Năm nay, người trồng cam Cao Phong không chỉ có niềm vui vụ mùa, mà còn tự hào vì lần đầu tiên sản vật quê mình bước lên bữa ăn 4 sao của Vietnam Airlines

Vào những ngày cuối năm, cam Cao Phong chín rộ và vào mùa thu hoạch. Năm nay, người trồng cam không chỉ có niềm vui vụ mùa, mà còn tự hào vì lần đầu tiên sản vật quê mình bước lên bữa ăn 4 sao của Vietnam Airlines để phục vụ hành khách trong và ngoài nước.

Cam Cao Phong – đặc sản nức tiếng của tỉnh Hòa Bình

Tỉnh Hòa Bình không chỉ được biết đến là nơi phong cảnh hữu tình, mà còn may mắn sở hữu nhiều loại đặc sản nổi tiếng, trong đó có cam Cao Phong. Cam Cao Phong là tên gọi chung của những loại cam thuộc huyện Cao Phong như là cam lòng vàng, cam xã Đoài, cam Canh, cam V2… Vốn có nguồn gốc từ Xã Đoài (Nghệ An), nhưng khi được trồng tại huyện vùng núi Cao Phong đất đai phì nhiêu, màu mỡ, khí hậu mát mẻ, nên cam ở đây có những nét đặc trưng như mùi hương thơm mát, mọng nước, vị ngọt nhẹ, vỏ quả màu vàng óng đẹp mắt. Hiếm ở đâu, trái cam ngon và thơm đặc trưng như được trồng trên đất Cao Phong, vì vậy nói không ngoa khi gọi Cao Phong là vựa cam lớn nhất của miền Bắc. Ai một lần đến với vùng đất này đều phải mua cam Cao Phong về thưởng thức và làm quà.

Từ năm 2014, cam Cao Phong đã được cấp chỉ dẫn địa lý khiến cho loại cam này càng được nhiều người tiêu dùng biết đến là một thương hiệu nổi tiếng, và cũng năm đó cam Cao Phong bắt đầu áp dụng quy trình trồng theo tiêu chuẩn VietGap. Cụ thể, cam Cao Phong phải được trồng ở những vùng đăng ký, không có mầm bệnh, không chứa thuốc bảo vệ thực vật cấm, được chiếu xạ chống ký sinh trùng, được cơ quan thẩm quyền cấp chứng chỉ về an toàn thực phẩm.

Từ khi có thương hiệu, diện tích trồng cam Cao Phong tăng lên nhanh chóng, đầu ra cũng thuận lợi hơn. Tuy nhiên do diện tích tăng nhanh, vẫn có những thời điểm các chủ vườn phải tự tìm mối tiêu thụ, trông chờ vào tư thương đến thu mua tận vườn và không thể tránh khỏi tình trạng bị ép giá. Chính vì thế, thành công trong việc gây dựng được đặc sản cam Cao Phong nức tiếng nhưng người dân nơi đây vẫn trăn trở tìm cách kết nối tiêu thụ bền vững cho sản phẩm, giữ đà phát triển của vựa cam lớn nhất phía Bắc.

Giải bài toán tiêu thụ cho nông sản Việt

Bài toán đầu ra cho nông sản Việt luôn là vấn đề gây đau đầu cho không chỉ những người nông dân mà còn của Nhà nước, các bộ ngành, chính quyền địa phương, doanh nghiệp. Trong đó, tùy vào lĩnh vực hoạt động của mình, các doanh nghiệp có thể tham gia ở vai trò là nhà vận chuyển, thu mua, chế biến ra sản phẩm cuối cùng, xuất khẩu đưa nông sản ra thị trường quốc tế…

Luôn tâm niệm đồng hành cùng nông sản Việt, Vietnam Airlines đã quyết định chọn cam Cao Phong là sản phẩm mới nhất đưa vào suất ăn thương gia trên những chuyến bay nội địa và quốc tế, làm phong phú thêm hương vị truyền thống cho ẩm thực đẳng cấp 4 sao. Vậy là vụ mùa năm nay, người trồng cam Cao Phong không chỉ có niềm vui được mùa, giá tốt mà còn tự hào vì lần đầu tiên, sản vật quê mình được cấp lên suất ăn 4 sao để phục vụ cho du khách trong và ngoài nước.

Để có thể thành công chinh phục được một hãng hàng không tầm cỡ quốc tế như Vietnam Airlines, cam Cao Phong đã phải trải qua một hành trình dài và nghiêm ngặt. Đầu tiên, cam Cao Phong bắt buộc phải “có giấy thông hành” là tiêu chuẩn VietGap và trải qua nhiều khâu kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm nghiêm ngặt. Chờ đến chính vụ, khi những trái cam lòng vàng đã đậm vị và ở vào giai đoạn ngon nhất, người trồng cam sẽ thu hái vào buổi sáng rồi chuyển ngay vào kho mát 5-7 độ C để giữ được độ tươi ngon.

Tiếp đó là khâu chế biến. Về đến công ty chế biến suất ăn hàng không, trái cam được sơ chế, ngâm khử trùng, gọt vỏ, cắt miếng rồi trình bày vào từng khay sứ nhỏ màu trắng. Từ những trái cam tươi óng ả được thu hái trong vùng sơn cước Hoà Bình, qua tài khéo của người chế biến, cam Cao Phong được chia thành những miếng nhỏ xinh, phơi tép dày, mịn và mọng nước, tô điểm thêm sắc vàng dịu mát cho suất ăn 4 sao tinh tế. Miếng cam ăn có vị ngọt thanh đọng lại, thấm vào vị giác làm người thưởng thức khó quên.

Mang trong mình sứ mệnh là cầu nối văn hóa, việc làm sao để ẩm thực trên những chuyến bay của Vietnam Airlines vừa đạt đẳng cấp 4 sao vừa “chở” những câu chuyện văn hóa đến hành khách, là cả một sự tâm huyết của hãng bay này. Bởi với động thái này, Vietnam Airlines không chỉ đơn thuần nâng cao chất lượng bữa ăn cho hành khách của mình, mà còn giúp người trồng cam tiêu thụ được sản phẩm, và góp phần quảng bá hình ảnh, chất lượng của nông sản Việt với thị trường thế giới.

Dự kiến trong mùa đầu tiên, Vietnam Airlines đưa cam Cao Phong vào suất ăn trên các đường bay quốc tế và nội địa, tiêu thụ khoảng 20 tấn trong giai đoạn từ ngày 8 đến 22-12.

 Ông Lê Hồng Hà, Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines chia sẻ: “Hãng hàng không quốc gia luôn có những ưu tiên đặc biệt cho các thương hiệu Việt. Ở khía cạnh văn hoá, đây cũng là cách để chúng tôi gắn kết sản phẩm hàng không với ẩm thực truyền thống của dân tộc. Việc đưa những hương vị truyền thống lan toả trong mỗi sản phẩm, dịch vụ của Vietnam Airlines là các tiếp cận vô cùng gần gũi và hiệu quả trong nỗ lực mang biểu tượng Bông sen vàng vươn mình ra thế giới của Vietnam Airlines”.

Theo Người Lao Động