Với tốc độ sụt lún như hiện nay, trong tương lai, ĐBSCL sẽ nằm dưới mực nước biển. Trong ảnh: Triều cường vào tháng 10-2020 ở nội thành TP Cần Thơ.
Theo nghiên cứu, tốc độ sụt lún trung bình tại ĐBSCL là 5,7 cm/năm. Nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra mà không có biện pháp khắc phục thì trong tương lai, vùng đồng bằng sẽ nằm dưới mực nước biển.
Chính phủ Hà Lan thông qua Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam và Chính phủ Việt Nam thông qua Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) đã cùng hợp tác để thực hiện dự án “Quản trị sụt lún đất và quản lý nước ngầm tại khu vực ĐBSCL”.
Hai “thủ phạm” chính
Dự án “Quản trị sụt lún đất và quản lý nước ngầm tại khu vực ĐBSCL” đã chọn 4 tỉnh, thành trọng điểm là Bến Tre, Cần Thơ, Sóc Trăng và Kiên Giang để thực hiện từ năm 2020-2021. Kết quả cho thấy tốc độ sụt lún của các địa phương đang ở mức báo động.
ĐBSCL đang mất dần độ cao trong những thập kỷ qua. Tốc độ bồi lắng quá nhỏ, với lượng phù sa về hạn chế do việc xây dựng đập thủy điện ở thượng nguồn, không bù lại được tốc độ sụt lún.
“Mức độ và tần suất lũ mang theo trầm tích giảm, tình trạng khai thác cát dọc theo các con sông dẫn đến sụt lún tại ĐBSCL. Tại đây, tốc độ sụt lún trung bình lên đến 5,7 cm/năm, cao hơn mực nước biển dâng tuyệt đối là từ 3-5 mm/năm. Điều này kết hợp với địa hình cao trình thấp của đồng bằng càng làm cho khu vực dễ bị tổn thương. Nếu tình trạng này tiếp tục xảy ra, phần lớn diện tích của đồng bằng có thể nằm dưới mực nước biển trung bình vào cuối thế kỷ XXI” – thông tin từ dự án cho biết.
Theo dữ liệu của Bộ TN-MT, TP Cần Thơ có tốc độ sụt lún hằng năm là 4,37 cm, Sóc Trăng 4,43 cm, Kiên Giang 2,37 cm và Bến Tre là 1,68 cm. Các chuyên gia đã chỉ ra 2 nguyên nhân chính gây ra sụt lún của các khu vực này: Do quá trình nén tự nhiên và khai thác nước ngầm. Trong đó, việc khai thác nước ngầm quá mức làm sụt lún vài cm/năm. Ở quy mô địa phương, tải trọng của cơ sở hạ tầng và các tòa nhà cũng gây ra tình trạng sụt lún.
Dù có nguồn nước ngọt dồi dào từ lưu vực sông Mê Kông, việc khai thác nước ngầm vẫn tăng theo cấp số nhân từ cuối những năm 1990, với thể tích hơn 2,5 triệu m3/ngày. Sự gia tăng khai thác nước ngầm chủ yếu là do chất lượng nước mặt giảm vì thâm canh nông nghiệp, tăng cường sử dụng hóa chất và giảm khả năng tự làm sạch của các kênh; các công trình cản trở, làm yếu dòng chảy… Do đó, nguồn nước sử dụng không phải lúc nào cũng đủ, nhất là vào mùa khô. Điều này dẫn đến việc khai thác nước ngầm quá mức.
Phục hồi sông ngòi
PGS-TS Lê Anh Tuấn, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu – Trường ĐH Cần Thơ, cho hay tại nhiều khu vực ĐBSCL, nước ở tầng nông đã bị cạn kiệt, ô nhiễm do thuốc bảo vệ thực vật, nước thải sinh hoạt. Các tầng chứa nước ở độ sâu khoảng 120 m bị khai thác nhưng khó được tái bổ cập bằng nguồn nước mặt, dẫn đến rủi ro cạn kiệt, gây sụt lún.
Ông Tuấn cho rằng việc khai thác nước ngầm được xem là nguyên nhân chính làm cho hiện tượng sụt lún tại ĐBSCL diễn ra nhanh hơn. Vì vậy, giảm khai thác nước ngầm quá mức là biện pháp quan trọng nhất để giảm thiểu, hạn chế sụt lún trong tương lai và loại bỏ hậu quả tiêu cực do mực nước biển dâng.
Theo thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập nghiên cứu về sinh thái ĐBSCL, thay vì sử dụng nước ngầm, người dân nên sử dụng nước sông. Để có nước sông sạch thì cần cải cách nông nghiệp để hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm xả thải ra sông ngòi… Phục hồi sông ngòi mới có thể giảm giá nước mặt, lúc này mới hy vọng người dân chuyển sang dùng nước sông.
Từ năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 167 về việc hạn chế khai thác nước dưới đất ở các tầng chứa nước ngọt. Đây là một công cụ chính sách để quản lý nước dưới đất nhằm kiểm soát việc khai thác và hạn chế các vấn đề liên quan như xâm nhập mặn và sụt lún đất. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Thiện cho biết việc thực hiện Nghị định 167 gặp rất nhiều vấn đề ở các địa phương.
“Theo ghi nhận thực tế tại 4 tỉnh, thành trong dự án, Nghị định 167 rất khó thực hiện. Nước ngầm được phân bổ liên tịch dưới các tầng ngầm nên việc quản lý theo địa giới hành chính là không phù hợp. Ngoài ra, Nghị định 167 dù đưa ra các quy định trong khai thác nước ngầm nhưng lại không có những quy định 
Cần quy hoạch tổng thể quản lý nước ngầm
Các chuyên gia tham gia dự án “Quản trị sụt lún đất và quản lý nước ngầm tại khu vực ĐBSCL” khuyến cáo các tỉnh, thành có cùng tầng chứa nước, khai thác nước ngầm cần có sự hợp tác và Bộ TN-MT nên đóng vai trò điều phối việc này.
“Cần có cơ chế chia sẻ thông tin, tạo ra diễn đàn để các bên trao đổi nhằm có sự hợp tác liên tỉnh. Ngoài ra, các tỉnh, thành có thể hợp tác với nhau đưa ý kiến lên Bộ TN-MT vì nhiều địa phương có tác động lớn hơn từng nơi riêng lẻ. Để thực hiện Nghị định 167 hiệu quả, cần lồng ghép với các chính sách khác và có chế tài xử lý vi phạm. Trong khuôn khổ dự án này, chúng tôi tôi đề xuất cần lập quy hoạch tổng thể ĐBSCL về quản lý nước ngầm” – thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện nhấn mạnh.
Theo Người Đô Thị