Mekong Connect 2021 có chủ đề: Phục hồi Kinh tế và liên kết phát triển trong bình thường mới
- Thời gian: Ngày 17 tháng 12 năm 2021
- Địa điểm: Hội trường Thống nhất, TP.HCM
https://www.youtube.com/watch?v=H1K7v17oOCI&t=390s
Đề dẫn
Ra đời từ sáng kiến của mạng lưới liên kết cấp vùng ABCD Mekong (An Giang – Bến Tre – Cần Thơ – Đồng Tháp), được phối hợp tổ chức bởi Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao và lãnh đạo 4 địa phương và sự hỗ trợ của Câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu (LBC).
Diễn đàn Mekong Connect là hoạt động thường niên dành cho doanh nhân, nhà quản lý chính quyền, các chuyên gia trong ngoài nước và các đối tượng có mối quan tâm và lợi ích liên quan đến ĐBSCL.
Đại dịch tồi tệ vẫn luôn ám ảnh, chủ đề Mekong Connect 2021: “Phục hồi Kinh tế và liên kết phát triển trong bình thường mới” do Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, Uỷ ban Nhân dân TP.HCM, Bộ Khoa học & Công nghệ đồng chủ trì; Sở Công thương TP.HCM, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao và VCCI Cần Thơ phối hợp thực hiện; Trung tâm BSA điều phối – Lần đầu tiên Mekong Connect được tổ chức tại TP.HCM, đánh dấu bước phát triển mới trong việc mở rộng liên kết TP.HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL của Diễn đàn.
Thành phần tham dự:
- Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghê; Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn.
- Lãnh đạo TPHCM và các tỉnh thuộc khu vực Đông và Tây Nam bộ
- Các Chính khách, nhà khoa học, các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực, nhiều Viện nghiên cứu, trường Đại học…
- Chủ doanh nghiệp, CEO, CFO…
- Giám đốc các bộ phận, quản lý cấp trung của doanh nghiệp.
- Các nhà đầu tư trong lĩnh vực: nông nghiệp, công nghệ, xuất nhập khẩu…
- Các startup đang muốn phát triển sản phẩm liên quan đến vùng Mekong.
- Các doanh nghiệp tại vùng Mekong muốn phát triển thị trường.
- Các nhà mua hàng quốc tế, các kênh phân phối đa quốc gia.
CÁC TUYẾN HOẠT ĐỘNG CHÍNH
- Diễn đàn Thành phố Hồ Chí Minh liên kết với các tỉnh đồng bằng, cùng phát triển bền vững.
- Diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm đầu tư lĩnh vực nông nghiệp của doanh nghiệp nước ngoài.
- Ký kết các thỏa thuận hợp tác.
CÁC HOẠT ĐỘNG THỰC CHIẾN
- Hoạt động của Chương trình Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao – Chuẩn Hội Nhập: Tư vấn, hướng dẫn về tiêu chuẩn. Giới thiệu các Quy chuẩn, tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế về nông sản, thực phẩm.
- Chuyên gia tư vấn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp về tiêu chuẩn, qui chuẩn, công nghệ chế biến nông sản…
- Báo cáo cho doanh nghiệp và nông dân: Diễn biến thị trường và sức mua sau mùa dịch – Đại diện Kantar VN.
- Giao lưu với các gương mặt doanh nông trẻ trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo SKC.
PHIÊN THẢO LUẬN CHUYÊN ĐỀ
- Phát huy mạng lưới y tế cơ sở trong công tác phòng chống dịch COVID-19 và đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
- Phục hồi kinh tế và chuỗi cung ứng hàng hoá giữa TP.HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL.
- Nguồn lực cho ngành nông nghiệp và ĐBSCL.
- Chính sách và các vấn đề liên kết giữa TP.HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL.
CÁC CHỦ ĐIỂM KHÁC
- Triển lãm sản phẩm của doanh nghiệp đạt Chuẩn hội nhập.
- Triển lãm thiết bị, máy móc, công nghệ nông nghiệp của Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long.
- Triển lãm sản phẩm chủ lực của Thành phố Hồ Chí Minh.
- Triển lãm sản phẩm đặc trưng, OCOP của các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long, sản phẩm doanh nghiệp khởi nghiệp.
PHÁT BIỂU CỦA CÁC LÃNH ĐẠO
-
Ông Lê Minh Hoan Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp – Phát triển Nông thôn chỉ ra rằng về tư duy liên kết vùng, 13 tỉnh, thành Tây Nam Bộ vẫn đang làm bài toán chia. Nếu xem ĐBSCL là một thực thể kinh tế chứ không phải địa giới hành chính 13 tỉnh, thành thì mọi việc sẽ khác. TP HCM có rất nhiều chương trình hợp tác với các địa phương miền Tây- “Sao không hợp tác cả ĐBSCL với TP HCM và miền Đông?”. Đã đến lúc quan tâm nhiều hơn đến thương hiệu vùng và thương hiệu quốc gia, chuyển từ mục tiêu “đơn giá trị” sang “tích hợp đa giá trị”. ĐBSCL không thiếu đất mà đang thiếu tầm nhìn để cho kinh tế nông thôn phát triển. Vì vậy, các tỉnh, thành cần định vị lại nông thôn mới, nâng cao năng lực cho địa phương. Lãnh đạo ngành nông nghiệp địa phương là người kết nối vòng tròn những mối quan hệ. Trong đó, cần lưu ý việc kết nối người nông dân với doanh nghiệp. Một nền nông nghiệp không cùng nhau hành động tập thể sẽ khó phát triển, phải cùng nhau định nghĩa, định vị lại, phải quan tâm tới “hợp tác và liên kết”.
