Xuất khẩu than của Úc đạt đỉnh 47,8 tỷ USD trong năm 2018, và giảm trong hai năm 2019-2020 do các đối đầu thương mại Úc - Trung, nhưng Trung Quốc đã gỡ bỏ các lệnh cấm nhập than của Úc từ đầu tháng 10 vừa rồi để đáp ứng nhu cầu trong nước. Ảnh: Reuters
Mỗi tấn than xuất đi từ cảng Newscatle hồi tháng 9-2020 chỉ có giá là 67 USD/tấn, nhưng hiện tại đã lên tới 307 USD/tấn, cao gấp gần 5 lần. Cách đây vài tuần, giá mặt hàng này thậm chí còn ở mốc 360 USD/tấn, mức chưa có tiền lệ, vượt cả đỉnh lịch sử từng ghi nhận trước đó vào năm 2008 với 267 USD/tấn.
Các hãng than ở Úc đang hưởng lợi nhuận khổng lồ bởi chưa bao giờ than tăng giá như vậy. Theo World Top Exporters, Úc là quốc gia xuất khẩu than lớn nhất thế giới trong năm 2020, chiếm 39,5% con số toàn cầu.
Có ba yếu tố chính tác động đến giá than trên toàn cầu trong thời gian qua: nhu cầu tăng ở Trung Quốc, giá khí đốt tăng vọt và nguồn cung bị hạn chế. Sản lượng khai thác than của Trung Quốc chỉ tăng 6% trong năm nay nhưng nhu cầu tăng 14%, trong khi Trung Quốc lại cấm vận than nhập từ Úc trong các đối đầu thương mại diễn ra trong hai năm qua. Mặt khác, giá khí đốt tăng cao ở châu Âu, buộc lục địa già phải quay sang sử dụng nguồn năng lượng “bẩn”.
Thông thường, giá mặt hàng tăng do nhu cầu đi lên, thúc đẩy nhà đầu tư đồ tiền vào ngành để tăng sản lượng và giá sẽ đi xuống vì nguồn cung dồi dào hơn. Tuy nhiên, than thì khác, khi thống kê cho thấy giá than nhiệt đi lên nhưng suốt 5 năm qua, công suất sản xuất lại giảm xuống do các nước hạn chế khai thác than, giảm lượng phát thải CO2 nhằm bảo đảm các tiêu chuẩn môi trường và chống biến đổi khí hâu. Theo hiệu ứng domino, với nguồn cung thấp, giá than sẽ vẫn duy trì ở mức cao.
Nhà phân tích Tim Buckley thuộc Viện kinh tế năng lượng và phân tích tài chính (IEEFA) của Mỹ nói rằng giá than cao như “cơn gió thuận” đối với nền kinh tế Úc. Nhưng nếu không mở thêm các mỏ mới, sản lượng sẽ đi xuống theo thời gian.
Hơn nữa, Úc cũng đang gặp tình thế tiến thoái lưỡng nan khi phải đáp ứng các tiêu chuẩn về phát thải của một nước công nghiệp tiên tiến. Nhưng nếu phải đáp ứng các tiêu chuẩn khắc nghiệt này, nhiều mỏ than phải đóng cửa. Điều này cũng đồng nghĩa là nguồn sống của nhiều thị trấn và thành phố bị cắt đứt và các nơi này sẽ thành “các thị trấn ma” trong tương lai không xa.
Bản Tin Thị Trường
1/ Mỹ sẽ công bố tỷ lệ tăng trưởng quý 3 trong ngày 28-10 (theo giờ Washington). Thị trường khá kỳ vọng rằng tăng trưởng kinh tế Mỹ là tích cực, nhưng các quỹ kinh doanh vàng lại gom mạnh hàng. Giá vàng thế giới giao ngay tại thị trường Mỹ đứng ở mức 1.796 USD/ounce, nhích nhẹ 3 USD/ounce so với chốt phiên trước tại thị trường này. Tại thị trường châu Á, lúc 8 giờ 30 phút (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới giao ngay ở quanh mức 1.793 USD/ounce, nhích tăng 2 USD/ounce so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua.
Sáng 28-10, giá vàng SJC tiếp tục tăng so với phiên trước, một số nơi đi ngang. Tại TP.HCM, giá mua và bán quanh mức 58 – 58,7 triệu đồng/lượng. Tại Hà Nội và Đà Nẵng, giá nhỉnh hơn chút, trong khoảng 58 – 58,72 triệu đồng/lượng. Cả ba thị trường trên đi ngang cả chiều mua và chiều bán so với ngày hôm trước. So với giá mở cửa phiên sáng qua, các thị trường trên đã tăng 150.000 đồng/lượng ở hai đầu mua vào và bán ra. Chênh lệch lệch giá hai đầu vẫn 700.000 đồng.
