Công ty Nhật Bản Mitsubishi cho biết họ đã quyết định rút khỏi dự án Nhà máy Nhiệt điện than Vĩnh Tân 3 ở Việt Nam trong bối cảnh quốc tế ngày càng lo ngại về biến đổi khí hậu.

Tiêu điểm:

Các nhà đầu tư nước ngoài từ bỏ các dự án điện than

Mitsubishi đã quyết định rút khỏi dự án nhà máy nhiệt điện than Vĩnh Tân 3 tại Bình Thuận trong bối cảnh thế giới ngày càng lo ngại về biến đổi khí hậu.

Theo Nikkei Asia, OneEnergy, một liên doanh của Mitsubishi và Tập đoàn CLP của Trung Quốc, nắm giữ 49% cổ phần trong dự án nhà máy nhiệt điện than Vĩnh Tân 3 trị giá 2 tỉ USD. Đây là lần đầu tiên Mitsubishi rút khỏi dự án nhiệt điện than và tập đoàn này cũng sẽ không xây dựng bất kỳ nhà máy mới về nguồn nhiên liệu này sau dự án Vũng Áng 2.

Thay vào đó, tập đoàn này đã có kế hoạch góp phần phát triển các dự án điện ít gây hại cho môi trường, bao gồm khí tự nhiên hóa lỏng và năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời.

Mitsubishi và bảy ngân hàng và tập đoàn tài chính Nhật Bản đã gặp sức ép mạnh mẽ từ tổ hợp 21 nhà đầu tư tài chính và ngân hàng châu Âu trong các dự án điện than trong năm 2020 vừa rồi.

Trước đó, ngân hàng StandardChartered cũng rút khỏi việc tài trợ hơn 7 tỷ USD cho các dự án Vũng Áng 2 và Vĩnh Tân 3 ở Việt Nam, Java 9 và Java 10 ở Indonesia. Ngân hàng Credit Suises của Thụy Sỹ, DBS của Singapore và tổ hợp HSBC cũng rút nguồn vốn cho vay đối với các dự án điện than trong hai năm 2019-2020.

Bản Tin Thị Trường

1/ Giá vàng miếng SJC tại Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn đang ở mức 55,90 – 56,30 triệu đồng/lượng, giảm tiếp 150.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 200.000 đồng/lượng chiều bán ra, chênh lệch hai đầu là 400.000 đồng. Trong khi đó, rên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco hiện đang ở mức 1.773,1 USD/ounce, giảm tới 31,7 USD/ounce, tương đương 1,76% so với chốt phiên trước.

2/ Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan (TFDA) vừa có thông báo về việc cập nhật danh sách các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đạt chuẩn được phép xuất khẩu thủy sản vào quốc gia này. Theo đó, danh sách cập nhật lần này có 697 doanh nghiệp thủy sản đủ điều kiện xuất khẩu thủy sản vào Đài Loan. Theo TFDA, sản phẩm thủy sản Việt Nam hiện chưa được TFDA đánh giá/kiểm tra hệ thống. Do đó, chỉ có các sản phẩm thủy sản đã từng xuất khẩu sang Đài Loan và do các doanh nghiệp nằm trong Danh sách các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam được phép xuất khẩu thủy sản vào Đài Loan, mới được phép xuất khẩu vào Đài Loan. Theo Vasep, Đài Loan hiện không nằm trong top 10 thị trường nhập khẩu thủy sản của Việt Nam, tuy nhiên thị trường này lại có kim ngạch nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam tương đối ổn định với trên 100 triệu USD/năm, chiếm từ 1,3 – 1,8% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của cả nước.

3/ Không tổ chức lễ khai trương chính thức do Covid-19, hãng trang sức và đồng hồ xa xỉ Bvlgari đã đánh dấu lần trở lại Việt Nam bằng việc đưa vào hoạt động cửa hàng đầu tiên tại quận 1, TP HCM ngay trong tháng 2/2021. Trực thuộc “đại gia” LVMH, Bvlgari đã quay lại Việt Nam thông qua việc thành lập công ty con và mở cửa đón khách ngay trong mùa dịch. Bulgari đã từng kinh doanh tại Việt Nam thông qua nhà phân phối Liên Thái Bình Dương (IPP) giai đoạn tháng 3/2014-3/2019. Trong lần quay trở lại này, hãng đã thành lập công ty con để trực tiếp nhập khẩu và phân phối, có tên Bulgari Việt Nam. Theo Statista, doanh thu thị trường hàng xa xỉ Việt Nam sẽ đạt 1,141 tỷ USD năm nay. Giai đoạn 2021-2025, thị trường này dự kiến sẽ tăng trưởng bình quân 7,17% mỗi năm.