-
Ông Trần Văn Tùng,Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, cho rằng: với chủ đề Phục hồi kinh tế và liên kết phát triển trong bình thường mới, “ĐBSCL trong bối cảnh liên kết với TP.HCM, hay liên kết với Vùng Đông Nam Bộ, với các vùng, miền, lãnh thổ khác, đổi mới sáng tạo mở có thể là 1 giải pháp để huy động tối đa các nguồn lực nhằm phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của Vùng. Bản thân Diễn đàn này có thể coi là 1 cấu phần quan trọng, góp phần xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở của Vùng, từng bước tạo dòng chảy tri thức trong môi trường kinh tế – xã hội của Vùng”.
-
Ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân TP.HCM: Mối liên kết để cùng phát triển giữa TP.HCM và ĐBSCL đã và đang là nhu cầu cấp thiết. Nhìn lại những giai đoạn khó khăn nhất, chống chọi với dịch bệnh COVID-19 của TP.HCM và các tỉnh, thành đồng ĐBSCL vừa trải qua, nhiều tổn thương, hy sinh, mất mát và cả những ảnh hưởng nặng nề trên các mặt kinh tế- xã hội. Đến nay, khi dịch bệnh được cơ bản kiểm soát, tất cả vẫn cùng làm một công việc quan trọng – vừa cố gắng duy trì kiểm soát dịch, vừa lo phục hồi kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội bền vững. Đặc biệt, hai cụm từ “phục hồi” và “liên kết” đã nói lên quyết tâm mạnh mẽ của các tỉnh, thành phố về sự liên kết hợp lực, tạo sức mạnh đưa kinh tế Vùng và các địa phương phát triển sau những khó khăn do tác động của dịch COVID-19. Trong quá trình phát triển kinh tế của mình, TP.HCM luôn đánh giá cao mối liên kết với các tỉnh, thành ĐBSCL. Với “địa kinh tế” của khu vực Mekong, dồi dào nguồn tài nguyên năng lượng tái tạo, có lợi thế phát triển kinh tế biển, có hệ sinh thái khởi nghiệp mạnh, còn TP.HCM là trung tâm thương mại lớn của cả vùng với 80% nguồn cung cho thị trường đến từ Đồng bằng. Thành phố và các tỉnh, thành ĐBSCL sẽ có sự liên kết với nhau một cách chặt chẽ hơn nữa. Mối liên kết này sẽ giúp cùng xây dựng những cơ chế, chính sách thu hút và thúc đẩy đầu tư, phát triển mang tính liên vùng, khai thác thật tốt tiềm năng, thế mạnh nông nghiệp của Vùng, huy động cao nhất các nguồn lực bên trong và bên ngoài, sớm mang lại hiệu quả thiết thực trong phát triển kinh tế – xã hội bền vững.
PHẦN I – TUYẾN HOẠT ĐỘNG CHÍNH
Chương trình buổi sáng:
Lễ khai mạc
Panel 1: Thành phố Hồ Chí Minh liên kết với các tỉnh đồng bằng, cùng phát triển bền vững.
Cuộc đối thoại giữa chính quyền thành phố Hồ Chí Minh với tổ chức nghiên cứu và doanh nghiệp về tầm quan trọng của việc kết nối giữa thành phố với đồng bằng trong bối cảnh nền nông nghiệp đang thay đổi với những định hướng mới: vừa phát triển theo kinh tế tuần hoàn vừa bảo vệ môi trường, hệ sinh thái và đa dạng sinh học.
Câu hỏi đặt ra cho chính quyền thành phố:
- Tại phiên họp trù bị của các nhóm chuyên gia Mekong Connect, TS Nguyễn Đình Cung cho rằng: điều cần nhất để hồi phục kinh tế sau dịch là sự nhất quán của chính sách mở cửa kinh tế của vùng, bao gồm 3 yếu tố: nhất quán, chắc chắn và có thể tiên liệu được.
- Ông nghĩ gì về nhận định này, và chúng ta có đang hướng về mô hình liên kết vùng để có các chính sách chung không?
- Ông Võ Văn Hoan – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM.
Câu hỏi đặt ra cho đại diện Liên minh tái chế bao bì Pro.VN:
- Với vai trò đại diện Liên minh tái chế bao bì Pro.VN, ông đang nhìn câu chuyện liên kết vùng giữa TP.HCM và các tỉnh ĐBSCL như thế nào?
- Với vai trò là doanh nghiệp dẫn đầu ngành nhựa,ông thấy có sự khác biệt nào không? Kỳ vọng về liên kết vùng sẽ tạo động lực gì cho doanh nghiệp?
- Ông Lê Anh – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Nhựa Duy Tân.
Câu hỏi đặt ra cho Viện Phát triển Kinh tế tuần hoàn:
- Có 1 từ rất quan trọng trong liên kết vùng và kinh tế tuần hoàn là “mindset”. Ông có thể chia sẻ thêm về khái niệm này.
- Vì sao kinh tế tuần hoàn là xu thế quan trọng nhất trong phát triển kinh tế bền vững.
- Vai trò của nhà nước và doanh nghiệp như thế nào trong xu thế này?
- Ông Nguyễn Hồng Quân – Viện trưởng Viện Phát triển Kinh tế Tuần hoàn.
Panel 2: Diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm đầu tư lĩnh vực nông nghiệp của 3 nhà đầu tư Đông Nam Á. Chủ đề: Đầu tư công nghệ vào nông nghiệp – Câu chuyện Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.
Điều phối: Bà Nguyễn Phi Vân (Giám đốc Quỹ Đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và khởi nghiệp các nước Đông Nam Á).
Tham gia:
2 diễn giả VN
- Ông Nguyễn Lâm Viên: nhà đầu tư xây 10 nông trường, trung tâm vi sinh, nhà máy.
- Ông Phan Minh Thông: nhà xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất Việt Nam – CEO Công ty Phúc Sinh- đầu tư Sơn La.
3 diễn giả nổi tiếng về đầu tư tại 3 quốc gia Thái, Mã Lai và Singapore.
