Doanh nghiệp (DN) của chúng tôi nhận quyền sở hữu một logo chuyển nhượng từ DN B, có ký hợp đồng theo đúng thủ tục luật pháp và đã được Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) cấp giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng (HĐ) chuyển nhượng này vào tháng 06.2014. Sau đó, DN B đã giải thế.

Tuy nhiên, đến tháng 11.2014, do bị áp lực từ công ty khác, nên giám đốc DN B (cũng là người ký HĐ chuyển nhượng logo cho DN chúng tôi) lại ký một văn bản gởi Cục SHTT yêu cầu không công nhận việc chuyển nhượng quyền sở hữu logo nói trên. Văn bản này ký tên giám đốc DN B và đóng dấu của DN B, dù đơn vị này đã giải thể.

Tôi muốn hỏi hai ý:
– DN B có thể đơn phương hủy hợp đồng chuyển nhượng bằng văn bản như trên và Cục SHTT có thực hiện yêu cầu của DN B nếu chúng tôi không đồng ý không?
– Văn bản ký tên giám đốc DN B nói trên có giá trị pháp lý không?
Trả lời
Trên cơ sở các thông tin được cung cấp, tôi xin trả lời như sau:
 
Vấn đề 1: 
Luật SHTT không có quy định về đơn phương hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu, mà chỉ có quy định về việc chấm dứt trước thời hạn hiệu lực hợp đồng, nhưng chỉ áp dụng đối với loại hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp. Do đó, giám đốc DN B hoặc DN B không thể yêu cầu Cục SHTT không công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp.
Trường hợp của quý khách đã được Cục SHTT ghi nhận việc chuyển nhượng và cấp giấy chứng nhận (văn bằng), điều này có nghĩa là quý khách là chủ sở hữu hợp pháp đối với nhãn hiệu nói trên. Do đó, giám đốc DN B hoặc DN B không thể đơn phương hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp.
Tuy nhiên, giám đốc DN B hoặc DN B có thể yêu cầu chấm dứt hiệu lực văn bằng hoặc yêu cầu hủy bỏ hiệu lực văn bằng, nhưng việc yêu cầu đó phải đáp ứng đủ các điều kiện luật định. Cụ thể:
 
Điều 95. Chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ
1. Văn bằng bảo hộ bị chấm dứt hiệu lực trong các trường hợp sau đây:
a) Chủ văn bằng bảo hộ không nộp lệ phí duy trì hiệu lực hoặc gia hạn hiệu lực theo quy định.
b) Chủ văn bằng bảo hộ tuyên bố từ bỏ quyền sở hữu công nghiệp.
c) Chủ văn bằng bảo hộ không còn tồn tại hoặc chủ giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu không còn hoạt động kinh doanh mà không có người kế thừa hợp pháp.
d) Nhãn hiệu không được chủ sở hữu hoặc người được chủ sở hữu cho phép sử dụng trong thời hạn năm năm liên tục trước ngày có yêu cầu chấm dứt hiệu lực mà không có lý do chính đáng. Trừ trường hợp việc sử dụng được bắt đầu hoặc bắt đầu lại trước ít nhất ba tháng tính đến ngày có yêu cầu chấm dứt hiệu lực.
đ) Chủ giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đối với nhãn hiệu tập thể không kiểm soát hoặc kiểm soát không có hiệu quả việc thực hiện quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể.
e) Chủ giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đối với nhãn hiệu chứng nhận vi phạm quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận hoặc không kiểm soát, kiểm soát không có hiệu quả việc thực hiện quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận.
g) Các điều kiện địa lý tạo nên danh tiếng, chất lượng, đặc tính của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý bị thay đổi, làm mất danh tiếng, chất lượng, đặc tính của sản phẩm đó.
 
Điều 96. Hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ
1. Văn bằng bảo hộ bị hủy bỏ toàn bộ hiệu lực trong các trường hợp sau đây:
a) Người nộp đơn đăng ký không có quyền đăng ký và không được chuyển nhượng quyền đăng ký đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu.
b) Đối tượng sở hữu công nghiệp không đáp ứng các điều kiện bảo hộ tại thời điểm cấp văn bằng bảo hộ.
Đối chiếu những quy định trên, nếu quý khách không vi phạm thì quyền sở hữu của quý khách được đảm bảo.
 
Vấn đề 2: 
Theo thông tin quý khách cung cấp, doanh nghiệp B đã giải thể, vì vậy văn bản ký tên giám đốc DN B không có giá trị pháp lý. Quy định của pháp luật về giải thể doanh nghiệp như sau:
– Doanh nghiệp ra quyết định giải thể và kể từ khi thông qua quyết định giải thể thì doanh nghiệp, người quản lý doanh nghiệp bị cấm thực hiện các hoạt động. Trong đó “cấm chấm dứt thực hiện hợp đồng đã có hiệu lực” (Điều 159 Luật doanh nghiệp).
Do đó giám đốc hoặc DN B không thể đơn phương chấm dứt hợp đồng chuyển nhượng đã có hiệu lực.
– Kể từ khi cơ quan đăng ký kinh doanh xóa tên DN và thu hồi giấy phép thì chấm dứt tư cách pháp nhân, DN không còn tồn tại. Mọi hoạt động mang danh nghĩa DN đều không có giá trị pháp lý.
 
Luật sư Phán Vũ Tuấn (Chánh Văn phòng Hội SHTT TPHCM)