Gần 3 năm sau ngày hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường lớn trong khối ASEAN. Trong khi đó, hàng hóa nhiều nước như Thái Lan đang tràn sang Việt Nam.
Lâu nay khi nói đến xuất khẩu, các DN thường nhắc đến cơ hội ở các thị trường lớn như Hoa Kỳ, châu Âu hay Nhật Bản, ít nhắc đến khả năng khai thác thị trường ASEAN.
Thực tế, thị trường này với 630 triệu dân, GDP năm 2016 đạt 2.551 tỷ USD, được dự báo sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới vào năm 2030.
Ngoài ra, so với các hiệp định thương mại tự do (FTA) khác, cam kết cắt giảm thuế quan trong AEC nhanh và cao nhất. Bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho biết đến nay Việt Nam đã hoàn thành lộ trình cắt giảm thuế quan trong AEC.
Đây là cơ hội xuất khẩu các mặt hàng có thế mạnh, mở rộng thị trường của DN Việt, đồng thời chiều ngược lại cũng có nhiều ưu đãi và lợi thế khi nhập khẩu vì thuế quan giảm, nguồn hàng và đầu vào chất lượng hơn.
Cơ hội như vậy, nhưng đến nay việc tìm hiểu thị trường và tận dụng cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước ASEAN của DN Việt vẫn còn rất hạn chế.
Năm 2016, trong tổng lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam có chưa đến 10% hàng hóa sang khu vực ASEAN, hơn 90% còn lại vào các thị trường khác. Theo Phòng Thương mại – Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện Việt Nam có đến 2 cổng thông tin cung cấp khá đầy đủ các thông tin liên quan đến ASEAN nói chung và AEC nói riêng.
Đó là cổng thông tin ASEAN Việt Nam (asean.vietnam.vn) và cổng thông tin về AEC (aecvcci.vn). Trong tháng tới tại TPHCM, Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư (ITPC) sẽ cho ra bản tin thị trường ASEAN, với những thông tin hết sức cụ thể của từng thị trường. Bản tin sẽ được phát hành định kỳ hàng tháng.
TP.HCM năng động nhất cả nước, nhưng mức tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường ASEAN vẫn còn rất khiêm tốn. Số liệu từ Sở Công Thương TP.HCM cho thấy, trong giai đoạn 2015-2017, lượng hàng hóa từ TP.HCM xuất khẩu vào thị trường ASEAN mỗi năm đều tăng. Trong đó, năm 2016 kim ngạch xuất khẩu đạt 3,31 tỷ USD, tăng 13% so với năm 2015; năm 2017 đạt 3,47 tỷ USD, tăng 4% so với năm 2016. Tuy nhiên, những con số này không tăng đột biến sau khi AEC thành lập.
Hàng hóa từ các nước ASEAN đang vào Việt Nam ngày một nhanh hơn. Cụ thể, kim ngạch nhập khẩu từ ASEAN vào Việt Nam đạt 7,2 tỷ USD vào năm 2016 và lên 8,15 tỷ USD vào năm 2017, tăng 13% so với cùng kỳ. Hiện con số nhập khẩu hàng hóa từ ASEAN cao hơn 2,6 lần so với hàng Việt Nam xuất khẩu. Thái Lan đang là một trong số các quốc gia đẩy mạnh đưa hàng vào thị trường Việt Nam. Miếng bánh thị trường ASEAN sẽ còn mở rộng hơn nữa thông qua các FTA đa phương ASEAN đang và sẽ tham gia. Nếu chúng ta không nhanh chân sẽ mãi bị trễ trên sân ga hội nhập.
DN không biết làm sao để xuất sang thị trường ASEAN?
Tại một hội thảo về thị trường ASEAN diễn ra ở TPHCM mới đây, một nhóm DN nhỏ đến từ Sóc Trăng, cho biết họ có các mặt hàng thủy sản muốn xuất khẩu sang thị trường ASEAN nhưng chưa biết làm như thế nào, bao bì phải ra sao, đâu là thị trường mục tiêu có thể nhắm đến…
Đây có lẽ là nỗi băn khoăn của không ít DN nhỏ khác của Việt Nam. Thực ra các DN nhỏ đều biết rằng để xuất khẩu được sản phẩm phải tìm hiểu thông tin, khảo sát thị trường mình hướng tới. Cụ thể nhu cầu của họ ra sao, văn hóa của họ như thế nào, thị trường nào có nhu cầu với sản phẩm của mình… Tuy nhiên, DN nhỏ, tiềm lực yếu nên việc khảo sát, tìm hiểu thông tin từng thị trường trong khu vực ASEAN không phải là điều dễ dàng.