- Ông Dominic Mellor – nhà đồng sáng lập quỹ đầu tư mạo hiểm ADB (chuyên gia đầu tư chính) của quỹ đầu tư tạo Thái Lan ADB Ventures).
- Bà Xelia Tong – Thành viên hội đồng quản trị của Mạng lưới đầu tư- kinh doanh Mã Lai (Council Member, Malaysian Business Angel Network).
- Ông James Tan – Chủ tịch của Quỹ đầu tư mạo hiểm Quest Ventures (Chairman, Quest Ventures).
Về 3 diễn giả là 3 nhà đầu tư nổi tiếng ở nước họ về nông nghiệp:
Ông Dominic Mellor đã đầu tư cho series A, B tại Thái Lan. Nguồn vốn đầu tư cho serie A được coi là vốn hạt giống, được thiết kế để giúp các công ty mới phát triển. Tài trợ chuỗi B là các nhà đầu tư có cơ hội xem đội ngũ quản lý đã hoạt động như thế nào và liệu khoản đầu tư có xứng đáng hay không.
Bà Xelia Tong đại diện network khoảng 300 nhà đầu tư cho các doanh nghiệp nhỏ, kể cả doanh nghiệp khởi nghiệp tại Mã Lai.
Còn ông James Tan là chủ tịch một quỹ đầu tư giai đoạn tiếp theo sau khi công ty đã nhận đợt đầu tiên và hoạt động, tức là đã có thời gian tạo ra doanh thu từ việc bán hàng.
Cả 3 nhà đầu tư này đều có từ 3-5 hợp đồng đầu tư công nghệ cho nông nghiệp (agritech) trong hồ sơ đầu tư của họ.
Về chủ đề của tọa đàm:
- Theo báo cáo của McKinsey, nông nghiệp là ngành có khả năng tự động hoá lên đến 57%, chỉ xếp sau sản xuất và vận chuyển, kho bãi. Điều này cho thấy đối với các quốc gia lấy nông nghiệp làm gốc và là mũi nhọn kinh tế thì mức độ tập trung vào đầu tư, đào tạo, chuyển đổi số cho ngành nông nghiệp phải nằm trong ưu tiên hàng đầu.
- Tuy nhiên, trên thực tế, cả ở Đông Nam Á lẫn Việt Nam, ngành nông nghiệp đang chuyện đổi số và ứng dụng công nghệ khá chậm so với nhiều ngành nghề khác, do đặc thù về khả năng triển khai rời rạc, khó khăn, cũng như tốc độ cập nhật kiến thức công nghệ và tương lai rất thấp của ngành.
- Mặc dù vậy, các nhà đầu tư trong khu vực Đông Nam Á vẫn đang hết sức chú ý và đầu tư vào agritech – công nghệ chuyển đổi ngành nông nghiệp.
Nội dung trao đổi với 3 nhà đầu tư Đông Nam Á
- Ông/bà đã đầu tư vào các mô hình agritech nào ?
- Các công ty này đã làm thay đổi ngành nông nghiệp tại các thị trường địa phương ra sao?
- Tại sao ông/ bà chọn đầu tư vào agritech?
- Những thử thách khi đầu tư vào agritech là gì?
- Những khó khăn của agritech trong thời gian đại dịch nếu có và giải pháp?
- Góc nhìn tương lai của ông/ bà về agritech và cách công nghệ mới sẽ thay đổi ngành nông nghiệp Việt Nam và khu vực châu Á trong tương lai?
- Ông/bà nghĩ gì về cơ hội đầu tư agritech tại Việt Nam?
Ba nhà đầu tư đã thẳng thắn trao đổi về: (1) Hiện nay thế giới hiểu về Nông nghiệp theo khái niệm rộng. Nông nghiệp Đông Nam Á nhìn chung còn phân mảnh, còn lạc hậu về công nghệ, chưa ứng dụng được công nghệ để nâng cao năng suất, hiệu quả. Việc đầu tư hiện này là nhằm thay đổi những khó khăn này.
Với nhà đầu tư của Thái Lan, Ông Dominic Melor cho biết: “Trong 9 dự án nông nghiệp mà quỹ đầu tư của tôi có tham gia thì có 2 dự án là của Việt Nam. Tôi đầu tư vào nông nghiệp vì vấn đề an toàn thực phẩm, tác động của biến đổi khí hậu, xây dựng nền kinh tế xanh, hành tinh xanh… là những vấn đề mà nhiều chính phủ và nhiều quốc gia trên thế giới rất quan tâm. Các dự án về công nghệ chắc chắn là cần và giúp được cho nông nghiệp vì giúp cho nông dân nâng tầm hiểu biết, sử dụng công nghệ, kỹ thuật số…tốt hơn thì canh tác hiệu quả hơn.
Tôi gặp 3 thách thức lớn khi đầu tư vào nông nghiệp: (1) Người lao động trẻ không thích làm nông, dù họ làm các công nghệ kỹ thuật để hỗ trợ cho nông nghiệp, họ cũng thấy khó khăn vì không hiểu sâu nông nghiệp. Còn bản thân nông nghiệp ở châu Á thì phân mảnh, người nông dân thường không hiểu về data, về kỹ thuật số trong khi các nông dân nước phát triển thì họ thông thạo hơn nhiều. Ngoài ra, làm nông thì đi vay ngân hàng, đi gọi vốn rất khó vì không có gì để thế chấp.
Nhưng như vậy, nhà đầu tư càng phải kiên trì và hiểu cái khó của nông dân.
