Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Trong khi ở những vùng núi Tây Nguyên xa xôi, đêm đêm vẫn rầm rì tiếng cưa máy hạ đốn gỗ quý để hình thành những bộ sưu tập hoành tráng cho các biệt phủ hay các dinh cơ mới xây của các nhà giàu đột biến, thì các nước EU đã có những đòi hỏi cương quyết của họ.

9 tỷ đôla là con số kim ngạch xuất khẩu mong muốn của ngành gỗ chế biến năm 2018. Cuộc trò chuyện của tôi với các doanh nhân nhiều năm lăn lộn với ngành này quả là rất thú vị, vì nhiều điều chưa thể hiện trên các báo cáo chính thức của ngành. Mà lại là những điều rất căn cơ, nền tảng.

Cạnh tranh khốc liệt từ những điều kiện bắt buộc khắt khe nhất

“Ta vẫn cứ làm ăn nhỏ lẻ như bao đời. Dù kim ngạch xuất khẩu lớn thế, cũng là chạy theo yêu cầu của từng nhà nhập khẩu, trong khi thế giới đã ổn định sân chơi với đầy đủ các tiêu chuẩn, luật lệ”. Ông Trần Quốc Mạnh, tổng giám đốc CT Sadaco, nói về hoạt động xuất khẩu gỗ chế biến của Việt Nam hiện nay.

Thị trường đang tồn tại hai xu hướng tiêu dùng trái ngược. Theo chính báo cáo của bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn về thị trường gỗ nội địa thì: lớp trẻ là dân văn phòng, nhân viên công ty nước ngoài… thích sản phẩm hiện đại, kiểu dáng thanh nhã, tối giản còn nhà giàu mới nổi, người kinh doanh thu nhập cao hay các công sở cơ quan (miền Bắc) thích loại sản phẩm truyền thống, nguyên liệu gỗ rừng tự nhiên, quý hiếm, kiểu dáng hoa văn nhiều chạm khảm.

Tại các hội chợ thương mại, ta vẫn thường thấy các công ty kinh doanh đồ nội thất truyền thống này thuê những khu rất rộng trưng bày các bộ bàn ghế cồng kềnh, nặng nề, đắt tiền.Xa hơn, đến các hội chợ ở tây nam Trung Quốc (Côn Minh, Vân Nam, Nam Ninh…) ta thường thấy loại sản phẩm “cung đình” này của Việt Nam bày bán nhiều.

Thị trường bắt đầu chứng kiến nghịch lý mới xảy ra: hàng loạt hàng nội thất của các nước ASEAN tràn vào, có tiêu chuẩn, nguồn gốc gỗ rõ ràng, kiểu dáng hiện đại và có mã số để chọn theo bộ. Và điều trớ trêu hơn là một số công ty phân phối đồ gỗ của Mỹ cũng đã vào bán hàng tại thị trường Việt Nam.

Theo tổng giám đốc một công ty xuất khẩu kể, anh nhận ra hàng của công ty anh gia công (nguyên liệu nhập theo nhà nhập khẩu) xuất qua Mỹ, nay được họ đóng gói, ghi rõ thương hiệu Mỹ, thông tin minh bạch về nguồn gốc gỗ, tiêu chuẩn… bán ngay tại thị trường Việt Nam, với giá cao hơn nhiều lần so các sản phẩm Việt cùng loại vì có mác Mỹ và hợp chuẩn toàn cầu. Anh nói, Việt Nam mình không làm tiêu chuẩn cho gỗ chế biến, thì các công ty quốc tế kinh doanh đồ gỗ HỘI NHẬP THAY CHO MÌNH NGAY TRÊN SÂN NHÀ MÌNH, thế thôi.

Vì sao? Vì hai lẽ: sản phẩm của ta chưa có đủ hệ thống tiêu chuẩn và năng lực kinh doanh thị trường thế giới của ta kém hơn họ. Nói đúng ra, họ có một hệ thống chuẩn mực hoàn chỉnh vận hành ổn định từ lâu, từ tiêu chuẩn cho nguyên liệu đầu vào cho đến sản phẩm cuối cùng, với hệ thống các công ty đầy đủ chuyên môn: nhà sản xuất, nhà phân phối với các hội chuyên ngành, các công ty logistics có phối hợp trên cơ sở các tiêu chuẩn chất lượng đồng nhất.

Từ năm 2017, Chính phủ Việt Nam đã ký là đối tác tự nguyện (VPA) về thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (FLEGT) với EU; sau sáu năm đàm phán, yêu cầu đảm bảo toàn bộ sản phẩm gỗ nằm trong danh mục đã thống nhất với EU, bao gồm cả sản phẩm tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, đều phải là các sản phẩm gỗ hợp pháp. Vi phạm thì không thể nhập sản phẩm vào EU. Vì vậy, doanh nghiệp xuất khẩu gỗ phải rất ý thức về trách nhiệm giải trình nguồn gốc gỗ hợp pháp.

Ngoài ra, họ phải theo các tiêu chuẩn về môi trường bền vững, có sử dụng nhãn mác, mã số hoặc hệ thống quản lý, để chứng tỏ đã tuân thủ đúng các quy định như: ISO 1400, ISO 14001…

Lợi ích nhiều và thiết thực, nhưng ta chưa vội?

Nếu có hệ thống tiêu chuẩn, ngay lập tức ta được hai điều lợi quan trọng: tiết kiệm nguyên liệu (phần dư thừa của nguyên liệu làm sản phẩm công ty này có thể được sử dụng lại cho loại sản phẩm công ty khác) và đáp ứng sự thuận tiện lớn cho người tiêu dùng. Khách hàng có thể mua cả những thanh nguyên liệu (phải đúng chuẩn thì lắp ráp mới được) và mua các thiết bị lắp ráp nhỏ để tự lắp ráp và sửa chữa tại nhà khi cần.Làm vậy phải chăng là điều doanh nghiệp Việt không thích, vì sợ mất vị trí độc quyền và “một mình một chợ” của nhiều doanh nghiệp.

Chúng ta biết là tiêu chuẩn cũng thay đổi, cập nhật theo thời gian và chỉ là điều kiện cần, chứ không phải điều kiện đủ để sản phẩm bán chạy trên thị trường. Tuy nhiên, như ông Trần Quốc Mạnh nói, xây dựng tiêu chuẩn cho ngành chế biến gỗ là làm cuộc cách mạng đưa Việt Nam từ vị trí thấp nhất về tính hệ thống hội nhập với thế giới, bởi tiêu chuẩn chính là nền tảng bước vào hội nhập. Đây là một yêu cầu lớn cho ngành, nhưng cũng lạ là lâu nay ta chủ yếu nghe đến kim ngạch, đến các yêu cầu kỹ thuật, mà ít nghe nhắc tới vấn đề xây dựng tiêu chuẩn. Khó quá chăng? Ít quan trọng quá chăng?

Trong thực tế, hải quan Việt Nam cũng xây dựng được mã HS lớn, nhưng so với tiêu chuẩn các nước đang áp dụng là còn quá ít.Hiện nay, về mã HS, thế giới đã có bảy tiêu chuẩn, Việt Nam chỉ mới có năm.Và ngoài sản xuất, tính hệ thống của toàn hệ thống phân phối còn là điều phải phấn đấu khá xa.Mà thị trường hội nhập không đợi chúng ta.

Ông Nguyễn Thể Hà, chuyên gia kinh tế kỹ thuật công ty cơ khí Bùi Văn Ngọ, chặc lưỡi tiếc, chúng tôi chế tạo thiết bị chế biến gỗ, nhưng cũng chưa làm được bao nhiêu vì hiện nay mỗi nhà sản xuất nhỏ lẻ tự làm mỗi kiểu, không có tiêu chuẩn chung để máy móc phục vụ được.

Tiết kiệm được nguyên liệu, thời gian, tạo thuận tiện lớn cho người tiêu dùng, tăng vị trí đẳng cấp để giá bán và xuất khẩu tốt hơn, đảm bảo không bị ép giá hay bấp bênh trong bán hàng vì thiếu chuẩn, đó là những lợi ích mà ai cũng thấy cho một ngành xuất khẩu quá lớn của Việt Nam. Vì sao mà ta cứ mãi chấp nhận và an phận gia công?

Thay đổi não trạng và chấp nhận mọi khó khăn để xây dựng hệ thống tiêu chuẩn và thực thi, tuân thủ tự nguyện một cách nghiêm túc, chính là “một cuộc cách mạng” cho ngành gỗ chế biến và là con đường phải đi để hội nhập. Đó là kết luận của những nhà xuất khẩu gỗ chuyên nghiệp ở cuối câu chuyện tôi kể hôm nay.

Kim Hạnh (theo TGTT)