Ông Đậu Anh Tuấn – Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI. Ảnh: BSA Media.
Với những thay đổi bước ngoặt trong tư duy về kinh tế tư nhân, thời gian tới thay vì xem vào các con số tăng trưởng bao nhiêu, chuyển đổi cơ cấu kinh tế như thế nào… mục tiêu của chính quyền địa phương sẻ phải là tạo ra nhiều việc làm cho doanh nghiệp, có thêm bao nhiêu doanh nghiệp mới.
Tại Hội thảo: “Dòng chảy pháp luật 2024–2025 & Những khuyến nghị cho doanh nghiệp” ông Đậu Anh Tuấn – Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI đã kể ba câu chuyện cho thấy tầm quan trọng của khu vực tư nhân và những thay đổi bước ngoặt có thể xuất hiện sau hai nghị quyết mới đây của Bộ Chính trị, Nghị quyết 66 và 68.
Câu chuyện thứ nhất, một ông bí thư tại một huyện miền núi kể với ông rằng trước đây, đồng bào phá rừng, hàng năm nhà nước phải trợ cấp bò, tiền để xóa nghèo nhưng không hiệu quả. Sau đó, huyện mới kéo một doanh nghiệp dược liệu về trồng dược liệu. Từ đó nhà nước không phải cấp tiền, bà con không phải cấp bò, không phải cấp tiền mà vẫn giữ được rừng vì bà con phải giữ rừng để làm dược liệu.
Câu chuyện thứ hai, năm 2013, ông sang Mỹ gặp bà phó Trưởng lý bang California. Theo thói quen ông hỏi về các con số như bang tăng trưởng thế nào, cơ cấu kinh tế ra sao, đang chuyển đổi như thế nào. Nhưng câu trả lời của bà làm ông bất ngờ. “Chúng tôi chỉ quan tâm hai thứ, đó là: giải quyết việc làm, tạo ra bao nhiêu việc làm mới và thứ hai là con số thất nghiệp”.
Câu chuyện thứ ba, là câu chuyện ông nghe chính Tổng bí thư Tô Lâm kể lại. Khi ông đi công tác Bắc Kạn, thì lãnh đạo địa phương có trình bày kinh tế khó khăn ra sao, số lượng doanh nghiệp địa phương ít như thế nào. Nghe vậy, Tổng bí thư mới hỏi, tài khoản ngân hàng người dân gửi bao nhiêu tiền? Hóa ra, con số thực tế không nhỏ, Tổng bí thư mới nói rằng: tức là người dân có tiền, có nguồn lực mà người ta không kinh doanh. Nguồn lực trong địa phương rất nhiều, câu hỏi quan trọng để làm sao người dân mang ra đầu tư kinh doanh, tạo ra môi trường để người dân kinh doanh.
Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho rằng, lời của Tổng bí thư trong câu chuyện kể trên, cũng như mục tiêu của Nghị quyết 68, đến 2030 Việt Nam “phải có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế, 20 doanh nghiệp hoạt động/nghìn dân”, là một tín hiệu quan trọng cho những thay đổi bước ngoặt trong thời gian tới với khu vực kinh tế tư nhân. Suy cho cùng đóng góp cho nền kinh tế, thu nhập bao nhiêu, tạo bao nhiêu việc làm thì là doanh nghiệp. Không những thế, câu chuyện giữ rừng của ông bí thư huyện ủy kể trên còn cho thấy, rõ ràng doanh nghiệp không chỉ đóng góp cho kinh tế, ngân sách hay xuất khẩu mà doanh nghiệp còn đang giúp giữ rừng, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội.
