Sản phẩm thịt chay của Green Monday - Ảnh: Green Queen

Tiêu điểm:

Các hãng thực phẩm thuần chay đang hướng đến thị trường châu Á

Green Monday – hãng sản xuất các loại thịt có nguồn gốc từ thực vật có trụ sở chính tại Hong Kong – sẽ bắt đầu bán các sản phẩm tại Indonesia và Hàn Quốc từ tháng 6 tới. Hãng sẽ khai trương nhà máy mới với vốn đầu tư 20 triệu USD tại Đài Loan vào cuối năm nay. Nhà máy tại Đài Loan cùng với các xưởng sản xuất tại Thái Lan sẽ phục vụ cho thị trường châu Á.

Riêng nhà máy mới ở Trung Quốc sẽ bắt đầu sản xuất trong quý 3/2021, đáp ứng nhu cầu của thị trường đại lục.

Với hai nhà máy này, năng lực sản xuất các loại thực phẩm thuần chay của Green Monday sẽ tăng 10 lần – CEO David Yeung nói với Nikkei Asia.

Green Monday, cũng như các hãng sản xuất các chế phẩm thay thế cho thịt động vật từ các loại đạm thực vật, đang hưởng lợi khi người tiêu dùng đang chuyển dần sang các loại thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật. Xu hướng thực phẩm thuần chay đang được cổ vũ bởi người dùng quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe và ảnh hưởng đến môi trường của các trang trại chăn nuôi. Các nhà đầu tư quốc tế cũng đang đổ vốn nhiều hơn cho xu hướng tiêu dùng mới.

“Đối với nhiều doanh nghiệp, nhu cầu và nhận thức về tác động môi trường, xã hội và quản trị nhà nước đã tăng mạnh trong thời qua. Dù trong ngành thực phẩm hay không, họ đang trở nên háo hức hơn trong việc mang lại các lựa chọn mới, hoặc là đối với nhân viên hoặc là đối với người tiêu dùng”, CEO Yeung nhận định.

Ông cũng nói rằng dịch Covid-19 đã làm thúc đẩy nhu cầu các loại thịt thay thế tăng vọt trên thế giới. “Chỉ riêng Green Monday, sản lượng đã tăng gấp ba lần so với năm 2019”, Yeung nói.

Bên cạnh các thị trường mới ở châu Á, Green Monday cũng tập trung vào thị trường Mỹ, Úc, Anh, Nhật Bản và thị trường Trung Quốc đại lục. Với việc mở rộng này, doanh số của Green Monday sẽ tăng ba lần so với năm 2020.

Thị trường các loại thịt “giả” ở châu Á ước đoán có giá trị đến 16 tỷ USD. Các hãng sản xuất thịt thực vật của Mỹ đã bắt đầu “xâm chiếm” các thị trường này trong hai năm qua. Hãng Beyond Meat của Mỹ công bố vào tháng 9/2020 rằng sẽ mở nhiều xưởng sản xuất ở Trung Quốc và bắt đầu bán sản phẩm ra thị trường trong năm nay. Beyond Meat cũng hợp tác với Yum China – hãng điều hành các chuỗi KFC và Pizza Hut ở Trung Quốc – để bán các loại burger có thịt làm từ thực vật.

Impossible Foods, một đối thủ khác từ Mỹ, cũng đã thâm nhập thị trường châu Á. Impossible Foods đã cung cấp các loại nhân thịt burger làm từ thực vật cho khoảng 200 siêu thị ở Hong Kong và Singapore từ cuối năm ngoái.

Bản Tin Thị Trường

1/ Giá vàng miếng SJC đang ở mức 54,4 – 54,8 triệu đồng/lượng, tăng trở lại 200.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, chênh lệch hai đầu là 400.000 đồng.  Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco hiện đang ở mức 1.714 USD/ounce, tăng 28 USD/ounce, tương đương 1,66% so với chốt phiên trước.

