Nhóm thí sinh đại diện dự án “Đà Giang foods thực phẩm sạch từ trang trại đến bàn ăn kết hợp du lịch trải nghiệm trên lòng hồ Hoà Bình” tham gia tranh tài tại vòng chung kết chiều 9/11.
Chiều 9/11, Chung kết Cuộc thi Ý tưởng/Dự án Khởi nghiệp Xanh – Phát triển bền vững lần thứ 10 năm 2024 tiếp tục với 24 dự án của bảng B – những dự án đã hoạt động đến 4-5 năm.
Dự án đầu tiên tham gia tranh tài ở bảng B là dự án “Đà Giang foods thực phẩm sạch từ trang trại đến bàn ăn kết hợp du lịch trải nghiệm trên lòng hồ Hoà Bình”, của Hợp tác xã Đà Giang ECO, xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình.
Đại diện dự án nhóm thí sinh Trịnh Thị Thanh Hoà – Nguyễn Mai Hồng – Đinh Thị Mai cho biết, các sản phẩm chủ lực của dự án là cá trắm đen, cá lăng và cá ngạnh được nuôi trồng mà không sử dụng hóa chất hay thức ăn công nghiệp, đảm bảo chất lượng an toàn, giàu dinh dưỡng.
“Quy trình nuôi khép kín đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao và VietGAP, giúp sản phẩm dễ dàng đáp ứng nhu cầu của siêu thị, nhà hàng trên cả nước” nhóm Đà Giang ECO khẳng định.
Bên cạnh sản phẩm cá sạch, Đà Giang ECO đang phát triển du lịch trải nghiệm lòng hồ Hòa Bình, tạo cơ hội để du khách khám phá vẻ đẹp vùng sông Đà và tìm hiểu quy trình nuôi trồng thủy sản thân thiện với môi trường.
“Sứ mệnh của hợp tác xã không chỉ dừng ở việc cung cấp thực phẩm sạch mà còn nâng cao đời sống người dân địa phương, đặc biệt là cộng đồng dân tộc thiểu số. Đà Giang ECO đã tạo ra hàng loạt công ăn việc làm, đào tạo kỹ thuật cho bà con, xây dựng chuỗi giá trị bền vững trong nuôi trồng và chế biến thủy sản” – đại diện nhóm dự án cho biết.

Giám khảo Nguyễn Cẩm Chi – Giám đốc Khối tư vấn phát triển bền vững – MCG Management Consulting, góp ý cho các dự án tại bảng B.

Giám khảo Nguyễn Cẩm Chi – Giám đốc Khối tư vấn phát triển bền vững – MCG Management Consulting, băn khoăn về cách huy động vốn cho dự án, tương ứng với đó là phân chia doanh thu và lợi nhuận, vì mô hình của dự án là hợp tác xã.
Giải đáp, đại diện dự án cho biết, hợp tác xã có 11 thành viên, vốn của hợp tác xã hiện chủ yếu từ thành viên, còn các hộ dân liên kết thì góp bằng sản phẩm. Phân chia lợi nhuận thì phân chia theo số vốn góp. Hợp tác xã thành lập từ tháng 1/2023, hiện nay, doanh thu đến tháng 11/2024 đã đạt được 75% kế hoạch doanh thu.
Trả lời câu hỏi của PGS.TS Đàm Sao Mai –  Phó Hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp TP.HCM về nguồn nguyên liệu và làm sao để giám sát. Đại diện dự án cho biết, hàng ngày đều có các kỹ sư giám sát chặt chẽ về quy trình sản xuất. Ngoài 45 lồng bè của hợp tác xã thì hiện dự án còn 75 lồng bè của các hộ liên kết nên về nguyên liệu luôn sẵn sàng, đáp ứng đủ nhu cầu thị trường.

Thí sinh Trần Bảo Huy giới thiệu dự án “Thực phẩm từ xương rồng – Leafking – Tái sinh nguồn sống” tại vòng chung kết.

