“Trong cuộc đời tôi, tôi có kiêng gì đâu. Mình ăn cái gì mà cũng lo sợ thì còn gì là sướng, còn gì là cuộc đời nữa?” – Chuyên gia Vũ Thế Thành chia sẻ tại buổi giao lưu, giới thiệu bộ sách “Ăn để sướng hay ăn để sợ?”, sáng 18/2.
“Hai cuốn sách đầu tiên trong bộ sách “Ăn để sướng hay ăn để sợ?” được xuất bản vào năm 2016. Khi đó tôi cũng không nhớ rõ tại lại đặt tên bộ sách như vậy. Có lẽ là tại lúc đó tôi nhận được quá nhiều các câu hỏi của độc giả, lo lắng, băn khoăn khi ăn món nọ, món kia. Trong khi đó quả thật, cuộc đời tôi, tôi có kiêng gì đâu. Mình ăn cái gì mà cũng lo sợ thì còn gì là sướng, còn gì là cuộc đời nữa?” – Chuyên gia Vũ Thế Thành chia sẻ về sự ra đời của tựa đề bộ sách “Ăn để sướng hay ăn để sợ?”.
Năm 2016, bộ sách về an toàn thực phẩm của chuyên gia Vũ Thế Thành với tên gọi “Ăn để sướng hay ăn để sợ” tập 1 và 2 đã được xuất bản. Đây là tập hợp những bài viết về an toàn thực phẩm đăng hàng tuần trên báo giấy. Những ngày cuối năm 2022, Chuyên gia Vũ Thế Thành tiếp tục cho xuất bản tập sách vẫn mang tựa đề cũ “Ăn để sướng hay ăn để sợ?”, gồm 4 tập, cập nhật bổ sung thêm trả lời thêm rất nhiều nội dung, kiến thức mới với khoảng 200 chủ đề.
Chuyên gia An toàn thực phẩm Vũ Thế Thành – tác giả bộ sách “Ăn để sướng hay ăn để sợ?” đồng thời cũng là cây viết quen thuộc của nhiều tờ báo uy tín.
Ông Vũ Thế Thành cho biết, các chủ đề đặt ra trong bộ sách hầu như đều xuất phát từ các câu hỏi, băn khoăn của độc giả gửi đến ông, chẳng hạn những câu hỏi như “Đàn ông ăn đậu nành thì có bị chuyển giống không?” hay “Ung thư thì có phải kiêng thịt đỏ hay không?”…
Cụ thể, về nội dung bộ sách, tập 1 nói về bốn loại thực phẩm thịt bị gièm pha nhiều nhất là: thịt, cá, trứng, và sữa. Thịt bị gièm pha là ung thư. Trứng bị gièm pha ăn vào là bị ngộ độc Salmonella. Cá bị tội ăn vào là bị dị ứng. Sữa là bị gièm pha nặng nề nhất, mục đích ẩn phía sau là họ muốn giới thiệu sữa thực vật nên phải gièm pha sữa.
Tập 2 là thời kỳ rau – củ – quả lên ngôi. Rau – củ – quả lành rồi, không có gì tranh cãi. Nhưng mỗi loại rau – củ – quả cũng có đặc tính riêng. Nhưng rồi, rau – củ – quả cũng bị đánh, chẳng hạn đánh bởi các nhà bán thực phẩm chức năng. Rau – củ – quả mỗi loại có lợi riêng, nhưng không có cái gọi là siêu thực phẩm. Không có một rau củ nào là siêu thực phẩm. USDA – Bộ Nông nghiệp Mỹ đã bị hố với việt quất, mà phải tháo khỏi trang web của USDA từ mấy chục năm.
Tập 3 là tập nói về nhà bếp: nước mắm, nước tương, soda…
Tập 4 là tập đi giải mã các tin đồn trời ơi đất hỡi, như ăn tôm hùm là sẽ khỏe như con hùm, hay đàn ông ăn đậu lành có bị chuyển giống hay không…
Nói thêm về thực phẩm chức năng, theo chuyên gia Vũ Thế Thành, thực phẩm chức năng gồm nhiều thứ. Nhưng cần phải hiểu rõ, thực phẩm chức năng là thực phẩm chứ không phải thực phẩm. Tất cả các quy định kiểm soát thực phẩm chức năng là như thực phẩm, chứ không phải dược phẩm. Tức là nó không thể điều trị bệnh. “Nhưng họ nói như thể thực phẩm chức năng có thể điều trị được bệnh, tôi là tôi dị ứng, tôi không đồng ý ở chỗ đó, chứ không phải tôi tẩy chay thực phẩm chức năng” – ông Vũ Thế Thành chia sẻ.
Đông đảo doanh nghiệp, nhà báo, độc giả đến tham dự buổi giao lưu – giới thiệu bộ sách “Ăn để sướng hay ăn để sợ?”, sáng 18/2, tại Trung Nguyên Legend Coffee.