2/ Sáng 1/4, Bộ Y tế cùng các tổ chức quốc tế tại Việt Nam đón nhận 811.200 liều vaccine Covid-19 của Astra Zeneca tại sân bay Nội Bài do COVAX tài trợ. Vaccine AstraZeneca là vaccine Covid-19 đầu tiên được phê duyệt lưu hành tại Việt Nam. Lô vaccine về Nội Bài sáng nay là lô vaccine AstraZeneca thứ 2 về tới Việt Nam, sau lô đầu tiên do Công ty Cổ phần vaccine Việt Nam (VNVC) đặt mua từ AstraZeneca. VNVC đã đặt mua 30 triệu liều vacxin Covid-19 của AstraZeneca trong năm 2021. Số vaccine này được giao thành nhiều đợt, lô đầu tiên gồm 117.600 liều đã về Việt Nam vào hôm 24/2. COVAX đã đảm bảo cho các quốc gia tham gia cơ chế này được tiếp cận vaccine với mức độ bao phủ khoảng 20% dân số trong năm 2021.

Hôm nay, Hơn 800.000 liều vaccine AstraZeneca đã về tới Việt Nam

3/ Tập đoàn Vingroup đã công bố báo cáo tài chính đã được kiểm toán cho năm kế toán 2020. Báo cáo cho thấy Vingroup đang trong quá trình rút chân hoàn toàn khỏi The CrownX, trong đó Vingroup giữ 30% cổ phần và Masan sở hữu phần còn lại. Giá gốc của khoản đầu tư của Vingroup được ghi nhận là 5.538,3 tỷ đồng, khoảng 240 triệu USD. Tuy nhiên, giá trị hợp lý của khoản đầu tư vẫn đang trong quá trình xác định

Trong khi đó, Masan cho biết hệ thống bán lẻ VinMart, VinMart+ sẽ đổi tên thành WinMart trong năm nay khi quá trình chuyển đổi bên trong cũng hoàn tất. Tổng giám đốc Masan Consumers nhấn mạnh Masan không muốn thay tên VinMart theo kiểu “bình cũ, rượu mới” mà chỉ thay đổi khi nội tại của chuỗi siêu thị này cũng được đổi mới. Quá trình chuyển đổi nhiều yếu tố bên trong chuỗi bán lẻ này gồm danh mục hàng hóa, chất lượng dịch vụ, chính sách giá sẽ hoàn tất trong năm 2021 và kèm theo đó là thay đổi hình thức bên ngoài. Một trong số mục tiêu quan trọng với hệ thống bán lẻ VinMart, VinMart+ năm nay là bắt đầu triển khai các dịch vụ tài chính và thử nghiệm nhượng quyền.

4/ Số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan cho thấy trong tháng 1 vừa qua, Việt Nam nhập khẩu 10.250 tấn thịt heo tươi, ướp và đông lạnh, tăng 322,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Nga, Canada, Brazil, Ba Lan và Mỹ là 5 thị trường lớn cung cấp thịt heo cho Việt Nam. Cũng theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, trong năm 2020, Việt Nam nhập khẩu 141.140 tấn thịt heo, tăng 382% so với năm 2019. Giá thịt heo nhập khẩu hiện khoảng 2.400 USD/tấn (khoảng 50.000 đồng/kg), khi về Việt Nam có giá khoảng 60.000 đồng/kg, chỉ bằng 1/2 giá thịt heo trong nước (dao động từ 120.000 đồng đến hơn 200.000 đồng/kg, tùy loại). Hiện giá thịt heo nhập khẩu chào bán trên thị trường chỉ từ 30.000-70.000 đồng/kg, tùy loại.

5/ Theo số liệu 3 tháng đầu năm của Cục Hàng không Việt Nam, hãng hàng không Bamboo Airways duy trì tỷ lệ đúng giờ bình quân 96,7%, cao nhất trong top 3 hãng hàng không lớn nhất của Việt Nam, đồng thời cao nhất toàn ngành. Hai hãng hàng không lớn còn lại là Vietnam Airlines và Vietjet Air duy trì tỷ lệ đúng giờ lần lượt 96,6% và 94%. Số liệu bay đúng giờ tích cực cho thấy một số hãng hàng không đã có những nỗ lực mạnh mẽ trong việc duy trì tỷ lệ bay đúng giờ, đảm bảo lịch trình di chuyển của hành khách trong giai đoạn nhu cầu đi lại cao điểm trước, trong và sau Tết nguyên đán. Đại diện của Bamboo Airways cho biết hãng đang liên tục mở mới nhiều đường bay ngách để mang lại thêm lựa chọn cho hành khách.

