Một quán ăn trên đường Phan Xích Long đóng cửa, trả mặt bằng từ tháng 2. Ảnh: Quỳnh Trần.

Các chuyên gia cho rằng cần sớm có giải pháp tài chính và tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp khi dịch Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng nặng nhiều ngành nghề.

Trong vòng hai tuần qua, hơn chục quán ăn trên đường Phan Xích Long (Phú Nhuận, TP HCM), kể cả cửa hàng thuộc chuỗi F&B lớn, đã đóng cửa. Tình trạng tương tự xuất hiện rải rác ở quận 1, quận 3, quận 5, quận 10, đều là những điểm ăn uống quen thuộc của người dân thành phố.

Giám đốc vận hành một tập đoàn kinh doanh dịch vụ ăn uống lớn với chuỗi lẩu, BBQ, club… cho biết, doanh nghiệp này bị ảnh hưởng nặng nề từ Covid-19. Doanh thu giảm 30%, kế hoạch nâng cấp chuỗi phải tạm hoãn, giảm tuyển dụng mới, giảm chi phí… hòng vượt khó.

Ở quy mô nhỏ hơn, anh Đoàn Duy Đức, chủ hai quán ăn ở quận 1 và quận Phú Nhuận, TP HCM “thấm đòn” sớm trước cả khi dịch Covid-19 bùng phát. Những tưởng dịp Tết sẽ là mùa bội thu, anh Đức chỉ biết thở dài ngao ngán khi lượng khách trong 10 ngày Tết sụt giảm một nửa so với năm ngoái. Vừa kết thúc dịp nghỉ Tết, dịch tiếp tục nối dài chuỗi ngày kinh doanh ảm đạm, khiến anh Đức phải tạm đóng cửa một quán, còn lại chỉ hoạt động cầm chừng.

“Trước đây khách đến ăn, uống bia thoải mái. Nay họ hạn chế nên quán cũng thất thu ít nhiều. Dù chúng tôi đã mướn một nhóm tài xế hỗ trợ đưa khách về nếu uống bia để đảm bảo an toàn, nhưng tình hình không khá khẩm hơn. Vốn cũng sắp cạn, tôi không biết làm sao để tiếp tục duy trì”, anh Đức nhìn về “ngõ cụt” trước mắt.

Bức tranh “người được” và “kẻ mất” do dịch Covid-19 của AC Nielsen Việt Nam cũng vẽ ra viễn cảnh ảm đạm đối với các mặt hàng bia, nước ngọt có gas, thịt tươi, rau củ và hải sản.

Một nhà hàng trong trung tâm thương mại vắng khách ngay giữa trưa. Ảnh: Quỳnh Trần.

Trong khi đó, khảo sát của Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) cho thấy, nếu Covid-19 kéo dài 6 tháng, 74% doanh nghiệp cho biết sẽ phá sản. Nguyên nhân chủ yếu do doanh thu không thể bù đắp các khoản chi cho hoạt động như trả lương, lãi vay ngân hàng, thuê mặt bằng… Ngoài ra, gần 30% mất 20-50% doanh thu, 60% doanh nghiệp thậm chí giảm hơn một nửa doanh thu.

Nhóm ngành bị tác động nghiêm trọng và tức thì từ Covid-19 gồm lưu trú, khách sạn và cả doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống. Tiếp đến là giáo dục, dệt may, da giày, sản xuất đồ gỗ…

Riêng với những doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ ăn uống, ông Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường và Giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, các doanh nghiệp này đang hứng chịu tác động kép. Chưa cần đến dịch Covid-19 thì các nhà hàng, quán ăn cũng “đã chết” một phần khi người tiêu dùng hạn chế ăn uống, tiêu thụ đồ uống có cồn. Ông Long kiến nghị nên có khảo sát, điều tra toàn diện để đánh giá thiệt hại và sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong ngành này.

“Chính sách phải hài hòa lợi ích của ba bên gồm Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Doanh nghiệp mà chết thì ngành thuế cũng điêu đứng. Có những ngành đóng thuế mỗi năm hàng chục nghìn tỷ đồng chứ không ít. Khi doanh thu sụt giảm, việc này còn ảnh hưởng đến xã hội, công ăn việc làm, thu nhập của người lao động”, ông Long phân tích.