Cửa hàng mới mở của Bulgari tại TP HCM. – Ảnh: Bulgari Việt Nam.

4/ Nguồn tin từ Uỷ ban truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) cho thấy VinSmart hiện đã có 10 mẫu điện thoại vượt qua các bài kiểm tra chất lượng để được bán tại Mỹ. Đây là điều kiện tiên quyết để smartphone hay sản phẩm công nghệ có thể lên kệ ở thị trường xứ sở cờ hoa. Hiện tại, 3 model trong số này được VinSmart bắt đầu phân phối qua nhà mạng AT&T và các đối tác bán lẻ khác. Các mẫu điện thoại mới được AT&T tung ra thị trường có tên Maestro Plus, Motivate và Fusion Z. VinSmart đã cung cấp lô hàng đầu tiên cho AT&T với số lượng 2 triệu chiếc. Đây được đánh giá là bước đi khôn ngoan của VinSmart để thăm dò thị trường trước khi lựa chọn tung ra các model cao cấp hơn. Trong 7 điện thoại nhận chứng chỉ của FCC còn lại, có Vsmart Aris là điện thoại tầm trung ăn khách của VinSmart tại Việt Nam.

5/ Tập đoàn Hòa Phát (HPG) sẽ sản xuất vỏ container rỗng dựa trên những nghiên cứu đánh giá trong thời gian vừa qua về nhu cầu thị trường. Hiện ngành logistics toàn cầu và cả Việt Nam đang vật lộn với tình trạng thiếu vỏ container. Do Covid-19, việc giải phóng, quay vòng container rỗng bị đình trệ, trong khi nhu cầu xuất hàng đi châu Âu, Mỹ tăng đột biến khiến container bị khan hiếm trầm trọng, giá thuê container đã tăng liên tục, gấp từ 2 đến 10 lần. Trong thời gian tới, Hòa Phát dự định sẽ sản xuất 500.000 TEU mỗi năm tại hai khu vực gần cảng biển Hải Phòng và Đông Nam Bộ. Hiện Hòa Phát đang tuyển dụng nhân sự để có thể bắt tay ngay vào xây dựng nhà máy. Dự kiến đầu quý 2/2022, Hòa Phát có thể cung cấp ra thị trường container rỗng mang thương hiệu của mình.

6/ Tầm quan trọng ngày càng tăng của Việt Nam trong các chuỗi cung ứng toàn cầu là tiềm năng to lớn giúp tăng cường hơn nữa mối quan hệ Việt Nam-Ấn Độ, đặc biệt trong lĩnh vực doanh nghiệp vừa và nhỏ vốn được xem là những động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở mỗi nước. Theo đó, các doanh nghiệp Ấn Độ hiện đang muốn thành lập doanh nghiệp tại Việt Namtrong lĩnh vực năng lượng, thăm dò khoáng sản, hóa chất nông nghiệp, sản xuất đường, chè, cà phê, công nghệ thông tin và linh kiện. Theo Cục Đầu tư nước ngoài của Việt Nam, tính đến tháng 12/2020, Ấn Độ có gần 300 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư gần 900 triệu USD, đứng thứ 26 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Đáng chú ý, Việt Nam và Ấn Độ có một điểm tương đồng là số lượng doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa rất nhiều.

7/ Theo CNBC, các ngân hàng trung ương Trung Quốc, Thái Lan, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và Hồng Kông hiện đang cùng nhau triển khai một dự án tiền điện tử xuyên biên giới. Từ năm ngoái, Cơ quan tiền tệ Hồng Kông (HKMA) và Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BOT) đã cùng nghiên cứu về việc ứng dụng các loại tiền điện tử ngân hàng trung ương. Giờ đây, dự án này được mở rộng và bổ sung thêm viện nghiên cứu tiền số của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) và Ngân hàng Trung ương UAE. Hoạt động thanh toán xuyên biên giới theo cách truyền thống thường chậm chạp và đắt đỏ. Các ngân hàng trung ương tin rằng tiền điện tử ngân hàng trung ương sẽ giúp cải thiện tốc độ và chi phí cho hoạt động này. Đây là nỗ lực của các ngân hàng trung ương nhằm số hóa đồng nội tệ và điểm khác nhau giữa các đồng tiền này là công nghệ đằng sau.

