(Cafenews)-Mức thuế chống bán phá giá mà Mỹ mới đưa ra đối với mặt hàng cá tra phi lê đông lạnh xuất khẩu của Việt Nam cao nhất từ trước đến nay.

Theo lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), đây là phán quyết “phi lý, bất công, không phù hợp với quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)”.

Tại buổi họp báo thường kỳ của ngành nông nghiệp diễn ra chiều ngày 3/4, Thứ trưởng NN&PTNT Hà Công Tuấn cho hay, liên tiếp trong thời gian gần đây, Mỹ công bố các quyết định áp thuế chống bán phá giá với tôm và cá da trơn của Việt Nam. Gần đây nhất, ngày 15-3, Bộ Thương mại Mỹ công bố mức thuế đối với cá tra, basa của Việt Nam ở mức cao nhất, từ 2,39 đô la Mỹ/kg đến 7,74 đô la Mỹ/kg.

“Phán quyết này là đợt rà soát hành chính lần thứ 13 của Mỹ và là phán quyết đơn phương. Đây là phán quyết phi lý, bất công, không phù hợp với WTO”. ông Tuấn nói.

Tuy nhiên, ông Tuấn cũng cho hay, có một may mắn là hiện vẫn còn hai doanh nghiệp lớn trong ngành thuỷ sản vẫn được hưởng thuế 0% do hai công ty này thuê luật sư kiện phán quyết của Mỹ. Hơn nữa, chỉ còn một năm nữa, tức là sau chín năm, hai doanh nghiệp trên không phát hiện sai phạm gì thì vĩnh viễn sẽ được hưởng thuế 0%.

Vậy Bộ NN&PTNT sẽ ứng xử với vấn đề này như thế nào? Trả lời câu hỏi trên, ông Tuấn nói: “Ngoài ứng xử của doanh nghiệp, hiệp hội, chúng tôi sẽ tiếp tục trao đổi, hợp tác và đấu tranh về thương mại với Mỹ trên khuôn khổ WTO và trên khuôn khổ quan hệ thương mại các bên cùng có lợi”. Vị thứ trưởng này cũng cho biết thêm, bộ nông nghiệp sẽ thúc đẩy Mỹ sớm cử đoàn công tác sang Việt Nam rà soát thực tế để áp dụng giải pháp công nhận tiêu chuẩn tương đương.

“Nếu đến tuần thứ ba của tháng 9 mà chưa có sự thống nhất với nhau về công nhận tương đương, rất có thể sẽ có bất lợi lớn cho mặt hàng thủy sản của Việt Nam vào thị trường này”, ông Tuấn nói.

Theo Bộ NN&PTNT, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam vào Mỹ đã có dấu hiệu suy giảm, từ 22,3% năm 2016 xuống còn 19% trong năm 2017 và dự báo sẽ tiếp tục bị sụt giảm trong thời gian thuế chống bán phá giá và Chương trình thanh tra cá da trơn của Mỹ diễn ra.

Tháng 1-2018, thị phần thủy sản của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Mỹ giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, chiếm 6,8% về lượng và 6% về trị giá nhập khẩu thủy sản của quốc gia này. Với kết quả này, Việt Nam đã giảm bốn bậc từ thứ 3 xuống thứ 7 trong nhóm thị trường cung cấp thủy sản lớn nhất cho thị trường Mỹ. Nguyên nhân chính là do lượng cá tra và tôm xuất khẩu tới thị trường này giảm. Trong khi Ấn Độ, Chile, Indonesia vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng tốt nhất trong tháng đầu tiên của năm 2018.

Ngoài ra, việc cá tra Việt Nam bị cáo buộc và chịu thuế chống bán phá giá cao cũng như chưa được công nhận tương đương sẽ tác động xấu đến thương hiệu, hình ảnh và uy tín của cá tra Việt Nam trên thị trường quốc tế. Điều này sẽ tạo tiền đề và hiệu ứng khiến các thị trường khác sẽ có những nghi ngại và đặt ra nhiều rào cản thương mại khi nhập khẩu cá tra của Việt Nam.

Một tác động xấu nữa lên ngành cá tra là tác động tâm lý, làm thay đổi chiến lược sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp khi không đáp ứng được các yêu cầu của thị trường Mỹ thì sẽ chuyển hướng sang các thị trường dễ tính hơn. Kéo theo đó là công tác đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, trình độ tay nghề công nhân giảm sút khi chế biến các sản phẩm đơn giản cho các thị trường có giá xuất khẩu thấp hơn, chỉ quan tâm đến tăng sản lượng để bù lại giá trị gia tăng mang lại không nhiều…


Theo TBKTSG