Ảnh minh họa (Nguồn Internet)

Thử đề cập đến những con số “biết nói” liên quan đến chợ truyền thống để xem việc đổi mới (nếu có) sẽ ảnh hưởng như thế nào: cả nước đang có 8.500 chợ từ Bắc đến Nam, khoảng hơn 200.000 tiểu thương đang kinh doanh và có cuộc sống phụ thuộc vào tương lai của các khu chợ này.

15 năm làm việc và nghiên cứu trong ngành bán lé, tôi quan sát một năm ít nhất có vài hội thảo cấp bộ, sở ngành nói về thực trạng và các giải pháp để hỗ trợ chợ truyền thống phát triển, nhưng nhìn vào những gì diễn ra hiện nay thì có thể nói, chợ truyền thống là câu chuyện cả thập kỷ không có sự thay đổi nào đáng kể. Tôi đặt câu hỏi này đến mạng lưới chuyên gia, thì hết thảy đều nhận định là: chợ truyền thống là nơi trì trệ nhất, so với các kênh bán hàng khác đang phát triển như vũ bão.

Chúng tôi kể ba câu chuyện rất thực tế, vừa cụ thể vừa có tính “đại diện” để cung cấp một cái nhìn giải thích vì sao việc thay đổi chợ vẫn cứ chậm chạp, trong khi việc này có ý nghĩa lớn cả về mặt thương mại và xã hội.

Câu chuyện thứ nhất: 40 tỷ cho 5 năm

Đến tỉnh P, tôi hẹn gặp giám đốc khu vực của một chuỗi siêu thị lớn nhất cả nước. Ngồi trong quán cà phê trung tâm thành phố, chỉ tay về “khu đất vàng” phía bên kia đường, nơi đang có một siêu thị lớn, anh cho biết: đây sẽ là siêu thị lập kỷ lục về thời gian hoà vốn trên toàn hệ thống, chỉ sau 4 – 5 năm kể từ ngày khai trương. Sở dĩ được như vậy là nhờ những ưu đãi đặc biệt mà địa phương hỗ trợ khi “mời” nhà bán lẻ này mở siêu thị tại tỉnh nhà.Trong đó, đặc biệt nhất là sự ưu ái để dành mặt bằng thuộc dạng đẹp nhất thành phố, cùng hàng loạt những ưu đãi khác.

Theo tính toán của vị giám đốc này, với cùng một quy mô, lượng khách hàng, nhà bán lẻ này “tiết kiệm” được khoảng 8 tỷ đồng/năm so với tại TP.HCM, Hà Nội (tính ra là 40 tỷ cho năm năm đầu, trong ngành bán lẻ mốc năm năm thường được đem ra làm tiêu chuẩn để tính điểm hoà vốn khi mở một cửa hàng, hoà vốn từ năm năm trở xuống là mong ước của bất kỳ nhà bán lẻ nào). Đây thật sự là một hỗ trợ đầu tư rất lớn của một tỉnh nghèo như vậy, nhằm thay đổi lại trải nghiệm mua sắm mới cho người dân.

Tôi đặt câu hỏi là doanh số các sản phẩm địa phương kinh doanh trong siêu thị thế nào?Có giống như cam kết lúc khai trương là siêu thị ra đời sẽ là kênh phân phối cho các nông sản tại chỗ hay không? Anh chia sẻ rất thật với tôi: do đặc thù kinh doanh, hầu như hết thảy hàng hoá ở đây đều từ kho trung tâm của toàn hệ thống, rất hiếm các sản phẩm nhập từ địa phương. Thường chỉ có một số rau củ quả, nhưng doanh số không quá 500 triệu đồng/tháng.Quá nhỏ so với sức sản xuất của tỉnh này.Tình hình này gặp ở hầu hết siêu thị các tỉnh khác, chứ không riêng gì ở đây. Đó chính là điểm không thành công như cam kết ban đầu. Nói thẳng ra là quá nhỏ bé so với mức hỗ trợ đầu tư từ địa phương đã nói ở trên.

Ngược lại, khi viếng thăm một chợ lớn của thành phố này, điều đập vào mắt chúng tôi cơ sở hạ tầng vẫn của hơn mười năm trước.Hoàn toàn không thấy sự thay đổi nào.Ngay cả đến hệ thống thoát nước cho khu vực tiểu thương kinh doanh cá, hải sản cũng không hoạt động, khiến cho người mua cũng như người bán phải đứng trên nước đen ngòm để mua bán. Theo tính toán sơ lược, mỗi tháng doanh thu của chợ này gấp bảy lần cái siêu thị nằm trên đất vàng kia, là nơi mua sắm hàng ngày của cả chục ngàn cư dân, chợ này giúp giải quyết công ăn việc làm cho gần 400 tiểu thương. Đặc biệt nhất là cả một chuỗi sản xuất nông sản địa phương theo sau. Nhưng chỉ bằng cảm quan cũng dễ nhận thấy mức đầu tư của địa phương hầu như rất ít, chưa tương xứng với vai trò và quy mô của chợ.Vấn đề này có thể gặp phải tại nhiều địa phương, khi trải thảm đỏ đón các nhà bán lẻ (trong và ngoài nước) mở siêu thị với hàng loạt những ưu đãi quá đặc biệt, trong khi phần lợi ích mang về thực tế rất ít ỏi. Còn đầu tư cho kênh phân phối trọng điểm như chợ thì lại èo uột, kém cỏi.