Ông James Tan, nhà đầu tư Singapore đưa ra ý kiến độc dáo: nhiều người đầu tư vào nông nghiệp chú ý upstream, tức là đầu tư cho các khâu đầu vào: giống, vật tư, máy móc thiết bị…Tôi khác, tôi đầu tư downstream, tức giải bài toán đầu ra. Vì theo dôi quan sát, nông dân không bán được hàng thì họ khó vững tâm làm ăn lâu dài. Tôi có đầu tư 7 dự án nông nghiệp và có đầu tư cả ở những nước Nam Á: Ấn, Pakistan, Bangladesh. Tôi đưa công nghệ vào giúp các dự án giải quyết vấn đề tiêu thụ nông sản cho nông dân. Ở đâu cũng vậy, giải quyết đầu ra cho nông sản luôn được nông dân quan tâm nhất…
Còn bà Xelia Tong, đại diện cho hơn 300 nhà đầu tư thiên thàn ở Mã Lai nói: tôi đầu tư cho nông nghiệp thông minh, giúp nhà nông quản trị viêc canh tác tốt hơn. Tuy nhiên nông dân một số nước châu Á chưa quen ứng dụng công nghệ và chưa hiểu vai trò của công nghệ, của kỹ thuật số nên việc ứng dụng công nghệ mới với các nông trại nhỏ là rất khó khăn. Công nghệ hiện nay phát huy ở các trang trại lớn tốt hơn.
Nói chung, 3 nhà đầu tư chọn đầu tư vào nông nghiệp (bên cạnh các lãnh vực khác) vì thế giới hiểu nông nghiệp theo nghĩa rộng hơn, không chỉ có miếng đất với máy cày, giống, phân…mà liên quan nhiều giá trị mới, lãnh vực mới. Họ đồng ý là cần giúp giới trẻ hiểu rằng nông nghiệp châu Á, Đông Nam Á cần cải tiến kỹ thuật mà để kỹ thuật số đi sâu nông nghiệp thì cần nhiều người trẻ yêu và am hiểu về nông nghiệp hơn. Nhiều công nghệ khi đưa vào ứng dụng trong nông nghiệp sẽ mang lại giá trị to lớn và điều đó cần đến sự tham gia của các nhà công nghệ trẻ.
Một lãnh vực quan trọng là tổ chức tiêu thụ nông sản sao cho có hệ thống hơn, hiệu quả hơn là một yêu cầu bức bách trong tình hình chuỗi cung ứng đứt gãy hiện nay, nên càng cần đến số hóa để giải quyết, vượt qua sự đứt gãy về vật lý và địa lý cụ thể.
Chuyên gia Nguyễn Phi Vân thì nhấn mạnh, chị thấy làn sóng các bạn trẻ khỏi nghiệp trong nông nghiệp của Việt Nam đang khởi sắc, có nhiều thành công. Nhưng hiện nay rất cần có sự kết nối chia sẻ thông tin và phối hợp giữa các bạn trẻ khởi nghiệp thường làm ra nguyên liệu thô hay bán thành phẩm, hay sản phẩm sơ chế với các nhà chế biến và kinh doanh nông sản chuyên nghiệp. Các bạn cần phối hợp với các nhà chế biến, kinh doanh đầu ra để cung ứng đúng thứ mà nhà chế biến chuyên nghiệp cần như một sự kết nối thành chuỗi, thành liên minh ngành hàng thay vì phân mãnh, mạnh ai nấy làm, gặp nhau được là do…hên xui. Nếu không có sự tính toán kết hợp với nhau nhịp nhàng thì các bạn trẻ khởi nghiệp sẽ bị lãng phí sức lực mà hiệu quả không cao. Thị trường ngày càng đòi hỏi những sản phẩm cao cấp, thuần thiên nhiên hay gần gũi thiên nhiên, điều đó đòi hỏi kinh nghiệm và kỹ thuật cao và công tác tổ chức phối hợp chặt chẽ để mang lại đa giá trị, lợi ích cao và giá trị cao.
KÝ KẾT CÁC THOẢ THUẬN HỢP TÁC
- Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) ký kết với 4 tỉnh ABCD Mekong biên bản ghi nhớ về phối hợp về xúc tiến thương mại: Kết nối thị trường và triển lãm các sản phẩm đặc trưng của An Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp.
- Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) ký với Trường Cán bộ Quản lý Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn 2 (CMARD2) về: Hỗ trợ đào tạo và xây dựng tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế; Hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp và chủ thể về năng lực thị trường.
- Trường Cán bộ Quản lý Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn 2 (CMARD2) ký với Công ty cổ phần Vinamit về đào tạo nguồn nhân lực.
TRAO CHỨNG NHẬN HÀNG VIỆT NAM CHẤT LƯỢNG CAO – CHUẨN HỘI NHẬP CHO 10 DOANH NGHIỆP
- Công ty TNHH Trà Vinh Farm;
- Công ty TNHH Phát triển dừa nước Việt Nam;
- Công ty TNHH XNK Thiên Nhiên Việt;
- Hộ kinh doanh Cơ sở sản xuất Ba Khánh;
- Công ty CP Kinh doanh Khí Miền Nam (GAS SOUTH);
- Công ty CP sản xuất thiết bị điện công nghiệp Cát Vạn Lợi;
- Công ty TNHH Thương mại Công nghiệp Giấy Vĩnh Thịnh;
- Công ty CP Giái pháp và Thiết bị chiếu sáng VI LIGHT;
- Công ty TNHH Nhựa Hoa Thái;
- Công ty TNHH SX-TM TBM Minh Phát.
PHẦN II – HOẠT ĐỘNG THỰC CHIẾN
1 – Chương trình Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao – Chuẩn Hội Nhập: Tư vấn, hướng dẫn về tiêu chuẩn. Triển lãm sản phẩm của doanh nghiệp đạt Chuẩn hội nhập; Giới thiệu các Quy chuẩn, tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế về nông sản, thực phẩm.
- Tổ chức chương trình “Tư vấn 1-1” diễn ra cả ngày với các Chuyên gia đến từ Eurofin và Chuyên gia Ban dự án HVNCLC- Chuẩn hội nhập để giải đáp các thắc mắc, trang bị thêm thông tin cho doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ về các Tiêu chuẩn, hệ thống quản lý chất lượng HACCP, ISO, GLOBALG.A.P, localg.a.p,…. hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình xây dựng và vận hành các hệ thống quản lý chất lượng.
