Cô giáo xứ dừa khởi nghiệp với gáo dừa trồng lan.

Được Tỉnh ủy tỉnh Bến Tre phát động từ cuối tháng 4-2016, chương trình “Đồng Khởi – khởi nghiệp” và “Phát triển doanh nghiệp” của tỉnh đặt mục tiêu khơi dậy và hun đúc tinh thần khởi nghiệp của nhân dân trong tỉnh.

Chương trình đã tạo động lực, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp ở xứ dừa ngày càng đi vào thực chất và đạt hiệu quả cao.

Nhiều dự án thành công

Cuối tháng 10 vừa qua, ban tổ chức cuộc thi “Dự án khởi nghiệp” năm 2018, với chủ đề “Phát triển tài nguyên bản địa bằng sức mạnh công nghệ” do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức, đã công bố giải quán quân cá nhân thuộc về dự án “Du lịch phát triển tài nguyên bản địa – Dự án C2T” của anh Võ Văn Phong (Bến Tre).

Trả lời câu hỏi: Vì sao anh tâm đắc với điều này, anh Võ Văn Phong cho biết, anh thấy rõ và luôn xác định mục tiêu lớn nhất của mình là phải tạo ra sự khác biệt cho du lịch Bến Tre so với các tỉnh lân cận và ĐBSCL. Ý tưởng này xuất phát từ trăn trở về các loại hình, mô hình, sản phẩm của tỉnh đang bị trùng lắp trong thời gian qua.

Để làm được điều này, anh đã tận dụng thế mạnh của tỉnh là cây dừa, nơi có nhiều dừa nhất ở Việt Nam để làm du lịch. Hầu hết các tour đều có trải nghiệm đi bộ dưới tán dừa, chèo xuồng, ghe dưới sông để thưởng thức cảnh hai bên sông rợp bóng dừa xanh. Du khách có thể cảm nhận trực tiếp văn hóa cộng đồng của xứ dừa. Phương châm làm du lịch của anh là: “Đón khách đến như đón người thân trở về”. Tham gia chuỗi du lịch của anh có hộ dân trong vùng, cùng chia sẻ lợi nhuận.

Trước đó, một dự án khởi nghiệp khác khá thành công nhờ vào việc tận dụng lợi thế của địa phương, đó là dự án của anh Huỳnh Thanh Tâm (thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành). Năm 2016, anh Huỳnh Thanh Tâm được Tỉnh đoàn Bến Tre hỗ trợ 50 triệu đồng để thực hiện dự án khởi nghiệp “Dừa Phú Quý Bến Tre”.

Qua thời gian nghiên cứu, mày mò, áp dụng các kỹ thuật vào sản xuất, anh đã thành công. Sản phẩm dừa in chữ, dừa hồ lô in chữ nổi của anh Huỳnh Thanh Tâm đã được Cục Khoa học công nghệ đăng ký độc quyền.

Với dự án này, anh Tâm đã sản xuất 2.000 trái bán trong nước dịp tết cổ truyền với mức giá 300.000 – 500.000 đồng/quả, giá trị tăng gấp hàng chục lần so với trái dừa thường. Đồng thời, anh Tâm đang thực hiện 4.000 trái dừa hồ lô xuất sang châu Âu. Hiện nay, anh Huỳnh Thanh Tâm đã thành lập doanh nghiệp trái cây tạo hình và có thể khắc chữ, tạo hình trên nhiều loại trái cây khác có giá trị cao.

Theo ông Nguyễn Hữu Lập, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, chương trình khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp của Bến Tre được triển khai trong 5 năm (từ 2016 – 2020) nhằm vào 3 mục tiêu lớn: Khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, tinh thần doanh nhân và tinh thần tự lực đi lên của người Bến Tre; kiến tạo môi trường khởi nghiệp, môi trường kinh doanh thuận lợi để mọi người có điều kiện khởi nghiệp phát triển doanh nghiệp; đặt mục tiêu phát triển thêm 2.500 doanh nghiệp để đạt 5.500 doanh nghiệp vào năm 2020 và phát triển gấp đôi số hộ kinh doanh cá thể.

Tạo hướng đi mới

Hiện nay, chương trình “Đồng Khởi – khởi nghiệp” và “Phát triển doanh nghiệp” đang được tỉnh Bến Tre tiếp tục đẩy mạnh rộng khắp. Khởi nghiệp ở Bến Tre có 2 nội dung chính là khởi nghiệp để thoát nghèo và khởi nghiệp để làm giàu.

Khởi nghiệp theo 2 cách khác nhau, khởi nghiệp mưu sinh và khởi nghiệp dựa trên các ý tưởng sáng tạo gắn với ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Hướng tới mục tiêu này, Bến Tre xây dựng một hệ thống các chương trình cụ thể cho từng đối tượng và có chính sách, cách thức để hỗ trợ khởi nghiệp, đặc biệt đối với hộ nghèo, cận nghèo; khởi nghiệp lĩnh vực nông nghiệp; khởi nghiệp theo hướng thành lập doanh nghiệp…, qua đó thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp mạnh mẽ trong dân.

Thời gian qua, Bến Tre cũng đã nỗ lực xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, được hình thành rõ nét gồm: Cộng đồng khởi nghiệp; các nhóm hỗ trợ khởi nghiệp; quỹ đầu tư khởi nghiệp. Đây là những nguyên nhân chính giúp chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Bến Tre được xếp thứ 5 và chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) xếp thứ 2 toàn quốc. Ngoài ra, Bến Tre cũng đã ký kết với các trường: Đại học Quốc gia TPHCM, Đại học Nguyễn Tất Thành và nhiều cơ quan, tổ chức bên ngoài để hỗ trợ địa phương phát triển khởi nghiệp theo chiều sâu, đúng hướng.

Tuy nhiên, theo ông Đặng Đức Thành, Chủ nhiệm CLB Những nhà kinh tế, khởi nghiệp ở Bến Tre vẫn còn những rào cản về tâm lý. Đa số gia đình, các hộ kinh doanh hiện nay là muốn an toàn, có cuộc sống ổn định, ngại mạo hiểm; gia đình cũng ít ủng hộ cá nhân khởi nghiệp; văn hóa Việt Nam chưa cổ động khởi nghiệp, khó chấp nhận thất bại, luôn sợ bị coi thường nếu như thất bại và xem thất bại như là dấu chấm hết.

Ngoài ra, các điều kiện về vốn, thị trường, nhân lực, tri thức, thủ tục hành chính… cũng làm cho nhiều người đắn đo, e ngại khi quyết định khởi nghiệp. Để cải thiện điều này, cần nâng chất môi trường đầu tư kinh doanh, tạo cơ hội, điều kiện thuận lợi cho mọi người; doanh nhân tự tin, yên tâm phát triển sản xuất, vươn lên làm ăn bài bản; làm giàu chính đáng.


Theo ông Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, kiêm Chủ tịch Hội đồng Tư vấn khởi nghiệp tỉnh Bến Tre, thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung tuyên truyền vào từng đối tượng; tập huấn đào tạo cho người hỗ trợ khởi nghiệp và người khởi nghiệp; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, phát triển khởi nghiệp gắn liền với hoàn thiện; nâng cao hiệu quả hệ sinh thái khởi nghiệp. Mục tiêu của tỉnh là xây dựng địa phương khởi nghiệp bằng chính nội lực để tăng thu nhập, nâng cao đời sống của người dân nhằm giúp Bến Tre phát triển ngang bằng với các tỉnh trong khu vực.


Theo SGGP