Do tác động dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp buộc phải cho lao động nghỉ việc hoặc cho nhân viên nghỉ không lương, thậm chí tạm dừng kinh doanh. Tuy nhiên các giải pháp trước mắt này, theo Ban IV, sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế, khi hàng trăm nghìn người mất việc làm, gây bất ổn xã hội. Đáng ngại hơn, khoảng 20% doanh nghiệp thông tin “không có giải pháp gì ứng phó với dịch bệnh”.

Kiến nghị đẩy nhanh “cấp cứu” doanh nghiệp

Thông qua khảo sát của Ban IV, các doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ có chính sách riêng để “cứu” họ, như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, VAT, miễn lãi với thuế nộp chậm, miễn đóng bảo hiểm xã hội… Chính phủ cũng cần hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho doanh nghiệp, và giảm lãi suất các khoản vay, khoanh nợ, giãn thời gian trả nợ. Bên cạnh đó các doanh nghiệp cũng mong muốn Chính phủ thực hiện các gói kích cầu, mở cửa thông quan để nhập nguyên liệu đầu vào, giảm giá điện, nước…

Chủ hai quán ăn, Đoàn Duy Đức chia sẻ, hộ kinh doanh này rất thấu hiểu và thông cảm cho khó khăn chung của nền kinh tế. Tuy nhiên bên cạnh nỗ lực cầm cự để vượt qua mùa “ế khách”, anh Đức mong mỏi có giải pháp vay lãi suất thấp, dễ tiếp cận đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ ăn uống để tái đầu tư tìm mô hình kinh doanh hiệu quả hơn sau dịch Covid-19.

“Chúng tôi đang tính cách đẩy mạnh kênh bán đồ ăn trực tuyến, tìm khách qua mạng và bổ sung thực đơn đa dạng để thu hút khách hàng hơn. Tuy nhiên đầu tiên vẫn là câu chuyện tiền đâu”, anh Đức nói.

Doanh nghiệp kiến nghị giải pháp tháo gỡ khó khăn. Khảo sát do Ban IV thực hiện.

Trước những đề xuất cấp bách của doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành chỉ thị về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị tác động vì Covid-19. Gói hỗ trợ gồm các giải pháp hỗ trợ tín dụng, tài khoá (hoãn, giãn thuế…) và tập trung vào các ngành thiệt hại trực diện là du lịch, hàng không, xuất nhập khẩu… Thủ tướng cũng yêu cầu chưa điều chỉnh tăng giá các mặt hàng thiết yếu trong quý I và II.

Đồng thời, Bộ Tài chính đang rà lại các văn bản, quy định để trên cơ sở đó đưa ra đề xuất các mức miễn, giảm thuế cụ thể với các đối tượng doanh nghiệp. Dự kiến khoảng hai tuần nữa những đề xuất cụ thể sẽ được trình Chính phủ. Còn ở góc độ tiền tệ, hàng loạt ngân hàng thương mại đã lần lượt tung ra gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp thiệt hại do Covid-19.

Bên cạnh giải pháp về tài chính và tín dụng, một số chuyên gia cho rằng cái khó của doanh nghiệp nhiều lĩnh vực còn thuộc về thị trường. Sức mua giảm với một số mặt hàng như bia, nước giải khát, thực phẩm tươi sống… khiến doanh nghiệp “bí” đầu ra, thất thu, kéo theo hệ lụy mà người lao động sẽ là bên cuối cùng gánh chịu.

“Giải pháp là có rồi, rất nhanh chóng và quyết liệt. Tuy nhiên thực thi như thế nào, ở mức độ nào thì còn tùy từng ngành, từng lĩnh vực cụ thể. Cần phải có một cuộc điều tra toàn diện để đánh giá tác động của riêng những ngành đang gặp khó trước mắt, là du lịch, dịch vụ ăn uống, để giúp họ vượt qua khó khăn”, ông Ngô Trí Long nhấn mạnh.

Theo VNExpress