Ông Nguyễn Bá Quỳnh – Tổng giám đốc Công ty Global CyberSoft

“Làm gì để ứng dụng thành công kỹ thuật số trong doanh nghiệp?” là câu hỏi được chúng tôi đặt ra với ông Nguyễn Bá Quỳnh – Tổng giám đốc Công ty Global CyberSoft. Phần trả lời của ông hy vọng sẽ giải đáp phần nào thắc mắc của doanh nghiệp trong tiến trình “số hóa – chuẩn hóa – chinh phục thị trường”. 

Cuộc cách mạng 4.0, cùng với làn sóng chuyển động số đã tác động mạnh mẽ đến triết lý quản trị doanh nghiệp. Do đó, ngày nay định hướng chiến lược phát triển doanh nghiệp dần dần không còn là từ vị trí cấp cao hay phòng ban quản lý, mà sự đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số phải từ tất cả phòng ban để liên kết và phối hợp đưa ra với tốc độ nhanh chóng.

Cũng nhờ cuộc cách mạng 4.0, doanh nghiệp có thể dự báo tương lai một cách khoa học, trên nền tảng công nghệ số giúp quản trị sản xuất kinh doanh, tiếp thị bán hàng, thống kê giải quyết hàng tồn kho… và cộng đồng khởi nghiệp đã chứng minh những điều này bằng sự thành công khi bắt kịp xu hướng hơn các công ty, tập đoàn lớn.

*Vậy xu hướng chuyển đổi số từ nay đến năm 2021 là?

– Ông Nguyễn Bá Quỳnh: Trước tiên có thể nhận diện điện toán đám mây sẽ là nền tảng cho tất cả đột phá trong chuyển đổi số. Về mặt học thuật về kinh tế, điều này dẫn đến từ khoá “nền kinh tế phẳng” với mọi giá trị gia tăng được xây dựng từ nhiều nền tảng khác nhau.

Trong đó, sẽ có người xây nền tảng và người tạo giá trị gia tăng cho nền tảng đó, cũng như doanh nghiệp có thể chọn lựa cho mình là đơn vị xây dựng hay tạo giá trị gia tăng cho một nền tảng nào đó. Xu hướng tiếp theo có thể kể đến là trí tuệ nhân tạo (AI) ngày nay là một thực tế, không còn là cái gì đó viễn tưởng, mơ ước của con người. Ghi nhận thực tế trên thế giới, đã xuất hiện người đưa thư hay những công việc mà không cần tư duy nhiều là robot thông qua ứng dụng AI. Đặc biệt, AI đang là ứng dụng đang diễn ra hàng ngày ở các nước phát triển.

Một ví dụ khác có thể kể đến, là các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân… đã có thể sử dụng AI để thực hiện quy trình khảo sát thông qua những thuật toán để thu thập bảng đánh giá bằng tay và cho kết quả 100% chính xác.

Công nghệ điện toán đám mây với nền tảng số tạo cho những nước đang phát triển như Việt Nam cơ hội phát triển, ứng dụng những công nghệ tiên tiến nhất, mà cách đây khoảng 5 năm doanh nghiệp có thể phải chi hàng chục triệu USD hay vài trăm triệu USD. Đây cũng là lý do tạo nên sự khác biệt của nền kinh tế cuộc cách mạng 4.0, với những nền tảng cung cấp toàn cầu và được dân dụng hóa không phân biệt giàu hay nghèo.

Trước bối cảnh thông tin tràn ngập, nhưng chỉ những người sử dụng thông tin đúng mới thành công, chứ không phải những người sở hữu thông tin trước. Hay có thể hiểu, những ai có thể thông qua nền tảng công nghệ thu thập những dữ liệu lớn, phân tích, dự đoán tương lai bằng việc nắm bắt quy luật, thuật toán đã và đang được khai thác triệt để trong bối cảnh hiện nay để phục vụ cho định hướng phát triển doanh nghiệp.

Chuyển đổi số đặt ra áp lực cạnh tranh như thế nào?

-Hiện nay, một điều có thể thấy rõ hơn là những chuyên gia vốn từng là top hàng đầu về lĩnh vực công nghệ, gồm: thực tế ảo, cơ sở dữ liệu… không khó nhận thấy những tín hiệu lỗi thời và những chuyên gia này sẽ phải mất khoảng 10 năm để tạo ra những công nghệ mới hay để học các ngôn ngữ lập trình mới.

