Sáng ngày 08/06/2021, tại Khu công nghiệp Sông Hậu, Tân Thành, Lai Vung, Đồng Tháp, công ty TNHH Cỏ May Lai Vung đã khởi công dự án xây dựng nhà máy dầu cám gạo.

Ông Phạm Minh Thiện, Tổng giám đốc công ty TNHH Cỏ May Lai Vung, cho biết, dự án làm dầu cám gạo đã được ấp ủ từ năm 2015. Nhà máy có diện tích là 2,3 héc ta. Khi đi vào hoạt động, nguồn nguyên liệu chính sẽ được lấy từ các doanh nghiệp trong địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Dầu cám gạo là sản phẩm nằm trong giá trị của cây lúa mà Cỏ May theo đuổi lâu nay.

Theo ông Phạm Minh Thiện, tiềm năng của dầu cám gạo là rất lớn, phát triển theo ngành lúa gạo Việt Nam, với nguồn cám dồi dào. Hiện nay, thị trường dầu cám gạo chủ yếu cho xuất khẩu, ở nội địa người tiêu dùng ít sử dụng.

Nhưng ông Thiện khẳng định, khi cho ra sản phẩm thì: “Dầu tinh luyện Cỏ May sẽ tiêu thụ ở nội địa là chính, nhưng vẫn đặt mục tiêu xuất khẩu để đảm bảo sản lượng và tiềm năng phát triển”.

“Những tấn dầu cám gạo đầu tiên tôi muốn đưa ra thị trường nội địa trước. Vì dầu cám gạo có các thông số kỹ thuật, hàm lượng dinh dưỡng tốt hơn so với dầu đậu nành, dầu cọ hiện nay”.

Theo các chuyên gia, lâu nay người ta thường ăn phần lõi của hạt lúa, mà bỏ đi phần quan trọng và nhiều dinh dưỡng nhất, đó là phần cám.

Nói về giá trị của các sản phẩm từ cây lúa, ông Thiện cho hay, sau 30 năm Cỏ May làm gạo, gần đây có thêm nấm rơm, nhưng những sản phẩm tiềm năng từ cây lúa còn rất nhiều.

“Sản phẩm giá trị gia tăng dầu cám gạo hay những sản phẩm khác từ lúa nằm trong kế hoạch phát triển của Cỏ May, sẽ dần được triển khai sau này”.

Nhà máy dầu cám gạo của Cỏ May được đặt ở Khu công nghiệp Sông Hậu, tỉnh Đồng Tháp

Ông Phạm Minh Thiện cho biết thêm, dầu cám gạo là một trong hai sản phẩm chính của dự án dầu gạo mà Cỏ May hướng đến. Sản phẩm còn lại là cám sau trích ly. Sản xuất dầu gạo đem lại hiệu quả kinh tế cao với công suất nhà máy xử lý 100 tấn cám nguyên liệu mỗi ngày giúp cho các nhà máy sản xuất thức ăn thuỷ sản của Cỏ May đảm bảo được nguồn nguyên liệu đầu vào.

Được biết, nhà máy được đầu tư hệ thống máy thiết bị tự động trong các công đoạn sản xuất, từ khâu tiếp nhận nguyên liệu đến công đoạn sản xuất sau cùng ra thành phẩm qua hệ thống điều khiển hiện đại.

Theo đánh giá, khi nhà máy dầu cám gạo của Cỏ May đi vào hoạt động, lợi ích xã hội đầu tiên đó là tạo thêm công ăn việc làm cho người dân địa phương. Giúp hoàn thiện hơn chuỗi giá trị cám gạo của tỉnh Đồng Tháp nói riêng và xã hội nói chung, như giá cám nguyên liệu đầu vào tăng, thu nhập của người nông dân cũng được tăng theo.

Dự kiến, sau khoảng một năm, dự án này sẽ chính thức đi vào hoạt động và cho ra sản phẩm.

Bài, ảnh: T. Quỳnh