Ông Nguyễn Lâm Viên

“Để làm cho trái xoài có giá trị gia tăng cao, yếu tố công nghệ góp phần quan trọng, nhưng làm sao để miếng xoài hoàn toàn tự nhiên, lại liên quan đến vấn đề công nghệ sinh học”, ông Nguyễn Lâm Viên, chủ tịch HĐQT, TGĐ công ty cổ phần Vinamit, mở đầu như thế khi trao đổi với chúng tôi.

Theo ông Viên, công nghệ đó phải có mặt ngay trong quá trình trồng trọt, cho tới chế biến, bảo quản…

Hàm lượng sinh học trong chế biến

Xoài Việt đi Mỹ để lại ‘tiếng thơm’ cho các thị trường

Ông Nguyễn Lâm Viên nhận định, những ứng dụng công nghệ thời đại số buộc doanh nghiệp Việt phải hướng tới, đó không chỉ là công nghệ số 4.0, dữ liệu, kết nối… mà công nghệ sinh học phải được quan tâm, nhất là với lĩnh vực nông nghiệp và chế biến thực phẩm. Kết hợp được điều này
sẽ giúp sản phẩm mang tính độc đáo, đột phá…

Cụ thể, Vinamit hiện có những sản phẩm cà phê tươi sấy, nước mía tươi sấy, rau củ, trái cây sấy, rau má tươi sấy 100% tự nhiên, không có đường, chất tạo ngọt hay hoá chất. Tất cả bởi Vinamit đã dùng công nghệ sinh học để đưa các lợi khuẩn vào sản phẩm rau củ, trái cây sấy đông khô, để tăng thêm lợi ích về sức khoẻ cho người dùng.

Cụ thể thêm, trong quy trình chế biến xoài, ông Viên cho biết: “Thật ra cũng không có gì quá mới mẻ hay to tát, đó là những công nghệ đã có sẵn, như công nghệ sấy Air-dried hay công nghệ đông khô cho xoài cũng là đơn giản. Quan trọng là ý thức của nhà sản xuất ở mức độ nào và tính chuyên nghiệp, tự động hoá để vận hành công nghệ đó”.

Hiện nay, ý thức doanh nghiệp Việt trong việc tạo ra sản phẩm tươi sống cho người tiêu dùng còn hạn chế, ít đơn vị đặt điều này lên làm tiêu chuẩn trong sản xuất, kinh doanh. Trong khi người tiêu dùng, thị trường trong, ngoài nước, dù không ai yêu cầu nhưng họ lại đặt lên hàng đầu.

Giữ được “giá trị tự nhiên”

Trên thế giới, xoài có giá trị cao, được người tiêu dùng ưa chuộng. Nổi bật nhất về xuất khẩu xoài là những quốc gia Philippines, Thái Lan, Brazil, Mexico… Việt Nam là nước mới bắt đầu tham gia vào thị trường, nhưng ông Nguyễn Lâm Viên nhận xét, trái xoài Việt Nam có một sự khác biệt lớn so với thị trường, bởi hương vị, chủng loại.

Vấn đề là làm sao nâng giá trị này lên, đưa sản phẩm xoài đến tay người tiêu dùng thế giới để họ có sự so sánh, đánh giá đúng mực về xoài Việt Nam. “Đó là cơ hội cho những doanh nông Việt Nam có khát khao đưa xoài ra thế giới.Mục tiêu hàng đầu là làm sao phải giữ được những giá trị tự nhiên của trái xoài khi đến người tiêu dùng quốc tế”, ông Viên nói.

Theo nhiều doanh nghiệp, chuyên gia, khó khăn nhất hiện nay cho xoài là ở vùng nguyên liệu, trồng theo kiểu tự nhiên chưa kiểm soát được. Bởi thói quen canh tác của người trồng xoài là khai thác triệt để, khai thác đến ba vụ trong năm. Và để khai thác ba vụ, người ta phải sử dụng các chất kích thích, tăng trưởng…

Với riêng Vinamit, ông Viên chia sẻ, công ty có sự đầu tư, có sự đam mê riêng và đặc biệt là có những nghiên cứu sâu về xoài.

Cuối cùng, ông Viên cho rằng, với thị trường, ngoài xoài ăn tươi, có thể xuất khẩu xoài đông lạnh, xoài cắt má. Nhưng để bán được, doanh nghiệp phải làm theo đúng tiêu chuẩn quốc tế yêu cầu.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng có thể làm xoài sấy dẻo tự nhiên, sấy đông khô, không sử dụng bất cứ loại chất hoá học nào, như cách mà Vinamit đang làm.

Trần Quỳnh