Nhiều người trẻ ở Việt Nam đang biến thú vui chơi game của họ thành một nghề chuyên nghiệp như bình luận viên, game thủ và nhà phát triển. Dù vậy, “tầng lớp mới” này vẫn chưa được xem trọng. Bởi các bậc phụ huynh Việt Nam cũng như châu Á vẫn xem đây là “vô bổ” và “lãng phí thời gian”.

Nhưng trò chơi điện tử hay được gọi với tên mỹ miều hơn – thể thao điện tử (eSports) – đang là một nghề nghiêm túc và là trào lưu trên thế giới. Chỉ riêng tại Đông Nam Á, thị trường của ngành thể thao mới có giá trị đến 4,3 tỷ USD. Và người chơi được trả lương mà đến sếp các công ty cũng ghen tị.

Ngôi sao sáng “An lan man”

Ra trường với tấm bằng marketing, chán ngán với công việc văn phòng buồn tẻ, Đoàn Mạnh An xin nghỉ việc. “Trong khoảng thời gian thất vọng ấy, khi đang theo dõi các bình luận viên khác của giải Liên minh huyền thoại (LMHT) tôi đã vô tình thấy mẩu quảng cáo tuyển dụng. Và tôi đã quyết định nắm lấy cơ hội”, anh kể.

Đoàn Mạnh An hiện là một trong những bình luận viên e-sports nổi tiếng tại Việt Nam. Anh được khán giả đặt biệt danh là “An lan man” dù rằng caster (bình luận viên) này rất tự tin về khả năng “chém gió” và “không lan man” của anh. 

Công việc của caster 33 tuổi là bình luận tại các giải đấu thể thao điện tử chuyên nghiệp như Championship Series A (giải đấu LMHT chuyên nghiệp cao nhất tại Việt Nam) và Mid-Season Invitational 2019 gần đây do Riot Games – công ty phát hành LMHT – tổ chức.

Anh hiện đang làm việc cho Vietnam eSports TV thuộc sở hữu của Garena, bộ phận giải trí kỹ thuật số của tập đoàn công nghệ số Sea Group lớn nhất Đông Nam Á. Là một bình luận viên, anh phải tường thuật và giải thích từng diễn biến của trận đấu cho các khán giả, sử dụng kiến thức của mình về LMHT. Các trận thi đấu có thể kéo dài tới 35 phút. Trong thời gian đó, An trong vai trò caster sẽ phải phân tích chiến thuật và cách thức thi đấu của mỗi đội và dự đoán xem họ sẽ thành công hay không.

Vietnam eSports TV, được coi là mạng phát sóng thể thao điện tử hàng đầu tại Việt Nam. Năm ngoái, kênh YouTube của họ có gần ba triệu người theo dõi và 1,85 tỷ lượt xem, trung bình 650.000 lượt xem cho mỗi video.

Hoài nghi và ngờ vực

Trò chơi điện tử hiện vẫn chỉ được xem là thú vui giải trí ở Việt Nam, chứ không phải là một ngành nghề thực thụ để kiếm sống. Ở một mức độ nào đó, làm một game thủ chuyên nghiệp hay một vận động viên chuyên nghiệp hoặc chơi để giải trí vẫn phải chịu ít nhiều kỳ thị từ xã hội do khoảng cách giữa các thế hệ.

Một trong những rào cản lớn nhất của một game thủ hoặc caster là gia đình. Khi mà công việc của họ là một ngành nghề mới chỉ được tạo dựng gần đây, chỉ trong thập kỷ qua, nên họ đã vấp phải sự hoài nghi từ gia đình mình, những người không hiểu về nét thú vị của trò chơi điện tử. Tương tự như trường hợp của Mạnh An, caster Thắng Thép thuộc biên chế của nhà phát hành game Appota, đã mất một thời gian dài để thuyết phục được gia đình về công việc của mình.

Ngay cả bây giờ khi cả hai đều đã là những chuyên gia trong lĩnh vực thể thao điện tử, Mạnh An và Thắng Thép vẫn chưa thể xóa tan sự hoài nghi của gia đình. Mạnh An kể: “Mẹ của tôi vẫn thường xuyên hỏi rằng tôi có đang chơi game hay không, và nhiều lần tôi đã phải nhắc rằng đây là công việc kiếm tiền của tôi”.

Caster không cần phải là một game thủ giỏi, nhưng họ cần phải am hiểu chi tiết về chiến thuật và các cơ chế của trò chơi. Chơi game là một phần trong công việc của một caster. Nhưng trong thực tế, Thắng Thép nói, để làm một bình luận viên chuyên nghiệp thì cần phải đáp ứng thêm rất nhiều yêu cầu khác. Thần tượng của anh là Trevor “Quickshot” Henry, một trong những caster đầu tiên trên thế giới cho LMHT, người đã đồng hành cùng các khán giả xuyên suốt nhiều giải đấu thế giới. Trước khi gia nhập Appota, Thắng Thép đã trao dồi kỹ năng và kinh nghiệm của mình bằng cách tường thuật các trận đấu của trò chơi Street Fighters tại các sự kiện ở Hà Nội. “Bạn cần phải nắm vững các từ vựng và khám phá các cơ chế của trò chơi thay vì chơi chỉ để giành chiến thắng”, anh nói. Một số caster cũng phát sóng trực tuyến những buổi chơi game của họ để giao lưu với các fan hâm mộ và thử nghiệm những phong cách bình luận khác nhau.

