Diễn đàn Mekong Connect 2019 ngoài chủ đề chính là “Liên kết chuỗi giá trị đồng bằng – Tăng cường hội nhập thị trường” còn có 4 nhóm đề tài sẽ được bàn thảo, là: Nâng giá trị gia tăng, đẩy mạnh thương mại hóa nông sản đồng bằng; Bắt mạch xu huớng thị trường, định hướng cho nông sản đồng bằng; Ứng dụng công nghệ để kết nối chuỗi giá trị; Liên kết khởi nghiệp và phát triển trên nền tài nguyên bản địa.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp – một trong 4 trụ cột của mạng lưới liên kết cùng ABCD Mekong – đánh giá, 4 đề tài trên đề tài nào cũng thiết thực đối với câu chuyện của đồng bằng. Nó được xem là những mắc xích quan trọng trong quá trình “Liên kết chuỗi giá trị” để “Tăng cường hội nhập thị trường”.
Ông có thể nói rõ hơn tính “mắc xích” của từng chủ đề?
– Ông Lê Minh Hoan: Qua các cuộc họp nhóm để chuẩn bị cho Mekong Connect năm nay, chúng tôi đã thảo luận rất kỹ trong việc chọn các đề tài giao cho từng tỉnh tổ chức nghiên cứu sâu. 4 đề tài nghiên cứu xoay quanh chủ đề chính tuy có tên gọi khác nhau nhưng là “điều hướng” cho nhau. Theo đó, đề tài này mở hướng ra cho đề tài khác.
Tôi ví đề tài “bắt mạch xu huớng thị trường” sẽ là hướng ta cho việc “nâng giá trị gia tăng”, “ứng dụng công nghệ”, kết nối khởi nghiệp”…. Nếu phân tích sâu hơn có thể thấy rằng, thị trường sẽ quyết định, điều chỉnh tư duy của người sản xuất và tư duy của doanh nghiệp. Thị trường sẽ định hình được những câu chuyện nông sản, sản phẩm của chúng ta như thế nào, tạo ra giá trị gia tăng như thế nào, đáp ứng nhu cầu về truy xuất nguồn gốc thế nào. Và kể cả những câu chuyện về khởi nghiệp cũng phải bắt nhịp theo xu thế thị trường. Chúng ta không thể khởi nghiệp cái mình có mà phải khởi nghiệp theo những cái mà thị trường cần. Như vậy, nếu bắt nhịp được xu thế thị trường, đặc biệt là thị trường nhiều biến động như hiện nay, đó là từ khóa để mở ra cánh cửa triển vọng để nền nông sản của đồng bằng cả về sản xuất, kinh doanh.
Ngược lại, đề tài “Nâng giá trị gia tăng, đẩy mạnh thương mại hóa” sẽ mở ra các hoạt động thúc đẩy cải tiến, ứng dụng cho nghệ mới trong trồng trọt, chế biến, bảo quản, đóng gói…
Mekong Connect hình thành từ năm 2015, đến nay ông nhận xét như thế nào về nỗ lực chia sẻ của các chuyên gia và những tác đông tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các Start up, nông dân khi những ý tưởng được ứng dụng tại địa phương?
– Tôi tham dự hầu như tất cả các hội thảo cũng như các tọa đàm của Mekong Connect những năm qua. Tôi thấy rằng, những đúc kết từ hội thảo sau những kiến giải của các chuyên gia trong nước và ngoài nước đã đem lại những ý tưởng mới, cách làm mới rất thiết thực cho cộng đồng doanh nghiệp của Đồng tháp. Nhất là các bạn trẻ đang bước chân vào con đường khởi nghiệp có sự định hình được hướng đi của mình đi hòa nhịp với xu thế chung trong dòng chảy của sự phát triển doanh nghiệp, phù hợp với quy luật của nền kinh tế thị trường và tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm mang hàm lượng tri thức, giá trị gia tăng rất cao.