Chính vì thế bộ máy chính quyền quan tâm thu hút doanh nghiệp, có doanh nghiệp thì mới tạo ra việc làm, có doanh nghiệp thì mới giảm thất nghiệp. Bộ máy chính quyền của các tỉnh, thành phố cũng như vậy. “Khi nói chuyện với lãnh đạo các tỉnh, thành phố ĐBSCL tôi thích nói về con số di cư thuần, tức những người dân phải đi ra khỏi địa phương (“đi Bình Dương”) để tìm việc làm. Thời gian sắp tới thành tích địa phương có thể sẽ được đánh giá qua việc phát triển được bao nhiêu doanh nghiệp, tạo ra được bao nhiêu việc làm chứ không phải là con số tăng trưởng” – ông Đậu Anh Tuấn nói.
Ông Đậu Anh Tuấn hiện cũng là Giám đốc Dự án Sáng kiến Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI), báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
Hội thảo thu hút sự quan tâm của gần 100 doanh nghiệp và các cơ quan báo chí. Ảnh: BSA Media.
Thời gian gần đây, Việt Nam đang chứng kiến một sự thay đổi bước ngoặt trong việc thảo luận, sửa đổi, ban hành chính sách, pháp luật, với một “tốc độ nhanh chưa từng có”. Mặt tích cực, việc này có thể giúp giải quyết nhanh chóng, ngay lập tức các vấn đề cấp thiết của người dân, doanh nghiệp, nhưng mặt trái là với tốc độ nhanh như vậy, nếu chính sách ra nhanh quá, thì rủi ro cho người kinh doanh cũng lớn hơn. Đòi hỏi doanh nghiệp phải nắm bắt nhanh, và hiểu sâu sắc hơn về các chính sách, luật pháp liên quan đến hoạt động của mình.
Hội thảo: “Dòng chảy pháp luật 2024–2025 & Những khuyến nghị cho doanh nghiệp” do Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao (HVNCLC) và Trung tâm BSA tổ chức ngày 15/5, tại TP.HCM. Đáp ứng nhu cầu nắm bắt và hiểu sâu các quan điểm, chính sách mới của doanh nghiệp. Tại Hội thảo Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, giới thiệu & phân tích hai Nghị quyết lớn của Bộ Chính trị: Nghị quyết 66 về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật và Nghị quyết 68 về phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Giới thiệu Báo cáo Toàn cảnh dòng chảy pháp luật 2024–2025, với nhiều điều chỉnh liên quan đến: Thuế VAT, TNDN, TTĐB, môi trường; Chính sách đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp;   Quy định thương mại điện tử, bảo vệ người bán nhỏ lẻ; Cải cách thủ tục đất đai, quy hoạch, chất lượng sản phẩm.
“Nghị quyết là một đường hướng chính sách, quan trọng vì đưa ra thông điệp về chính sách cho chính sách pháp luật, nội dung thể hiện phương hướng trong thời gian tới” – ông Đậu Anh Tuấn nói.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, TBT Tô Lâm đã nhiều lần nói thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn, nên xây dựng pháp luật là đột phá của đột phá. Nghị quyết 66 ít nổi bật, nhưng đây là nghị quyết mang tính nền tảng cho sự vận hành của Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, các luật và nghị định thời gian tới. Với Nghị quyết 66, Việt Nam có thể có bước chuyển đổi trạng thái căn bản, biến luật pháp, ban hành chính sách từ chỗ là rào cản thành lợi thế của Việt Nam. “Điểm chung của Nghị quyết 66 và Nghị quyết 68 chuyển đổi trạng thái ban hành chính sách. Trước đây tháo gỡ các rào cản thì nay phải làm sao để tạo lợi thế. Đó là sự chuyển đổi trạng thái mang tính chủ động” – ông Đậu Anh Tuấn nói.
