Tình cờ, ngày cuối tháng 5 trong lúc chờ xe đến đưa con đi hoạt động ngoại khóa tại sân vận động Hoa Lư, tôi gặp một người mẹ cũng đang chờ xe để cho con đi chơi cùng đoàn. Cô tên là Thanh Tâm, khoảng 37 tuổi, con của cô 7 tuổi, bé ít đi đâu nếu không có mẹ, bé luôn nhớ nhà và nhớ mẹ, cô nói cô còn cậu con trai 11 tuổi, cậu bé không đi vì đang tập làm việc nhà theo sự chỉ dạy của cô. Đây là lần đầu tiên bé đi. Còn cậu con trai thì cô cho bé đi nhiều rồi. Cô hỏi kinh nghiệm của tôi vì con trai của cô có thể sắp bước vào tuổi dậy thì, làm thế nào để con có… lý tưởng.

Tôi hơi ngạc nhiên một chút về điều này. Vì lẽ ra câu đó có từ thời của tôi đổ về trước, nghĩa là thế hệ sinh những năm 70. Nhưng thế hệ 8X, 9X giờ họ không còn lý tưởng nữa nên sẽ không còn khuyến khích con sống có lý tưởng, tôi nghĩ là vậy. Tuy nhiên, thế hệ 8X phần lớn đổ vỡ lý tưởng vì đã từng có lý tưởng và việc giáo dục một chiều về lý tưởng đã làm cho dễ đổ vỡ.

Tôi hỏi cô: “Vậy theo em lý tưởng là gì?”- “Dạ, là những giá trị chuẩn mực của xã hội mà mình phải noi theo”. Tôi nghe cô nói rất nghiêm túc nên không định giỡn với cô rằng “tưởng là có lý” mà tôi hay đùa với các bạn trẻ. Tôi nói, có lẽ em hơi nhầm lẫn với những quy tắc sống chung của cộng đồng. Vì đó không phải là lý tưởng.

Liệu giúp con mình tìm lý tưởng sống trong thế kỷ 21 này có phải là một ảo tưởng hoặc bà mẹ này đang định du hành ngược thời gian chăng?

Dạy con sống… tốt

Đối với các triết gia Đông và cả Tây, việc đào tạo con người trưởng thành là việc tối cao với các chuẩn mực đã được đưa ra dựa trên ba giá trị căn bản của nhân loại: Chân-Thiện – Mỹ. Nhưng chúng ta, nếu đã làm cha mẹ, hoặc thêm cả vai trò thầy cô giáo, hoặc thêm cả vai trò những nhà khoa học về con người, đều hiểu rất rõ, đó là các giá trị mang tính “khẩu hiệu” hơn là thực tiễn. Bởi mỗi đứa trẻ, mỗi con người có thể rất khác nhau về tính cách, và ngay cả đối với các nhà giáo dục, quan niệm của họ về “Chân-Thiện – Mỹ” ấy cũng khác nhau, hay với các tôn giáo cũng khác nhau.

Vậy làm sao để 7 tỉ con người trên thế giới này có cùng chung tiếng nói về giáo dục?

Đó nghe như là điều không tưởng, tuy nhiên, thế kỷ 21 lại cho ta thấy một toàn cảnh mà có thể dẫn đến điều đó: khi mà sự phân biệt bắt đầu xảy ra ở các đất nước có nhiều sắc dân (như Hợp chủng quốc Hoa Kỳ chẳng hạn), khi mà con người đã có những chuẩn mực mới, quy tắc mới về nhân quyền như giới tính, sự kỳ thị và sự hợp tác thì viễn cảnh một thế giới đại đồng sẽ là điều mà con người buộc phải hướng tới – nếu không muốn cho ngày tàn của trái đất càng gần hơn bởi sự nóng lên của khí hậu và những yếu tố văn hóa kỳ thị, phân biệt có thể thúc đẩy ngày tận thế đến sớm hơn bởi chiến tranh.

Đứa con học đầu cấp 3 của tôi khi về nhà không bao giờ muốn nói về việc học trên trường, nhưng nói về sự biến đổi môi trường, câu chuyện nhân loại sẽ đi đến đâu nếu con người cứ tiếp tục chia rẽ và phân biệt, nói chuyện các chính phủ cần hợp tác để tạo thêm vaccine chống dịch bệnh cho toàn cầu…vv… nó sẽ hào hứng và đưa ra những giải pháp rất độc đáo.

Tôi còn có một cậu chàng năm thứ nhất đại học, cậu quan tâm đến tâm thức con người của thế kỷ 21, cậu cho rằng EQ sẽ thay thế mọi khả năng tính toán cũng như sự thông minh mà đến giờ một cái máy tính có thể làm tốt và nhanh hơn con người hàng trăm lần. Vì vậy, trí tuệ cảm xúc là một trong những điều mà con người cần nhất ở thời đại của kỹ thuật số. Ngoài ra, cậu ủng hộ tôi nghiên cứu và phổ biến Phật pháp thông qua sự kết hợp với khoa học, đặc biệt ở lĩnh vực vật lý lượng tử. Nó cho thấy con người nếu biết mình thật sự nhỏ bé, thì sẽ tự “giáo dưỡng” tinh thần đoàn kết và khiêm tốn để có thể cùng nhau gìn giữ hành tinh này.

