Giờ Võ Văn Tú khởi nghiệp với… cá quá lứa!

(Cafenws)-Anh Võ Văn Tú rời khỏi thị trường bất động sản sau khi dày công tạo nguồn dữ liệu khá công phu, chuyển sang làm dữ liệu 2.000/6.000 nhà trọ hỗ trợ sinh viên ở Cần Thơ…

Không khác gì những năm trồng nấm linh chi đỏ trên Thiên Cấm Sơn, ào ào như gió lốc rồi dừng lại, để đó. Giờ anh khởi nghiệp với… cá quá lứa!

Bình tĩnh với cá quá lứa

“Nông trại của gia đình vừa bán xong hơn 20 tấn cá tra, trọng lượng trung bình từ 3 – 7kg/con”, Tú cho biết thêm, lâu nay bán cho đầu mối, dù thị trường trồi sụt cỡ nào, giá cá siêu trọng vẫn ở mức 45.000đ/kg. Hỏi các nhà hàng mua cá tra 5 – 7kg làm món gì ngon, họ nói nhiều món lắm, xào hủ tíu, ăn da thịt, nấu cà ri… nhưng cá mới về ngon hơn cá rộng lâu ngày.

Mỗi năm, trại cá của gia đình Tú loại khoảng 2.000 cá bố mẹ trong tổng đàn 10.000 con, và tiếp tục tuyển chọn lứa khác để bổ sung cho trại ương cá giống. Nuôi cá tra từ 2,7 – 3,5kg/con, không có gì khó, nhưng để có cá từ 3,5kg/con lên 5 – 7kg/con, là chặng đường gian nan. Anh tính tới loại cá sồ (quá lứa) rồi chọn công thức biến cá sồ thành cá siêu trọng. Ba năm, từ 3,5kg/con lên 5 – 7 ký/con. Nghe nói thì dễ, nhưng bắt tay vào nuôi mới thấy… quá cực! Tú nuôi cá theo công thức rau, cua, cá tạp, cám, chứ không sử dụng thức ăn công nghiệp, không dùng thuốc trong ba năm kế tiếp để đạt trọng lượng 5 – 7kg/con.

Tú nói rằng công việc của mình là thầm lặng. Giống như ông Hai Nghe (ông Võ Văn Nghĩa), người mà TS Phillippe Cacot (viện Nghiên cứu IFREMER Palavas-les-Flots – Pháp, cha đẻ giống cá tra Việt Nam) đã từng nói: “Ông Hai Nghe giúp tôi thành tỷ phú, vì từ cá bố mẹ của ông, mỗi con cho 1kg vàng (ý nói số con giống sinh sản nhân tạo)”.

Từ năm 1878, người Pháp đã chú ý khả năng phát triển hàng hoá của cá da trơn, dòng Pangasianodon hypophthalmus. Tới những năm 90 thế kỷ 20, miền Tây đã chọn dòng và tổ chức sản xuất đại trà giống cá tra có khả năng thương mại trong phả hệ Pangasiidae. Người đóng góp thầm lặng cá bố mẹ có trọng lượng 5 – 7kg chính là ông Hai Nghe, thân sinh của Võ Văn Tú.

Tới lượt Tú, anh âm thầm giải bài toán cá quá lứa theo cách nâng lên thành siêu trọng, bán qua mạng online.

Những dự án còn chờ giấy phép

Tú còn một câu chuyện dở dang trên đỉnh núi Cấm (Thiên Cấm Sơn) và dự án vườn rừng khai thác măng tre mạnh tông từ 50 công (2.500 bụi) làm sản phẩm OCOP, để khách hành hương mua về làm quà.

Mùa này, giá măng tươi chỉ có 1.000 đồng/kg, giá chợ trên 10.000 đồng/kg, cõng hàng từ trên đỉnh cao 600m xuống chân núi là có lời ngay trước mắt. Mỗi tuần thu hoạch 3 tấn. Nhưng chở măng xuống bán như nông dân, Tú không làm vì sẽ dẫm chân nông dân. Tú muốn bảo quản để bán măng nghịch mùa, chứ không phải lúc thu hoạch rộ.

Lần thứ hai anh va chạm thủ tục và không ai cấp phép cho anh, dù hộ khẩu của anh ở trên đỉnh núi cùng gia đình. Lần trước, khi trồng linh chi đỏ trên đỉnh Thiên Cấm Sơn, làm thủ tục xin giấy phép, anh bị tạt một gáo nước lạnh: “Chưa có lệnh, không cấp phép cho ai hết”. Anh bỏ xứ đi Cần Thơ vì câu nói này trong năm năm.

Ông Hai Nghe nay đã 77 tuổi, nhìn con “lang bạt kỳ hồ”, mới nghe con nói ý tưởng tạo vườn rừng trên Thiên Cấm Sơn lấy làm mừng, nhưng ông khuyên Tú: “Mẹ lên đây dưỡng già, con cùng các anh chị tập trung vào chuyện dưới đất, gắn với anh lo 8ha mặt nước và chuyện cá quá lứa… chờ suy nghĩ của người cho giấy phép thức dậy”.

Trên đỉnh núi Cấm từng có dự án làm “mê cung” hoa, một kiểu phá rừng trồng hoa là ý chẳng hay ho gì! Sau này có dự án giao đất bảo tồn và phát triển dược liệu Bảy Núi cho một doanh nghiệp. Tú, người địa phương khởi nghiệp, đang nuôi hy vọng xây dựng vườn rừng để làm những sản phẩm giá trị tăng thêm từ đỉnh núi cho khách hành hương, đang gặp khó khăn khi tìm giấy phép.

Nhưng lần này anh không bỏ xứ đi nữa, mà vừa gõ cửa ban ngành, vừa lo giải bài toán cá quá lứa để kiếm tiền theo đuổi dự án vườn rừng trên đỉnh Thiên Cấm Sơn đang còn dở dang…

bài, ảnh Hoàng Lan (theo TGTT)