(Cafenews) – Tại khu vực châu Á, sự gia tăng của cà phê đang khiến các công ty chè phải cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Việc người châu Á cần được hướng dẫn và dạy về chè nghe có vẻ kì lạ vì khu vực này là nơi có tới bảy trong số 10 nước phát triển chè hàng đầu thế giới và là nhà của hàng tỉ cây chè.

Thế nhưng trong thập niên vừa qua, sự bùng nổ của văn hoá cà phê tại các trung tâm đô thị phương Tây đã lan rộng đến châu Á, khiến ngành chè phải cạnh tranh để phát triển các loại hình dịch vụ phù hợp với xu hướng.

Châu Á là cái nôi của văn hóa chè với lịch sử gần 5.000 năm.

Việt Nam vừa là nước trồng cà phê lớn thứ hai, vừa là nước sản xuất chè lớn thứ sáu thế giới. Ảnh: TeaTerra

Năm 2016, Trung Quốc và Ấn Độ là hai nước sản xuất chè lớn nhất thế giới. Tính theo lượng tiêu thụ chè trên đầu người, ba nước tiêu thụ lớn nhất trên thế giới là Thổ Nhĩ Kỳ, Ireland và Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất.

Tại Trung Quốc, tổng diện tích trồng chè trải dài tới 2,72 triệu héc-ta, lớn hơn một chút so với diện tích của Israel. Các đồn điền tại Trung Quốc chủ yếu sản xuất trà xanh hoặc các sản phẩm quý hiếm đắt đỏ khác như trà vàng.

Tại đất trồng chè châu Á có hai quốc gia nổi tiếng hơn với sản phẩm cà phê. Việt Nam vừa là nước trồng cà phê lớn thứ hai, vừa là nước sản xuất chè lớn thứ sáu thế giới. Trong khi đó, Indonesia là nước trồng cà phê lớn thứ tư và là nguồn cung chè lớn thứ bảy thế giới.

Thị trường chè toàn cầu đang tăng lên trong những năm gần đây. Theo Euromonitor International, một công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu, thế giới đã tiêu thụ khoảng 2,9 triệu tấn chè vào năm 2016, tăng so với 1,6 triệu năm 2002 và dự kiến tiêu thụ chè sẽ đạt 3,3 triệu tấn vào năm 2021.

Dự kiến tiêu thụ chè sẽ tăng nhanh hơn cà phê cho tới năm 2021 với mức tăng trưởng dự kiến của chè là 15% so với 11,3% của cà phê. Ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, tiêu thụ cà phê hiện vẫn còn thấp hơn chè và thấp hơn nhiều so với mức tiêu thụ của phương Tây.

Tuy vậy, phần lớn sự phát triển của trà là từ sự phổ biến của đồ uống sẵn có hay trà đóng chai như các nhãn hiệu trà xanh Ito En của Nhật hay Ichitan của Thái Lan.

Theo Nainika Singh, nhà phân tích tiêu dùng của BMI Research: “Các công ty chè cao cấp nào có thể đổi mới và giới thiệu các hương vị mới, độc đáo thì sẽ có khả năng thu hút sự chú ý và quan tâm của giới trẻ – những người thích thú với những trải nghiệm mới”.

Một thách thức khác đối với các nhãn hiệu trà là những người uống trà đang có xu hướng đến các quán cà phê với bạn bè nhiều hơn. Ngoài ra, làm thế nào để có thể thuyết phục người tiêu dùng rằng trà là một thứ đồ uống thông thường và phổ biến nhưng cũng rất đáng để trả thêm chi phí cho nhiều loại hương vị, màu sắc được tạo ra khi thêm vào trái cây, gia vị hay các loại thảo mộc.

So với cà phê, nghệ thuật của trà là khó tiếp cận hơn nhưng nó thực sự rất xứng đáng.

Ngoài ra, tương lai của trà hoàn toàn có thể tin tưởng được khi tầng lớp trung lưu ở châu Á đang ngày càng trở nên quan tâm hơn đến bệnh béo phì và các bệnh liên quan khác cũng như quan tâm nhiều hơn đến sức khoẻ và thể dục thể thao.

Các thương hiệu chè lớn và các chuyên gia trong ngành đều hy vọng rằng thị trường chè tại châu Á sẽ đi theo con đường của rượu vang tại phương Tây cách đây bốn thập kỷ khi rượu vang mở ra một cuộc cách mạng lớn về nơi và về cách người ta uống rượu.

The Leader