Không bắt kịp công nghệ thì doanh nghiệp sẽ tụt hậu, còn quốc gia sẽ phát triển chậm và không hòa nhập kịp vào xu hướng toàn cầu. Tốc độ làm thay đổi cục diện trên toàn cầu, dẫn đến nhiều chuyên gia đang lỗi thời, thị trường đòi hỏi nguồn lực mới và “săn” người cho quản trị và chuẩn hóa phần mềm. Chính vì vậy, cả thế giới đang chuyển đổi số để giải quyết bài toán này, mang lại cơ hội cho các quốc gia đang phát triển.

Điển hình, Anh Quốc là một trong những nước dẫn đầu về công nghệ, cũng đã nhận ra tầm quan trọng của vấn đề đào tạo, nên có những chương trình chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo và chính chất lượng đào tạo, quy trình sản xuất hay sản phẩm, dịch vụ tạo nên sức mạnh.

Hay Nhật Bản cũng là quốc gia đã nhận ra đội ngũ chuyên gia của họ đang “lỗi thời”, nên đang chủ động tìm kiếm những nguồn nhân lực có khả năng học hỏi nhanh nhất và ứng dụng nhanh nhất chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực đời sống kinh tế – xã hội. Theo đó, hiện nay cộng đồng doanh nghiệp nói rất nhiều đến quản trị dự án, quy trình nghiêm ngặt, chuẩn hóa hệ thống bằng phần mềm. Hơn nữa, cả thế giới đang chuyển đổi sang những hệ thống quản trị phần mềm mới và từ khóa để chuyển đổi số, đó là tốc độ.

Điều gì làm nên giá trị thúc đẩy, cũng như cản trở doanh nghiệp chuyển đổi số?

-Thời đại chuyển đổi số trên nền tảng công nghệ 4.0 khác biệt so với những tiến trình chuyển đổi khác, hoặc các cuộc cách mạng trước đây là “tốc độ”, nên chính tốc độ ứng dụng công nghệ tạo nên giá trị. Trên thực tế, đã có nhiều vụ việc minh chứng cho vấn đề tốc độ ứng dụng công nghệ càng ngày càng nhanh so với trước đây là hàng thế kỷ hoặc mất vài chục năm.

Bên cạnh đó, so với những cuộc cách mạng trước, cuộc cách mạng lần thứ 4 có mức độ chuẩn hóa các sản phẩm, tiêu dùng công nghệ tính theo đơn vị năm. Do đó, nếu không áp dụng công nghệ thì doanh nghiệp sẽ càng chậm chân hơn và mất dần năng lực cạnh tranh trên thị trường.

Tuy nhiên, đây lại được xem là các cơ hội cho những nước phát triển như Việt Nam, bởi một số báo cáo khảo sát nghiên cứu chỉ ra rằng những Giám đốc điều hành (CEO) thành công trong lãnh đạo những doanh nghiệp, tập đoàn hàng tỷ USD là những người học chậm hơn những người khác. Điều này, có thể hiểu khi đã ở đỉnh cao của sự thành công trong quá khứ, dẫn đến một sự thay đổi khác trong triết lý quản trị doanh nghiệp có thể là điều quan ngại của các CEO này.

Cụ thể, các CEO phải cân nhắc về những vấn đề là doanh nghiệp sẽ không còn quản trị cấp cao, giải quyết tình hướng chiến lược… do kết quả từ đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ đã có thể chiếm ưu thế trong giải quyết những vấn đề này và rào cản.

Mặc dù vậy, sự đổi mới sáng tạo hay cụ thể chuyển đổi số nó phải đi từ tất cả các phòng ban, từ lãnh đạo cho đến nhân viên, cấp quản lý và tất cả mọi người cùng nhau “bắt tay”đưa ra những quyết định với “tốc độ” càng ngày càng nhanh. Đồng thời, không nằm ngoài khả năng một quyết định tại một doanh nghiệp có thể được ứng dụng và triển khai trên toàn cầu.

Cần làm gì trước thách thức chuyển đổi số?

-Kết quả chuyển đổi số mang lại giá trị như thế nào thì chúng ta có thể nhìn nhận trên thực tế tại nhiều doanh nghiệp, không chỉ ở Việt Nam mà thị trường toàn cầu. Chuyển đổi số đã chứng minh được tầm quan trọng khi vừa mang lại giá trị cao cho hoạt động sản xuất kinh doanh, vừa góp phần tái tạo doanh nghiệp, cũng như tạo nền tảng cho doanh nghiệp bắt kịp xu hướng phát triển trong hiện tại cũng như tương lai. Đơn cử, hiện nay nhìn vào giá trị cổ phiếu của các Tập đoàn đa quốc gia, thương hiệu toàn cầu như Microsoft, có thể thấy từ một công ty đang bị đánh giá là trì truệ thì đã trở thành một tập đoàn hàng đầu với giá trị vốn hóa trên thị trường toàn cầu vượt qua các doanh nghiệp khác.

