Trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, các thiết bị thông minh sẽ là nền tảng của kinh tế số. Và muốn thành công trong số hóa doanh nghiệp, người lãnh đạo cần hiểu và thấm nhuần hai từ “tốc độ”…
Đó là những nhận xét của ông Nguyễn Bá Quỳnh, Tổng giám đốc Công ty Global CyberSoft trongg chương trình Ăn trưa làm việc của Câu lạc bộ doanh nghiệp dẫn đầu LBC, ngày 15/3 vừa qua.
Ông Nguyễn Bá Quỳnh cho rằng, khác biệt lớn nhất của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 so với các cuộc cách mạng khác, chính là yếu tố “tốc độ”. Điều này thể hiện qua việc ứng dụng công nghệ trên phạm vi toàn cầu đang rất nhanh, mức độ chuẩn hóa và tiêu dùng công nghệ tính theo năm, doanh nghiệp nào không áp dụng công nghệ sẽ nhanh lụi bại.
Nhìn theo hướng tích cực, nếu doanh nghiệp biết tận dụng công nghệ, đây là thời điểm “sẽ không lập lại”, ông Quỳnh nói.
Ông Nguyễn Bá Quỳnh tin rằng, nhờ sự phát triển vượt bậc của công nghệ, Việt Nam có thể thu hẹp khoảng cách về GDP với các nước đang phát triển trong khu vực. Và niềm tin cho điều này hoàn toàn có cơ sở, bởi theo ông, kỹ năng lập trình của người Việt Nam rất tốt.
“ít ai ngờ hệ thống đường sắt của London (Anh) hiện nay đang do gần 100 lập trình viên và những người hỗ trợ tại Việt Nam vận hành”.
“Tốc độ” sẽ làm thay đổi cục diện trên toàn cầu và các quốc gia hàng đầu thế giới đang đi tìm nguồn nhân lực có khả năng học điều mới mẻ nhanh nhất để áp dụng vào công việc chuyển đổi số.
Ông Quỳnh đưa ra lời khuyên, với mỗi doanh nghiệp, sự chuyển đổi số phải đi từ các phòng ban, từ cấp nhân viên, quản lý, lãnh đạo…
Nhưng tại Việt Nam, ông Quỳnh cho biết có những người lãnh đạo có phần lo sợ mất đi quyền lực của mình khi thực hiện chuyển đổi số nên còn “e ngại” chưa làm.
Ngoài ra, người lãnh đạo phải xây dựng văn hóa học hỏi trong doanh nghiệp, tạo cho nhân viên văn hóa học hỏi về các vấn đề.
“Như thế doanh nghiệp mới có thể đi đầu và không bị chậm chân trong công cuộc chuyển đổi số”.
Xây và phát triển doanh nghiệp cần sự ủng hộ của người tiêu dùng, cũng như cung cấp sản phẩm, dịch vụ thỏa mãn nhu cầu khách hàng. Để làm điều này doanh nghiệp cần nguồn nhân lực.
Công cuộc chuyển đổi số không thay đổi cách doanh nghiệp làm kinh doanh, mà cho phép doanh nghiệp thực hiện những công việc trên với tốc độ nhanh hơn, kết hợp được giữa sản phẩm, nhân viên, khách hàng và dịch vụ mà doanh nghiệp đang thực hiện…
Tất cả các công việc kinh doanh trên của doanh nghiệp đều làm được nhờ vào nhóm công nghệ chính của chuyển đổi số, là điện toán đám mây; các thiết bị thông minh cá nhân giống như cảm biến thu thập thông tin – giống như một điệp viên; IoT; Big Data…
Ông Nguyễn Bá Quỳnh cũng chỉ ra rằng, nhiều doanh nghiệp dựa vào dữ liệu, rồi phân tích, dự đoán, có thể nhìn thấy được công việc sản xuất kinh doanh hiện tại và dự báo được tương lai chu kỳ bán hàng, sản phẩm của mình.
“Những thuật toán trong số hóa, chuẩn hóa hoàn toàn làm được một cách rất khoa học”, ông Nguyễn Bá Quỳnh nói.
Ông Nguyễn Bá Quỳnh cho biết, một nữ CEO trẻ của một tập đoàn trên thế giới thất bại vì nghĩ rằng, 70% công nghệ là yếu tố quyết định, quan trọng nhất trong chuyển đổi số, nhưng không phải vậy. Con người và sản phẩm dịch vụ của doanh nghiệp mới là yếu tố quyết định.
Trần Quỳnh