Để sản phẩm chỉ dẫn địa lý phát huy được hiệu quả, cần có sự tham gia chủ động của cơ quan quản lý địa phương, doanh nghiệp, người dân, tuyên truyền sự hiểu biết về chỉ dẫn địa lý và các vấn đề liên quan. Phải làm sao để nâng cao nhận thức của người sản xuất và người tiêu dùng về sản phẩm chỉ dẫn địa lý.

Đây là chia sẻ của ông Pham Ngân Sơn – Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ tại buổi hội thảo “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam”, do Cục Sở hữu trí tuệ Bộ KH&CN phối hợp với Sở KH&CN tỉnh Bình Phước tổ chức vào ngày 12/10 vừa qua. Hội thảo đã thu hút hơn 70 hiệp hội, hội ngành hàng, các sở ngành liên quan của 26 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam tham dự.

Ông Phạm Ngân Sơn chia sẻ thêm: Những đặc sản mang đậm nét vùng miền, từ nông sản đến thủ công mỹ nghệ đã gắn bó với đời sống văn hóa, tinh thần của người dân từng làng quê, mang lại những giá trị kinh tế quan trọng, góp phần vào sự thúc đẩy phát triển của khu vực nông thôn Việt Nam.

Tuy nhiên, việc xây dựng và quản lý chỉ dẫn hiện nay còn gặp nhiều khó khăn như: hoạt động xây dựng hô sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý; hoạt động quản lý còn nhiều bất cập, chưa có sự thống nhất, vai trò của nhà nước chưa rõ ràng. Các giải pháp về quảng bá, giới thiệu sản phẩm chỉ dẫn địa lý trên thị trường chưa mang lại hiệu quả… dẫn đến việc chưa phát huy được giá trị và lợi ích cho cộng đồng.

Đơn cử là một số cán bộ của Bộ Khoa học & Công nghệ, cơ quan cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý khi đến các vùng có sản phẩm chứng nhận chỉ dẫn địa lý như Bưởi Tân Triều (Đồng Nai), Mật ong Mèo Vạc (Hà Giang)…, thấy người dân bán các sản phẩm này, họ muốn mua nhưng không xác định được đó có đúng là sản phẩm chỉ dẫn địa lý hay không. Lý do là thiếu các dấu hiệu nhận biết như các hướng dẫn, nguồn gốc…

Trong số các sản phẩm chỉ dẫn địa lý, cam Cao Phong được cho là có cách thực hiện khá tốt và tạo được hiệu ứng tích cực. Ở trong mùa vụ, cơ quan ban ngành, nhà nông sẽ trưng pano, biển hiệu để cho người tiêu dùng, người dân biết về mùa vụ và tin tưởng mua sản phẩm. Tuy nhiên khi kết thúc mùa vụ, cơ quan chức năng sẽ đưa ra những biển hiệu, pano thống báo hết mùa cam Cao Phong từ ngày, tháng năm nào. Sau ngày đó, không có một tổ chức, cá nhân kinh doanh cam được phép tuyên truyền, quảng cáo là cam Cao Phong. Nếu vi phạm sẽ có các biện pháp xử lý, chế tài nghiêm khắc.

Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ nhấn mạnh rằng: “Sự giám sát của cộng đồng luôn là yếu tố quan trọng và mang lại hiệu quả cao. Thiếu vắng sự tham gia của cộng đồng, đặc biệt là tổ chức tập thể trong quá trình quản lý sẽ gây ra những khó khăn, đồng thời có thể hình thành những mâu thuẫn về các nội dung liên quan đến sản phẩm”.

Tai hội thảo, các nhà khoa học, nhà quản lý cho rằng, để chỉ dẫn địa lý phát huy được hiệu quả cần có sự tham gia của các cơ quan quản lý địa phương, doanh nghiệp, người dân trong khu vực địa lý, sự hiểu biết về chỉ dẫn địa lý, các quy định trong quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý của chủ thể tham gia.

Hội thảo cũng đề cập một số vấn đề về chỉ dẫn địa lý trong các hiệp định thương mại và thỏa thuận hợp tác; hiện trạng và quy định pháp luật về bảo hộ chỉ dẫn địa lý của Việt Nam; một số khó khăn, vướng mắc khi bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam; đề xuất một số định hướng giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý chỉ dẫn địa lý; quy chế phối hợp giữa Bộ Khoa học & Công nghệ, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương về việc xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý; kinh nghiệm tổ chức kiểm soát chỉ dẫn địa lý nước mắm Phú Quốc; vai trò của doanh nghiệp trong tổ chức sản xuất, chế biến và thương mại sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý; vai trò của hoạt động truyền thông trong phát triển chỉ dẫn địa lý.

Theo thống kê, đến nay Việt Nam đã có 63 sản phẩm chỉ dẫn địa lý được cấp chứng nhận bảo hộ.  Có 40 tỉnh/thành phố đã có chỉ dẫn địa lý. 16 địa phương có từ 2 chỉ dẫn địa lý trở lên. Trong đó, có 57 chỉ dẫn địa lý là các sản phẩm nông sản, thực phẩm; 6 chỉ dẫn địa lý là các sản phẩm phi nông nghiệp.

Tuấn Anh