- Hoạt động này được khá nhiều doanh nghiệp quan tâm và đăng ký tư vấn trên cả 2 kênh trực tiếp và online qua mạng. Tổng cộng Ban dự án đã tư vấn trực tiếp cho 7 đơn vị quan tâm tại gian hàng, trong đó có 5 doanh nghiệp quan tâm đến chương trình Chuẩn hội nhập và 2 doanh nghiệp quan tâm về chương trình localg.a.p, sẽ tiếp tục tư vấn trực tuyến chuyên sâu cho các doanh nghiệp sau sự kiện cũng như các doanh nghiệp không thể đến tư vấn trực tiếp vì tình hình dịch Covid.
2 – Chương trình tư vấn Thực hành nông nghiệp tốt
- Ban Dự án Chuẩn hội nhập đã trao 7 giải thưởng hỗ trợ doanh nghiệp SKC xây dựng localg.a.p. gồm các doanh nghiệp ở Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Cà Mau, Ninh Thuận, Hà Giang, ĐăkLak và TP. HCM. Trong đó tư vấn về localg.a.p. Cho 2 doanh nghiệp dừa nước TPHCM & Táo xanh Ninh Thuận tại Mekong Connect 2021.
3 – Đại diện Kantar VN báo cáo cho doanh nghiệp và nông dân: Diễn biến thị trường và sức mua sau mùa dịch – COVID-19 & Người tiêu dùng Việt Nam: Cơ hội bứt phá sau đại dịch. 2 nội dung chính:
- Covid-19 và những thay đổi trong thói quen mua sắm.
- Dịch chuyển các ưu tiên trong thói quen tiêu dùng sang sản phẩm thiết yếu.
- Mức chi tiêu mỗi lần mua tăng. Mức chi tiêu mỗi dịp mua tăng đột biến trong thời điểm bùng dịch, rõ nét nhất tại khu vực Thành thị nơi dịch bệnh nghiêm trọng hơn.
- Số ngành hàng mỗi dịp mua sắm đang có xu hướng tăng, đặc biệt là kênh hiện đại (MT) với số ngành hàng không những cao hơn các kênh khác mà còn tăng theo thời gian.
- Hành vi mua combo phổ biến trong thời gian vừa qua. Nhiều nhà sản xuất và bán lẻ đã/đang đẩy mạnh việc bán kèm nhiều sản phẩm khác nhau.
- Hành vi mua sắm và tiêu dùng: 4 xu hướng chính trong thời kỳ bình thường mới.
- Diện mạo mới của người tiêu dùng Việt Nam và cơ hội bứt phá sau đại dịch.
- Tăng cường sử dụng các nền tảng kỹ thuật số.
- Giao lưu với các gương mặt doanh nông trẻ trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo SKC.
4 – Triển lãm tại khu vực khởi nghiệp: 4 khu vực :
- Đổi mới sáng tạo và phát triển sản phẩm mới.
- Xuất khẩu hướng đến thị trường mới.
- Kết nối cung cầu, nâng cao năng lực năm 2021.
- Hướng đến cộng đồng.
20 đơn vị đến 11 tỉnh thành TpHCM, Long An, Đồng Tháp, Bến Tre, Cà Mau, Trà Vinh, Hải Phòng, Bình Phước, Ninh Thuận, Đắc Lắc, Nghệ An và các đơn vị tiêu biểu và đạt giải thưởng vừa thi Cuộc thi Dự án khởi nghiệp 2021 tham gia trưng bày sản phẩm.
Chuyên gia Hoàng Sơn Công – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp và Chuyển giao công nghệ ngành bán lẻ chia sẻ cho các DN khởi nghiệp giải pháp cho từng sản phẩm để phù hợp xu hướng phát triển mà không mất quá nhiều chi phí. Giải pháp quà tặng từ các sản phẩm sẵn có nhân lên số lượng lớn để tiếp cận được nhiều khách hàng hơn nhưng chi phí thấp.
Các dự án khởi nghiệp tham gia trực tiếp tại Mekong Connect lần này đã kết nối, tiếp cận được với khách tham quan là các doanh nghiệp lớn, đối tác mở rộng thị trường, tiếp cận kênh phân phối, và đặc biệt là lãnh đạo TP.HCM, lãnh đạo các tỉnh thành, sở ban ngành đoàn thể.
Các dự án, sản phẩm được báo chí truyền thông quan tâm đến nhiều vì bao bì đẹp, sản phẩm độc đáo, mới lạ, theo xu hướng thị trường, có giá trị cho cộng đồng.
Doanh nghiệp tham gia nắm bắt được các thông tin bổ ích từ các chuyên đề trong hội nghị.
PHẦN III – PHIÊN THẢO LUẬN CHUYÊN ĐỀ
(Các đề xuất – Kiến nghị)
CHUYÊN ĐỀ 1: Phát huy mạng lưới y tế cơ sở trong công tác phòng chống dịch COVID-19 và đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thực trạng:
- Y tế cơ sở quá tải trong mùa dịch.
- Khó phát triển y tế cơ sở vì nhiều nguyên nhân ( lương thấp, chưa được quan tâm về chính sách, biên chế ít, tổ chức không ổn định, nhân viên thiếu cơ hội thăng tiến chuyên môn…).
- Đề án tăng cường y tế cơ sở liên quan đến hành chính, chi phí, thu nhập.. phải theo qui trình lấy ý kiến từ nhiều cấp Bộ ngành.
- Chưa có chủ trương rõ ràng và chưa thực thi việc để cho y tế tư nhân tham gia chăm sóc và điều trị bệnh nhân mắc COVID-19.
Kết luận & đề xuất:
- Nên coi trọng yếu tố đặc thù về vai trò thực tế của y tế tư nhân ở TPHCM.