Tham dự buổi giao lưu, bác sĩ Lê Tự Phương Chi, nguyên Trưởng khoa Sản – bệnh viện Từ Dũ, chia sẻ bà là bác sĩ sản, phụ khoa, nhưng chuyên về ung thư phụ khoa. Thường ngày có rất nhiều bệnh nhân ung thư, họ luôn thắc mắc lý do họ mắc bệnh, có thể là do họ ăn món này món kia, ăn thịt đỏ, ăn nhiều đường…? Nhất là trong quá trình điều trị, nhiều người lên lấy thông tin trên Internet, hoặc các hội nhóm và họ thấy rằng họ cần phải kiêng, kiêng đạm, không ăn thịt, cá, tôm… không ăn các chất bổ dưỡng. Tôi làm trong ngành y trên 30 năm, tôi thường xuyên được bệnh nhân của mình hỏi về chuyện ăn món này món kia có được không. Nhưng tôi không có chuyên môn về an toàn thực phẩm nên không thể có kiến thức để đưa ra câu trả lời cho đúng, vì vậy cuốn sách này thật là quý giá đối với tôi nói riêng và những người làm ngành y nói chung. Tôi đã bộ sách không chỉ một mà rất nhiều lần, dù bộ sách mới chỉ xuất bản cuối năm 2022. Cuốn sách giúp tôi có thể tự tin khi có thể hỗ trợ cho người bệnh được nhiều hơn trong điều trị, ngoài việc làm phẫu thuật, hay hóa trị. Tôi phải nói tôi cảm ơn anh Thành rất nhiều với bộ sách này.
Hoa hậu Hương Giang cùng con gái tham gia buổi giao lưu, giới thiệu sách.
Tham dự buổi giao lưu, các doanh nghiệp thực phẩm cũng rất quan tâm, đặt nhiều câu hỏi về vấn đề an toàn thực phẩm và xử lý các sự cố, khủng hoảng an toàn thực phẩm. Theo ông Vũ Thế Thành, ngành thực phẩm luôn luôn phải đối phó với vấn đề an toàn thực phẩm hàng ngày hàng giờ. Không có một hãng nào trên thế giới có thể tránh khỏi. Cũng như không có một hệ thống quản lý an toàn thực phẩm nào có thể đảm bảo 100% an toàn, chỉ có thể giảm thiểu rủi ro. Tuy nhiên, các doanh nghiệp thực phẩm Việt Nam còn chịu rủi ro do những bất cập trong hệ thống quản lý, cách điều hành, xử lý khủng hoảng thiếu chuyên nghiệp của Việt Nam. Vụ patê Minh Chay có thể là một ví dụ điển hình, họ có thể phải mất cả 10, 20 năm để xây dựng thương hiệu nhưng tan nát hết cả chỉ trong vòng một vài ngày, mà lỗi lầm đôi khi không phải của riêng họ.
Chị Nguyễn Ngọc Hương – Giám đốc Công ty TNHH XNK Thiên Nhiên Việt, tại buổi giao lưu, giới thiệu bộ sách.
Chị Nguyễn Ngọc Hương – Giám đốc Công ty TNHH XNK Thiên Nhiên Việt, doanh nghiệp chế biến các loại bột rau chia sẻ, các loại rau mà doanh nghiệp chế biến là những loại rau phổ biến, bình dân như rau má, diếp cá, tía tô… nhưng đều ít nhiều có tính dược, nên khi sử dụng các khách hàng sẽ có thắc mắc về dược tính của sản phẩm. Tuy nhiên, khi đó các tài liệu về dược tính của các loại rau này rất hiếm ở Việt Nam, chị phải đi tìm trên các kho tài liệu của Mỹ. Do đó, chị hy vọng chuyên gia Vũ Thế Thành có thể xuất bản thêm các cuốn sách nói về dược tính không chỉ của các loại rau, mà còn củ, quả và đặc biệt là các loại hạt. Ngoài ra, qua tham gia các hội chợ thực phẩm quốc tế, chị thấy xu hướng thế giới hiện nay rất ưa chuộng các sản phẩm có vitamin tự nhiên, ít thành phần hóa học. Những sản phẩm đặc biệt là rau xanh có nhiều diệp lục tố thì liệu chuyên gia Vũ Thế Thành có thể có thêm những chuyên đề chuyên về rau xanh hay không?
Chuyên gia Vũ Thế Thành cho rằng công việc của công ty Thiên Nhiên Việt đang làm là rất đáng hoan nghênh, bởi vì rau, củ, quả có mùa, nhưng bằng việc chế biến thành bột như Thiên Nhiên Việt đang làm có thể bảo quản lâu hơn để cung cấp lâu dài cho người tiêu dùng. “Tôi rất ủng hộ chị trong việc làm bột rau, củ, quả, nhưng cũng phải nói rõ, thông tin chừng mực rằng đây là loại bột rau tiện lợi, và có hàm lượng dinh dưỡng như rau tươi. Với cách thông tin chừng mực như vậy thì độ tin cậy sẽ càng cao” – Chuyên gia Vũ Thế Thành nói.
Tại buổi giao lưu, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM, thay mặt các doanh nghiệp thực phẩm cảm ơn chuyên gia Vũ Thế Thành đã đồng hành với các doanh nghiệp suốt nhiều năm qua, vừa với tư cách người tư vấn, vừa với tư cách người phê bình nghiêm khắc, nhưng cũng có khi là vị cứu tinh cho doanh nghiệp, khi những thông tin chính xác và kịp thời của chuyên gia Vũ Thế Thành có thể trợ giúp hữu hiệu để doanh nghiệp vượt qua nhiều khủng hoảng truyền thông trong ngành thực phẩm.
Một số hình ảnh tại sự kiện: