Ảnh Internet

Hành vi người mua hàng thay đổi khiến chợ ngày càng mất đi lợi thế, luôn tăng trưởng thấp hơn bình quân chung của kênh truyền thống, đặc biệt cách rất xa với kênh siêu thị nhỏ và kênh bách hoá.

Sau khi dẫn chúng tôi đi một vòng giới thiệu chi tiết về tình hình mua bán của bà con tiểu thương, anh Phương, phó ban quản lý một trong những chợ sầm uất nhất Sài Gòn, chỉ tay về phía hai đầu con đường trước cổng chính: trong hai tháng có một siêu thị Bách hoá Xanh, một Co.opFood mới mở án ngữ hai đầu, xa hơn vài trăm mét là Satrafoods, bên cạnh đó là khoảng năm cửa hàng tiện lợi trong bán kính 500m. Anh nói: 20 năm làm việc tại chợ, chưa bao giờ cuộc cạnh tranh với các mô hình kinh doanh hiện đại bùng nổ như bây giờ.

Doanh số giảm… thấy rõ

Theo anh Phương, cách đây mười năm, khi các siêu thị mở nhiều, cũng có những lo lắng nhưng thường, chỉ một hoặc hai tháng là mọi việc trở lại bình thường. Còn nay khó khăn hơn nhiều, chỉ trong ba tháng gần đây, số người đi chợ và doanh số giảm khoảng 8 – 10%, anh tính dựa trên số phiếu giữ xe và hỏi tiểu thương.

Các kết quả khảo sát mới nhất cũng chứng minh, số lần đi chợ truyền thống của các hộ gia đình giảm đều trong 2 – 3 năm gần đây, ước tính giảm khoảng 10 – 15%. Tiền chi tiêu tại chợ giảm khoảng 5 – 7%. Như vậy, tính trên ba chỉ số quan trọng nhất là: lượng người mua, số lần mua sắm và chi tiêu bình quân tại chợ đều giảm rõ rệt.

Theo khảo sát của chúng tôi thì sự suy giảm là do dịch chuyển qua các kênh bán hàng khác: chiếm tỷ lệ lớn nhất là nhóm kênh mua sắm hiện đại, có yếu tố tiện lợi mà dẫn đầu siêu thị nhỏ (minimart) với các đại diện tiêu biểu như Bách hoá Xanh, Co.opFood… Hỏi vì sao thay đổi, người mua hàng trả lời do yếu tố tiện lợi. Điểm cạnh tranh cơ bản của siêu thị nhỏ là thời gian mở cửa suốt từ sáng sớm đến 9 – 10h đêm, phục vụ tốt nhu cầu của nhóm khách hàng hộ gia đình trẻ, bận rộn.

Có một điểm rất đặc biệt là dù đa số (hơn 70%) nhóm khách hàng không đánh giá minimart là nơi có thể cung cấp các sản phẩm tươi sống, giá rẻ (lợi thế cạnh tranh của chợ) nhưng vẫn chấp nhận khi “đánh đổi” với yếu tố tiện lợi, ngay cả khi chợ ngày càng được tin tưởng hơn về tính an toàn nhưng cuối cùng, yếu tố tiện lợi vẫn được họ xem là quan trọng hơn.

Bên cạnh đó, chợ truyền thống cũng bị “giành” khách từ các cửa hàng bách hoá. Cũng là cửa hàng truyền thống, nhưng bách hoá có sự nâng cấp về danh mục hàng hoá, quầy kệ, dịch vụ… có khi không khác mấy so với một siêu thị nhỏ. Chính ở đây, khách mua các mặt hàng thiết yếu, có khối lượng nặng mà họ vốn “mối quen”, thậm chí có thể dùng dịch vụ gọi điện yêu cầu giao tận nhà. Sức cạnh tranh là do sự năng động và dịch vụ tốt.

Hành vi người mua hàng thay đổi khiến chợ ngày càng mất đi lợi thế, luôn tăng trưởng thấp hơn bình quân chung của kênh truyền thống, đặc biệt cách rất xa với kênh siêu thị nhỏ và kênh bách hoá (ước tính khoảng 15 – 20%/năm, trong khi kênh chợ cao nhất cũng chỉ 3 – 5%, một số ngành hàng thậm chí còn tăng trưởng âm).

Thay đổi từ ban quản lý chợ

Một chia sẻ rất chân thành từ anh Phương: sự suy giảm diễn ra nhưng ban quản lý chợ vẫn chỉ là ban quản lý của mấy chục năm về trước. Bà con tiểu thương phải tự nỗ lực riêng lẻ, âm thầm để bảo vệ nồi cơm của mình. Điều này đúng với kết quả nghiên cứu của chúng tôi. Như với giá của nhóm 200 mặt hàng phổ biến nhất tại các chợ: mức giá bán đến tay người mua hàng bình quân giảm 2 – 3% so với trước (thấp hơn giá niêm yết, giá bao bì khoảng 3 – 5%).

Tiểu thương thường “hy sinh” phần lợi nhuận của mình để giảm giá bán hàng. Có khoảng 20% trong 200 sản phẩm trên có giá bán chỉ ngang bằng giá mua vào, nghĩa là tiểu thương chấp nhận chỉ lấy phần lời là chiết khấu mua hàng của nhà cung cấp (phần trăm trên doanh số giá mua vào).

Thực sự, đây là cách kinh doanh “lấy công làm lời” và tiêu thương phải xoay các nguồn thu khác để tăng thu nhập, như cho thuê không gian trưng bày, trao đổi mua bán các vật phẩm khuyến mãi từ nhà cung cấp, tích cực săn các nguồn hàng giá rẻ… Không hiếm khi bạn đi vào chợ thấy một tiểu thương lên Tiki, Lazada, Shopee săn hàng, hoặc bỏ thời gian vào siêu thị trong các đợt khuyến mãi đi mua hàng giá rẻ.

Khi được chia sẻ về điều này, anh Phương còn cung cấp thêm cho chúng tôi thông tin rất đáng chú ý là tỷ lệ sang sạp, thay đổi danh mục ngành nghề mua bán tăng lên rõ rệt. Tỷ lệ sạp đóng cũng tăng, không chỉ tại chợ anh quản lý mà nói chung trên địa bàn thành phố. Điều này chứng tỏ việc kinh doanh trong chợ thật sự khó khăn, đặt ra những thách thức không nhỏcho tiểu thương.

Nhìn chung trên toàn bộ thị trường, trong khi tất cả các kênh bán hàng khác đều có sự nâng cấp đáng kể để thích nghi với nhu cầu người mua hàng, thì chợ là nơi chậm chân nhất, vẫn theo lề lối của việc phát triển tự nhiên. Theo khảo sát của chúng tôi, mô hình quản lý này có năm đặc điểm:

1. Đây là một trong số những mô hình quản lý thương mại bao cấp còn sót lại. Ban quản lý chợ thực chất đóng vai trò là người đại diện nhà nước thu phí trong chợ, giữ vệ sinh, đảm bảo trật tự… trong chợ. Ngoài ra, không có bất kỳ vai trò quản lý hoặc hỗ trợ kinh doanh đúng nghĩa ở đây.Mấy mươi năm qua, cách làm này không hề thay đổi.

2. Nhà nước chưa có cơ chế để kêu gọi đầu tư của khối tư nhân hoặc các thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư phát triển mô hình kinh doanh này. Trong khi nhìn vào tài nguyên thương mại, chợ vẫn là nơi rất nhiều tiềm năng, nhưng cần nguồn vốn và trí tuệ để đánh thức.

3. Có những ban quản lý chợ họ thật sự muốn thay đổi, muốn giúp đỡ tiểu thương, nhưng hầu hết là trình độ hạn chế, kiến thức và kỹ năng quản lý kém, dẫn đến muốn làm nhưng không biết làm thế nào.

4. Trăn trở của tiểu thương là điều thấy rõ, tiểu thương kinh doanh bây giờ cũng phải khác đi, nhưng không ai giúp họ, họ không có các đoàn hội hỗ trợ, huấn luyện đào tạo kỹ năng mua bán trong tình hình mới.

5. Nhà nước nên nghĩ đến một số hàng rào thương mại cần thiết, để vừa hỗ trợ và thúc đẩy kinh doanh lành mạnh cho tiểu thương. Như áp dụng quy chế bao nhiêu siêu thị trong một phạm vi không gian xung quanh chợ, khoảng cách bao nhiêu và đẩy mạnh công tác quản lý nguồn gốc và chất lượng hàng hoá.

Phan Tường (Chuyên gia phân tích thị trường)