(Cafenews)-Cơn lốc thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt là thanh toán di động trên toàn cầu, đang lan tới Việt Nam. Sự xuất hiện của nhiều loại ví điện tử đã mang tới cho người dùng những trải nghiệm mới mẻ, đặc biệt là phương thức thanh toán phi tiền mặt.
Thời không cần ví
Chỉ cần chạm nhẹ điện thoại, chị Ngô Lan Phương đã thanh toán hoá đơn hơn 200 nghìn tại một quán cà phê tại quận Hai Bà Trưng (Hà Nội). Nếu như trước đây thanh toán không dùng tiền mặt chị cần phải có thẻ ATM hay Visa thì nay, đã tới thời những chiếc thẻ đó không còn dùng tới trong đời sống hàng ngày. Tại các quán cà phê, cửa hàng kinh doanh, những thiết bị thanh toán chấp nhận ví điện tử ngày càng nhiều.
“Không còn phải tìm kiếm cửa hàng mua thẻ khi tối muộn hay lo lắng đến hạn nộp tiền điện, nước, khách hàng có thể nạp thẻ, thanh toán hóa đơn thuận tiện chỉ với một chiếc máy tính hoặc smartphone có kết nối Internet”, chị Phương cho hay.
Ví điện tử đang trở thành xu thế, đón đầu xu hướng cách mạng 4.0 với những cải tiến đáng kể, như giải quyết nhu cầu chuyển tiền, mua sắm trên toàn cầu, không chỉ giới hạn tại Việt Nam. Nhiều cái tên trong số này đã được người dùng biết đến, như: Ví Việt của Lienvietpostbnak, VNG có Zalopay và 123pay, Vật Giá có Bảo Kim, Chodientu có Nganluong, Viettel có Bankplus, VTC có VTCPay, VPBank có Timo,…
Mua hàng quẹt điện thoại đang trở nên khá phổ biến |
Các ngân hàng dù khởi động châm hơn các công ty công nghệ nhưng tốc độ lại nhanh hơn. LienVietPostBank cho ra mắt sản phẩm Ví Việt. Sau hơn 1 năm triển khai, Ví Việt đã kết nối thanh toán với nhiều đối tác chiến lược, cho ra đời trên 200 dịch vụ thanh toán online và nhiều dịch vụ tiện ích khác. Ngân hàng BIDV đã hợp tác với VNPT Media triển khai hàng loạt dịch vụ như thu hộ, cổng thanh toán và ví điện tử (BIDV – VNPT Pay).
Riêng năm 2016, tổng giá trị các thương vụ liên quan tới các công ty fintech tại Việt Nam là 129 triệu USD, chiếm 63% tổng giá trị các thương vụ đầu tư khởi nghiệp.
Các đại gia ngoại cũng đã nhòm ngó thị trường Việt Nam. Sau khi Samsung Pay chính thức hiện diện, Facebook Payment cũng đang bắt tay với một đối tác ngân hàng trong nước triển khai thử nghiệm.
Hay như dịch vụ chơi game Garena xuất xứ từ Singapore, thông qua chi nhánh tại Việt Nam là Vietnam eSports, đã ra mắt ví điện tử TopPay. Sắp tới, những cái tên như Alipay, Wechat Pay sẽ từng bước thâm nhập vào Việt Nam.
Cuộc đua đường dài
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, giá trị giao dịch qua ví điện tử năm 2016 đạt 53.109 tỷ đồng, tăng tới 64% so với năm 2015. Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) cho hay, trong vòng 5 năm trở lại đây, giá trị giao dịch qua POS tăng gần 600%, doanh số thanh toán trực tuyến tại các điểm chấp nhận thẻ tăng hơn 350%,…
Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt đề án phát triển việc thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016-2020 với mục tiêu đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%. Điều này có nghĩa là thời gian tới, thương mại điện tử hay thanh toán trực tuyến sẽ là mảnh đất màu mỡ để phát triển.
Còn theo phân tích của Samsung Việt Nam, người tiêu dùng Việt Nam được xếp vào nhóm trẻ, năng động trên thế giới. Các nghiên cứu đều chỉ ra rằng, họ đang khao khát thử nghiệm, tiếp cận nhiều hơn với các loại hình thanh toán điện tử mới, từ việc “cà” thẻ tại các máy POS, sử dụng ví điện tử đến các giải pháp thanh toán di động hiện đại.
Mặc dù vậy, theo đánh giá của các chuyên gia, dù tiềm năng như ví điện tử không hề dễ dàng. Có nhiều thời điểm, việc phát triển người dùng của ví điện tử được xem như một hành trình… “đốt tiền”.
Ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam, nhận xét, với gần 20 ví điện tử có mặt tại Việt Nam trong gần 5 năm qua thì sức sống của các ví điện tử chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Khi Standard Chartered và Goldman Sachs đầu tư 28 triệu USD vào MoMo, ví điện tử này đã có thêm khả năng tài chính để bật lên so với các đối thủ. Tuy nhiên, việc phát triển người dùng ứng dụng tài chính tại Việt Nam đang gặp trở ngại khá lớn từ tâm lý và thói quen người dùng.
Theo ông Ngô Trung Lĩnh, Giám đốc Điều hành VietUnion, đối với thiết bị, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, Việt Nam mới có vài nhà phát triển, các nhà cung cấp nhỏ rất khó cạnh tranh.
Thanh toán ví điện tử xu hướng tất yếu 4.0
Lý do là phần lớn các tiện ích của chúng chỉ xoay chuyển tiền, thanh toán thẻ, hóa đơn, mua vé xe, xem phim hay giải trí khác,… Đặc biệt, các tiện ích này vẫn chỉ gói gọn trong nước và chưa thể vươn xa ra toàn cầu.
Quyết tâm trong cuộc đua với các đại gia ngoại, các doanh nghiệp trong nước tỏ ra không hề thua kém. LienVietPostBank đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với 2 nhà đầu tư Nhật Bản (MKI và Công ty TNHH Doreming), với mục đích phát triển giải pháp quản lý nhân sự và thanh toán lương tự động cho các doanh nghiệp tại Việt Nam thông qua ví điện tử, cổng thanh toán điện tử Ví Việt.
Từ thanh toán các dịch vụ của VNPT, sắp tới đây VNPT Pay sẽ mở rộng thanh toán cho các hóa đơn dịch vụ thiết yếu như: dịch vụ công, đóng học phí, điện, nước, truyền hình cáp, K+, bảo hiểm, vé tàu xe, máy bay,…
WebMoney đã ra mắt phiên bản mới đáp ứng và giải quyết nhu cầu chuyển tiền, mua sắm trên toàn cầu, không chỉ giới hạn tại Việt Nam. Payoo vừa nâng vốn lên 150 tỷ đồng sau khi nhượng lại 40% cổ phần cho Công ty NTT Data (Nhật Bản). Ví điện tử MoMo công bố, hệ thống phân phối MoMo trải rộng với 3.000 điểm giao dịch, 100.000 điểm bán lẻ, 500.000 khách hàng.
Mặc dù còn nhiều thách thức, nhưng xu hướng thanh toán phi tiền mặt sẽ trở thành tất yếu trong một tương lai không xa.
Nam Hải
Theo VNN