Không có tiêu chuẩn chung của EU cho các sản phẩm may mặc. Đa số các nhà nhập khẩu, đặc biệt là các tổ chức bán lẻ, làm việc với các yêu cầu tối thiểu.

Trên khía cạnh này, nhà nhập khẩu đưa ra những yêu cầu chất lượng tối thiểu liên quan đến cả vật liệu và sản xuất.

1. Các khía cạnh về môi trường

Môi trường của sản phẩm được coi là vấn đề chính hiện nay. Bên cạnh luật pháp, một trong những công cụ chính của EU là “phạt tiền đối với những người làm ô nhiễm”, các chi phí ngăn ngừa và dọn dẹp ô nhiễm được quy trách nhiệm cho người gây ô nhiễm.

Trong những năm gần đây, các vấn đề về môi trường như đánh giá chu kỳ sống của sản phẩm, sản xuất sạch hơn và Ecodesign, là những công cụ quan trọng cho các công ty muốn chứng minh tiến trình môi trường trong sản xuất và trên sản phẩm.

Những chỉ dấu xác nhận tiêu chuẩn cho sản phẩm mang tính môi trường thường được biết đến như một nhãn sinh thái.Các nhãn sinh thái mang tính chất tự nguyện, tuy nhiên có thể cho rằng đây là một công cụ cạnh tranh mạnh. Bốn nhãn hiệu quan trọng tại EU được áp dụng cho các sản phẩm may mặc thông thường là EU Ecolabel, nhãn OKO-Tex, SKAL EKO và nhãn SG.

EU Ecolabel: được áp dụng cho drap trải giường và áo thun dệt kim, áo thun trơn, cổ tròn, áo tay ngắn hoặc tay dài. OKO-Tex – nhãn tiêu chuẩn OKO-Tex 100’ (theo các tiêu chuẩn châu Âu EN45014): không kiểm tra toàn bộ quá trình chế biến sản phẩm, chỉ tập trung vào sản phẩm cuối cùng. Nhãn hiện nay rất thông dụng tại Đức. SKAL: là một cơ quan kiểm định quốc tế độc lập đối với các phương pháp sản xuất hữu cơ, và cơ quan này sở hữu dấu xác nhận nhận đăng ký chính thức EKO.

Hệ thống kiểm định của SKAL áp dụng trên toàn bộ dây chuyền sản xuất từ thu hoạch bông cho đến sản xuất ra sợi. SKAL cũng định rõ những yêu cầu đối với sản phẩm cuối cùng và đóng gói cho hàng dệt. Nhãn SG: không chỉ áp dụng cho ngành dệt may, mà còn áp dụng cho nhiều nhóm sản phẩm khác.

Nhãn này quy định những mức giới hạn cho các chất nguy hiểm như formaldehyde, pentachlorophenol (PC), chlorified phenols (non–PCP), thuốc trừ sâu, arsen, chì, cadmium, thuỷ ngân, nickel, chromium…

Các tiêu chuẩn về môi trường: hiện tại hai hệ thống tiêu chuẩn mang tính chất tự nguyện và chung nhất là ISO 14001 và EMAS. Cả hai tiêu chuẩn này đều dựa trên các tiêu chuẩn quản lý chất lượng ISO 9000. EMAS chủ yếu được áp dụng cho các công ty sản xuất tại EU và chỉ được áp dụng rộng rãi tại Đức. Hệ thống EMAS tương đối khó và tốn nhiều chi phí, nên các công ty sử dụng ISO 14001.

2. Đóng gói, nhãn hiệu và ghi nhãn

Đóng gói: cần phải quan tâm đến bao bì đóng gói sản phẩm khi xuất khẩu sang EU. phải nghiên cứu kỹ vấn đề bao bì để bảo vệ hàng hoá trong quá trình vận chuyển qua nhiều quốc gia. Các sản phẩm phải được bảo vệ chống lại thời tiết, thay đổi nhiệt độ…

Một số nhà nhập khẩu có những nhu cầu đặc biệt liên quan đến bao bì. Vì những lý do về môi trường, bao bì đóng gói từ những vật liệu như PVC… ít thông dụng với người tiêu dùng, trong vài trường hợp, chính phủ cấm sử dụng loại vật liệu này.

Ghi nhãn: Thông tin cung cấp được ghi trên nhãn từ thành phần sợi vải chính tạo nên sản phẩm cho đến thông tin an toàn tiêu dùng. Thông thường có hai quy định: các yêu cầu bắt buộc như xuất xứ, thành phần sợi, khả năng cháy và ác yêu cầu tự nguyện như nhãn hiệu quan tâm/hướng dẫn giặt tẩy.

Chương trình nhãn hiệu quan tâm tự nguyện được sử dụng trên nhiều quốc gia tại EU. Chương trình sử dụng năm loại biểu tượng là mã màu, các biểu tượng liên quan đến tính bền vững của màu sắc, ổn định về kích cỡ, ảnh hưởng của cloren (trong chất tẩy), nhiệt độ ủi an toàn nhất…

Ngân Giang