Và đặc biệt là những gợi ý, đóng góp đó giúp chúng ta vượt qua được những gì chúng ta thường nói về nền nông nghiệp truyền thống, tức chúng ta đã biết cách tạo ra giá trị gia tăng thay vì chỉ dừng lại ở việc bán nguyên liệu thô.
Những ý tưởng, mô hình nào của Đồng Tháp được chia sẻ cho các tỉnh ĐBSCL tại Diễn đàn Mekong Connect 2019? Ông có thể nói mục đích, ý nghĩa của những mô hình này?
– Cộng đồng doanh nghiệp của Đồng Tháp, những doanh nghiệp đã thành công trong thương trường hay là những doanh nghiệp có tiềm năng của tỉnh đã tổ chức ra các câu lạc bộ để hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp. Thông qua các sân chơi đó, các doanh nghiệp thành công với tư duy, nguồn lực và những ý tưởng của mình đã dẫn dắt doanh nghiệp khởi nghiệp. Đồng Tháp rất tự hào có một mô hình “doanh nghiệp đi trước rước doanh nghiệp đi sau” như vậy, bởi thông qua các câu lạc bộ, những không gian của các doanh nghiệp, chúng ta kết nối được rất nhiều các chuyên gia đến để hỗ trợ kiến thức, kỹ năng, cung cấp thông tin về mặt thị trường, quản trị, về mặt văn hóa doanh nghiệp.
Việc này, vừa tác động cho các cộng đồng doanh nghiệp đã đứng vững trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp và tác động giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp có thêm nhiều năng lượng và tư duy mới. Cũng chính từ các diễn đàn đó chúng tôi đã kết nối được những người sản xuất, tạo ra sự liên kết giữa người sản xuất với các doanh nghiệp. Tôi cảm nhận rằng, đó là một điều khá thành công đối với Đồng Tháp.
Hay “Hội quán nông dân” một mô hình khác của Đồng Tháp cũng đang phát huy tác dụng, tạo xúc tác cho cộng đồng. Từ “Hội quán Canh Tân” ở xã An Nhơn, huyện Châu Thành thành lập năm 2016 chỉ với 105 hội viên, đến nay toàn tỉnh đã có 84 hội quán ra đời với hơn 4.770 hội viên, với nhiều ngành nghề, như: Sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, văn nghệ sĩ… và nhà trọ công nhân. Từ mô hình của hội quán, đã có 17 HTX được thành lập và ngày càng phát triển với đa dạng ngành nghề trong lĩnh vực nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp.
Theo ông nội dung hợp tác trong tương lai nên như thế nào để thể hiện tinh thần đổi mới, sáng tạo trong từng địa phương và phát triển mối liên kết có ý nghĩa cho vùng ĐBSCL nhằm giảm bớt rủi ro, khai thác tốt nhất mọi cơ hội khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, thích ứng điều kiện biến đổi khí hậu?
– Mekong Connect hình thành từ sáng kiến của mạng lưới liên kết cấp vùng gồm 4 tỉnh An Giang, Bến Tre, Cần Thơ và Đồng Tháp nên được gọi là gọi là ABCD Mekong, trong đó có vai trò kết nối, hỗ trợ tổ chức của Hội DN. HVNCLC, Trung tâm BSA và Câu lạc bộ doanh nghiệp dẫn đầu LBC. Tôi nghĩ rằng, liên kết đó là liên kết mở, tới đây sẽ mở rộng ra, kết nối với các địa phương còn lại, tạo ra mạng lưới liên kết toàn vùng, tạo ra sức mạnh mới bổ sung nguồn lực cho nhau.
Trong mạng lưới liên kết đó, cộng đồng doanh nghiệp các tỉnh ĐBSCL sẽ đóng vai trò quan trọng, thúc đẩy hình thành những hội ngành hàng, gắn kết với các nhà khoa học, với nông dân… và với thị trường. Những hội ngành hàng này sẽ gợi mở, kiến nghị những chính sách vi mô, vĩ mô, những chiến lược phát triển ngắn và dài hạn giúp ĐBSCL mạnh lên.
Xin cảm ơn ông!
Mỹ Nhân (thực hiện)