Muốn cho người nông dân quen với canh tác sạch, quy trình sạch cần phải thay đổi tư duy, thay đổi thói quen và thậm chí cả cuộc sống của họ.
Chứng nhận hữu cơ theo hệ thống PGS
Tên của chứng nhận này còn lạ, dễ nhầm với tên của định vị GPS, nhưng tôi nhớ được vì có lần bạn Ino Mayu gọi đó là chứng nhận… “Phó Giáo Sư”, thế là nhớ luôn. Diễn nghĩa tên này, đây là một hệ thống đảm bảo cùng tham gia của nhiều hộ nông dân, với nguyên tắc canh tác hữu cơ và sự chia sẻ trách nhiệm cùng kiểm soát lẫn nhau việc tuân thủ các nguyên tắc.Vì vậy, đây là hệ thống phải đảm bảo tính cộng đồng và người ta gọi việc xây dựng hệ thống là Phát triển cộng đồng.
Theo hệ thống PGS – Hệ thống đảm bảo có sự cùng tham gia, khởi xướng từ dự án ADDA, nông dân không “đơn thương độc mã” trên mảnh đất của họ, mà liên kết với nhau thành các nhóm sản xuất, tham gia xây dựng các quy chế hoạt động của mình.
Nguyên lý hoạt động của PGS là: Muốn cho người nông dân quen với canh tác sạch, quy trình sạch cần phải thay đổi tư duy, thay đổi thói quen và thậm chí cả cuộc sống của họ. Tổ chức Seed to Table của Ino Mayu hay trước đó, dự án ADDA của Đan Mạch, hướng dẫn nông dân canh tác hữu cơ, nhưng lại cho rằng công tác này là phát triển cộng đồng chứ không phải phát triển nông nghiệp. Trong phiên chợ Xanh – Tử tế do BSA tổ chức tuần qua, Bến Tre có gian hàng bán – và bán chạy trong chớp mắt là hết hàng – rau hữu cơ PGS. Họ tham gia giám sát lẫn nhau và đưa ra các quyết định, đồng thời tự chịu trách nhiệm về các hành vi sản xuất và sản phẩm của mình trước người tiêu dùng (mỗi bó rau đều có thể truy xuất nguồn gốc đến tận cá nhân sản xuất). Các tiêu chuẩn của PGS Việt Nam đã được Liên đoàn quốc tế các phong trào canh tác hữu cơ (IFOAM) công nhận.
Nông dân sản xuất nhỏ, nhưng nếu tổ chức họ lại, nâng cao năng lực cho họ, giúp họ tiêu thụ sản phẩm; thì sẽ giúp họ thay đổi, thay vì để họ đơn độc lúng túng, thay đổi liên miên cây trồng, chị Từ Thị Tuyết Nhung, trưởng điều phối mạng lưới PGS Việt Nam, chia sẻ.
Chứng nhận hữu cơ của Nhật
Chúng nhận này có tên là JAS, là chứng nhận dựa trên luật Tiêu chuẩn hoá và ghi nhãn riêng cho sản phẩm nông lâm nghiệp của Nhật Bản, gọi là luật JAS. Luật này có mục tiêu là xây dựng các tiêu chuẩn thích hợp cho các sản phẩm nông lâm nghiệp và thông qua đó, cải tiến chất lượng của nông lâm sản, hợp lý hoá việc sản xuất, thúc đẩy hoạt động thương mại sòng phẳng và đơn giản, đồng thời hợp lý hoá việc sử dụng và tiêu dùng. Việc ghi nhãn riêng cho nông lâm sản cũng để tạo điều kiện thuận lợi cho việc lựa chọn của người tiêu dùng, tức là thúc đẩy phúc lợi công cộng.
Hệ thống JAS gồm hai phần: “The Japanese Agricultural Standards (JAS) System” và “The Quality Lebeling Standards Systems”.
“The JAS System” được thiết kế nhằm cho phép các sản phẩm đã qua kiểm tra dựa trên các tiêu chuẩn nông nghiệp Nhật Bản được mang biểu tượng JAS.Còn “Hệ thống tiêu chuẩn Ghi nhãn chất lượng” được thiết kế nhằm yêu cầu các nhà sản xuất và bán hàng phải dán nhãn sản phẩm của họ phù hợp với các tiêu chuẩn về Ghi nhãn chất lượng.
Hệ thống JAS đã quy định cho gần 100 loại sản phẩm với khoảng 350 tiêu chuẩn dành cho các mặt hàng thực phẩm và vật liệu gỗ xây dựng. Các tiêu chuẩn về Ghi nhãn chất lượng thì được áp dụng cho tất cả các loại thực phẩm. Theo các tiêu chuẩn này, đối với thực phẩm tươi phải có tên và nơi xuất xứ, với thực phẩm chế biến phải có tên, thành phần, hạn sử dụng, v.v. Tiêu chuẩn ghi nhãn cho thực phẩm biến đổi gien cũng đã được xây dựng. Tiêu chuẩn JAS phải được soát xét định kỳ năm năm.
Hệ thống chứng nhận: Có hai phương pháp để được mang nhãn JAS: nhà sản xuất chọn một tổ chức phân loại đã được đăng ký hoặc họ tự tiến hành việc phân loại. Để có thể tự tiến hành việc phân loại và dán nhãn JAS, nhà sản xuất phải có được chứng nhận của tổ chức chứng nhận đã được đăng ký (theo Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản).
Chứng nhận hữu cơ của TQ
Vinamit bắt đầu theo đuổi lấy chứng nhận hữu cơ của Trung Quốc (TQ) từ năm 2015. “Nhiều người ngạc nhiên khi biết chứng nhận hữu cơ của TQ là một trong những chứng nhận khó nhất.Chính thị trường tràn ngập thực phẩm bẩn trước đây của họ khiến họ phải đặt ra tiêu chuẩn rất cao cho sản phẩm hữu cơ”, ông Viên nói.
Dù đã được cấp chứng nhận hữu cơ của Hoa Kỳ và EU, và vẫn đang xuất hàng qua các thị trường khó tính nhất, nhưng khi đến với TQ, Vinamit vẫn phải đăng ký lại từ đầu để được hướng dẫn và theo dõi quá trình thực hành tiêu chuẩn hữu cơ trong ba năm liên tiếp và phải tiếp nhận kiểm tra nghiêm ngặt của đoàn đánh giá chứng nhận hàng năm. Theo đó, họ chỉ đánh giá chứng nhận những cây đã có trái và có thể thu hoạch, kiểm tra ngay tại nông trang, đếm thực tế tổng số cây và sản lượng trái và chỉ cấp cho đúng diện tích trồng, số cây và sản lượng trái tương ứng. Những loại cây khác (thơm, chuối…) dù trồng trên đất và phương pháp, quy trình tương đồng, mà chưa có trái thì họ cũng chưa chứng nhận.
Một điểm khác biệt quan trọng so với các chứng nhận khác là doanh nghiệp phải mua tem và dán tem trên từng gói sản phẩm trước khi bán ra thị trường. Cơ quan hải quan nước sở tại và TQ sẽ kiểm soát tem và những quy định cụ thể trên giấy chứng nhận.
T.H (theo TGHN)