Phiên chợ công nhân họp vào hai ngày 15 và 30 trong tháng. Ảnh: Thảo Ly.

Mở các siêu thị giá rẻ cho công nhân mới là bước đi lâu dài.

Bà Nguyễn Thị Hồng, công nhân một nhà máy thuỷ sản ở khu công nghiệp (KCN) Trà Nóc cho biết, lương 4,5 triệu đồng/tháng, thuê nhà trọ 800.000 đồng, tính luôn điện nước hết 1 triệu đồng. Phần còn lại chỉ đủ tiền mua đồ ở chợ truyền thống, vì giá rẻ.Còn siêu thị lâu lâu mới chở con đi chơi, nhưng ít có mua đồ.

Một công nhân khác là bà Cầm (Phong Điền, Cần Thơ) kể: mỗi tháng lãnh lương xong mua “đồ lạ” vì giá đồ bộ 100.000 đồng/ba bộ; đồ gia dụng 10.000 đồng/cái; giày dép cao lắm cũng chỉ 150.000 đồng/đôi. “Họ đổ đống ở trước mấy KCN, trước cửa công ty, bước ra là có, khỏi đi đâu cho mệt”, bà Cầm nói.

Cứ mỗi tháng, tới ngày 15 và 30, vợ chồng ông Hai Kiệt kiếm chỗ đổ đống quần áo để “chờ” công nhân đi làm về ghé qua mua đồ. “Mỗi tháng chỉ “ăn tiền” được hai ngày này.Bữa khác vợ chồng tui bán ở chợ, chạy xe đi bán dạo”, ông Kiệt nói, những ngày công nhân lãnh lương, vợ chồng ông bán có khi hơn chục triệu chỉ trong vòng vài giờ đồng hồ. Nguồn hàng lấy từ Sài Gòn, còn đồ “si đa” lấy từ Châu Đốc.

Bà Bích Thuỷ, công ty bột giặt Lix, nói: bây giờ, hàng hoá đâu đâu cũng có nên rất tiện mua sắm. Công nhân thích giá rẻ. Doanh nghiệp không muốn đầu tư mở điểm cố định bán bởi vì rủi ro cao, vì phải cạnh tranh về giá với các loại hàng kém chất lượng bày bán tràn lan gần các KCN.

Cần Thơ có nhiều KCN với trên 30.000 lao động, thu nhập bình quân 4,5 – 5 triệu đồng/người/tháng. Ông La Quan Ba (công ty thương nghiệp tổng hợp Cần Thơ – CTC) cho biết, công ty kết hợp chặt chẽ với các tiêu chí về bình ổn thị trường, như: hàng hoá phải có nguồn gốc, đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm theo quy định, giá thường thấp hơn thị trường 5 – 10%; nhưng các chương trình bán hàng tổ chức theo đợt, nên công nhân thường mua sắm ở chợ. “Mở các siêu thị giá rẻ cho công nhân đó mới là bước đi lâu dài”, ông Ba nói.

Tại hội nghị phổ biến các mô hình cung ứng hàng hoá Việt Nam tại khu chế xuất, KCN do bộ Công thương phối hợp với tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và công đoàn Công thương Việt Nam tổ chức tại Cần Thơ ngày 12/10/2018, ông Đỗ Thắng Hải, thứ trưởng bộ Công thương cho biết, đến nay các địa phương đã tổ chức được hơn 3.000 đợt bán hàng về nông thôn, KCN và khu chế xuất.

Theo ông Hải, đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đã xây dựng được 104 điểm bán hàng với tên gọi “Tự hào hàng Việt”. 20 doanh nghiệp: Petrolimex, Saigon Co.op, Hapro, PV Oil, Vinatex, Nguyễn Kim, NutiFood, VinaFood… cam kết cung ứng hàng hoá Việt Nam với mức chiết khấu ưu đãi, để phục vụ người lao động trên toàn quốc.

Ngọc Bích