- Cần công nhận vai trò của y tế tư nhân.
- Củng cố trụ cột y tế, đặc biệt là mạng lưới y tế cơ sở. Đẩy mạnh đầu tư cho y tế cơ sở, đầu tư về nhân lực, nâng cao trình độ chuyên môn, chế độ chính sách…
- Kêu gọi doanh nghiệp hỗ trợ y tế cơ sở.
- Cần có số liệu phân tích về tỷ lệ tử vong do Covid và vì mọi nguyên nhân.
CHUYÊN ĐỀ 2: Phục hồi kinh tế và chuỗi cung ứng hàng hoá giữa TP.HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL.
Thực trạng:
- Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang đứng trước những thách thức lớn từ bên ngoài của biến đổi khí hậu (BĐKH) như hạn mặn, sạt lở, ngập lụt và ô nhiễm môi trường gia tăng… đến các vấn đề bên trong như chất lượng tăng trưởng giảm sút, lực lượng và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp chưa cao, cấu trúc kinh tế chưa thực sự ổn định, chất lượng nguồn nhân lực hạn chế, năng suất lao động thấp, tình trạng di dân gia tăng.
- Hai chiều đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hoá:1/Sự đứt gãy của từng địa phương, cả những tỉnh lân cận với nhau không có khả năng luân chuyển hàng hoá ;2/Đứt gãy liên đới dọc của chuỗi giá trị sản phẩm.
- Đầu tư giao thông không đồng bộ, logistics hầu như chưa có gì, kết nối giao thông và logistics không khai thác lợi thế giao thông của đường thủy.
- Kinh tế hợp tác lỏng lẻo, trình độ, kỹ năng quản trị của các HTX còn yếu. Đa số nông dân ĐBSCL sản xuất nhỏ, không được cập nhật kiến thức làm ăn mới, sản xuất còn theo quán tính với hiểu sai về thị trường Trung Quốc dễ tính.
Kết luận & đề xuất:
- Thành lập Hội đồng vùng để phát huy sức mạnh chung.
- Các địa phương trong khu vực hầu hết đồng tình việc cùng chung tay, liên kết với TP Hồ Chí Minh – trụ cột gắn kết, hình hành Trung tâm chế biến nông sản tại đồng bằng và thành phố là nơi tiêu thụ sản phẩm.
- Gói hỗ trợ doanh nghiệp cần đồng bộ giữa các bộ ngành.
- Cải thiện trục dọc của chuỗi cung ứng. Nối lại chuỗi cung ứng, tạo điều kiện để hàng hóa nông sản được thông suốt trong tất cả các mắt xích từ thu hoạch – sơ chế – vận chuyển – chế biến/chợ đầu mối – phân phối – người tiêu dùng, xuất khẩu.
- Kho lạnh cần được đầu tư nhanh.
- Tạo điều kiện cho đầu tư Công- Tư hình thành trung tâm tích hợp sản xuất và logistics gắn bó với hệ thống giao thông.
CHUYÊN ĐỀ 3: Nguồn lực cho ngành nông nghiệp và ĐBSCL.
Thực trạng:
- Biến động lao động do di cư ảnh hưởng tại chỗ ( nội vùng), giảm dần vai trò kinh tế vùng. Tình trạng thiếu lao động, đặc biệt là lao động trẻ cả trong nông nghiệp lẫn các nhà máy. Thiếu nguồn cung lao động qua đào tạo ( chỉ khoảng 7% được đào tạo).
- Do đặc điểm lịch sử giao thoa văn hóa, con người, phong cách, lối sống và đầu óc thực tế- Bài toán đặt ra là làm sao đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao cho ĐBSCL, để tham gia công nghiệp hóa.
- Hai vấn đề lớn cần giải quyết: kinh tế và biến đổi khí hậu =>cần tư duy lại về doanh nông. Xem lại các khoảng trống đào tạo, đào tạo tại chỗ
- Cần hỗ trợ, phát triển mối quan hệ giữa doanh nghiệp và nhà trường.
Kết luận & đề xuất:
- Định hướng đúng các vấn đề kinh tế và biến đổi khí hậu để giải quyết vấn đề nguồn nhân lực ở ĐBSCL. Đừng quên kinh tế biển. Có thể phát triển nhiều loại hình kinh tế biển ở đồng bằng.
- Chính sách nguồn nhân lực phải là chiến lược cho cả vùng, khắc họa lợi thế tiểu vùng. Cần có chiến lược, quy hoạch và quản trị vùng, gắn với từng địa phương và các Bộ, ngành để phát huy lợi thế ngành hàng cũng như liên kết phát triển kinh tế- xã hội- văn hóa- môi trường
- Vai trò trung tâm kinh tế dẫn dắt của TP.HCM cần thể hiện qua:
- Phải chuyển giao kiến thức;
- Phải chuyển dần những gia công đơn giản về đồng bằng.
- Vai trò của hội đồng điều phối vùng cần được phát huy như tiếng nói chung để cải thiện thực trạng.
- Nên đầu tư các Trung tâm sáng tạo ( Hub Innovation) gắn kết với các Trường đào tạo và doanh nghiệp, tạo điều kiện vừa học vừa hành cho dân đồng bằng.
- Nên xem xét 3 chiến lược với nguồn nhân lực: Thu hút nhân tài ( Head Hunter); Đào tạo nguồn nhân lực gắn với doanh nghiệp và mục tiêu phát triển; “Mượn” chuyên gia từ các địa phương thậm chí cả nước khác.
- Xác định địa phương, ngành trọng điểm, chọn lọc các doanh nghiệp trọng điểm, xây dựng top 20 doanh nghiệp (LBC), giúp họ nâng tầm quản trị, nâng tầm công nghệ, tạo thành mũi nhọn phát triển, phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp trong việc đào tạo , đặt hàng.