Câu chuyện thứ hai: “một nửa” ám ảnh

Giữa tháng 7, chúng tôi có mặt ở Bắc Ninh, thăm chợ Giầu, trò chuyện cùng tiểu thương. Chúng tôi làm một bàn tròn khảo sát nhỏ với một số hộ kinh doanh để hiểu về tinh hình buôn bán ở đây. Cô Tuyết, người có mấy chục năm bám trụ ở chợ này, cho biết: lượng khách bây giờ chỉ còn khoảng một nửa so với cách đây 3 – 5 năm, doanh số và quy mô của đa số các sạp cũng thu hẹp ngần ấy. Khi được hỏi về thu nhập, cô cho biết: giảm hơn một nửa vì để giữ khách, tiểu thương phải hạ giá bán, chấp nhận “hy sinh” lợi nhuận của mình. Mỗi sạp phải tìm vài sản phẩm đặc trưng đem ra bán hoà vốn hoặc chấp nhận lỗ, hòng níu chân khách quen. Người mua hàng bây giờ đi chợ thường đem giá trong siêu thị này, cửa hàng tiện lợi kia ra so sánh, nếu tiểu thương không giảm sẽ không mua, nên tụi tôi phải ráng bấm bụng.

Chị Hoà, một tiểu thương khác, chỉ tay vào lối đi chính trong chợ nói: trong hai năm rồi đã có hơn một nửa số tiểu thương ở chỗ này phải cho thuê hoặc chuyển nhượng sạp, vì tình hình kinh doanh ế ẩm. Việc làm quen với chủ sạp mới là chuyện thường ngày ở đây. Tiểu thương mới đến cũng không dễ sống với nghề.

Thăm chợ Giầu, tuy thời gian ngắn ngủi, nhưng câu chuyện bàn tròn của chúng tôi có nhiều nỗi niềm lo lắng cho tương lai, hơn là sự tin tưởng có cách nào đó để tình hình buôn bán ở đây khả quan hơn. Sau mỗi sạp chợ là một gia đình. Nếu trước đây họ sở hữu một công việc kinh doanh như vậy là bảo đảm tương lai cho con cái, thì bây giờ là sự bấp bênh mỗi ngày một lớn. Tiểu thương chỉ có một khát khao giống nhau là làm sao chợ thu hút được người mua trở lại. Làm sao để người mua có thêm niềm tin vào chợ, không bỏ chợ mà đi. Đây là điều tự bản thân họ không làm được, cần những hành động ở tầm chung, từ cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm (và cả có tâm nữa).

Câu chuyện thứ ba: khi số hoá thất bại

Anh Nguyễn Hoàng Quân, giám đốc công ty công nghệ D.T, đem đến câu chuyện doanh nghiệp anh thất bại khi triển khai dịch vụ tại chợ cho một ngân hàng. Giữa năm 2018, một ngân hàng bán lẻ thuê D.T làm dịch vụ thanh toán không tiền mặt cho một số chợ thí điểm tại TP.HCM và Hà Nội. Mô hình là mỗi chợ sẽ có một hub thanh toán không tiền mặt chung, mỗi cửa hàng tham gia sẽ được cấp một code, khi khách nào mua hàng có nhu cầu thanh toán không tiền mặt, chỉ cần ra hub thanh toán với code tương ứng sẽ được nhận nhiều ưu đãi. Bản thân tiểu thương cũng được cấp tín dụng và dịch vụ ngân hàng bán lẻ với rất nhiều tiện ích.Thậm chí, tiểu thương nào đồng ý bán dữ liệu để công ty này phân tích và bán lại cho các nhà cung cấp làm thông tin thị trường còn được thêm tiền.Hub thanh toán không tiền mặt này có thể triển khai dịch vụ thẻ thành viên cho chọ, điều mà chưa một chợ nào trên cả nước làm được.Ngân hàng trên chấp nhận lỗ trong năm đầu để hỗ trợ tiểu thương.

Sau một thời gian triển khai, thất bại không đến từ yếu tố chuyên môn công nghệ hay sự không ủng hộ của tiểu thương, mà ở khâu thủ tục rườm rà và “nản” nhất là các ban quản lý chợ yêu cầu phải có “thủ tục” đầu tiên mới cho làm. Đó là chưa kể, hàng loạt những rào cản khác từ những “cửa” phải qua để xin thủ tục triển khai chương trình. Anh Quân chia sẻ thẳng thắn: ai cũng nói chợ truyền thống quan trọng, rằng tiểu thương phải được hỗ trợ, nhưng thực tế thì không thấy được tinh thần này ở những nơi mình đi qua. Giới doanh nghiệp công nghệ, ngân hàng, nhà cung ứng không thiếu nguồn lực để phục vụ khu vực bán lẻ này, nhưng hay vướng phải những chuyện kỳ cục, nên không biết đến khi nào mời làm được chuyện này chuyện kia cho tiểu thương.

Ba câu chuyện rất thật trên đây, tuy ở ba nơi khác nhau, về ba vấn đề khác nhau, nhưng thể hiện chung một thực trang: để đổi mới được chợ, thì cần một hành trình rất dài nữa. Quan trọng là hành trình này có vẻ như chưa bắt đầu và chưa xác định được đích đến,
và cũng không biết ai sẽ dẫn dắt.

Phan Tường (theo TGHN)