Tiêu điểm:

“Biến cố vaccine Sinovac” không ảnh hưởng đến việc Singapore mở cửa biên giới

Chính phủ Singapore đã bác bỏ các lo ngại rằng quyết định không công nhận chính thức vaccine của Sinovac Biotech của Singapore sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch mở cửa biên giới cho du khách đã tiêm vaccine mà không cách ly, đặc biệt là với Hong Kong và Trung Quốc.

Bộ trưởng Y tế Ong Ye Kung đã nhấn mạnh rằng tính tương nhượng song phương giữa Singapore và Hong Kong là thích đáng hơn trong các nỗ lực mở cửa lại biên giới giữa hai thành phố này.

“Đây không phải là vấn đề trong việc mở cửa lại bầu trời”, Bộ trưởng Ong phát biểu với đài Bloomberg Television hôm 9/7.

Vaccine của Sinovac, Moderna và Pfizer/BioNTech đều nằm trong danh mục được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt, do đó được phép sử dụng khẩn cấp ở Singapore. Tuy nhiên, chỉ có Moderna và Pfizer – hai loại vaccine mRNA – được Singapore đưa vào chương trình tiêm chủng quốc gia. Vì thế, số người đã tiêm Sinovac sẽ không xuất hiện trong bảng thống kê chính thức của Singapore.

Singapore có thể xem xét đưa vaccine Sinovac vào số liệu thống kê, và điều này “có ý nghĩa về mặt quản trị nhiều hơn”, ông bộ trưởng phát biểu.

Bộ Y tế Singapore cho biết 31 phòng khám tư nhân đã được chính phủ lựa chọn để triển khai tiêm vaccine Sinovac và được phép tiếp cận với hệ thống đăng ký tiêm chủng quốc gia. Tính đến cuối tuần rồi, 17.296 người tại Singapore đã được tiêm vaccine sử dụng công nghệ virus bất hoạt này.

Các phòng khám tư nhân được  được yêu cầu báo cáo dữ liệu về các phản ứng bất lợi liên quan tới những người tiêm vaccine của Sinovac và Bộ Y tế sẽ xem xét và cân nhắc công khai các dữ liệu này.

Bộ này lưu ý rằng những người đã được tiêm mũi đầu tiên bằng một trong hai loại vaccine trong chương trình tiêm chủng quốc gia sẽ không thể chọn vaccine của Sinovac cho mũi thứ hai, trừ khi người đó dị ứng với vaccine sử dụng công nghệ mRNA. Những người phải thay đổi loại vaccine vì lý do này buộc phải đăng ký tiêm chủng tại các bệnh viện công.

Singapore chưa cho phép sử dụng vaccine của Sinovac trong chương trình tiêm chủng quốc gia vì công ty công nghệ sinh học Trung Quốc chưa gửi cho Bộ Y tế Singapore thông tin cần thiết để quốc đảo này đánh giá hiệu quả và tính an toàn của vaccine.

Trong khi đó, hiện Trung Quốc chỉ cho phép những người đã tiêm vaccine của hai hãng dược Sinovac và Sinopharm của Trung Quốc được phép nhập cảnh đại lục mà không bị cách ly. Các đối tượng tiêm vaccine Sinovac và Sinopharm là Hoa kiều ở nước ngoài và các doanh nhân quốc tế có mối liên lạc và làm ăn với Trung Quốc.

Nhưng cái khó lúc này là Trung Quốc sẽ có thể sử dụng “ngoại giao vaccine” như một thông điệp với Singapore. Trung Quốc có thể cách ly công dân và doanh nhân Singapore khi họ đến Trung Quốc dù đã tiêm đủ vaccine.

Bộ trưởng Ong cũng nói rằng chính phủ Singapore đang chờ đợi các quyết định tương tự từ Trung Quốc và New Zealand sau khi Singapore cho phép khách nhập cảnh từ hai nước này được miễn cách ly. Trong đó, Singapore đang giám sát chặt tình hình ở Mỹ và châu Âu trước khi “đáp lễ” bằng việc cho phép khách Mỹ và châu Âu nhập cảnh miễn cách ly.

Singapore và Hong Kong đang cố gắng tái khởi động bong bóng du lịch không cách ly giữa hai trung tâm tài chính này. Đây có thể được xem là mô hình để các nơi khác trên thế giới noi theo và thực hiện mở cửa biên giới.

Với số ca nhiễm Covid-19 thấp và có nhiều ngày không có ca nhiễm nào, cả hai thành phố châu Á sẵn sàng cho việc mở cửa trở lại, Bộ trưởng Ong nói. Đây là dấu hiệu khả quan cho việc hoãn hay dời nhiều lần kế hoạch bong bong du lịch từ tháng 11 năm ngoái.