2/ Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết theo Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII, xác định bội chi thực hiện theo nguyên tắc trong giai đoạn 5 năm tới là 3,7%. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay cần đưa ra gói kích cầu hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nên phải chấp nhận bội chi tăng lên. Sau đó khi nền kinh tế đi vào ổn định, phát triển thì giảm tỉ lệ bội chi. Về gói kích thích kinh tế mới, Bộ Tài chính đang đề xuất một số chính sách tài khoá cũng như gói kích cầu như: hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp để có thể trích từ 10.000 – 20.000 tỷ đồng trong một số ngành nghề nhất định và công trình trọng điểm. Bên cạnh đó là phát hành công trái, trái phiếu ngoại tệ trong nước.
Liên quan đến chính sách điều hành, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, thời gian tới sẽ tập trung tăng thu thuế trên các nền tảng số mà nay còn dư địa như: bán hàng online, các nền tảng xuyên biên giới… Bộ cũng sẽ đẩy mạnh các hoạt động chống chuyển giá trốn thuế. Thực hiện thắt chặt chi tiêu, như giảm 10% chi thường xuyên, tiết kiệm 5% chi công tác phí, hội nghị.
3/ Theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, tính đến ngày 20-10-2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt 23,74 tỷ USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2020.
10 tháng, ước tính các dự án đầu tư nước ngoài đã giải ngân được 15,15 tỷ USD, giảm 4,1% so với cùng kỳ năm 2020, giảm nhẹ 0,6 điểm phần trăm so với 9 tháng năm 2021.
4/ Giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London giảm trong ngày 28-10. Kỳ hạn giao ngay tháng 1-2022 giảm 73 USD, xuống 2.197 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 3-2022 giảm 52 USD, còn 2.134 USD/tấn, các mức giảm rất mạnh. Khối lượng giao dịch ở mức trung bình. Cấu trúc giá nghịch đảo thu hẹp khoảng cách.
Trong khi đó, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York cùng xu hướng giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 12 giảm 6,75 cent, xuống 201,35 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 3-2022 giảm 6,65 cent, còn 204,05 cent/lb, các mức giảm rất mạnh. Khối lượng giao dịch tăng lên rất cao trên mức trung bình.
5/ Từ đầu tháng 10-2021 đến nay, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã tăng thêm từ 5-7 USD và trụ vững ở mức cao, chào bán trên thị trường thế giới ở mức 433-437 USD/tấn gần mức cao nhất ba tháng từ mức 425-430 USD/tấn trong tuần trước. Giá gạo 25% tấm cũng ở mức 408-412 USD/tấn; gạo 100% chào bán với giá 438-432 USD/tấn. Đặc biệt, gạo Jasmine chào bán với giá 583-587 USD/tấn.
Theo các thương nhân kinh doanh lúa gạo, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam ổn định ở mức cao khiến giao dịch trên thị trường nội địa sôi động trở lại, các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ hoàn thành đơn hàng xuất khẩu cuối năm, đón nhu cầu nhập khẩu của các nước để chuẩn bị cho các ngày lễ lớn là Noel và năm mới ở các nước châu Âu (EU), Mỹ và Tết Nguyên đán ở các nước châu Á.
6/ Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ra thông báo tạm đình chỉ một số mã kiểm dịch thực vật với một số vườn trồng, cơ sở đóng gói Việt Nam, áp dụng từ ngày 22-10. Tuy nhiên, doanh nghiệp trong nước đến ngày 22 và 23-10 mới biết tin. Khi đó, hàng đóng công, lên đường xuất khẩu. Khi đến cặp cảng Trung Quốc, chỉ hàng thông quan trước 22-10 thì tới tay khách hàng, còn muộn hơn thì đang bị ách lại.
7 vườn trồng thanh long và 8 cơ sở đóng gói tại Việt Nam bị phía Trung Quốc thông báo chưa đáp ứng tiêu chuẩn để nhập vào thị trường khổng lồ này. Nhận tin trễ, nhiều lô đã xuất bị tắc ở cảng đến. Trong đó, Công ty TNHH Thương mại giao nhận vận tải HNT cho biết một số lô hàng thanh long xuất khẩu đi Trung Quốc của công ty này đang bị tắc tại cảng Shekou của Trung Quốc.