Cơ hội phát triển

Trong cộng đồng game thủ, chỉ một số ít người phát trực tiếp (streamer) đã đạt danh hiệu nổi tiếng. Những streamer nổi tiếng nhất ở Việt Nam như ViruSs, PewPew và Misthy, với mỗi phong cách riêng biệt đã thu hút được một lượng người theo dõi lớn trên các nền tảng phát sóng trực tuyến, nhận tài trợ từ các thương hiệu lớn và hợp tác với các hãng sản xuất game.

Khoảng hai năm trước, Mạnh An đã được mời tham gia vào một mạng lưới độc quyền trên Facebook Gaming bao gồm gần 500 nhà sáng tạo nội dung liên quan đến game tại Việt Nam. Anh tin rằng có một cơ hội tốt để nâng cao danh tiếng streamer của mình. Hiện anh đang luyện tập rất nhiều để phát triển hiểu biết về một số game nhất định và tương tác nhiều hơn với fan hâm mộ.

Tuy nhiên, thực sự không có một công thức chắc ăn nào để trở thành một streamer hoặc caster nổi tiếng. Sự thành công sẽ đến từ kỹ năng và luyện tập. Đối với Mạnh An, khiếu hài hước là điểm mạnh. Còn với Thắng Thép, điểm cộng chính là tính cách giản dị.

Thị trường mênh mông

Hầu hết thế hệ thiên niên kỷ, sinh trước và sau 2000 một chút, ở Việt Nam lớn lên với trò chơi điện tử. Trước khi internet trở nên phổ biến và thông dụng thì giới trẻ thường tụ tập tại các quán cà phê internet để chơi game trực tuyến hàng giờ mỗi ngày. Điều này đã thay đổi khi kết nối internet trở nên nhanh và rẻ hơn, cộng thêm việc các trò chơi trực tuyến được phát hành trên toàn cầu, đã giúp gia tăng sự phổ biến của lĩnh vực trò chơi điện tử. Trò chơi trên điện thoại Flappy Bird, được phát triển vào năm 2013 bởi Nguyễn Hà Đông, đã giúp Việt Nam nổi lên trên thị trường trò chơi toàn cầu.

Hiện tại, Việt Nam có duy nhất một “kỳ lân”, công ty có giá trị trên 1 tỷ USD, là VNG. Bên đó là các công ty khởi nghiệp khác trong lĩnh vực game nội địa bao gồm Appota, SohaGame và VTC Game. Gerena – ông lớn thể thao điện tử của khu vực – cũng đã hoạt động tại Việt Nam một thập niên nay.

Theo số liệu của Appota và các hãng phân tích, Việt Nam có khoảng 26 triệu người chơi thể thao điện tử vào năm 2020 và đã vượt 8 triệu khán giả theo dõi các trận đấu trực tiếp ít nhất một lần mỗi tuần từ năm 2018. Hãng phân tích eSports Newzoo đã xếp hạng Việt Nam là thị trường game lớn thứ 28 trên thế giới trong năm 2018, tăng từ vị trí thứ 35 vào năm 2017. Thị trường này có tỷ lệ tăng trưởng tối thiểu 20 – 30% mỗi năm với doanh số ước tính hơn 365 triệu USD trước khi Covid-19 bùng phát.

Chris Trần, trưởng bộ phận thể thao điện tử của Riot Games Đông Nam Á, cho biết thị trường Việt Nam có tiềm năng phát triển vì lượng khán giả trẻ tuổi, sự cạnh tranh của các game thủ và tinh thần cộng đồng mạnh mẽ. Vào năm 2018, Riot Games bắt đầu đảm bảo một suất thi đấu cho đội tuyển thể thao điện tử của Việt Nam trong các giải đấu Liên minh huyền thoại quốc tế của họ.

Indonesia thành lập Hiệp hội thể thao điện tử PBESI với sự hỗ trợ cua Ủy ban Thể thao Quốc gia và đã tổ chức giải đấu đầu tiên cuối năm 2020.

Mức lương cơ bản của một game thủ chuyên nghiệp ở Indonesia là 1.200 – 1.600 USD mỗi tháng, chưa kể mức thưởng khi đoạt chức vô địch. Theo khảo sát của hãng môi giới việc làm JobStreet của Malaysia, con số này gấp nhiều lần mức lương khởi điểm 225 USD/tháng của sinh viên mới ra trường tại Indonesia. Tuy vậy, những game thủ hàng đầu của Indonesia có thể kiếm được 4.000 – 5.000 USD mỗi tháng, tương đương lương giám đốc hay CEO công ty bậc trung. Game thủ “Yoshino” Lê Trung Kiên gặp phải sự phản đối của gia đình khi quyết định bỏ học năm 15 tuổi để chơi game và gia nhập đội tuyển thủ eSports ba năm sau đó. Hiện tại, tuyển thủ 21 tuổi chơi Liên minh Huyền thoại – cũng là đại diện cho Team Flash của Việt Nam – đang sống tại TP.HCM với gia đình trong căn nhà khang trang sắm từ tiền lương sau hai năm làm vận động viên chuyên nghiệp. Giải vô địch Fornite World Cup được tổ chức vào tháng 7.2019 được truyền thông thế giới chú ý bởi giải thưởng khủng đến 30 triệu USD và những câu chuyện đam mê của các game thủ tuổi teen!

Lê Hiếu – Ricky Hồ (Theo TGHN)

https://bsaonline.vn/tam-ma-xu-van-dao-tu-ma-xu-ta/