Ảnh minh họa

Hiệp định CPTPP đã được trình cho Quốc hội thông qua. Và hiệp ước EVFTA với EU sẽ có thể được ký cuối năm nay. Thị trường ngày càng mở rộng và thuận lợi.

Tôi ra Hà Nội, đi ăn trưa, tình cờ gặp anh bạn cũ làm việc ở một công ty thực phẩm đa quốc gia. Gắp miếng mì xào, anh cười cười: “Mì này chắc không có i-ốt. Công ty tôi chờ mãi chưa thấy có văn bản dừng việc bắt buộc “bổ sung i-ốt” vào thực phẩm chế biến.

Chuyện khó hiểu thế mà cứ tồn tại, nước nhập khẩu không cần nhưng khâu chế biến cứ phải cho i-ốt vào mới đủ lễ. Quốc hội ủng hộ “chỉ khuyến khích dùng i-ốt chứ không bắt buộc”, vậy mà chỉ chuyển có hai từ “bắt buộc” thành “khuyến khích” mà làm mãi không xong”. Nói xong anh cười sảng khoái.

Tôi lắc đầu rồi nói: “Còn khổ lâu với những “ngọn giáo đâm sau lưng” này ông ơi. Thị trường đã ác liệt, cạnh tranh từ sạp chợ đến kệ hàng siêu thị, mà những trò tinh vi “đúng luật” đó cứ mỗi ngày sinh thêm một kiểu, mệt thiệt. Nhiều chuyện cần làm lại không làm…”.

Gian đủ đường

Nhiều người tiêu dùng đã bỏ tiền mua nước mắm công nghiệp mà cứ tưởng là nước mắm Phú Quốc, vì hàng ngày, trên tivi, xe buýt, tại các giao lộ lớn ở Sài Gòn và ngay cửa ngõ vào… Phú Quốc, vẫn nhan nhản quảng cáo là “nước mắm được ủ chượp, đóng chai tại Phú Quốc”. Đúng cái kiểu quảng cáo gây hiểu nhầm, thật khéo léo, dẫn người mua vào mê lộ.

Cứ nhập nhằng mà hưởng lợi lớn, ai không ham? Như gần đây, tỏi Lý Sơn ế chỏng gọng. Truy ra mới biết nhiều loại tỏi Tàu, tỏi từ tỉnh khác mang đến, dập dập vài nhúm đất Lý Sơn rồi giả làm “tỏi Lý Sơn”, bán ào ào (dĩ nhiên giá rẻ hơn tỏi Lý Sơn thật) cho du khách đến thăm Lý Sơn. Thiệt hại kéo dài, cho đến khi uỷ ban huyện Lý Sơn phát hiện “một kẻ… có tóc”: dám giả danh tỏi cô đơn và tỏi Lý Sơn để rao mời đầu tư trên VTV.

Đọc công văn phản ứng của chính quyền huyện Lý Sơn mới thấy bức xúc: “Ngày 31/10, UBND huyện Lý Sơn đã có văn bản gửi VTV và công ty TNHH sản xuất thương mại I AM V yêu cầu đính chính thông tin không đúng sự thật về tỏi Lý Sơn trong chương trình “Thương vụ bạc tỷ”, ngang nhiên quảng cáo sản phẩm có “nguồn gốc tỏi Lý Sơn 100% lên men tự nhiên” với một vùng trồng nguyên liệu ngay tại đảo Lý Sơn!

Những câu chuyện “có của không chăm hay không xài sẽ bị cướp” vẫn đang diễn ra mỗi ngày trên đất nước mình. Tại ngày thi chung kết “Cuộc thi khởi nghiệp trong nông nghiệp” do BSA tổ chức trong hai ngày 27 và 28/10/2018, tôi gặp một cô gái Nghệ An gầy gò, nét mắt có chút khắc khổ và có cái tên lạ lạ: Nguyễn Thị Lê Na với đặc sản cam Vinh. Câu chuyện cô kể, có một tính từ nghe đã thấy đau lòng, cam “ngơ”, cam bị ngơ tức bị sượng, bị chai hay bị hỏng do nhiễm quá nhiều thuốc trừ sâu và diệt cỏ.

Tôi thử mua một hũ mứt cam, thấy bao bì đẹp, lại có cả QR code để truy xuất nguồn gốc. Vậy là tôi dành thời gian “truy nguồn gốc” cô gái này.Lê Na tốt nghiệp ngành báo chí, đi làm cho công ty Honda. Dĩ nhiên lương khá, đủ sống an nhàn, nhưng chính cái sự “cam ngơ”, cam bị đổ bỏ hàng tấn của chính gia đình mình, đã làm cô bẻ ngoặt đường đi, “từ Honda về… vườn cam nhà”.

