Indonesia là nước xuất khẩu than hàng đầu thế giới trong năm 2020 với khoảng 400 triệu tấn. Ảnh: Reuters

Giá cổ phiếu các doanh nghiệp ngành than Indonesia đang trượt nhẹ sau lệnh tạm xuất khẩu than từ ngày 1 đến 31-1-2022. Bất cứ sự gia hạn nào của lệnh này có thể khiến giá than và dầu mỏ trên thế giới leo thang.

Cổ phiếu của công ty khai thác than Bumi Resources hôm 4-1 giảm 1,5% so với giá phiên giao dịch cuối cùng của năm 2021. Một hãng khai thác than khác là Bukit Asam giao dịch thấp hơn 1,8%. Cổ phiếu của Adaro Energy cho đến nay đã tăng so với giá đóng cửa năm 2021, nhưng trong phiên giao dịch đầu ngày 4-1 đã thấp hơn khoảng 3% so với mức đóng cửa của ngày hôm trước.

“Lệnh cấm xuất khẩu than có thể làm giảm đáng kể thu nhập của công nhân khai thác than Indonesia trong tháng 1-2022 và tác động tiêu tiêu cực đến thu nhập của các hãng than trong năm tài chính 2022. Trong trường hợp không có bất cứ sửa đổi nào, chúng tôi tin rằng phản ứng tiêu cực về giá cổ phiếu trong vài ngày tới là có thể xảy ra. Nếu tất cả các hãng than bị cấm xuất khẩu, một số nhà đầu tư chứng khoán có thể từ bỏ cổ phiếu ngành than và chuyển sang ngành khác”, theo nhà phân tích chứng khoán Justian Rama thuộc Citibank.

Chính sách Nghĩa vụ thị trường nội địa của Indonesia quy định: các công ty khai thác than phải cung cấp 25% sản lượng hàng năm cho thị trường trong nước. Nhưng giá than nội địa được áp trần ở mức 70 USD/tấn – thấp hơn giá thị trường.

“Nếu lệnh cấm xuất khẩu không được thực hiện, gần 20 nhà máy nhiệt điện với công suất khoảng 10.850 MW sẽ ngừng hoạt động. Điều này có khả năng phá vỡ sự ổn định của nền kinh tế quốc gia”, Tổng giám đốc Cục khoáng sản và than Ridwan Jamaludin cho biết. Ông cũng nói thêm rằng một khi các nhà máy điện có nguồn cung cấp đảm bảo, xuất khẩu than sẽ được nối lại.

Hiệp hội khai thác than Indonesia đã gọi lệnh tạm dừng xuất khẩu than là một quyết định “vội vàng và không tham vấn trước với doanh nghiệp. Hiệp hội đã kêu gọi thu hồi lệnh cấm này, đồng thời cảnh báo rằng chính phủ có thể mất các khoản thu nhập và thuế. Các hãng khai thác than cũng có thể khai báo không trung thực bởi “họ không thể giao than cho các hợp đồng đã ký”.

Lệnh tạm dừng xuất khẩu than của Indonesia sẽ tác động không nhỏ đến thị trường than thế giới, với tác động lây lan sang các ngành sử dụng nhiều than như điện, thép, luyện kim… Bất cứ việc gia hạn cấm xuất khẩu nào từ Indonesia, nếu có, sẽ gây áp lực tăng giá lên không chỉ than mà cả dầu nhiên liệu và than đá trong khu vực.

Bộ Năng lượng nói sẽ xem xét lại các tác động của lệnh cấm trong ngày 5-1 hôm nay. Nhưng khả năng lệnh cấm sẽ được thu hồi càng có vẻ mong manh sau khi sau khi Tổng thống Joko Widodo tuyên bố ủng hộ lệnh này.

“Các hãng khai thác than phải ưu tiên nhu cầu địa phương, đặc biệt là cung cấp cho nhà máy điện của hãng điện lực quốc gia Perusahaan Listrik Negara. Các công ty vi phạm có thể bị xử phạt, không chỉ việc không thể xin giấy phép xuất khẩu mà còn có thể bị thu hồi giấy phép kinh doanh”,

Indonesia là nước xuất khẩu than lớn nhất thế giới với gần 400 triệu tấn trong năm 2020. Indonesia cũng thuộc top 10 các nước phát thải nhiều nhất thế giới, trong đó nhiệt điện than cung cấp đến 60% nguồn năng lượng của nước này.

Trước lệnh dừng xuất khẩu than của Indonesia, Bộ Công Thương Việt Nam yêu cầu doanh nghiệp nhập khẩu than của Việt Nam cần nhanh chóng khẩn trương liên hệ với các các doanh nghiệp (đối tác) xuất khẩu than Indonesia để tìm giải pháp cho các đơn hàng giao trong tháng đầu năm này (nếu có), đồng thời cần theo dõi chặt chẽ các thông tin cập nhật về chính sách, quản lý điều hành liên quan tới mặt hàng than tại trang tin điện tử Bộ Năng lượng và Khoáng sản Indonesia.

Ricky Hồ / BSA

Nhật Bản phát triển thiết bị laser diệt côn trùng, giảm sử dụng thuốc trừ sâu