Để có thể chuyển đổi số, nhiều doanh nghiệp không tập trung thay đổi công nghệ mà chọn hướng đi chú trọng vào văn hóa học hỏi và giá trị cốt lõi của doanh nghiệp. Song song đó, muốn sở hữu được công cụ chuyển đổi số, không ít doanh nghiệp có xu hướng chuyển đổi văn hóa mới, tạo ra văn hóa học hỏi và xác định đây là điều kiện cần để thành công trong đổi mới sáng tạo.

Từ văn hóa học hỏi, sẽ thúc đẩy toàn bộ doanh nghiệp chuyển đổi và hoàn thiện bộ máy quản trị doanh nghiệp đáp ứng xu hướng thị trường toàn cầu hóa. Chính vì vậy, ở vai trò của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp không nhất cứ phải tập trung vào công nghệ và tư duy rằng chỉ có công nghệ là đủ để thúc đẩy chuyển đổi số, mà đánh giá đúng tầm quan trọng và tạo ra văn hóa doanh nghiệp mới tăng khả năng thành công cao.

Hiểu thế nào là văn hóa học hỏi?

-Trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, thị trường quốc tế đặt ra những rào cản về thị hiếu tiêu dùng và văn hóa doanh nghiệp, trong đó văn hóa học hỏi là một vấn đề được nhiều doanh nghiệp quan trọng, chủ động tạo ra một môi trường mà nguồn nhân lực từ trẻ đến già, nhân sự mới hay cũ đều có động lực học hỏi và không ngừng nỗ lực tiếp cận cái mới.

Bên cạnh đó, chính những người lãnh đạo phải là đội ngũ tiên phong trong tư duy “không bao giờ là muộn để học hỏi điều mới”, nhằm đảm bảo doanh nghiệp không bị chậm chân trong xu hướng và thậm chí có thể thực hiện mục tiêu tham vọng trở thành đơn vị dẫn đầu. Mặt khác, đối với chuyển đổi số thì văn hóa học hỏi là một trong những điều đầu tiên doanh nghiệp cần chú trọng và các nhà lãnh đạo phải xây dựng cho công ty, tập đoàn của mình.

Hiện nay, Việt Nam có khoảng 1.000 lập trình viên có chất lượng và đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn cung ứng ra thị trường toàn cầu như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hà Quốc… Mặt khác, ít ai có thể ngờ những hệ thống phần mềm quản lý mới và có quy mô như ứng dụng trí tuệ nhân tạo để quản trị hệ thống đường sắt của Luân Đôn (Anh) có sự tham gia của những lập trình viên và hỗ trợ kỹ thuật của Việt Nam. Từ đó cho thấy, nguồn nhân lực tại Việt Nam có thể đáp ứng được thị trường toàn cầu, đồng thời  có những cơ hội khó có thể lập lại. Đặc biệt, làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra trên phạm vi toàn cầu, với tốc độ chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ… đang thay đổi nhanh chóng và có thể ngày hôm trước và ngày hôm sau đã chuyển đổi khác.

Cách nhìn nhận công cụ chuyển đổi số như thế nào để ứng dụng hiệu quả?

-Hoạt động đầu tư, thương mại là lĩnh vực mà nhân loại đã triển khai hàng triệu năm, tuy nhiên trong vận hành doanh nghiệp chúng ta cần gì là câu hỏi mà các nhà lãnh đạo luôn trăn trở tìm lời giải riêng cho mình. Trong đó, yêu cầu tất yếu là các nhà lãnh đạo cần cung cấp những sản phẩm, dịch vụ chất lượng và để làm được điều này cần có nguồn nhân lực.

Đồng thời, phải hiểu rằng công cụ chuyển đổi số không thay đổi cách làm kinh doanh, chỉ cho phép doanh nghiệp thực hiện những công việc đó với tốc độ càng ngày càng nhanh hơn và kết hợp lại với nhau. Đặc biệt, kết hợp giữa con người với con người, sản phẩm với sản phẩm, nhờ công nghệ.