Giáo dục vẫn quyết định số phận của con người?

Trong một bài viết tôi đọc được của dịch giả Dương Thắng đặt một vấn đề rất lớn: “Giáo dục sẽ quyết định số phận của loài người?”. Sở dĩ đặt vấn đề này là vì ông cũng là một giảng viên có 40 năm đào tạo đại học. Ông cho rằng: “Một trong các con đường hữu hiệu nhất hiện nay được các nhà nghiên cứu và các cơ quan tư vấn kiến nghị: Hãy sử dụng cái thiết chế xã hội rất lâu đời và quen thuộc là hệ thống giáo dục. Người ta lưu ý rằng chính hệ thống giáo dục sẽ hình thành nên các phẩm chất của con người và tạo dựng nguồn dự trữ sẽ được hiện thực hoá trong cuộc sống sau đó của con người.

Do vậy, chất lượng giáo dục sẽ quyết định việc con người sẽ có nhận thức như thế nào về vị trí của mình trong thế giới, họ sẽ định hướng vào các hệ giá trị nào, nhân loại trong tương lai liệu có thể thoát khỏi vòng xoáy điên cuồng của một xã hội tiêu dùng (khai thác bóc lột thiên nhiên đến cạn kiệt) như mấy chục năm qua hay không? Giáo dục vì thế sẽ quyết định sự hình thành hoặc là một nhãn quan sâu rộng, hoặc là nhãn quan thiển cận về tiến trình phát triển thế giới”.

Trong cuốn sách mới xuất bản vào cuối tháng 5.2021 tại Việt Nam có tên Cô bé ngón tay, tác giả Michel Serres đã đưa ra ý tưởng: chúng ta dần sẽ đi tới một xã hội “không có học sinh”, một điều tưởng chừng như không tưởng, nhưng sẽ đạt được thông qua vai trò trung gian của các công nghệ mới. Trường học và ngay cả toàn bộ nền giáo dục, về cơ bản, theo ông là không cần thiết nữa và có thể thay thế bằng luồng thông tin và các kỹ năng tự do trao đổi (Trích “Một thế hệ đột biến ra đời trong kỷ nguyên kỹ thuật số” của tác giả Dương Thắng).

Câu hỏi đặt ra của Michel Serres là: “Truyền thụ cái gì đây? Kiến thức ư? Nó đây, đầy trên mạng, có sẵn ngay và luôn, đã được hiện thực hóa. Truyền thụ nó cho ai? Cho tất cả mọi người chăng? Nhưng hiện nay mọi người đều có thể tiếp cận đủ mọi kiến thức. Truyền thụ nó thế nào? Chẳng thế nào cả: nhiệm vụ đã hoàn tất” (Trích Cô bé ngón tay, trang 22).

Vậy, chúng ta sẽ giáo dục một con người có lý tưởng? Một con người với nhiều mối quan tâm lo lắng cho sự phát triển của con người? Một con người sống chan hòa và cân bằng với cộng đồng nhân loại? Hay một con người không cần giáo dục cổ điển nữa, mà có lẽ họ chờ đợi một nền giáo dục khác, gần gũi với thế hệ kỹ thuật số ngày nay?

Câu trả lời dành cho tất cả chúng ta, và câu hỏi tiếp tục cật vấn chúng ta nhìn về nền giáo dục hiện nay ở Việt Nam, ở gia đình mỗi người và nếu không là chính những đứa trẻ trả lời, thì chúng ta có thể tìm ở đâu?

“Cô bé ngón tay” là tên cuốn sách vừa được ra mắt bạn đọc vào cuối tháng 5.2021 của nhà triết học người Pháp Michel Serres (1920-2019) mới được Công ty Sao Bắc Media giới thiệu với công chúng ngày 22.04. 2021 tại Hà Nội, do dịch giả Hoàng Mai Anh chuyển ngữ. Michel Serres dùng chữ “cô bé” theo nghĩa ẩn dụ. Các cô bé, cậu bé ở đây không được hiểu đơn thuần là những thực thể người ở độ tuổi mới lớn, mà, còn được hiểu và cần được hiểu (như được thấy xuyên suốt cuốn sách này) là bất cứ ai đang ở trong quá trình của sự trưởng thành để trở thành hoặc có thể “không” trở thành một người trưởng thành “đích thực”. Cuốn sách tập hợp các bài viết ngắn được Michel Serres viết rải rác trong nhiều năm với nhiều chủ đề khác nhau, song đều qui về trọng tâm của sự suy tư của ông: mối tương quan của con người với trái đất trước sự thay đổi thay đổi phi thường, thậm chí “không tưởng” chưa từng có trong lịch sử phát triển của loài người: trí tuệ nhân tạo, công nghệ số.

Thiên Thư – Phạm Anh Tuấn (Theo TGHN)

Sagrifood giảm giá sốc 30% trong tháng 6