Ngày 26/7, Chính phủ Anh thông báo từ năm 2040 sẽ cấm bán xe truyền thống chạy xăng và dầu diesel, nhằm ngăn chặn tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng trầm trọng.
Lệnh cấm này cũng là nỗ lực mới nhất tại châu Âu trong cuộc chiến chống tác động môi trường độc hại do xe sử dụng động cơ đốt trong gây ra. Kế hoạch của Anh, cũng giống như lời hứa của Chính phủ Pháp, là một phần trong nỗ lực toàn cầu kéo giảm hiện tượng khí thải nhà kính và chống thay đổi khí hậu, bằng cách quảng bá xe điện tử.
“Cuộc cách mạng xanh”
Theo kế hoạch, Chính phủ Anh sẽ có nguồn quỹ 255 triệu bảng Anh (332 triệu USD) để giúp chính quyền địa phương tăng tốc các biện pháp chống ô nhiễm do xe chạy dầu diesel gây ra, trong tổng khoản chi 3 tỷ bảng để cải thiện chất lượng không khí.
Chính quyền địa phương sẽ có quyền đánh thuế tài xế lái xe chạy dầu diesel trên những con đường ô nhiễm nhất kể từ năm 2020, nếu chất lượng không khí không được cải thiện. Và từ năm 2040, tất cả phương tiện lưu thông đều phải là xe điện tử, trong kế hoạch làm sạch môi trường ô nhiễm. Báo Times đưa tin Anh cũng cấm bán dòng xe hybrid kết hợp động cơ điện với động cơ chạy xăng/dầu diesel.
Bộ trưởng Môi trường Anh Michael Gove nói cần phải thay đổi mạnh để giải quyết không chỉ những vấn nạn sức khỏe do khí thải gây ra, mà còn để đối phó tình trạng thay đổi khí hậu ngày càng gia tăng. Bộ trưởng Giao thông Chris Grayling hứa “một cuộc cách mạng xanh” trong lĩnh vực giao thông và cho biết thêm, chính phủ muốn từ năm 2050, mỗi xe con và xe tải ở Anh sẽ không còn tạo ra khí thải.
Tuy nhiên, phe đối lập cho rằng lệnh cấm từ năm 2040 là “hơi muộn”. Cựu Bộ trưởng Môi trường Ed Davey thuộc đảng Dân chủ tự do đề nghị cấm bán xe chạy dầu diesel từ cuối năm 2025. Cựu thủ lĩnh Công đảng kiêm Bộ trưởng Năng lượng Anh, ông Ed Miliband nói đây là “đòn hỏa mù” để chính phủ che giấu việc không có hành động lập tức để kéo giảm hiệu ứng nhà kính.
Những người khác nói nỗ lực của Anh chưa đủ mạnh, khi Pháp cũng hạ mục tiêu cấm bán xe truyền thống từ năm 2040, nhưng Na Uy tính chỉ bán xe điện từ năm 2025, trong khi Ấn Độ tính chỉ bán xe điện từ năm 2030. Giáo sư Frederik Dahlmann chuyên về năng lượng toàn cầu thuộc Trường Kinh doanh Warwick, nói tuyên bố của Anh là “bước quan trọng” của một mục tiêu dài hạn, nhưng ông cũng đặt câu hỏi: Liệu chính phủ Anh có ý định cải thiện chất lượng không khí và kéo giảm khí thải liên quan giao thông trong ngắn hạn?
Xe truyền thống có tuổi thọ khoảng 15 năm, nên dù Anh có theo đuổi mục tiêu, các dòng xe hiện nay vẫn còn tiếp tục chạy trên các trục giao thông của Anh trong hơn 10 năm nữa. Nhưng các hãng sản xuất xe hơi cũng đã chỉnh sửa kế hoạch, như hãng Volvo tuyên bố từ năm 2019 sẽ ngưng sản xuất xe sử dụng động cơ đốt trong, chuyển qua sản xuất dòng xe sạch. Hãng BMW quyết sản xuất dòng xe điện tử từ loại xe Mini của hãng tại Oxford (Anh) từ năm 2019.
Sức khỏe của người dân bị bào mòn vì xăng-dầu
Nhưng việc chuyển qua dòng xe điện tử phải được thực hiện dần dần. Mục tiêu của Anh ít tham vọng hơn những nỗ lực của các nước khác. Việc Chính phủ Mỹ quyết rút khỏi Hiệp định Chống thay đổi thời tiết cũng làm giảm độ lạc quan.
Tại Pháp, lời hứa chấm dứt bán xe truyền thống là một cách tuân thủ Hiệp định này. Anh cũng tham gia ký Hiệp định và lệnh cấm mang ý nghĩa chính trị đáng kể, do ngày càng có sự lo ngại mức độ ô nhiễm không khí, nhất là tại các thành phố lớn như London. Chất lượng không khí tồi (đa phần do xe gây ô nhiễm) được cho là nguyên nhân gây ra từ 23.000 đến 40.000 ca tử vong/năm trên toàn Anh.
Nhưng quyết định của Anh là dấu chỉ mới nhất cho thấy các chính phủ, cùng người dân châu Âu đã quyết chống lại các loại xe dùng động cơ đốt trong và xe chạy dầu diesel. Các hãng xe, dù miễn cưỡng từ bỏ công nghệ đã giúp họ làm ăn từ hơn 100 năm qua, cũng ngày càng muốn tránh sử dụng các loại xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch. Họ đầu tư mạnh vào các dòng xe chạy pin, khi nhận ra mảng kinh doanh truyền thống của họ bị hãng Tesla cùng các công ty Trung Quốc đang lên đe dọa. Đây là những đơn vị đi đầu về công nghệ xe điện.
Việc tách khỏi động cơ đốt trong phần lớn là kết quả ý thức sự tác hại của xăng dầu đối với sức khỏe con người. Các thành phố như Madrid (Tây Ban Nha), Munich và Stuttgart (Đức) đều xem xét cấm xe chạy diesel, khiến dòng xe này bị ế. Lãnh đạo chính trị cũng bị sức ép phải chấm dứt trợ giá dầu diesel vốn phổ biến ở châu Âu.
Các nước châu Âu thường đánh thuế diesel thấp hơn thuế xăng vì cho rằng động cơ diesel không gây hại nhiều cho Trái đất, ít thải khí carbon dioxide (một nguyên nhân khiến Địa cầu nóng dần lên) so với các động cơ chạy xăng. Nhưng dầu diesel lại thải ra nhiều nitrogen oxide hơn. Đây là loại khí gây bệnh hen suyễn và gây ra màn sương u ám “bôi đen” London cùng các thành phố lớn khác.
Thay vì khuyến khích sử dụng xe chạy xăng, các chính phủ và những hãng xe đang chú trọng dòng xe điện, vốn không thải khí nitrogen oxide như dầu diesel hoặc carbon dioxide như xăng. Vấn đề còn lại là liệu các nước như Anh sẽ có thể tạo ra cơ sở hạ tầng phù hợp và tạo ra điện, là những điều cần thiết cho việc thay đổi mạnh cách đi lại của người dân.
Jack Cousens, người phát ngôn của AA, tổ chức chủ xe lớn nhất Anh, nói chính phủ cần đầu tư đáng kể nhằm lắp đặt các điểm sạc điện cho xe điện trên toàn Anh, nhất là các điểm sạc điện nhanh.
Ông cũng thắc mắc liệu điện lưới quốc gia “có thể đối phó với việc tăng sử dụng điện trong vào giờ cao điểm buổi tối” hay không.
Vĩnh Thụy (tổng hợp)