“Là quốc gia đứng thứ 2 thế giới về sản xuất và xuất khẩu gạo, Việt Nam hàng năm tạo ra hàng triệu tấn vỏ trấu. Công nghệ hiện tại cho phép tạo ra vật liệu Nano Silica từ vỏ trấu với hiệu suất, độ sạch ngày càng cao, giá thành ngày càng hạ. Đặc biệt, Nano Silica từ vỏ trấu có thể ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau”, GS.TS. Phan Ngọc Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (KHCNVN) phát biểu tại hội thảo “Nghiên cứu, sản xuất, ứng dụng Silica và Nano Silica từ trấu”.

Hội thảo với sự tham gia của các nhà khoa học, quản lý từ Viện Hàn lâm KHCNVN, các nhà khoa học đến từ Viện Hàn lâm khoa học Nga, ĐHTH Quốc gia Lomonoxop, đặc biệt là Công ty TNHH đầu tư và phát triển BSB – đơn vị chủ trì hội thảo và các đối tác trong và ngoài nước.

GS.TS Phan Ngọc Minh cho rằng với vai trò nòng cốt, vai trò tổ chức của công ty BSB, với sự hỗ trợ trực tiếp của các nhà khoa học Việt Nam, CHLB Nga, sự tham gia của các nhà khoa học của Việt Nam, mô hình Doanh nghiệp – Nhà khoa học – Liên kết quốc tế này sẽ thành công.

Ông Nguyễn Việt Hùng (trái) ký kết hợp tác với các doanh nghiệp ứng dụng năng lượng trấu Silica và Nano Silica

Giải pháp tương lai

Ông Nguyễn Việt Hùng, chủ tịch công ty BSB, cho biết hằng năm tại VN hoạt động xay xát lúa gạo tạo ra khoảng 9-11 triệu tấn vỏ trấu. Việc tìm ra giải pháp công nghệ giúp khai thác hiệu quả, để có thể “biến trấu thành vàng” đang là mối quan tâm hàng đầu của các nhà khoa học, các tổ chức môi trường, các công ty sản xuất, xay xát và nhà đầu tư.

“Công ty BSB chúng tôi, một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xúc tiến đầu tư, phát triển và đóng góp cho cộng đồng đang nỗ lực tìm giải pháp cho nguồn tài nguyên quí giá này”, ông Hùng nói thêm. T

heo ông Hùng, silica (SiO2) là sản phẩm rất giá trị thu được bằng công nghệ đốt vỏ trấu đặc biệt, với hàm lượng SiO2 cao, ở dạng vô định hình có thể làm nguyên liệu, phụ liệu cho rất nhiều ngành công nghiệp như sản xuất sắt thép, cao su, sơn, thủy tinh, bê tông, vật liệu chống cháy, mỹ phẩm, thực phẩm, y tế…

Sản phẩm Silica và Nano từ trấu của Công ty BSB sẽ mang thương hiệu Biosil, được sản xuất từ nguồn tài nguyên tái tạo hằng năm của VN, đồng thời được triển khai sản xuất trong một mô hình khép kín, tận dụng tối ưu các nguồn lực như sản phẩm biogas khi đốt trấu được sử dụng làm nhiên liệu lò hơi hoặc phát điện; hệ thống kho vận trấu đã được triển khai tại Đồng bằng Sông Cửu Long.

“Các nước trên thế giới cũng đang nghiên cứu ứng dụng việc khai thác từ trấu, còn ở VN nếu triển khai sản xuất thành công thì chúng ta là nước đầu tiên thực hiện mô hình này. Đây là giải pháp của tương lai và cơ hội đầu tư phát triển rất lớn”, ông Hùng khẳng định. Ông Nguyễn Quang Trung, giám đốc điều hành của BSB – người học cùng trường ĐH ở Liên Xô (cũ) với ông Hùng – chia sẻ thêm:

“Chúng tôi đã nhận thấy cơ hội từ việc nghiên cứu – ứng dụng năng lượng trấu Silica và Nano Silica từ nhiều năm trước, nhưng phải có lòng đam mê thì mới dám đeo đuổi công nghệ này, vì thực sự rủi ro cũng rất cao”.

Ông Nguyễn Việt Hùng, chủ tịch BSB (trái) cùng các nhà khoa học đến từ Nga tại hội thảo​

Những sản phẩm đầu tiên

Sau khi được cấp phép xây dựng nhà máy tại Khu Công nghệ cao TP.HCM, theo kế hoạch từ quí 3/2017 Công ty BSB sẽ cho ra lò những sản phẩm silica đầu tiên. Tuy nhiên, theo chủ tịch Nguyễn Việt Hùng để có thể ứng dụng sâu rộng trong nền kinh tế các sản phẩm này thì cần có sự hợp tác, phối hợp của các doanh nghiệp ở tất cả các lĩnh vực.

Vì vậy, từ cuối năm 2016 Công ty BSB đã tổ chức các cuộc gặp gỡ với các doanh nghiệp đến từ các ngành công nghiệp, nông nghiệp như các chủ nhà máy xay xát lúa gạo; các nhà máy sản xuất công nghiệp có sử dụng nguyên liệu, phụ liệu là SiO2, cũng như tìm hiểu các giải pháp tài chính, chính sách hỗ trợ đầu tư từ các ngân hàng…

Ông Hùng cho biết là một doanh nghiệp xã hội, nên toàn bộ lợi ích thu được từ hiệu quả kinh doanh sẽ được đóng góp, chia sẻ cho cộng đồng thông qua các hoạt động giáo dục và đào tạo.

Riêng đối với hoạt động xúc tiến đầu tư giải pháp năng lượng trấu và silica chúng tôi cam kết trích 30% lợi ích để đóng góp cho quỹ hoạt động của cộng đồng cựu du học sinh quốc tế iAN – một tổ chức vì lợi ích cộng đồng, hoạt động chủ động là giáo dục đào tạo với thông điệp “Kết nối thế hệ – chắp cánh tương lai”.

Cộng đồng cựu du học sinh quốc tế (iAN), do ông Nguyễn Việt Hùng làm chủ tịch lâm thời, thành lập từ năm 2013.

Đây là tổ chức của các cựu du học sinh VN từng học tập và làm việc qua các thời kỳ, trong các lĩnh vực khác nhau trên thế giới, gắn kết một cách tự nguyện, năng động, sáng tạo, tham gia vào hoạt động vì lợi ích cộng đồng. Bên cạnh các hoạt động văn hóa, hội thảo thì quỹ học bổng iAN trong năm 2015 đã trao ba suất học bổng toàn phần (trong 5 năm học) cho ba học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học giỏi và ý chí phấn đấu xuất sắc sang học tại Liên bang Nga. Năm nay, tiếp tục có hai học sinh được cấp học bổng đi du học ở Đài Loan và một em đi học ở Ý.

Võ Hồng Quỳnh (Theo Thời Đại)