Đây là chia sẻ của ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần VNG tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2017 vừa mới diễn ra tại TP.HCM…

Theo ông Minh, trong lĩnh vực công nghệ, mặc dù có thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp nước ngoài, nhưng thực tế số tiền đổ vào cộng đồng startup Việt Nam không đáng kể, chỉ dưới 100 triệu USD/năm.

“Trong bức tranh đầu tư vào startup khu vực Đông Nam Á, gần 2 năm trở lại đây chương trình hành động rất lớn. Năm ngoái nhà đầu tư đổ vào startup là khoảng 1,5 tỷ đô nhưng ở Việt Nam chỉ dưới 100 triệu USD; 80% còn lại là tại Indonesia và Singapore.

Từ đầu năm đến nay, 6 công ty tại Indonesia và Singapore nhận được đầu tư khoảng 5 tỷ USD. Nổi tiếng là Grab nhận 2,5 tỷ USD. So với Việt Nam, các doanh nghiệp trong khu vực thường dễ dàng hơn trong huy động vốn để đầu tư phát triển các ngành nghề mới”, ông Minh nói.

Theo lãnh đạo VNG, nhìn lại sự chuyển động khu vực thì thấy doanh nghiệp ở Indonesia, Singapore dễ huy động những nguồn vốn rất lớn để đầu tư, gấp mấy chục lần công ty Việt. Trong 6 công ty mới nhận được vốn đầu tư lớn, có 4 doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam là Lazada, Grab… Đây là điều mà các công ty Việt không nghĩ tới được. Nhiều công ty tại Việt Nam huy động trầy trật chỉ được mấy nghìn đô.

“Riêng thu hút vốn M&A trong ngành công nghệ đã thấy doanh nghiệp tại Việt Nam lép vế hơn so với doanh nghiệp các nước trong khu vực. Ngay cả với VNG, chuyện huy động được 200 – 300 triệu USD cũng không hề dễ dàng”, ông Minh nói thêm.

Ông Minh cho rằng nguyên nhân khiến các startup Việt Nam chưa thể thu hút được sự chú ý từ nguồn vốn khổng lồ này là do rào cản từ các chính sách hỗ trợ thiếu đồng nhất.

“Vì phải vượt qua nhiều thủ tục quy định về quản lý nhà nước nên starup Việt Nam khó kêu gọi vốn ngoại. VNG đã phải qua 5 Bộ mới có được một giao dịch nho nhỏ. Nhiều khi doanh nghiệp muốn làm một cái gì đó mới, nhưng tìm trong luật lại không có quy định hay chính sách cụ thể về vấn đề này, nên không biết đâu mà lần”, ông chia sẻ.

Đáng chú ý, bên cạnh rào cản về chính sách, Chủ tịch VNG còn đánh giá năng lực của các startup cũng là rào cản, khiến các doanh nghiệp này không thu hút nguồn vốn lớn từ nhà đầu tư ngoại. Vị CEO này đã tự đặt câu hỏi giá trị nào mà doanh nghiệp Việt có thể mang lại cho đối tác, để thuyết phục họ đầu tư?

“Chúng tôi cần một nền kinh tế định vị rõ ràng vị trí trong nền kinh tế thị trường. Chúng tôi cần xác định giá trị của nền kinh tế, của doanh nghiệp Việt Nam trong thị trường thế giới. Khi đó, M&A sẽ thuận lợi và không còn nỗi lo doanh nghiệp Việt mất hay được”, ông Minh đề xuất.

Được biết, ngày 30/5 vừa rồi là ngày đáng nhớ với cộng đồng startup cũng như doanh nghiệp Việt Nam khi VNG lần đầu tiên ký bản ghi nhớ về việc dự kiến niêm yết trên Sàn chứng khoán NASDAQ tại New York. Đội ngũ VNG đã gây dựng thành công hệ sinh thái nghe nhạc ZingMP3, ZingTV, Zalo, Zalopay…


Năm 2014, VNG được World Startup định giá hơn 1 tỷ USD. Năm 2016 và 2017, doanh nghiệp này được Forbes Vietnam bình chọn là 1 trong 40 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam. Hiện tại, VNG có 13 công ty và đang phát triển trong 4 lĩnh vực gồm phát triển game, công nghệ số, ứng dụng OTT và dịch vụ thanh toán điện tử…

Diệu Phan