Dự án thứ hai trong nhóm B tham gia dự thi là dự án “Thực phẩm từ xương rồng – Leafking – Tái sinh nguồn sống” của thí sinh Trần Bảo Huy đến từ Phú Yên.
Giới thiệu về dự án Trần Bảo Huy cho biết, xương rồng Nopal, với hàm lượng chất xơ, vitamin và khoáng chất cao, từ lâu đã được biết đến với nhiều lợi ích sức khỏe. Leafking đã tận dụng tối đa những ưu điểm của loại cây này để tạo ra các sản phẩm đa dạng như nước uống xương rồng, trà xương rồng túi lọc…
Bên cạnh việc mang đến những sản phẩm chất lượng, Leafking còn quan tâm đến việc phát triển bền vững. Công ty đã và đang hợp tác với các nông dân để trồng và thu mua xương rồng Nopal, giúp họ cải thiện thu nhập và khai thác hiệu quả đất đai. Nhờ đó, Leafking không chỉ tạo ra các sản phẩm tốt cho sức khỏe mà còn góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp và bảo vệ môi trường.
“Với Leafking, mỗi sản phẩm không chỉ là hương vị độc đáo mà còn là sự kết nối giữa người tiêu dùng và cộng đồng nông nghiệp bền vững. Khi thưởng thức các sản phẩm của Leafking, bạn không chỉ đang chăm sóc sức khỏe của mình mà còn đang góp phần bảo vệ môi trường và hỗ trợ nông dân Việt Nam” – Trần Bảo Huy nói.

Giám khảo Nguyễn Tuấn Quỳnh – Chủ tịch HĐQT Saigon Books, Phó chủ tịch Hội doanh nhân Trẻ TP.HCM, trải nghiệm sản phẩm của dự án tham gia chung kết.

Giám khảo Phan Văn Minh – nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu công nghệ sinh học môi trường – Viện Nghiên cứu công nghệ sinh học và môi trường – Trường Đại học Nông lâm TP.HCM, cho rằng, để dự án được đi xa thì cần phải có tầm nhìn về vùng nguyên liệu. Bởi vì cây xương rồng rất khó được chọn để trồng ở các vùng có thể trồng cây ăn trái được.
Giám khảo Nguyễn Tuấn Quỳnh – Chủ tịch HĐQT Saigon Books, Phó chủ tịch Hội doanh nhân Trẻ TP.HCM, nhận xét: các sản phẩm của Leafking như nước xương rồng và trà xương rồng đều rất mới, nên dự án cần phải có chiến lược quảng cáo, marketing trên thị trường rất chi tiết. Cần phải chú trọng hơn về dược tính của sản phẩm, dựa vào các nghiên cứu khoa học để khai thác lợi thế cạnh tranh của sản phẩm.
Giám khảo Nguyễn Tiến Trung – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tư vấn và Đầu tư Khởi nghiệp Quốc gia (NSCI) cho rằng, điều quan trọng là làm sao dự án có thể thuyết phục khách hàng và dự trù bán được bao nhiêu sản phẩm.
PGS.TS Đàm Sao Mai –  Phó Hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp TP.HCM cho rằng, dự án cần phải chỉ rõ những nét đặc trưng, những nét có thể gây ấn tượng riêng để khách hàng biết đến và chọn lựa sản phẩm của mình.

Dự án “Befine – Nâng cao giá trị kinh tế bản địa từ cây sả và cây quế” gây ấn tượng với sự bài bản trong việc xây dựng sản phẩm và kế hoạch kinh doanh.

Dự án thứ ba trong buổi chiều 9/11 là dự án “Befine – Nâng cao giá trị kinh tế bản địa từ cây sả và cây quế” của nhóm thí sinh Dương Ngọc Trường – Trần Minh Vũ – Phạm Nguyễn Hải Đăng đến từ Thanh Hóa.
Xuất phát từ thực tế cây sả, cây quế tại địa phương chưa phát huy được hết các giá trị kinh tế Befine đã nghĩ đến chuyện sản xuất các sản phẩm hương liệu.
“Được thành lập với sứ mệnh phát triển nền nông nghiệp xanh và nâng cao đời sống người dân, Befine đã xây dựng một hệ sinh thái sản xuất khép kín, từ việc trồng trọt dược liệu sạch đến chế biến và phân phối sản phẩm. Với gần 20 loại tinh dầu bản địa và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe khác, Befine không chỉ mang đến những trải nghiệm tuyệt vời cho người dùng mà còn tạo ra giá trị bền vững cho cộng đồng” – Trần Minh Vũ đại diện nhóm dự án cho biết.