- Trung ương nên có cơ chế đặc thù cho ĐBSCL để thúc đẩy quá trình chuyển đổi.
CHUYÊN ĐỀ 4: Chính sách và các vấn đề liên kết giữa TP.HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL.
Thực trạng:
- ĐBSCL là nơi sản xuất ra nông lâm ngư nghiệp, nhưng vẫn bán nguyên liệu thô.
- Đại dịch cho thấy không những liên kết được phát huy mà còn bị phá vỡ: kiểm soát giao thông, logistics, không chia sẻ thông tin… chuỗi cung ứng bị cắt đứt.
- Cấu trúc thể chế không đáp ứng được liên kết vùng thậm chí còn chia cắt, manh mún trong nội vùng. Dẫn tới tình thế: Các địa phương cạnh tranh để đạt những chỉ số kinh tế nhiều hơn sự hợp tác phát triển kinh tế vùng. Thách thức của cả vùng: biến đổi khí hậu, suy giảm chất lượng và số lượng nước, tài khóa, xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm cho lao động.
- ĐBSCL chưa có gì là logistic, chỉ là kho bãi, TPHCM có hệ thống logistic do tư nhân đầu tư, giao thông cũng đầu tư bước đầu, nguồn nhân lực trong lĩnh vực này có nhiều kinh nghiệm hơn các tỉnh.
- Giao thông đường bộ: cả hệ thống cơ sở hạ tầng yếu => chi phí logistic rất cao, xuất khẩu khó cạnh tranh.
Kết luận & đề xuất:
- Giải quyết 3 nút thắt: (1) Quy hoạch (2) Tài khóa (3) Đầu tư lớn. Thí điểm trao quyền lực về kế hoạch- Thể hiện quyền lực về tài khóa và quyền lực vê ngân sách.
- Cần có 1 thể chế vùng: Xác định các vấn đề để liên kết hiệu quả hơn, như hình thành cơ chế quản lý cấp vùng theo hành chính và theo kinh tế; Tầm nhìn về lợi ích chung; Hình thành cơ chế giám sát để thúc đẩy thực thi kế hoạch
- Thu hút nhà đầu tư lớn để phát triển cơ sở hạ tầng ở ĐBSCL, phát triển logistic, phát triển hệ thống giao thông đồng bộ kết nối các trung tâm logistic ở ĐBSCL nhằm giảm chi phí, nâng cao hiệu quả.
Để liên kết hiệu quả:
- Vai trò doanh nghiệp trong liên kết? Đề cao trách nhiệm của các bên trong liên kết, thắt chặt mối liên kết bền vững.
- Hình thành các hiệp hội ngành hàng, khuyến khích hợp tác các tác nhân liên kết với nhau.
- Dưới góc độ quản lý, TP.HCM đã có chiến lược phát triển logistic, có dữ liệu lớn, nguồn nhân lực logistics làm nền tảng trợ lực cho ĐBSCL phát triển; vấn đề còn lại là chương trình, kế hoạch, cách vận hành.
- Để liên kết hàn gắn đứt gãy chuỗi cung ứng nông thủy sản, nông nghiệp ĐBSCL cần định hướng theo mô hình kinh tế tuần hoàn đã chính thức công nhận trong văn kiện Đại hội Đảng lần XIII. Nông dân cần được hỗ trợ đào tạo về canh tác thuận thiên – thích ứng BĐKH ( Nghị quyết 120), đào tạo quản lý HTX để chuyển từ tư duy kinh tế sản xuất sang kinh tế nông nghiệp, đa giá trị, đa lợi nhuận.
PHÁT BIỂU KẾT LUẬN DIỄN ĐÀN MEKONG CONNECT 2021
Ông Võ Văn Hoan – Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM:
Chúng ta vừa được xem thước phim ngắn về các hoạt động của Diễn đàn Mekong Connect 2021 và nghe chị Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam Chất lượng cao, đại diện Ban Tổ chức Diễn đàn Mekong Connect báo cáo tổng kết về toàn bộ các hoạt động của Diễn đàn năm nay.
Chỉ trong một ngày, đã có 04 chương trình Hội thảo chạy song hành với nhau, kết nối cả online và offline cùng với các hoạt động xuyên suốt, trưng bày các sản phẩm nông nghiệp – công nghệ cao, các sản phẩm mang đặc trưng, thương hiệu của các địa phương; một lần nữa khẳng định Diễn đàn Mekong Connect thật sự là một Diễn đàn uy tín mang thương hiệu của khu vực Mekong – Diễn đàn của liên kết phát triển đúng như tên gọi “Mekong Connect”.
Qua một ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc tổ chức nhiều hoạt động và cùng nhau thảo luận hết sức sôi nổi, thẳng thắn, tâm huyết và bàn những vấn đề rất cụ thể những vấn đề liên quan đến lợi ích và tác động của mối liên kết phát triển giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long. Đã có nhiểu ý kiến đóng góp chia sẻ hết sức tâm huyết bằng trí tuệ và kinh nghiệm thực tiễn của các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực kinh tế, nông nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp các nước, các nhà đầu tư lớn, uy tín về nông nghiệp và công nghệ… về hai chủ đề lớn của Diễn đàn là “phục hồi kinh tế” và “liên kết phát triển” trong giai đoạn bình thường mới giữa Thành phố Hồ Chí Minh đà các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long, các ý kiến đóng góp đã đưa ra những khuyến nghị khả thi về cơ chế, chính sách trong hợp tác liên kết phát triển giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long.
Trong bối cảnh Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long cùng cả nước, đang vươn mình nỗ lực vượt qua khó khăn, cùng hành động mạnh mẽ để khôi phục kinh tế; kết quả của Diễn đàn năm nay đã mở ra những triển vọng, nhiều giải pháp, mô hình mới thiết thực trong liên kết đã được Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long cùng thảo luận sâu và đi đến thống nhất từng vấn đề cụ thể và hành động chung đề thúc đẩy phát triển kinh tế Vùng nói chung và từng địa phương nói riêng.