Điển hình, các thiết bị thông minh cá nhân (vừa là thiết bị thông minh vừa là cảm biến, cho phép thu thập những thông tin rất riêng tư và bảo mật, nếu quản trị tốt thì tận dụng được tối đa ưu thế, còn nếu không chú trọng có thể mang lại rủi ro).

Do đó, việc đặt câu hỏi có cần thay đổi, chuyển đổi số hay cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hay không là không cần thiết, bởi những điều này đang xảy ra hàng ngày, nằm ngoài mong muốn và phạm vi quản trị của doanh nghiệp. Ngoài ra, có thể thấy công nghệ hay internet vạn vật tồn tại khắp mọi nơi, nên vấn đề của doanh nghiệp là chấp nhận và thích nghi như thế nào mới quan trọng.

Thực tế áp dụng chuyển đổi số trong doanh nghiệp ra sao?

-Đối với ngành sản xuất truyền thống, áp dựng chuyển đổi số vào hoạt động quản trị kinh doanh đòi hỏi thay đổi tư duy, chứ không chỉ là đầu tư công nghệ. Trong đó, chính mỗi doanh nghiệp mới có thể chọn lựa chính xác những chiến lược xây dựng công cuộc chuyển đổi số, hướng đến phát triển kinh doanh, đào tạo nhân tài và giảm việc. Doanh nghiệp cần biết vượt qua nỗi sợ hãi của mình, vì tốc độ nhanh hay chậm là thách thức rất lớn đối với người quản trị doanh nghiệp.

Nếu các Giám đốc điều hành (CEO) lo sợ mất giá trị bản thân và doanh nghiệp, thì khi chuyển đổi số, quan ngại quyền lực san sẻ và rơi vào người khác. Còn với vai trò người làm chủ, nếu tự tin làm chủ công nghệ hay khuyến khích triển khai ứng dụng công nghệ, chấp nhận chuyển đổi số thì khả năng quản trị của CEO ngày càng lớn mạnh, cũng như được củng cố.

Giá trị cốt lõi của chuyển đổi số là nâng cao hiệu quả từ áp dụng công nghệ trong hoạt động sản xuất kinh doanh và quản trị doanh nghiệp. Thống kê cho thấy, có 70% doanh nghiệp thất bại vì xem công nghệ là cốt lõi, mà không nhận định 3 vấn đề con người, công nghệ, sản phẩm và dịch vụ. AI đang được thiết kế như con người, công cuộc chuyển đổi số là một hành trình, đòi hỏi CEO cần xác định chuyển đổi để vượt qua đối thủ, sau đó quản trị đổi mới và điều chỉnh cải tiến dựa trên thế mạnh.

Đồng thời, bước cuối cùng là chọn thị trường phù hợp với công ty mình, chứ không phải bắt chước doanh nghiệp lớn có nguồn lực tài chính, nhân sự chất lượng cao… trong việc thành lập một bộ phận chuyển đổi số ngay trong doanh nghiệp mình.

WIN:Hiện nay, Việt Nam có khoảng 1.000 lập trình viên có chất lượng và đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn cung ứng ra thị trường toàn cầu như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hà Quốc…

WIN: Khi đã ở đỉnh cao của sự thành công trong quá khứ, dẫn đến một sự thay đổi khác trong triết lý quản trị doanh nghiệp có thể là điều quan ngại của các CEO.


Ưu thế vượt trội tang lợi nhuận

Chuyển đổi số đang trở thành xu hướng toàn cầu, được ứng dụng trong rất nhiều tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp để bắt kịp cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Cụ thể, chuyển đổi số đang cho thấy, ưu thế vượt trội trong việc gia tăng lợi nhuận, tiết kiệm chi phí công nghệ, vận hành hệ thống dữ liệu, cá nhân hóa mang lại trải nghiệm cho khách hàng trên nền tảng số với quy mô cực lớn và tốc độ cực nhanh.

Theo báo cáo cuối năm 2018 của IDG cho các tập đoàn đa quốc gia, có 90% doanh nghiệp và tổ chức có quy mô tỷ USD đã có kế hoạch, phát triển và triển khai chuyển đổi số; 32% các CIO, quản lý IT khẳng định chính chuyển đổi số đã giúp doanh nghiệp tăng trưởng mạnh mẽ và đem lại lợi nhuận lớn. Bên cạnh đó, CIO các tập đoàn lớn trên thế giới đều lựa chọn chuyển đổi số nằm trong Top 3 các vấn đề cần phải quan tâm hàng đầu của doanh nghiệp trong thời đại bùng nổ công nghệ toàn cầu như hiện nay.

Nhân Phương (Theo LBC)