Điểm độc đáo là các dự án tham gia cuộc thi, không chỉ học hỏi thêm được rất nhiều từ cuộc thi mà có thể tiếp cận khách hàng và bán sản phẩm ngay trong khuôn khổ cuộc thi.

Giám khảo Nguyễn Tuấn Quỳnh – Chủ tịch HĐQT Saigon Books, Phó chủ tịch Hội doanh nhân Trẻ TP.HCM, nhận xét: dự án rất tốt, đã có sản phẩm với quy trình phát triển bài bản, nhưng vấn đề là thị phần của dự án trên thị trường vẫn chưa cao. “Vậy dự án đang gặp rào cản gì?” – ông Nguyễn Tuấn Quỳnh đặt câu hỏi.
Thí sinh Dương Ngọc Trường đại diện dự án cho biết, thời gian qua dự án chủ yếu tập trung vào sản phẩm, tập trung vào sản xuất. Bắt đầu từ năm 2024 dự án bắt đầu dành vốn để đầu tư vào marketing và bán hàng.
Đồng ý với giám khảo Nguyễn Tuấn Quỳnh, giám khảo Nguyễn Tiến Trung – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tư vấn và Đầu tư Khởi nghiệp Quốc gia (NSCI), cho rằng thị trường đang rất tiềm năng, nhưng doanh số của Befine hiện đang rất khiếm tốn và mục tiêu đặt ra cũng đang rất khiêm tốn. Dự án cần có chiến lược marketing hoặc xem xét mục tiêu xuất khẩu sản phẩm.

Ban giám khảo trải nghiệm sản phẩm của các dự án tham gia vòng chung kết.

Giám khảo Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hội DN HVNCLC; Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp, cho rằng: “Lãnh vực tinh dầu là đại dương đỏ. Hiện tôi có một nhóm doanh nghiệp Nhật Bản sang hợp tác với một cô khởi nghiệp về tinh dầu ở Đồng Tháp. Sáu tháng một lần nhóm chuyên gia của Nhật Bản có sang làm việc với tôi, chỉ về bao bì, chỉ với nắp. Họ nói khó khăn nhất là về môi trường, chẳng hạn, làm sao tái chế bao bì, tái chế cái nắp được…Họ cũng nói với tôi, họ làm với Đồng Tháp vì Đồng Tháp có những nguyên liệu mà không nơi đâu có.
“Từ đó, tôi cho rằng các bạn phải suy nghĩ kỹ về đại dương đỏ này. Các bạn phải tìm xem nguyên liệu gì mà chỉ Việt Nam có mà các nước khác mà kiếm không ra” – bà Vũ Kim Hạnh nói.
Cuộc thi năm nay do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC), Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp – BSA phối hợp cùng Công ty CP Vinamit, Tập đoàn Trung Nguyên Legend tổ chức. Tổng giá trị giải thưởng của cuộc thi là 967.000.000 VNĐ, trong đó 222.000.000 VNĐ tiền mặt cho các ý tưởng/dự án đạt giải ở cả 2 bảng A – B.
Cuộc thi Ý tưởng/Dự án Khởi nghiệp Xanh – Phát triển bền vững lần thứ 10 năm 2024 với sự tham gia của các đơn vị đồng hành của: Công ty cổ phần Nhựa tái chế Duy Tân (DUYTAN Recycling – DTR); Công ty TNHH Dịch vụ Ứng dụng Hỗ trợ Doanh nghiệp (HVNCLC-CHN); Công ty CP Cơ điện Tân Hoàn Cầu; Công ty TNHH SX – TM – DV Qui Phúc; Công ty TNHH Minh Long 1; Công ty TNHH Tân Nhiên; Công ty TNHH SX – TM – DV Bao bì Tăng Phú; Công ty TNHH KV Images; BSA Media.