Trong tháng 4, Việt Nam sẽ xuất khẩu 400.000 tấn gạo. Trong ảnh: Hiện lúa gạo trong dân còn rất nhiều. Ảnh: GIA TUỆ

Việc hải quan mở cổng đăng ký trực tuyến tờ khai lúc nửa đêm khiến nhiều doanh nghiệp bức xúc vì bị thiệt hại.

0 giờ ngày Chủ nhật 12-4, Tổng cục Hải quan bất ngờ mở cổng đăng ký trực tuyến tờ khai hải quan xuất khẩu 400.000 tấn gạo. Nhiều doanh nghiệp (DN) kinh doanh gạo không hề biết thông tin này nên không xuất khẩu được gạo. Thậm chí, có DN còn hàng chục ngàn tấn gạo trị giá 70-80 tỉ đồng nằm chôn chân ở cảng.

Tiến thoái lưỡng nan, thiệt hại tiền tỉ

Hiện nhiều công ty xuất khẩu gạo đang rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Bởi hàng nằm ở cảng mà xuất đi không được do hải quan thông báo đã đủ hạn ngạch 400.000 tấn, trong khi nếu chở về cũng chẳng xong vì chi phí tốn kém, mưa gió và kho chứa gạo không còn chỗ.

Trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại Phước Thành IV (Vĩnh Long), nói: Việc cơ quan chức năng mở đăng ký tờ khai hải quan xuất khẩu gạo vào ngày Chủ nhật, thậm chí vào lúc khuya là rất bất cập. Vì cho thông quan vào khoảng thời gian này thì chỉ một vài công ty lớn biết trước thông tin nên đăng ký được.

“Họ mở đăng ký lúc 0 giờ ngày 12-4. Đến 3-4 giờ sáng cùng ngày, khi các đơn vị còn lại biết thông tin thì đã đủ số lượng rồi. Hiện tại, đa số các công ty lớn biết thông tin nên đã thông quan được, còn lại những DN vừa và nhỏ hầu hết không ai nắm được nên không thông quan được, không xuất khẩu được” – ông Thành bức xúc.

Đồng quan điểm, ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ), cho hay ông vừa ký văn bản gửi Thủ tướng và Bộ Công Thương về việc hải quan mở hệ thống khai hải quan điện tử thiếu minh bạch như vừa qua.

Theo ông Bình, từ ngày 24-3 đến 11-4, ông đã cho nhân viên túc trực trên máy tính để mở tờ khai cho những lô hàng gạo còn dang dở, chưa xuất khẩu được. Đến khoảng 21 giờ ngày 11-4, công ty vẫn không thấy bất kỳ thông tin công bố hoặc công văn nào liên quan đến việc mở hệ thống phần mềm tiếp nhận tờ khai và thông quan gạo của hải quan. Đùng một cái, đến sáng Chủ nhật 12-4, công ty tiếp tục lên hệ thống của hải quan để thực hiện mở tờ khai thì nhận được thông báo là đã đủ chỉ tiêu.

“Do bức xúc nên tôi có liên hệ với một số DN khác thì được biết hải quan mở hệ thống phần mềm tiếp nhận tờ khai vào lúc 0 giờ ngày 12-4 và đến 3 giờ sáng cùng ngày là đóng lại vì đủ hạn ngạch 400.000 tấn. Nếu hải quan cho mở tờ khai thì việc đầu tiên là phải cho các lô gạo của DN đã và đang khai dang dở xuất khẩu, sau đó mới cho khai mới. Việc làm của hải quan như vậy có đúng với chỉ đạo công khai, minh bạch, chặt chẽ, không để xảy ra tiêu cực của Thủ tướng không?” – ông Bình đặt vấn đề.

Trong khi đó, bà Trần Ánh Loan, Giám đốc Công ty TNHH MTV Phước Hưng (Cần Thơ), thông tin: Công ty có trên dưới 10.000 tấn gạo xuất khẩu đang lưu kho và trên sà lan tại cảng ở TP.HCM sau lệnh tạm ngưng xuất khẩu gạo. Bình quân mỗi ngày công ty phải chịu chi phí 20 triệu đồng bao gồm nhiều khoản như tiền lưu bãi, lưu kho, tiền đóng công, sà lan… Đó là chưa kể gạo có bị hư không, nếu có gì thì phải bồi thường. Toàn bộ số hàng trên công ty xuất khẩu đi Philippines, trong đó một số đã nhận tiền cọc 10% mà hàng giao không đúng hạn trong hợp đồng sẽ phải bồi thường.

“Tụi tui theo dõi thông tin liên tục. Khi Sở Công Thương thông báo việc Thủ tướng cho phép xuất khẩu lại tui mừng lắm. Mấy em kế toán cũng theo dõi nhưng ai ngờ họ cho thông quan vào nửa đêm. Mà nghĩ coi, ai lại chờ khuya mới làm? Mà chỉ có hai tiếng đồng hồ đã thông quan gần hết rồi, tui nghe tui muốn xỉu luôn rồi!” – bà Loan thở dài.

“Doanh nghiệp chỉ có đường phá sản”

Giám đốc Công ty Phước Hưng Trần Ánh Loan bày tỏ bây giờ công ty chỉ mong muốn được giải quyết cho đi phần hàng đang lưu kho trên TP.HCM. “Từ đây trở đi có muốn xuất khẩu tôi cũng sợ. Bao nhiêu tiền của công ty trị giá 70-80 tỉ đồng trên đó, nếu gạo hư hỏng hay có chuyện gì thì DN chỉ có đường phá sản thôi chứ không còn đường nào hết. Tài sản nằm lênh đênh trên sông, trên cảng, khổ lắm” – bà Loan nói.