Đối với 04 trụ cột chính của các phiên thảo luận tại Diễn đàn hôm nay, chúng ta có thể đúc kết những vấn đề chung cùng thống nhất nhận thức chung và để ra những kế hoạch hành động chung như sau:
Thứ nhất, Đối với vấn Phát huy mạng lưới y tế cơ sở trong công tác phòng, chống dịch COVID- 19 và đảm bảo an toàn phòng, chống dịch trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp: Chúng ta cùng thống nhất chung quan điểm là phải cùng nhau củng cố trụ cột y tế, đặc biệt là mạng lưới y tế cơ sở, chăm sóc và điều trị tốt các bệnh nhân, giảm thiểu tình trạng chuyển nặng, tử vong. Điều này đặt ra vấn đề liên kết y tế bền vững giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long.
Từ thực tiễn phòng, chống dịch trong thời gian qua, Thành phố Hồ Chí Minh luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, quan điểm phòng chống dịch của Thành phố về những mô hình, cách làm hiệu quả như: bảo vệ người có nguy cơ cao; mô hình “tháp 3 tầng” trong phân tầng điều trị; chăm sóc F0 tại nhà; trạm y tế lưu động; tổ y tế từ xa; chăm sóc F0 dựa vào cộng, đồng…
Thành phố Hồ Chí Minh sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và sẽ cùng phối hợp với các tỉnh, thành trong triển khai, cụ thể hóa các giải pháp liên kết trong củng cố hệ thống y tế cơ sở của các địa phương trước tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn còn đang diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt là sự xuất hiện của biến thể Omicron trong thời gian gần đây.
Thứ hai, Đối với vấn đề Phục hồi kinh tế và chuỗi cung ứng hàng hóa giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long: Chúng ta cùng thống nhất là dù có dịch hay không có dịch vẫn phải cùng liên kết, đồng tâm hợp lực để đảm bảo chuỗi sản xuất, cung ứng, lưu thông hàng hóa giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long không bị đứt gãy, gián đoạn; và cùng thống nhất các giải pháp liên kết phục hồi kinh tế như: hỗ trợ, tạo điều kiện cho người lao động của các tỉnh, thành quay trở lại Thành phố làm việc; hỗ trợ doanh nghiệp Thành phố và các tỉnh, thành Mekong phục hồi sản xuất kinh doanh, cùng liên kết phát triển thị trường tiếp tục liên kết triển khai có hiệu quả các chương trình hợp tác thương mại, kết nối cung cầu hàng hóa…
Thứ ba, Đối với vấn đề Nguồn nhân lực cho ngành nông nghiệp và đồng bằng sông Cửu Long: Chúng ta cùng thống nhất xem nông nghiệp là thế mạnh của Vùng nguồn nhân lực là quan trọng để tiếp tục phát huy, khai thác tốt nhất nội lực và huy động các nguồn lực bên ngoài để thúc đẩy phát triển kinh tế Vùng.
Từ quan điểm này, chúng ta cùng thống nhất triển khai các giải pháp liên kết về hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực đạt chuẩn ASEAN; khuyến khích các Viện, trường của thành phố, mở phân hiệu đào tạo trong các chương trình giáo dục của địa phương; khuyến khích các chuyên gia tham gia nghiên cứu, chia sẻ từng nhóm chuyên đề đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; phát triển nguồn nhân lực cho ngành nông nghiệp của các địa phương trên nền tảng khai thác mạnh mẽ ứng dụng công nghệ cao, thương mại điện tử, chuyển đổi số giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long và ngay ở các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long – chúng ta có thể cùng liên kết, trao đổi nguồn nhân lực nông nghiệp giữa các địa phương, cùng học tập kinh nghiệm lẫn nhau với mục tiêu phát huy cao nhất thế mạnh nông nghiệp của Vùng.
Thứ tư, Đối với vấn đề Các giải pháp liên kết và phát triển giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long: Chúng ta cùng thống nhất “liên kết và phát triển” là nhu cầu cấp thiết của Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long trong phát triển kinh tế Vùng và trong giai đoạn phục hồi kinh tế hiện nay. Từ quan điểm này, để tiếp tục phát huy những kết quả bước đầu trong liên kết phát triển giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long trong 03 năm vừa qua; chúng ta cùng thống nhất triển khai bằng những giải pháp, hành động cụ thể, nâng lên một bước liên kết phát triển về hạ tầng giao thông, về nguồn nhân lực, về chuỗi sản xuất kinh doanh, về kinh tế biển, về kết nối năng lượng – du lịch – hàng không, về hệ sinh thái khởi nghiệp và liên kết công nghiệp hỗ trợ bình ổn và phát triển thị trường…
Để triển khai hiệu quả, thực chất nhất những hành động cụ thể, sau Diễn đàn này Thành phố Hồ Chí Minh phân công các Sở ban ngành Thành phố cùng phối hợp với các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long để thường xuyên trao đổi thông tin, liên kết phối hợp một cách chặt chẽ nhất; cụ thể:
-
Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh: chịu trách nhiệm phối hợp đầu mối của các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long để chia sẻ kinh nghiệm, liên kết trong phát huy mạng lưới y tế cơ sở, nâng cao năng lực đáp ứng phòng, chống dịch COVID-19.
-
Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh: chịu trách phối hợp đầu mối của các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long trong triển khai các giải pháp liên kết phát triển phục hồi kinh tế trong giai đoạn bình thường mới.
-
Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh: chịu trách phối hợp đầu mối của các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long trong triển khai các giải pháp đảm bảo chuỗi sản xuất, cung ứng, lưu thông hàng hóa cho toàn Vùng.
-
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh: chịu trách nhiệm phối hợp đầu mối của các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long trong triển khai các giải pháp về đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long.