70 gian hàng sản xuất thuộc nhiều ngành nghề khác nhau tham gia ngày hội. Ảnh: Ng.Nga

Chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới, ông Brian Mtonya đưa ra nhận định trên tại “Ngày hội các nhà cung cấp 2018” do Hiệp hội Thương mại Mỹ (AmCham Vietnam) tổ chức tại TP.HCM hôm 4/10.

Nêu những thách thức của Việt Nam trong việc tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, ông Brian Mtonya nói, cơ hội đối với những công ty sản xuất trong nước bị thu hẹp do các công ty đầu tư nước ngoài dẫn đầu như Samsung, Ford, Toyora… thường sử dụng cùng một nhóm các nhà cung ứng toàn cầu ở mọi nơi.

Thứ nữa, do liên kết giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước yếu nên hầu hết các chức năng có giá trị gia tăng cao như đổi mới, thiết kế, dịch vụ hậu sản xuất… vẫn đang ở bên ngoài Việt Nam.

Việt Nam dễ bị mắc kẹt trong “bẫy giá trị gia tăng”, không phát triển được những chức năng có giá trị cao hoặc khả năng đổi mới… Rủi ro trong dài hạn là khi các đối thủ cạnh tranh có chi phí thấp hơn thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài rời khỏi Việt Nam.

Cơ hội mới cho doanh nghiệp Việt, theo chuyên gia là làm dịch vụ. Ông cho rằng, dịch dụ đang ngày càng đóng vai trò quan trọng với khả năng cạnh tranh trong sản xuất và chiếm phần lớn giá trị gia tăng của sản phẩm. Như vậy, nhà cung cấp trong nước có cơ hội trong các lĩnh vực sản xuất nào của khu vực FDI? Dịch vụ trong sản xuất và chế tạo, phần này theo thống kê chiếm đến 56% tổng số vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Ông Michael Trueblood, đại diện Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), nhấn mạnh mọi hoạt động hỗ trợ của USAID tại Việt Nam đều chú trọng giúp chuyển đổi và có sự tham gia của nhiều thành phần xã hội vào phát triển kinh tế.

Đặc biệt là liên kết hợp tác giữa khối doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam với chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây là thời điểm then chốt để Việt Nam một mặt tăng tốc thoát bẫy thu nhập trung bình, một mặt tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu và “không thể chậm trễ hơn được nữa”.

Hiện USAID đang phát triển 2 dự án hỗ trợ cho vấn đề ông Michael Trueblood vừa nêu. Đó là dự án tạo thuận lợi thương mại cho doanh nghiệp tư nhân với gói 22 triệu USD.

“Trước đây chúng ta hay than một lô hàng được nhập vào Việt Nam mất đến 30 ngày mới lấy hàng ra, có quá nhiều thủ tục, có quá nhiều cơ quan quản lý chồng chéo… Chúng tôi cùng tham gia để giải quyết vấn đề này. Từ đó nâng cao chất lượng lao động cũng như khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp”, ông Michael Trueblood nói.

Dự án thứ 2 cũng trị giá 22 triệu USD giúp hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam kết nối với chuỗi cung ứng toàn cầu. Hướng đến chuyên giao công nghệ, kiến thức và tăng năng suất lao động.

Ông Đậu Anh Tuấn, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong phần trình bày về chất lượng quản lý và chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh cho rằng, có xu hướng đáng lo ngại là lòng tin của doanh nghiệp vào giải quyết vấn đề của cơ quan tòa án ngày càng giảm. 5 năm trước chiếm 60%, nay chỉ còn 36%.

Ngoài ra, theo VCCI, khảo sát cho thấy, doanh nghiệp có tham gia làm hàng xuất khẩu thường có trình độ quản lý cao hơn doanh nghiệp chỉ cung cấp cho thị trường nội địa. Theo đó, doanh nghiệp có trình độ quản lý cao, tỷ lệ thỏa hiệp với chi phí không chính thức lại thấp hơn rất nhiều so với doanh nghiệp có trình độ quản lý thấp.


Đây là lần thứ 5 liên tiếp AmCham Vietnam tổ chức sự kiện này nhằm thu hút doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và nhà cung cấp nội địa Việt Nam tham gia. Khác với những năm qua, năm nay AmCham Vietnam mở rộng quy mô và thay đổi cách thức tiếp cận cho nhà cung cấp và nhà sản xuất bằng việc xây dựng khu triển lãm với gần 70 gian hàng của các doanh nghiệp sản xuất thuộc nhiều ngành nghề khác nhau và 90 nhà cung ứng tham gia trưng bày, tìm hiểu, kết nối. Giới thiệu các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu như LinkSME, WeConnect, Dream Builder…

Theo Thanh Niên