6/ Do dễ bị héo rũ, chi phí sản xuất cao và ảnh hưởng của việc sử dụng đất đối với các loại cây trồng khác, nên diện tích và sản lượng thu hoạch chuối ở Trung Quốc giảm dần qua từng năm. Vì thế, lượng chuối nhập khẩu vào Trung Quốc đã tăng lên qua từng năm. Trong năm 2019, do nguồn cung chuối trong nước thiếu hụt, Trung Quốc nhập khẩu từ ba nguồn cung chính là Philippines (chiếm 53,3% tổng lượng nhập khẩu chuối); tiếp theo là Ecuador với 23,7% và Việt Nam với 14,3%. Năm 2020, Trung Quốc đã nhập khẩu 1,74 triệu tấn chuối. Chuối nhập khẩu được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng và chiếm lĩnh phân khúc thị trường trung và cao cấp.

7/ Huawei đã thông báo doanh thu của năm 2020 là 891,4 tỷ nhân dân tệ (136,7 tỷ USD), tăng 3,8% so với năm trước. Trung Quốc là thị trường lớn nhất của hãng, chiếm 65,5% doanh thu. Thị trường châu Âu, Trung Đông và châu Phi đem về 20,3% doanh thu cho Huawei trong khi con số này ở châu Á Thái Bình Dương là 7,2%. Doanh thu nội địa của Huawei tăng mạnh 15,4% nhưng giảm 12,2% và 8,7% tương ứng ở hai thị trường lớn tiếp theo của hãng. Hiện tại, ba mảng kinh doanh chính của Huawei là sản phẩm tiêu dùng, viễn thông và giải pháp doanh nghiệp. 2020 được coi là năm khó khăn của Huawei bởi Mỹ hạn chế hãng mua phần cứng, phần mềm và dịch vụ từ các nhà cung cấp Mỹ. Điều này ảnh hưởng xấu đến hoạt động điện thoại thông minh của Huawei.

8/ Giới chức Ai Cập cho biết tổng chi phí thanh toán cho các bên tham gia giải cứu tàu container Ever Given mắc cạn trên kênh đào Suez có thể lên tới 1 tỷ USD. Hơn thế nữa, sự cố tắc nghẽn tuyến giao thông đường thủy huyết mạch xuyên lục địa qua Ai Cập đã khiến chính phủ nước này phải chịu tổn thất khoảng 14 triệu USD mỗi ngày. Theo các tính toán, đã có khoảng 30.000 mét khối cát đã được di chuyển, hút để đưa con tàu nổi trở lại. Tổng cộng đã có 13 chiếc tàu kéo của các nước được huy động để trục kéo con tàu trở về trạng thái nổi bình thường. Sau khi được giải cứu thành công, hiện con tàu container này đã được kéo đến hồ Great Bitter nằm ở khoảng giữa kênh đào Suez nối giữa Địa Trung Hải và Biển Đỏ. Dự kiến tàu Ever Given sẽ còn phải nằm tại đây chờ cho đến khi hoàn tất cuộc điều tra về nguyên nhân xảy ra sự cố khi bắt đầu hành trình từ Trung Quốc đến Hà Lan.

9/ Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố gói đầu tư cơ sở hạ tầng trị giá hơn 2.000 tỷ USD nhằm củng cố kinh tế hậu đại dịch. Theo kế hoạch, gói cơ sở hạ tầng sẽ được giải ngân trong 8 năm. Thuế thu nhập doanh nghiệp cũng sẽ được nâng từ 21% lên 28% để có ngân sách cho việc này. Đây là sáng kiến lớn thứ 2 của Biden sau khi gói giải cứu nền kinh tế trong đại dịch trị giá 1.900 tỷ USD được thông qua vào tháng trước. Lần này, chính quyền Biden tập trung vào tạo việc làm, cải thiện cơ sở hạ tầng và chống biến đổi khí hậu. Dù vậy, đề xuất của ông vẫn cần được Quốc hội Mỹ thông qua.

Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA

Duyên dáng với hoa tai kim cương NTJ