8/ Tokopedia hiện đang dẫn đầu thị trường mua sắm trực tuyến ở Indonesia. Số liệu của SimilarWeb cho danh mục thị trường ở Indonesia vừa công bố trong tháng 1/2021 cho thấy nền tảng mua sắm quốc gia này dẫn đầu với tỷ lệ lưu lượng truy cập lên tới 129,1 triệu lượt, chiếm 32,04%, trong đó tỷ lệ truy cập qua thiết bị di động chiếm ưu thế 62,7%, trong khi từ máy tính để bàn là 37,3%. Xếp thứ hai là Shopee với tỷ lệ lưu lượng truy cập 29,78% và số lượt truy cập hàng tháng là 120 triệu. Trong khi đó Bukalapak đứng ở vị trí thứ ba với tỷ lệ lưu lượng truy cập 8,23% với số lượt truy cập hàng tháng là 13,58 triệu. Ngân hàng Indonesia ghi nhận các giao dịch thương mại điện tử tăng gần gấp đôi từ 80 triệu giao dịch vào tháng 8/2019 lên 140 triệu giao dịch vào tháng 8/2020.

9/ Hôm nay, Facebook đã khôi phục nội dung trên các trang của các hãng truyền thông Australia trên nền tảng xã hội này sau hơn một tuần bị gián đoạn do bất đồng với Chính phủ Australia. Trước đó, ngày 17/2, Facebook đã đưa ra quyết định hạn chế đọc và và chia sẻ nội dung tin tức ở Australia để phản ứng lại dự thảo luật về Bộ quy tắc thương lượng bắt buộc, yêu cầu các tập đoàn công nghệ lớn phải trả phí cho việc sử dụng tin tức các hãng truyền thông nội địa. Trong vài ngày qua, Facebook đã ký thỏa thuận với một số hãng truyền thông của Australia như Schwartz Media, đơn vị xuất bản tờ Saturday Paper và tạp chí Monthly; Solstice Media, đơn vị xuất bản tờ New Daily và City Mag; và Private Media xuất bản tờ Crikey. Dự kiến, nhiều công ty truyền thông Australia khác cũng sẽ đạt được thỏa thuận với Facebook trong những tuần tới, tương tự một loạt các thỏa thuận đã ký kết với Google trong đầu tháng 2.

10/ Sau khi tổn thất khoảng 160 tỷ USD vào năm ngoái, ngành hàng không toàn cầu có thể ‘đốt’ thêm gần 100 tỷ USD trong năm nay để trang trải chi phí hoạt động. Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) nhận định: Nguồn thu không đủ bù chi khi viễn cảnh các chính phủ nới lỏng đi lại và mở cửa biên giới vẫn không chắc chắn. “Chúng tôi lo ngại rằng sẽ mất thời gian nhiều hơn để ngành hàng khộng dừng đốt tiền”, Brian Pearce, nhà kinh tế trưởng của IATA nói. Ông cảnh báo tình trạng chảy máu tiền mặt này sẽ gây ra những hậu quả tài chính nghiêm trọng cho nhiều hãng hàng không, đặt ra các hoài nghi về khả năng sống còn của họ trong cuộc khủng hoảng Covid-19 đang kéo dài dai dẳng. Ông Pearce dự báo đến cuối năm nay, nhiều hãng hàng không sẽ gánh khoản nợ lớn hơn so với hồi đầu năm nay.

Ông Brian Pearce nhận định triển vọng ngắn hạn của ngành hàng không toàn cầu xấu hơn dự báo trước đây vì vẫn chưa rõ khi nào các chính phủ nới lỏng đi lại giữa lúc đại dịch Covid-19 trở nên khó kiểm soát hơn dự kiến do sự xuất hiện các biến chủng mới của virus corona.

Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA

Phiên chợ Xanh – Tử tế đầu năm: Nhiều chương trình hấp dẫn, ý nghĩa