĩa của Connect. Vì vậy, có thể nói, từ hình thức đến nội dung của Diễn đàn năm nay là đúng xu thế phát triển của thế giới.
2.2/ Các triển vọng, giải pháp, mô hình mới đã được đưa ra mạnh mẽ tại Diễn đàn năm nay, dù ĐBSCL đang đối mặt nhiều khó khăn, Diễn đàn đã nhận định, đưa ra các triển vọng, giải pháp, mô hình mới theo kịp xu thế phát triển của một thế giới đang thay đổi. Định hướng phát triển bền vững, vì nền kinh tế xanh lam, vì con người, bảo vệ thiên nhiên thể hiện trong hầu hết cuộc thảo luận. Các mô hình: kinh tế tuần hoàn; triển khai năng lượng tái tạo; xây dựng kinh tế nông nghiệp theo mô hình chuyển đổi số và liên kết; chuẩn hóa nông nghiệp theo mô hình thực phẩm an toàn + bảo vệ thiên nhiên; Thúc đẩy đầu tư tư nhân có chọn lọc để triển khai tái cấu trúc nông nghiệp; Ứng dụng thương mại điện tử đi kèm tận dụng các hiệp định thương mại tự do quan trọng…Các cuộc thảo luận từ diễn đàn chung (buổi sáng) đến thảo luận của từng tỉnh đã đưa ra các giải pháp có chiều sâu và tính thực tiễn.
2.3/ Ngay sau diễn đàn, là Chuỗi hành động tiếp tục thực thi những điều được quan tâm và ký kết: 2 cuộc ký kết và một loạt hoạt động đang tiến hành về Chuẩn hội nhập (BSA đang hỗ trợ các tỉnh ĐBSCL xây dựng các tiêu chuẩn cơ bản để xuất khẩu nông sản (Localgap, HACCP, GlobalGap…) đã có cơ sở rõ rệt để triển khai ngay sau Mekong Connect.
Nhìn chung, công cuộc Chuyển đổi số ở 4 tỉnh và trong cộng đồng DN.HVNCLC đang tiếp tục, có những cam kết cụ thể hơn sau ký kết, trong đó, hoạt động Thương mại hóa (kết nối bán hàng trên thị trường nội địa và xuất khẩu) có cơ sở để hợp tác chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn. Nếu lãnh đạo các tỉnh và của Hội DNHVNCLC (Ban chấp hành Hội và Ban chủ nhiệm Câu Lạc Bộ doanh nghiệp Dẫn đầu) quan tâm đúng mức thì chương trình số hóa, chuẩn hóa và thương mại hóa sẽ tiến nhanh hơn và có hiệu quả đồng bộ hơn trước.
2.4/ Có thể và nên Mở rộng diễn đàn ra thành Mekong Connect ++ và toàn đồng bằng Sông Cửu Long, kết nối với toàn quốc.
Năm nay, lần đầu tiên VCCI Việt Nam tham gia sâu với Diễn đàn, tạo điều kiện cho VCCI Cần Thơ gắn bó hơn với Diễn đàn. Các tổ chức đại diện doanh nhân quốc tế cũng tham gia tích cực. Cũng lần đầu tiên, 3 Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Công Thương cũng quan tâm chia sẻ về nội dung, cùng hứa hẹn chuẩn bị các chương trình hợp tác cụ thể ngay sau diễn đàn.
Đó là những cơ sở có ý nghĩa cho việc mở rộng diễn đàn về qui mô số địa phương, Bộ Ngành, doanh nhân toàn quốc và quốc tế . Việc mở rộng sao cho có tính khả thi, có lợi ích cho ĐBSCL và nền kinh tế nói chung cần được thảo luận sớm để kịp chuẩn bị cho năm 2021 và các năm tới./.
Báo cáo nhật ký qua hình ảnh: Tại đây
BSA Media