Ông Phan Văn Tấn, phó giám đốc sở NN&PTNN tỉnh Bình Thuận cho biết, thanh long chính vụ tại tỉnh năm nay được giá hơn các năm, là do hai yếu tố: chỉ dẫn địa lý và chất lượng trái thanh long tăng cao.

Trong nửa đầu năm 2019, một trong những mặt hàng nông sản Việt có sức tiêu thụ khả quan nhất là trái thanh long.Tại các vựa trái cây ở Bình Thuận, giá thanh long cao hơn nhiều so với các năm trước, trung bình khoảng từ 17.000 – 20.000 đồng/kg.Đáng chú ý vào hồi đầu tháng 6 vừa qua, thanh long chính vụ tại vườn mức kỷ lục, 30.000 đồng/kg, thậm chí có ngày tăng lên đến 32.000 đồng/kg.

Theo ông Phan Văn Tấn, chỉ dẫn địa lý được bảo hộ có vai trò và ý nghĩa rất quan trọng trong việc phát triển thanh long. Chỉ dẫn địa lý được xem là “chìa khoá” giúp thanh long tiêu thụ vững chắc không chỉ ở thị trường trong nước, mà còn trên thế giới, với những thị trường khó tính điển hình như: EU, Nhật Bản, Mỹ… Các doanh nghiệp được trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý hiểu rõ chỉ dẫn địa lý nhằm phục vụ lợi ích doanh nghiệp, nhà sản xuất, góp phần giữ vững uy tín sản phẩm truyền thống của tỉnh.Đặc biệt, trên các thị trường xuất khẩu, chỉ dẫn địa lý chính là yếu tố khẳng định vị thế của thanh long Việt Nam về chất lượng so với các nước khác trên thế giới.

Cũng giống như đặc sản ở nhiều địa phương khác, ông Tấn cho biết tỉnh Bình Thuận đã có chỉ dẫn địa lý cho trái thanh long với nhãn hiệu “Bình Thuận Dragon Fruit và hình ảnh trái thanh long” sang 14 nước và vùng lãnh thổ có thị trường tiềm năng xuất khẩu thanh long. Tính đến nay đã có 12 nước và vùng lãnh thổ đồng ý bảo hộ nhãn hiệu, dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể như: Mỹ, Anh, Hà Lan, Đức, Nhật Bản…

Hiện nay, tỉnh Bình Thuận đã cấp chỉ dẫn địa lý “Thanh long Bình Thuận” cho 83 tổ chức, cá nhân sản xuất thanh long trên địa bàn. Đồng thời, hiệp hội Thanh long Bình Thuận còn hỗ trợ kinh phí cho sáu doanh nghiệp dán 40 triệu tem chỉ dẫn địa lý Bình Thuận lên trái thanh long, khi lưu thông trên thị trường
trong và ngoài nước.

Phần lớn sản lượng thanh long Bình Thuận tập trung cho xuất khẩu (80 – 85%), nên tỉnh quy hoạch diện tích trồng thanh long đến năm 2020 là 28.000ha, năng suất đạt 28 tấn/ha, sản lượng đạt 750.000 tấn/năm. Quy mô đến năm 2025 sẽ mở rộng lên 30.000ha, sản lượng đạt trên 843.000 tấn/năm.

Theo định hướng quy hoạch, Bình Thuận  sẽ đẩy mạnh sản xuất an toàn để nâng diện tích trồng thanh long an toàn (VietG.A.P., GlobalG.A.P.) năm 2020 lên 50% và đến năm 2025 là trên 70%. Đến năm 2020, ông Tấn dự báo cho biết các doanh nghiệp của tỉnh sẽ xuất khẩu chính ngạch đạt 20 – 25 triệu USD. Năm 2025 sẽ đạt 50 – 60 triệu USD.Đồng thời nâng giá trị sản xuất của ngành hàng thanh long chiếm 35 – 36% giá trị sản xuất ngành trồng trọt.

“Tem chỉ dẫn địa lý hiện đã lan rộng ra tất cả các thị trường xuất khẩu và tiêu thụ nội địa, gắn với thương hiệu doanh nghiệp và tác động tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp sử dụng. Các doanh nghiệp đang sản xuất kinh doanh quả thanh long cho dù tiêu thụ ở thị trường nào, phương thức nào, nếu liên kết sản xuất với tiêu thụ, tạo thành chuỗi bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, chắc chắn sẽ thành công

Hơn nữa, hiện nay để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu sang các thị trường khó tính, tỉnh cũng đang đẩy mạnh sản xuất thanh long an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế”, ông nhấn mạnh.

Bình Thuận là khu vực có diện tích sản xuất thanh long lớn nhất cả nước, đạt trên 26.500ha, sản lượng thu hoạch trên 500.000 tấn/năm. Trong đó, hơn 10.000ha thanh long được cấp chứng nhận VietG.A.P.; gần 1.500ha thanh long xác nhận mã số vùng trồng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường Mỹ, 262ha thanh long được cấp chứng nhận GlobalG.A.P…


Nông dân lãi lớn

Một người dân trồng 2ha thanh long cho biết, thanh long chính vụ thường chỉ 8.000 đồng/kg là đã có lãi.Tuy nhiên, năm nay giá tăng vọt, nên lãi cao. Do đó, vụ năm nay gia đình nhà anh có thể thu lãi 350 triệu đồng. Theo nông dân địa phương, mùa thanh long năm nay sản lượng ổn định.Đầu mùa giá còn đạt mức kỷ lục 30.000 đồng/kg. Nguyên nhân khiến giá luôn ở mức cao hơn so với mọi năm, vì Trung Quốc tăng thu mua, song song đó, tỉnh mở rộng thị trường tiêu thụ đến một số thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Đức, Pháp… Tỉnh Bình Thuận hiện có khoảng 30.000ha thanh long với sản lượng hơn 550.000tấn/năm, tập trung nhiều tại các huyện: Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Hàm Tân và Bắc Bình.

Bộ Công Thương cho biết, để nâng cao hiệu quả sản xuất, gia tăng giá trị cho trái thanh long ở các tỉnh/ thành nói chung và Bình Thuận nói riêng, bộ sẽ triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường, thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, cũng như doanh nghiệp nước ngoài tham gia chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

T.Nhung (TGHN)