Hiện Việt Nam có đến 10 nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD/năm. Trong đó 5 mặt hàng: tôm, rau quả, hạt điều, cà phê và đồ gỗ đạt kim ngạch trên 3 tỷ USD/năm.

10 năm trước, năm 2008, Việt Nam chỉ có 5 mặt hàng nông sản đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD/năm và chỉ 2 mặt hàng đạt kim ngạch 3 tỷ USD. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam hiện đứng thứ 2 ở Đông Nam Á, đứng thứ 15 thế giới và có mặt trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Sự tăng trưởng xuất khẩu nông sản phải kể đến sự đóng góp của các doanh nghiệp nông nghiệp vì chính họ là người đã mang nông sản Việt ra thế giới. Tính đến cuối năm 2017 cả nước có 7.033 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp với số vốn 213.394,9 tỷ đồng; số lượng doanh nghiệp trong lĩnh vực này tăng gần gấp 3 lần so với năm 2007.

Trên đà đó, thu nhập của người nông dân cũng được cải thiện đáng kể, năm 2012 thu nhập bình quân hộ gia đình nông thôn chỉ 75,8 triệu đồng đến năm 2017 là 130 triệu đồng. Thành tích này đã góp phần quan trọng xóa đói, giảm nghèo ở nông thôn (bình quân 1,5%/năm), nâng cao thu nhập và cải thiện mức sống cho cư dân nông thôn.

Câu lạc bộ tỷ đô nông sản ngày càng đông đúc, một số mặt hàng như tôm hay gỗ đã nghĩ đến giá trị xuất khẩu vượt chục tỷ USD trong một vài năm tới với những chiến lược được chuẩn bị ngay từ bây giờ.

Ở thời điểm hiện tại vẫn còn quá sớm để “kết nạp” ngành rau quả vào câu lạc bộ này khi mới đạt 3,5 tỷ USD năm 2017 và mục tiêu 2018 là 4 tỷ USD. Nhưng đây là ngành nhiều tiềm năng nhờ tốc độ tăng trưởng cao, thị trường rộng lớn và sản phẩm đa dạng. Hiện nay dù mang danh ngành rau quả nhưng Việt Nam chủ yếu chỉ mới xuất khẩu trái thanh long tươi và ớt tuy nhiên Việt Nam vẫn còn rất nhiều loại rau quả đặc sản khác như: dừa, chôm chôm, nhãn, xoài, sầu riêng…

Tổng dung lượng thị trường rau quả toàn cầu được dự báo có thể đạt giá trị đến 300 tỷ USD vào năm 2030, nghĩ là Việt Nam hoàn toàn có thể mở rộng thị trường xuất khẩu mặt hàng này dựa vào việc đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu, đi vào chế biến sâu. Con số xuất khẩu 10 tỷ USD/năm với ngành rau quả là chuyện trong tầm tay. Dự báo trong 5 tới ngành này sẽ là chủ lực của nông sản xuất khẩu.

Đối với ngành gỗ, ông Trần Việt Tiến, Ủy viên Ban chấp hành Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (Hawa) cho rằng: Việt Nam đang đứng thứ 5 thế giới trong lĩnh vực này, với đà phát triển hiện nay sẽ nhanh chóng vươn lên vị trí thứ 2 sau Trung Quốc. Lợi thế của Việt Nam là công nghiệp chế biến bắt kịp xu hướng thị trường. Bên cạnh đó các doanh nghiệp chủ động tham gia sản xuất sản phẩm theo các tiêu chuẩn sản xuất bền vững của thế giới, sản phẩm có nguồn gốc hợp pháp. Tư duy của các doanh nghiệp gỗ hiện nay không chỉ bán các sản phẩm đơn thuần mà đi vào chế biến và kinh doanh không gian sống, những lĩnh vực tạo ra giá trị gia tăng cao.

Một số mặt hàng chưa dám mơ xuất khẩu chục tỷ nhưng cũng tạo được dấu ấn trong thời gian gần đây chính là hạt gạo. Chất lượng và giá trị hạt gạo xuất khẩu đã được cải thiện đáng kể. Giá gạo xuất khẩu bình quân đạt 507 USD/tấn, tăng gần 15% so với cùng kỳ năm 2017. Ở phân khúc gạo trắng chất lượng cao, gạo Việt Nam đang cạnh tranh quyết liệt với Thái Lan và nhiều thời điểm giá bán còn cao hơn gạo Thái. Một điều tích cực khác là xuất khẩu gạo của Việt Nam ngày càng bớt phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Hay như ngành chăn nuôi, trước nay vẫn được xem là yếu kém, không có khả năng cạnh tranh thì trong năm nay đã có sản phẩm thịt gà xuất khẩu đi Nhật và thịt heo đi Myanmar. Xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi 9 tháng ước đạt 405 triệu USD, tăng 5,2%.

Ngay trong câu lạc bộ tỷ đô vẫn có nhiều mặt hàng đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Sản phẩm cao su và sắn đầu ra vẫn bấp bênh vì phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc. Để phát triển bền vững chỉ có cách đầu tư vào chế biến và chế biến sâu. Ngành tiêu và cà phê đang gặp khủng hoảng thừa của thế giới nên giá giảm mạnh.


Lời giải cho bài toán này chính là điều tiết lại sản xuất đi kèm với chế biến vì phần lớn sản phẩm xuất khẩu của 2 mặt hàng này vẫn là xuất thô. Hay như ngành điều đang gặp khủng hoảng vì thiếu nguyên liệu và các doanh nghiệp trong ngành tranh mua tranh bán.

Tuy nhiên, nếu nhìn vấn đề ở góc độ lạc quan, những khó khăn của các nhóm hàng trên chính là cơ hội thanh lọc những doanh nghiệp làm ăn chụp giật, giữ lại những đơn vị làm ăn chân chính. Hiểu vấn đề theo cách tích cực như vậy sẽ thấy rằng những khó khăn hiện tại sẽ là cơ hội cho nhiều doanh nghiệp và những ngành này phát triển bền vững hơn.

Theo Thanh Niên