Xóm làng xưa nay chỉ trồng cam với hoá chất, cô bắt đầu đi học và tìm cả trên không gian mạng cách trồng cam an toàn. Với tư duy của một người trẻ hiểu thị trường, Lê Na bắt đầu xây dựng chuỗi giá trị của trái cam Vinh giờ có chỉ dẫn địa lý, rồi lấy chứng nhận tiêu chuẩn VietG.A.P., thành lập công ty cổ phần trang trại nông sản Phú Quỳ (Quỳ Hợp, Nghệ An).

Cô đưa những trái cam đạt chất lượng nhưng mã ít đẹp (da bị rám hay sần) vào chế biến. Đã có khách hàng Hà Lan, Nhật đến tận vườn cam của cô và xưởng chế biến. Nhưng tới giờ, thị trường vẫn còn đầy dẫy các loại cam Vinh: cam Vinh Bắc Giang, Hưng Yên… Nếu ai hiểu về chỉ dẫn địa lý thì biết những cái tên đó là hàng giả rồi.

Năm 2007, cục Sở hữu trí tuệ trao chứng nhận này cho cam Vinh trong phạm vi địa lý 5 huyện 12 xã, trong đó có “cam Xã Đoài” nức tiếng cả nước. Vì thiếu chăm lo, lợi thế này liền bị làm giả, dẫn tới cam Vinh thứ thiệt cũng bị ế hàng, từ đó mà hết “linh”.

Dao hai lưỡi

Trang 23 tài liệu chính thức của tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO (wipo_pub_952-2) có viết: “Việc sử dụng GIs (chỉ dẫn địa lý) của các bên mà không được uỷ quyền là bất lợi cho các nhà sản xuất hợp pháp và cho người tiêu dùng. Việc sử dụng như vậy đánh lừa người tiêu dùng, là ăn cắp giá trị và làm ảnh hưởng uy tín của nhà sản xuất.

Việc bảo vệ GIs là chống lại những người sử dụng bất hợp pháp, để chặn đăng ký GIs dưới dạng nhãn hiệu của một bên thứ ba hay biến GIs thành một thuật ngữ chung…”.Nhưng quy định chặt chẽ này cũng bị những kẻ sành sỏi thị trường khai thác. Chính trong tài liệu này, vừa biểu dương người Thái tự bảo vệ “lụa Thái”, đồng thời, trên thị trường thế giới, họ cũng ung dung “cầm nhầm” tên Phú Quốc của nước mắm Việt Nam, bán hàng khắp các nước thu lợi khủng.

Thị trường là vậy. Cái gì là tài sản, là quyền lợi, chủ nhân phải sống chết bảo vệ.Không chăm, không giữ thì… dâng cho người biết xài.Chừng nào ta còn chưa biết giá trị của chỉ dẫn địa lý, cứ như người bị điểm huyệt, đứng giương mắt nhìn người ta hưởng lợi to nhờ khai thác đúng kiểu thị trường.

Tôi hơi tiếc là hôm chung kết cuộc thi vừa qua, câu chuyện của cô gái, doanh nhân can đảm này đã không được kể đầy đủ cho mọi người. Chúng ta cần tiếp sức cho cô, cho những người phụ nữ can trường như chị Nguyễn Thị Tinh, Hồ Kim Liên của làng nghề nước mắm Phú Quốc, không phải chỉ vì họ đáng mến phục và giúp đỡ, mà vì họ dám chịu rủi ro để xông pha bảo vệ những tài sản quý của quốc gia – chỉ dẫn địa lý – còn chưa được nhìn nhận tất cả giá trị.

Hiệp định CPTPP đã được trình cho Quốc hội thông qua. Và hiệp ước EVFTA với EU sẽ có thể được ký cuối năm nay. Thị trường ngày càng mở rộng và thuận lợi. Chúng ta càng phải chú tâm đến việc đối xử với các sáng kiến công nghệ, hay với những tài sản quý có giá trị đặc biệt của Việt Nam.

Ký thêm một hiệp định thương mại tự do, là trao thêm hàng loạt ưu đãi cho doanh nghiệp các nước, mà nếu doanh nghiệp Việt không tận dụng đúng mức ưu đãi từ các hiệp định, là rơi vào thế bất lợi không lường hết được. Khi ấy, phúc có thể thành hoạ!

Ngẫm rằng, hoạ hay phúc cũng chính là do ta thôi.

Kim Hạnh