“Điều này giúp tạo tiếng nói chung về việc nối lại đường hàng không. Tôi cố gắng không gọi đây là cái ‘bong bóng’ bởi nó tượng trưng cho sự mong manh và dễ vỡ. Giờ đây, tôi muốn mô tả bằng từ hàng lang bay, nhưng ý tưởng vẫn như cũ”, ông nói.

Singapore sẽ tiếp tục nới lỏng các hạn chế đối với việc ăn uống công cộng từ tuần tới khi tỷ lệ tiêm vaccine gia tăng. Hòn đảo này đang trên đà chạm mức 2/3 của tổng dân số 6 triệu sẽ tiêm chủng đầy đủ vaccine ngừa Covid-19 vào ngày Quốc khánh Singapore 9/8 – tức đúng một tháng nữa.

Bản Tin Thị Trường

1/ Giá vàng miếng SJC hiện đang ở mức 56,85 – 57,55 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng/lượng chiều bán ra so với giá khảo sát ngày hôm trước. Chênh lệch giá hai đầu được mở rộng lên 700.000 đồng. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco hiện đang ở mức 1.806.1 USD/ounce, tăng 2,7 USD tương đương 0,15% so với chốt phiên trước.

2/ Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn hoành hành, nhưng tỉnh Bắc Giang vẫn tiêu thụ hết 215.000 tấn vải thiều (tăng 50.000 tấn so với kế hoạch, trong đó xuất khẩu 89.300 tấn, còn lại tiêu thụ nội địa) và thu về 6.821 tỷ đồng. Mùa vải thiều năm nay được đánh giá có chất lượng tốt nhất và có sản lượng lớn nhất trong những năm gần đây nhưng lại diễn ra trong bối cảnh làn sóng Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, trong đó Bắc Giang là tâm dịch lớn nhất của cả nước, đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ vải thiều. Được biết, giá bán vải thiều xuất khẩu ổn định ở mức cao, dao động 30.000 – 55.000 đồng/kg, tại một số thị trường nước ngoài như Nhật Bản, EU có giá bán rất cao, khoảng 350.000-450.000 đồng/kg và tiêu thụ thuận lợi.

Người dân Lục Ngạn xếp hàng chờ cân vải thiều. Ảnh: Tuoitre

3/ Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, kim ngạch xuất khẩu tôm trong tháng 6/2021 đạt khoảng 402 triệu USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu tôm 6 tháng đầu năm lên 1,7 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2020. Theo đánh giá của các chuyên gia ngành tôm, những thị trường nhập khẩu tôm Việt Nam như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu đều gia tăng lượng nhập khẩu tôm Việt. Chính vì thế, xuất khẩu sang các thị trường này đều tăng trưởng tốt trong 6 tháng đầu năm 2021. Vì vậy, hiện nay, tôm Việt Nam đã đứng vị trí số 1 tại hầu hết các thị trường, với kim ngạch vượt trội so với các quốc gia khác. Việc chất lượng của tôm Việt ngày càng có uy tín trên thị trường đã giúp cho con tôm Việt càng được nhiều thị trường lựa chọn.

4/ Đối với Mitsubishi Motors, Đông Nam Á là một thị trường đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên, hãng xe hơi Nhật Bản này đang phải đối mặt với một cuộc chiến khốc liệt để tồn tại khi bị kẹt giữa các đối thủ trong nước vốn sở hữu thị phần lớn và những hãng xe mới nổi của Trung Quốc với dòng xe điện giá rẻ. Theo đó, sự chậm trễ trong việc ra mắt các mẫu xe mới của Mitsubishi đã ảnh hưởng đến độ phủ của thương hiệu này tại khu vực Đông Nam Á. Được biết, Mitsubishi có độ phủ khá lớn ở Đông Nam Á, khi chiếm gần 15% thị phần ô tô ở Philippines, 10% ở Indonesia và 7% ở Thái Lan. Tuy nhiên, tại quê hương Nhật Bản, hãng xe này lại có thị phần rất ít ỏi là 1,7%. Đông Nam Á chiếm khoảng 77% trong tổng lợi nhuận hoạt động hợp nhất 366,1 tỷ yên (3,3 tỷ USD) mà Mitsubishi kiếm được trong hơn 5 năm qua tính đến năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2020.

5/ Theo báo cáo của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), Triều Tiên dự kiến ​​sẽ sản xuất “mức gần trung bình” là 5,6 triệu tấn ngũ cốc trong năm nay, thiếu khoảng 1,1 triệu tấn so với lượng cần thiết để cung cấp cho toàn bộ dân số. Với mức nhập khẩu thương mại hiện được lên kế hoạch là 205.000 tấn, Triều Tiên có thể sẽ đối mặt với tình trạng thiếu lương thực khoảng 860.000 tấn. Các báo cáo cho biết giá gạo tại Triều Tiên tăng vọt trong tháng 6 và đang trên đà tăng kể từ đầu năm 2021. Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc cho biết giá gạo tăng vọt do thiếu nguồn cung. Năm 2020, sản lượng ngũ cốc của Triều Tiên cũng giảm ước tính 5,2%. Hiện tại, giá một gói cà phê ở Triều Tiên hiện đã lên tới 100 USD, và đó mới chỉ là khởi đầu của một thời kỳ khắc nghiệt.

6/ Dù vấp phải khó khăn kinh tế do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều trang trại nuôi bò sữa tại Anh vẫn sống khỏe nhờ đổi mới tư duy sang kinh tế nông nghiệp. Theo Cục Môi trường, Lương thực và Nông thôn nước này, thu nhập bình quân của nông dân Anh giảm 21% so với giai đoạn 2019-2020. Nếu không nhờ khoản trợ cấp của EU, nhiều người đã phải nghỉ kinh doanh. Để đối phó, nhiều nông dân đã đa dạng hóa mô hình kinh doanh theo hướng bền vững. Chẳng hạn, một chủ trang trại tại Anh đã chuyển mô hình trang trại của mình sang tổ chức tiệc cưới, tổ chức sự kiện cho các công ty và trải nghiệm đi xe quad trong trang trại. Đối với một số nông dân, do giá trị sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm 20% doanh thu, nên họ cho rằng phương thức sản xuất không còn khả thi.

Lái xe quad tại trang trại Mythe ở Warwickshire, Anh. Ảnh: Guardian

7/ Theo hãng thông tấn AP đưa tin, các thành viên nội tác của chính phủ Tây Ban Nha hiện đang tranh cãi về việc liệu có nên đề nghị người dân giảm tiêu thụ thịt bò, thịt lợn cùng nhiều loại protein động vật khác. Phía ủng hộ đề xuất này đánh giá cao thông điệp về lợi ích sức khỏe và môi trường của chế độ ăn chủ yếu là rau xanh. Dữ liệu từ Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) cho thấy Tây Ban Nha là nước tiêu thụ thịt hàng đầu Liên minh châu Âu (EU) với 98 kg/người mỗi năm. Trong khi đó lượng tiêu thụ thịt trung bình tại EU là 76 kg. Được biết, mỗi năm tại Tây Ban Nha có 70 triệu con bò, lợn, cừu và gà bị giết lấy thịt. Số lượng bò nuôi lấy thịt lớn sẽ đi kèm việc tiêu thụ nhiều nước và thải khí gây ô nhiễm môi trường.

8/ Airbus cho biết đã bàn giao 297 chiếc trong nửa đầu năm nay sau khi lượng máy bay được bàn giao tăng mạnh trong tháng 6. Sau khi giảm mạnh do đại dịch, lượng máy bay được bàn giao đang phục hồi, tăng 52% trong sáu tháng đầu năm 2021, so với mức 196 chiếc của cùng kỳ năm 2020 và 389 chiếc của cùng kỳ năm 2019, thời điểm trước khi cuộc khủng hoảng đại dịch khiến ngành hàng không lao đao. Các nhà phân tích cho rằng, với các con số trên, Airbus đang trên đà đạt được mục tiêu của năm nay là ít nhất đạt mức của năm ngoái. Theo Agency Partners, Airbus có thể dễ dàng đạt số lượng bàn giao dự kiến ít nhất là khoảng 566 chiếc như năm 2020 và gần đạt mức 600 chiếc.

9/ Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) cho biết giá gạo thế giới trong tháng 6/2021 giảm xuống mức thấp nhất trong 15 tháng qua, do chi phí vận tải cao và thiếu container làm hạn chế xuất khẩu. Cũng theo FAO, giá lương thực thế giới đã giảm trong tháng 6/2021, ghi dấu mức giảm lần đầu tiên trong 12 tháng qua, do giá dầu thực vật, ngũ cốc và các sản phẩm từ sữa giảm. Ngoài ra, FAO cho rằng sản lượng ngũ cốc trên toàn thế giới ước đạt 2,817 tỷ tấn trong năm nay, giảm nhẹ so với dự báo trước đó nhưng vẫn là mức cao kỷ lục. Theo đó, nguyên nhân chủ yếu là do dự báo sản lượng ngô tại Brazil giảm mạnh vì tình trạng hạn hán kéo dài ảnh hưởng đến năng suất cây trồng. Trong khi đó, sản lượng gạo toàn cầu dự báo tăng trong năm nay.

Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA