Xưởng sản xuất xe hơi của hãng Geely tại Trung Quốc. Ảnh: Caixin

Tiêu điểm:

Công nghiệp xe hơi Âu – Mỹ tụt hậu vì quá dựa dẫm vào chuỗi cung ứng Trung Quốc

Ngành công nghiệp xe hơi hiện nay hay xe điện trong tương lai của Mỹ và châu Âu đang có nguy cơ tụt hậu so với các đối thủ Trung Quốc trừ phi họ bảo đảm được nguồn cung ứng cobalt – kim loại cần thiết trong các pin lithium-ion dùng trong các dòng xe điện có khả năng chạy quãng đường xa hơn.

Ivan Glasenberg, CEO của Glencore – hãng sản xuất loại kim loại chính trong pin xe điện lớn nhất trên thế giới – nói tại Hội nghị thượng đỉnh về tương lai xe hơi do Financial Times tổ chức trong tuần này rằng: Các hãng xe phương Tây đã quá ngây thơ khi nghĩ rằng họ có thể luôn dựa vào Trung Quốc trong chuỗi cung cấp các loại pin cho xe điện.

Hay nói cách khác, phương Tây đã không có con mắt tinh tường của nhà đầu cơ Trung Quốc. Ông Glasenberg nói các công ty Trung Quốc đã nhanh chóng nhận ra yếu điểm của các chuỗi cung ứng đại lục, đã trữ sẵn lượng lớn cobalt hay giành quyền kiểm soát khai thác và sản xuất cobalt tại Cộng hòa Dân chủ Congo ở châu Phi.

“Các công ty phương Tây đã không làm như Trung Quốc. Hoặc là họ không tin đây là một vấn đề cốt lõi, hoặc là họ tin rằng họ chắc chắn sẽ có được nguồn pin từ Trung Quốc”, ông Glasenberg phát biểu.

“Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu mọi việc không như vậy. Trung Quốc có thể nói rằng ‘chúng tôi sẽ không xuất khẩu pin nữa, mà là sẽ xuất khẩu xe điện’. Vậy nguồn pin sẽ đến từ đâu và do ai sản xuất?”

Khuyến cáo của ông Glasenberg được đưa ra trong bối cảnh toàn cầu thiếu hụt nghiêm trọng nguồn chip, khiến ngành công nghiệp xe hơi bị ảnh hưởng nặng nề. Bên cạnh đó, giá của cobalt trong sáu tháng qua đã tăng 50%.

Cobalt là một sản phẩm phụ của quá trình khai thác mỏ đồng và nickel. Hơn 60% của sản lượng khai thác 130.000 tấn cobalt hàng năm trên thế giới đến từ các khu mỏ của Congo, một trong những quốc gia nghèo nhất châu Phi.

Các công ty Trung Quốc đã kiểm soát khoảng 40% sản lượng cobalt của Congo và đã ký hợp đồng cung ứng dài hạn cho Glencore, hãng khai thác mỏ lớn duy nhất của phương Tây hoạt động tại Congo.

Trung Quốc cũng xây dựng được vị trí thống lĩnh trong chế biến cobalt và đang đầu tư trực tiếp vào các khu mỏ. Đầu năm nay, tập đoàn pin CATL của Trung Quốc đã trả 137 triệu USD để mua 25% cổ phần của mỏ đồng và cobalt Kisanfu thuộc tập đoàn China Molybdenum.

Ông Glasenberg nói rằng Glencore đang xem xét bán cổ phần của một trong những khu mỏ của tập đoàn cho một hãng xe phương Tây, mặc dù chưa có hãng xe nào tiếp cận với tập đoàn.

“Không quá ngạc nhiên khi điều này xảy ra. Về mặt cá nhân, tôi tin rằng đây là một ý tưởng tuyệt vời. Trong quá khứ, Henry Ford đã từng làm như vậy. Ông thắt chặt chuỗi cung ứng của riêng mình, dù đó là đồn điền cao su hay nguồn quặng sắt ở Brazil”, CEO Glencore phát biểu với Financial Times.

Glencore dự định sản xuất khoảng 35.000 tấn cobalt trong năm nay, con số này có thể tăng thêm khoảng 25.000 – 30.000 tấn nếu tập đoàn quyết định phát triển mỏ quặng mới ở Mutanda, một khu mỏ tạm dừng hoạt động ở Congo. “Tôi nghĩ rằng nguồn quặng sẽ được cung cấp cho dây chuyền sản xuất trong 18 tháng tới”, ông Glasenberg nói.

Khi được hỏi là liệu ông có quan tâm đến việc chuyển đổi sang các loại pin có hàm lượng cobalt thấp hơn, Glasenberg nói rằng điều này có thể bù đắp nhiều hơn nữa bằng doanh số xe điện tăng vọt trong thời gian tới.

CEO Glencore Ivan Glasenberg cho rằng các hãng xe phương Tây không thể phụ thuộc vào nguồn cung ứng pin của Trung Quốc để phát triển ngành công nghiệp xe điện. Ảnh: Reuters

Bản Tin Thị Trường

1/ Giá vàng miếng SJC hiện đang ở mức 55,7 – 56,05 triệu đồng/lượng, giảm tiếp 50.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco hiện đang ở mức 1.820,3 USD/ounce, giảm 17,6 USD/ounce, tương đương 0,96% giá trị so với chốt phiên trước. Đây là phiên giảm thứ hai liên tiếp của kim loại quý.

2/ Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết UNICEF khẳng định ngày 16/5 tới sẽ có thêm 1,682 triệu liều vaccine Covid-19 của AstraZeneca, thông qua nguồn COVAX facility, được chuyển giao cho Việt Nam. Bộ Y tế sẽ phân bổ nguồn vaccine này cho tất cả các đơn vị địa phương để thực hiện công tác tiêm chủng phòng, chống dịch Covid-19 theo kế hoạch đã đề ra. Tính hết ngày 12/5 vừa qua, cả nước đã có 62 tỉnh, thành phố tiến hành kế hoạch tiêm chủng vaccine Covid-19, với 942.030 mũi tiêm vaccine phòng Covid-19 của AstraZeneca.

3/ Báo cáo “Khảo sát đánh giá niềm tin doanh nghiệp Đức toàn cầu” do Hiệp hội các Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức công bố gần đây cho thấy các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam đang có cách nhìn rất thiện cảm với kinh tế Việt Nam. Theo đó, 47% các công ty Đức tại Việt Nam có khuynh hướng mở rộng hoạt động kinh doanh và 50% có ý định sẽ tuyển dụng thêm nhân sự trong năm tới. Nếu vào năm ngoái chỉ có 46% doanh nghiệp Đức nhìn nhận một cách tích cực vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam thì năm nay có 66% doanh nghiệp dự kiến nền kinh tế sẽ cải thiện đáng kể vào năm 2021. Việc triển khai hiện thực hóa Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng 3,2% trong khoảng thời gian 2021-2030.

4/ Theo Tổng cục Hải quan, thịt heo nhập khẩu về Việt Nam trong những tháng đầu năm nay tiếp tục tăng mạnh. Trong đó, thịt heo nhập khẩu từ Nga tăng một cách chóng mặt. Được biết, thịt heo nhập khẩu vào Việt Nam trong quý 1 đạt 34,65 ngàn tấn, trị giá 80,07 triệu USD, tăng 101,4% về lượng và tăng 102,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Nga, Canada, Brazil, Ba Lan và Đan Mạch là 5 thị trường lớn nhất cung cấp thịt heo cho Việt Nam trong quý 1. Trong đó, thịt heo nhập khẩu nhiều nhất từ Nga với 16,55 ngàn tấn, trị giá 44,85 triệu USD, tăng tới 1.116,5% về lượng và tăng 1.002,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Thịt lợn nhập khẩu tiếp tục tăng mạnh trong quý 1.

5/ Theo Hiệp hội các nhà sản xuất xe hơi Việt Nam (VAMA) cùng một số hãng xe lớn trong nước, 4 tháng đầu năm, doanh số bán hàng của các hãng xe Việt tăng so với cùng kỳ năm trước nhưng không quá cao và đột biến. Thậm chí, trong tháng 4, doanh số xe du lịch giảm 3%, xe thương mại giảm 6% so với tháng trước đó. Các mẫu xe lắp ráp trong nước giảm 1% và xe nhập khẩu giảm 8% so với tháng trước. So với 4 tháng đầu năm 2020, thời gian cao điểm nhất của đại dịch Covid-19 tại Việt Nam, thì doanh số bán hàng hiện nay của 8 hãng đều tăng. Tuy nhiên, so với trạng thái bình thường, doanh số các hãng xe tại Việt Nam vẫn nằm trong tình trạng báo động với hàng loạt hãng giảm mạnh. Cụ thể, so với doanh số bán hàng của các hãng xe Việt trong 4 tháng đầu năm 2019, doanh số hiện tại của hầu hết các hãng đều suy giảm khá nặng nề.

6/ CEO Elon Musk đã công bố rằng Tesla sẽ ngừng chấp nhận bitcoin làm phương tiện thanh toán bởi lo lắng về việc nhiên liệu hóa thạch được sử dụng cho hoạt động đào bitcoin ngày một nhiều. Theo đó, giá của bitcoin đã tụt giảm khoảng 5% trong những phút giao dịch đầu tiên sau tuyên bố của Elon Musk. Dù Tesla cho biết sẽ không chấp nhận bitcoin trong hoạt động mua phương tiện của hãng, nhưng họ sẽ vẫn giữ chứ không bán những bitcoin hiện đang năm giữ và sẽ xem xét chấp thuận các loại tiền số khác cần ít năng lượng để sản xuất hơn. Trong quý đầu của năm 2021, Tesla mua 1,5 tỷ USD tiền số và sau đó bán ra lượng tiền số ước tính 272 triệu USD.

7/ Hàn Quốc và Israel đã ký Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) song phương tập trung vào việc mở rộng quan hệ kinh tế, một động thái có thể giúp nền kinh tế lớn thứ tư châu Á tăng tốc xuất khẩu xe hơi và phụ tùng. Hàn Quốc là quốc gia châu Á đầu tiên ký FTA với Israel. Hiệp định này được kỳ vọng sẽ giúp nền kinh tế lớn thứ tư châu Á giành lợi thế so với các nước láng giềng khác, như Trung Quốc và Nhật Bản. Theo nội dung của bản FTA này, thì Hàn Quốc sẽ dỡ bỏ thuế quan đối với 95,2% sản phẩm của đối tác, trong khi Israel sẽ dỡ bỏ thuế quan đối với 95,1% mặt hàng xuất khẩu của Hàn Quốc vào nước này. Hàn Quốc hiện cũng đang nỗ lực mở rộng danh mục các FTA ký với các nước, cùng với nỗ lực đối phó với chủ nghĩa bảo hộ và gần đây là thảm họa kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra.

8/ Theo báo cáo mới nhất của Boeing, tháng 4 là tháng thứ 3 liên tiếp lượng đơn đặt mua máy bay của họ vượt qua lượng đơn bị hủy. Boeing cho biết, công ty đã giành được các đơn hàng mua 25 máy bay mới trong tháng 4. Trong khi đó, số đơn hàng bị hủy là 17. Đây là tháng thứ 3 liên tiếp lượng đơn mua của Boeing vượt lượng đơn bị hủy. Tình hình tiêu thụ máy bay của Boeing đã trở nên khả quan hơn trong bối cảnh các nền kinh tế lớn trên thế giới đang phục hồi nhanh chóng và tái mở cửa với bên ngoài. Lệnh hạn chế đi lại cũng được nới lỏng khi các quốc gia đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho người dân. Tính đến cuối tháng 4, Boeing có 4.045 máy bay được đặt hàng trước, trong đó gần 3.200 là mua mẫu Max và 433 đơn là mua Dreamliner.

9/ Các nhân viên của nhà máy sản xuất iPhone của Foxconn tại bang Tamil Nadu, Ấn Độ đã phải dừng làm việc vì nhiễm Covid-19. Hơn 100 nhân viên Foxconn ở bang này đã có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19 và công ty thực thi lệnh cấm vào nhà máy ở thủ phủ Chennai đến cuối tháng 5, khiến công suất của nhà máy bị cắt giảm hơn 50%. Foxconn không phải là nhà sản xuất duy nhất bị ảnh hưởng. Nokia và Oppo cũng đã từng phải tạm dừng sản xuất tại các nhà máy ở Ấn Độ sau khi công nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19. Được biết, cổ phiếu của Foxconn đã suy giảm 6,2% sau khi thông tin này được đưa ra.

Công nhân của Foxconn tại Ấn Độ.

10/ Dù nền kinh tế Trung Quốc hiện đang phát triển mạnh mẽ nhưng lực lượng lao động hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế của quốc gia này đang dần thu hẹp lại. Dữ liệu tổng điều tra dân số vừa được Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố cho thấy, tổng dân số Trung Quốc đã tăng 5,38% lên 1,41 tỷ người trong một thập kỷ qua. Đây là mức thấp nhất kể từ khi cuộc tổng điều tra dân số theo thập kỷ bắt đầu được triển khai vào năm 1953. Hơn thế nữa, theo NBS, lực lượng lao động của Trung Quốc đang ngày càng giảm đi. Số người trong độ tuổi từ 15 – 59 đã giảm xuống dưới 900 triệu người, chiếm khoảng 63% tổng dân số và giảm 7% so với con số của thập kỷ trước đó. Các chuyên gia xã hội học cho rằng, bên cạnh chính sách một con được thực hiện khá nghiêm ngặt trong nhiều thập kỷ thì nhiều thanh niên trẻ ở thành thị, đặc biệt là những người sinh sau năm 1990, có xu hướng coi trọng sự độc lập và sự nghiệp của cá nhân hơn là việc lập gia đình và sinh con, bất chấp những áp lực từ gia đình.

Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA

Thưởng thức hủ tiếu thơm ngon với Duy Anh Foods