Đây là thông tin được ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), cho biết tại hội thảo: “Xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc”, do Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) tổ chức ngày 28/3 tại TPHCM.
Theo ông Hòe, từ năm 2013 – 2017, Trung Quốc đã nhập hơn 8 tỉ USD thủy sản các loại, trung bình đạt 3 triệu tấn sản phẩm mỗi năm. Trung Quốc trở thành thị trường nhập khẩu lớn thứ 4 của thủy sản Việt Nam, măm 2018, Việt Nam xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc đạt hơn 1,5 tỉ USD.
Điều này cho thấy, tiềm năng của thị trường Trung Quốc là rất lớn, ông Hòe nói.
Ông Trương Đình Hòe cho biết thêm, hiện nay, tầng lớp trung lưu của Trung Quốc ưu chuộng sản phẩm nhập khẩu, nhất là sản phẩm tự nhiên. Nhất là những sản phẩm nào đã được thị trường Mỹ, EU chấp nhận thì vào Trung Quốc dễ dàng hơn.
“Cá tra của Việt Nam vào Mỹ nên cơ hội ở Trung Quốc là rất nhiêu”.
Trong các kênh phân phối ở Trung Quốc, ông Hòe nhấn mạnh thương mại điện tử là kênh đang phát triển mạnh. Trong đó, thủy hải sản cũng thuộc nhóm ngành được người tiêu dùng mua online nhiều trên các website.
Ông Hòe cho hay, sản phẩm cá tra của Việt Nam đã có mặt trên sàn Alibaba của Trung Quốc.
“Người tiêu dùng Trung Quốc cho rằng, khi hàng hóa có trên các trang thương mại điện tử thì doanh nghiệp đã có cam kết về chất lượng. Nên đây có thể là kênh tạo ra nhiều cơ hội cho Việt Nam xuất khẩu qua thị trường này”, ông Hòe khẳng định.
Có điều, các chuyên gia cũng lưu ý Trung Quốc đang siết chặt kiểm tra an toàn thực phẩm và thương mại tiểu ngạch. Đây là cơ hội để sản phẩm Việt Nam nâng cao chất lượng, số lượng xuất khẩu chính ngạch nhằm giữ vững uy tín, hình ảnh trên thị trường. Kim ngạch xuất khẩu có thể hồi phục mạnh với thị trường Trung Quốc khi chất lượng sản phẩm được kiểm soát tốt và tập trung đi đường chính ngạch.
Qua Trung Quốc chọn đường nào?
Trước đây Việt Nam chủ yếu xuất khẩu qua biên giới, phương tiện chính là xe chở đi bằng đường bộ.
Tuy nhiên hiện nay, một số đơn vị đã chuyển hình thức xuất khẩu qua biên giới sang xuất bằng đường biển từ các cảng lớn ở Việt Nam.
“Ở đây có nhiều tàu đi hàng ngày, vận chuyển nhiều chuyến bằng container đi Trung Quốc cũng như một số nước khác”, ông Hòe cho biết.
Theo vị Tổng thư ký Vasep, nhiều doanh nghiệp về thủy sản hiện đánh giá rằng, có những thời điểm vận chuyển bẳng đường biển nhanh hơn đường bộ, bởi vận chuyển bằng đường này thì những vấn đề yêu cầu về bảo quản tốt hơn.
Mặt khác, xuất khẩu bằng đường biển cũng giải quyết về vấn đề thông lệ, giải quyết nhanh việc thanh toán theo thông lệ quốc tế hơn cho các doanh nghiệp.
Vì thế, theo đại diện Vasep, phần xuất khẩu bằng đường biển của ngành thủy sản đã chiếm đến 70%, con số này 2 năm trước là dành cho đường bộ.
Và đây là một sự thay đổi rất lớn, ông Hòe đánh giá.
Sự thay đổi này, theo ông Hòe có 2 yếu tố. Thứ nhất là chính quyền Trung Quốc đã có những biện pháp, thay đổi trong chính sách, nhất là vấn đề về danh sách, danh mục các mặt hàng xuất khẩu. Thứ hai, Trung Quốc đang thắt chặt các hoạt động gian lận thương mại ở khu vực biên giới để tạo ra một sân chơi công bằng hơn cho doanh nghiệp được tiếp cận trực tiếp thay vì phải đi qua lớp trung gian.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Đông Thành, giám đốc công ty Nệm cao su thiên nhiên Vina Latex, người đã đi dự nhiều hội chợ triển lãm ở Trung Quốc cho rằng, thị trường Trung Quốc là một thị trường tiềm năng với sức mua lớn.
“Nhất là người Trung Quốc rất quan tâm đến những sản phẩm nông sản từ thiên nhiên của Việt Nam. Nếu doanh nghiệp quan tâm đến thị trường này cần chú ý đến những vấn đề về văn hóa của người tiêu dùng Trung Quốc, từ cách chọn sản phẩm về mầu sắc, mẫu mã, bao bì”.
Bên cạnh đó, cũng theo ông Thành, hội thảo về xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc cũng giúp các doanh nghiệp hiểu thêm về những bước đi vào thị trường này, từ việc kết nối giữa hai chính phủ với nhau, và những tổ chức Hội để đồng hành đưa sản phẩm sang Trung Quốc thành công.
Trần Quỳnh