Samsung Electronics đang vượt qua các đối thủ Nhật Bản, Đài Loan và Mỹ trong sản xuất chip nhớ và màn hình LCD. Ảnh: Samsung Electronics
7/ Samsung Electronics hôm 28-10 đã công bố lợi nhuận hoạt động tăng 28% bất chấp những thách thức trong chuỗi cung ứng toàn cầu do đại dịch gây ra. Nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới cho hay lợi nhuận hoạt động trong giai đoạn từ tháng 7-9/2021 đã đạt 15.800 tỷ won (13,5 tỷ USD). Doanh thu bán dẫn của Samsung Electronics đã tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái lên mức kỷ lục 74.000 tỷ won nhờ kết quả kinh doanh lạc quan của bộ phận chip nhớ do nhu cầu toàn cầu gia tăng. Theo Samsung Electronics, các điều kiện thuận lợi trên thị trường chip nhớ đã giúp thúc đẩy doanh số bán hàng. Với mức đóng góp hơn 60% vào lợi nhuận hoạt động, mảng kinh doanh chất bán dẫn đã cho thấy vai trò quan trọng của bộ phận này đối với hãng công nghệ này.
8/ Dữ liệu của ngành du lịch Hồng Kông, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, Maldives, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan và Việt Nam cho thấy, kể từ năm 2013 Trung Quốc đóng góp hơn 40% lượt khách quốc tế đến khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Trong số đó, có 5 thị trường có tỉ lệ du khách Trung Quốc cao nhất trong năm 2019 bao gồm Hồng Kông (78,3%), Hàn Quốc (34,4%), Việt Nam (32,2%), Nhật Bản (30,1%) và Thái Lan (27,1%). Do ảnh hưởng của chính sách “zero Covid” và việc chính phủ không cho người dân đi du lịch, nên du khách Trung Quốc hầu như biến mất. Trong số các thành phố trong khu vực, TP.HCM, Tokyo và Seoul là ba thành phố chịu thiệt hại nhiều nhất. Báo cáo của JJL cho biết đà phục hồi hoạt động du lịch nước ngoài của người dân Trung Quốc là yếu tố mang tính quyết định đối với đà phục hồi của các thị trường khách sạn khắp châu Á.
9/ Trung Quốc đang sửa đổi Luật Chống độc quyền lần đầu tiên kể từ khi có hiệu lực vào năm 2008, tăng cường các hình phạt chống độc quyền trong một nỗ lực nhằm kiểm soát nhiều hơn đối với lĩnh vực kỹ thuật số. Phó Giáo sư Angela Zhang thuộc Khoa Luật của Đại học Hồng Kông, dự thảo sửa đổi Luật Chống độc quyền lần này đã tăng đáng kể các hình phạt, mở rộng quyền lực cho Cơ quan Quản lý nhà nước về Quy chế thị trường (SAMR) và gửi một tín hiệu rõ ràng về việc thắt chặt kiểm soát đối với các công ty công nghệ.
Theo đó, mức phạt tối đa sẽ tăng lên gấp 10 lần, khoảng 5 triệu nhân dân tệ (tương đương 783.000 USD) đối với hành vi không thông báo với cơ quan chức năng về giao dịch sáp nhập. Mức này áp dụng ngay cả khi giao dịch không gây ra mối đe dọa về chống cạnh tranh. Tuy nhiên con số này vẫn rất nhỏ so với mức phạt 2,75 tỷ USD của Alibaba, tức 4% tổng doanh số của tập đoàn trong năm 2019 hay mức hơn 527 triệu USD của ứng dụng giao nhận thức ăn Meituan trong năm 2020.
10/ Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva đã kêu gọi các nước phát triển tiếp tục hỗ trợ các nước nghèo, đặc biệt trong bối cảnh Sáng kiến hoãn thanh toán nợ (DSSI) của G20 sẽ hết hiệu lực vào cuối năm nay.
Sáng kiến DSSI, được G20 khởi xướng từ khi bùng phát đại dịch COVID-19, theo đó cho phép hoãn thanh toán nợ đối với 73 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Sáng kiến này sẽ hết hiệu lực vào cuối năm 2021 sau khi được gia hạn 1 năm.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), hơn 40 quốc gia đã được hỗ trợ trong khuôn khổ DSSI với tổng trị giá 5 tỷ USD kể từ khi sáng kiến có hiệu lực vào tháng 5/2020. Tháng trước, Chủ tịch WB David Malpass khuyến nghị thực hiện một “kế hoạch toàn diện” giải quyết gánh nặng nợ cho các nước thu nhập thấp, khi số nợ đã tăng 12% lên tới con số kỷ lục 860 tỷ USD vào năm 2020. Ông Malpass cho rằng DSSI “chưa đủ rộng” và kêu gọi thế giới nên cân nhắc điều cần làm sau tháng 1/2022, trong đó có một kế hoạch giãn nợ.
Ricky Hồ / BSA