Theo ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc ITPC, phần lớn DN Việt Nam có quy mô nhỏ nên tự đi một mình sẽ rất khó thành công. Thực tế cho thấy những đơn vị mua hàng nước ngoài thường muốn làm việc trực tiếp và chỉ làm khi có sự giới thiệu, bảo lãnh của tổ chức thuộc chính quyền, hoặc người có lợi thế kinh doanh. Là đơn vị hỗ trợ xúc tiến thương mại cho các DN TP, ITPC đã kết nối được rất nhiều DN vào kênh bán hàng nước ngoài.
“Nếu tự đi, phải mất cả năm, thậm chí còn lâu hơn DN mới có thể thâm nhập thị trường, nhưng nếu thông qua ITPC có thể chỉ cần vài tháng hoặc ngắn hơn. Do đó, DN cần tăng cường khảo sát thị trường, thông qua các tổ chức như ITPC, tham tán thương mại, tổng lãnh sự để kết nối DN với thị trường mục tiêu” – ông Phạm Thiết Hòa chia sẻ.
AEC là cộng đồng kinh tế chung của 10 nước trong khu vực, nên có những nét văn hóa rất riêng trong tiêu dùng, DN cần hết sức chú ý nếu muốn sản phẩm xuất khẩu của mình được thị trường chấp nhận. Thí dụ, Lào và Campuchia là những thị trường rất ưa chuộng hàng hóa Việt Nam, nhưng nếu trên bao bì DN chỉ sử dụng tiếng Anh, không in tiếng địa phương, sẽ rất khó tiêu thụ.
Ngoài ra bao bì cũng nên hạn chế sử dụng màu đỏ, thay vào đó tăng cường màu vàng. Hay đối tác ở Lào, Campuchia hay Myanmar rất ít khi trả lời email, họ chỉ thích gặp mặt trực tiếp để trao đổi…
Đặc biệt, cộng đồng người theo đạo Hồi chiếm khoảng 2/5 dân số trong khối ASEAN, nên DN cần có chiến lược riêng đối với lượng khách hàng này. Bởi lẽ, dù sản phẩm đạt được những chứng nhận của các tổ chức quốc tế, nhưng nếu không có chứng nhận Halal (giấy xác nhận sản phẩm không có các chất cấm theo yêu cầu của Luật Hồi giáo), cũng rất khó thâm nhập thị trường.
Sản phẩm chuẩn hóa quốc tế
Theo ông Lê Đức Nghĩa, Chủ tịch, Tổng giám đốc Công ty Gỗ An Cường, một DN đang đưa hàng vào nhiều thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canada… cũng như đang từng bước quay trở lại thị trường ASEAN, bên cạnh việc thông qua các tổ chức có uy tín của Việt Nam, DN xuất khẩu cần chủ động tham gia các hội chợ.
“Gỗ An Cường thành công như hôm nay cũng nhờ tham gia rất nhiều hội chợ. Bởi ở đó DN tìm được rất nhiều thông tin hữu ích về thị trường mình muốn đưa hàng vào” – ông Nghĩa nhấn mạnh và chia sẻ muốn xuất khẩu đi bất cứ thị trường nào, sản phẩm phải chuẩn hóa quốc tế.
Theo nhiều chuyên gia, đã đến lúc DN phải bỏ suy nghĩ xuất khẩu đi thị trường này chất lượng cao hơn thị trường kia, thị trường này tiềm năng hơn, xuất khẩu giá trị cao hơn… DN nên đồng nhất về chất lượng, không phân biệt chất lượng sản phẩm xuất theo từng thị trường, ngay cả chất lượng sản phẩm tiêu thụ ở thị trường nội địa. Bởi nếu lơ là thị trường nội địa với hơn 90 triệu dân, chẳng mấy chốc thị trường này sẽ rơi vào tay DN nước ngoài.
Đặc biệt, DN nhỏ phải biết “liệu cơm gắp mắm” trong việc đầu tư công nghệ, quy trình. Trong bối cảnh của nền kinh tế sáng tạo, chia sẻ hiện nay mọi thứ không còn bị giới hạn bởi tài chính hay quy mô. Nguyên lý cá lớn nuốt cá bé đang được thay bằng cá nhanh thắng cá chậm. DN nhỏ nhưng sáng tạo, tìm được thị trường phù hợp vẫn có thể có những bước đi nhanh, mạnh.
Ngoài ra, chất lượng nguồn nhân lực và trình độ của DN Việt Nam còn thấp (năm 2017, Việt Nam chỉ đạt 3,39/10 điểm, trong khi Malaysia là 5,59 điểm, Thái Lan 4,94 điểm), cũng là một hạn chế trong việc tận dụng các cơ hội tại thị trường có đến 630 triệu dân rất tiềm năng này.
Theo SGGP/ĐTTC