Chiều 13-4, ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, cho biết DN tại Cần Thơ bật khóc khi điện thoại về cho sở nói gạo của họ bị ngưng xuất khẩu. Tới giờ được thông quan thì bất ngờ hàng không thông quan được, lớp dưới tàu, lớp trong kho… “Chúng tôi thống kê sơ bộ tổng lượng gạo của riêng DN Cần Thơ có khoảng 15.000-20.000 tấn đang nằm tại cảng” – ông Toại nói.

Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ cho rằng Tổng cục Hải quan phải công khai các DN đã được cho đăng ký 400.000 tấn gạo lúc 0 giờ là DN nào, giao hàng ngày nào, bán cho nước nào, loại gạo gì. Đồng thời, hải quan cần cho biết ai là người trong hải quan thức lúc 0 giờ để cho đăng ký xuất khẩu gạo. … “Tổng cục Hải quan cần minh bạch đăng những thông tin trên lên cổng thông tin điện tử của tổng cục” – ông Toại đề nghị.

Chiều cùng ngày, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan thuộc Tổng cục Hải quan, cho biết: Theo chỉ đạo của Thủ tướng và quyết định của Bộ Công Thương về công bố hạn ngạch xuất khẩu gạo trong tháng 4, Tổng cục Hải quan đã thực hiện quy trình mở tờ khai hải quan từ 0 giờ ngày 12-4 cho đến khi đủ hạn ngạch đăng ký 400.000 tấn gạo. Khi đủ hạn ngạch này thì các thương nhân không đăng ký được nữa.

“Tờ khai hải quan có giá trị làm thủ tục hải quan cho tới khi tổng số lượng đăng ký xuất khẩu của các tờ khai chạm mốc 400.000 tấn. Tờ khai hải quan nào có số lượng vượt quá mốc này sẽ không có giá trị làm thủ tục hải quan. Nguyên tắc là khi đủ số lượng 400.000 tấn gạo thì phải dừng lại, nếu để vượt sẽ vi phạm quy định. Quá trình DN thực hiện khai báo hoàn toàn tự động trên hệ thống điện tử” – ông Tuấn nói.
Cũng theo ông Tuấn, để mở tờ khai trong đợt tiếp theo, các DN phải chờ Bộ Công Thương rà soát lại tình hình xuất khẩu gạo tháng 4, báo cáo Thủ tướng xem xét hạn ngạch xuất khẩu gạo tháng 5 với hạn mức cụ thể.

Tổng cục Hải quan cho hay hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan (VNACCS/VCIS) do chính phủ Nhật bản viện trợ hoạt động theo nguyên tắc xử lý tự động. Để thực hiện quyết định của Bộ Công Thương, cơ quan này cần có thời gian để thiết lập các chỉ tiêu thông tin trên Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan.

Kể từ 24 giờ ngày 11-4, hệ thống đã được thiết lập để hoạt động tự động theo nguyên tắc tự động tiếp nhận, tự động trừ lùi số lượng gạo xuất khẩu trong hạn ngạch được phép xuất khẩu theo nguyên tắc tờ khai đăng ký trước sẽ được trừ vào hạn ngạch xuất khẩu trước, ngay sau khi người khai hải quan gửi thông tin tờ khai hải quan đến hệ thống, không có sự can thiệp của công chức hải quan.

Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan tự động dừng tiếp nhận thông tin đăng ký tờ khai hải quan nếu số lượng đăng ký chạm mốc hạn ngạch được phép xuất khẩu trong tháng 4 (là 400.000 tấn).

Qua theo dõi, thống kê, trong thời gian từ 24 giờ ngày 11-4 đến 19 giờ 34 ngày 12-4 đã có 40 doanh nghiệp đăng ký tờ khai xuất khẩu tại 13 Chi cục Hải quan với số lượng gạo đã đăng ký tờ khai xuất khẩu là 399.999,73 tấn.

Không được để xảy ra tiêu cực, trục lợi chính sách

Thủ tướng Chính phủ mới đây đồng ý về chủ trương phương án, số lượng xuất khẩu gạo tháng 4 như đề xuất của Bộ trưởng Bộ Công Thương. Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương chịu trách nhiệm quản lý, kiểm soát số lượng gạo được phép xuất khẩu theo đề xuất của Bộ Công Thương; bảo đảm chặt chẽ, công khai, minh bạch, dễ thực hiện, dễ giám sát, không để xảy ra tiêu cực, trục lợi chính sách; kịp thời cung cấp số liệu xuất khẩu gạo theo đề nghị của Bộ Công Thương để phục vụ công tác điều hành xuất khẩu gạo.

Trước đó, Bộ Công Thương đề nghị có thể cho phép tiếp tục xuất khẩu gạo nhưng phải kiểm soát chặt số lượng xuất khẩu theo từng tháng, trước mắt là tháng 4 và tháng 5. Lượng gạo được phép xuất khẩu trong tháng 4 và tháng 5 sẽ vào khoảng 800.000 tấn.
Theo Bộ NN&PTNT, lượng gạo hàng hóa của vụ đông xuân có thể xuất khẩu là khoảng 3 triệu tấn, nếu tính cả số lượng gối đầu từ năm 2019 chuyển qua là khoảng 3,2 triệu tấn. Lượng gạo có thể xuất khẩu còn lại khoảng 1,5 triệu tấn.

Theo PLO