Sự thay đổi, đầu tiên, theo ông Tuấn, có thể nhận ra ngay là từ cách viết. Các Nghị quyết 66-68 hay 57 và 59 trước đó đều có cách viết đơn giản để mọi người dân, doanh nghiệp đều hiểu được, khác hẳn cách viết nhiều lớp nghĩa trước đây. Thứ hai là các thảo luận chính sách thì nhanh chóng, nhưng cách xây dựng pháp luật thì lại phải trải qua các quy trình bài bản, chuyên nghiệp. Trước đây để soạn một luật mất rất nhiều thời gian, thậm chí qua 2-3 kỳ họp quốc hội. Rất nhiều tắc nghẽn trên thực tiễn mà không giải quyết kịp. Nhưng nay quy trình xây dựng pháp luật đã được thay đổi, nhiều đạo luật thông qua ngay trong 1 kỳ họp thay vì 2 như trước đây. Quy trình xây dựng chính sách và soạn thảo đã rút ngắn hơn rất nhiều.
Cụ thể, Nghị quyết 66 đặt ra yêu cầu: “Xây dựng môi trường pháp lý thuận lợi, thông thoáng, minh bạch, an toàn, chi phí tuân thủ thấp; triệt để cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh, hành nghề, thủ tục hành chính bất hợp lý; thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh ổn định”. Theo ông Đậu Anh Tuấn, đây là ưu tiên trong việc xây dựng chính sách pháp luật. Không đảm bảo quản lý, hay siết chặt mà là thuận lợi, thúc đẩy. Tinh thần này có thể là mở đường cho các bộ, ngành trong thời gian sắp tới. Nhà nước hướng đến nhiều mục tiêu, nhưng hiện tại yêu cầu thông thoáng thuận lợi được nhấn mạnh. “Đây là một sự thay đổi. Tôi rất ấn tượng. Vừa rồi tôi có nói chuyện với một doanh nghiệp, ông có nảy ra ý tưởng kinh doanh sextoy (công cụ tình dục). Trước đây nói chuyện cấm đoán nhiều, ít người dám nghĩ tới, nhưng với tinh thần cởi mở hơn rất nhiều. Rõ ràng tinh thần cởi mở đã khởi nguồn cho rất nhiều ý tưởng kinh doanh, và nó có thể mở đường cho rất nhiều ngành khác” – ông Đậu Anh Tuấn nhận xét.
“Vua chuối” Võ Quan Huy đặt câu hỏi cho diễn giả Đậu Anh Tuấn trong phần thảo luận. Ảnh: BSA Media.
Một điểm khác, tuy không liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp nhưng cho thấy một sự đột phá trong tư duy xây dựng luật pháp, chính sách và có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng pháp luật, chính sách. Đó là sự chú trọng đầu tư cho bộ, phận pháp chế, xây dựng luật pháp. Theo ông Tuấn, trước đây bộ phận xây dựng chính sách, pháp luật tương đối vất vả. Tiền nhà nước cấp cho bộ phận xây dựng của pháp luật của các bộ rất ít, không đủ tiền phô-tô tài liệu. Trước đây, người ta nói xây dựng đường thì nghìn tỷ, nhưng xây dựng pháp luật có khi quan trọng hơn thì lại không có tiền. Nghị quyết 66 tháo gỡ mạnh mẽ, chế độ thù lao, chấp nhận đầu tư kể cả thuê chuyên gia để xây dựng pháp luật. Cụ thể, Nghị quyết 66 quy định: Hỗ trợ hằng tháng bằng 100% mức lương theo hệ số lương hiện hưởng đối với người trực tiếp, thường xuyên làm công tác tham mưu nghiên cứu chiến lược, chính sách, xây dựng pháp luật tại một số cơ quan, đơn vị.
Với Nghị quyết 68 (về kinh tế tư nhân), theo ông Tuấn hiếm có Nghị quyết nào xuất hiện nhiều trên báo chí như Nghị quyết này. Đây là bước ngoặt về tư duy. Trước đây khu vực tư nhân là khu vực bị ngăn cấm, hạn chế thì nay, “Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia”.
“Nhưng điều quan trọng không phải là ai nhất, chúng ta không nên xếp hàng, không tạo ra sự bất bình đẳng, mà là tạo một sân chơi công bằng cho tất cả các thành phần kinh tế. Người chơi sẽ tự chứng minh năng lực, khả năng của mình” – ông Đậu Anh Tuấn nói.