Thành bại khi tham gia hiệp định CPTPP phụ thuộc vào mức độ thay đổi của Chính phủ. Trước hết, chính sách thu hút doanh nghiệp nước ngoài cần thay đổi, phải yêu cầu doanh nghiệp nước ngoài đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, sử dụng công nghệ cao, có trách nhiệm thực sự với môi trường.

Chủ nhật, 30/12/2018 là ngày CPTPP bắt đầu có hiệu lực. CPTPP là một hiệp định thương mại tự do tiêu chuẩn cao (có người gọi là thuộc thế hệ mới), không chỉ bao gồm các lĩnh vực truyền thống như cắt giảm thuế quan, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật thương mại …mà còn xử lý những vấn đề mới, phi truyền thống như lao động, mua sắm của chính phủ, môi trường, doanh nghiệp nhà nước…

CPTPP được ký kết tại Chile ngày 9/3/2018, với sự tham gia của 11 quốc gia hai bờ Thái Bình Dương, gồm có bốn nước châu Mỹ: Canada, Mexico, Peru, Chile; bốn nước khối ASEAN là Singapore, Việt Nam, Malaysia, Brunei; còn lại là Nhật Bản, Úc và New Zealand.

Cơ hội lớn

CPTPP nghiêm ngặt hơn WTO, vì quy định rõ các yêu cầu và tiêu chuẩn cao về minh bạch, cũng như đưa ra cơ chế giải quyết tranh chấp có tính cách ràng buộc và chặt chẽ. Về mở cửa thị trường, 11 quốc gia tham gia hiệp định CPTPP đồng ý xoá bỏ cho nhau gần như toàn bộ thuế nhập khẩu, tự do hoá dịch vụ và đầu tư theo lộ trình.

Với Việt Nam, các mặt hàng có thế mạnh như: dệt may, da giày, gỗ chế biến, nông sản, thực phẩm… sẽ có cơ hội gia tăng xuất khẩu. Bên cạnh đó, CPTPP còn gia tăng việc trao đổi nguồn nhân lực chất lượng cao.Các thương hiệu mạnh của Việt Nam có điều kiện nâng tầm để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, nếu biết hợp tác và liên kết.

Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, CPTPP sẽ giúp Việt Nam cân bằng hơn thị trường xuất khẩu khi mở rộng được thị phần sang các nước đang có thuế suất cao như: Canada, New Zealand, Úc. Còn với Nhật Bản, một trong những thị trường lớn về nhập khẩu hàng da giày, túi xách, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ gia tăng giá trị xuất khẩu mạnh hơn hiện nay…

Tuy nhiên, điều đáng lo là doanh nghiệp các nước trong cộng đồng CPTPP sẽ nhanh chân hơn doanh nghiệp Việt Nam, do có ưu thế hơn về trình độ quản trị, có sẵn chuỗi phân phối toàn cầu, tài chính tốt hơn… Do vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần nghiên cứu và hiểu sâu về từng đối tác còn lại trong CPTPP. Doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược dài hạn, đặc biệt chú ý mối liên kết chặt chẽ với nhau theo cách: doanh nghiệp lớn dẫn dắt doanh nghiệp nhỏ hơn vào chuỗi giá trị của mình.

Mỗi doanh nghiệp biết rõ tình thế cạnh tranh mới, càng phải nâng cao năng lực thâm nhập thị trường bên ngoài, phát triển kinh doanh quốc tế bằng: (1) xây dựng tiêu chuẩn quốc tế và quản lý chất lượng ổn định với hệ thống quản trị và tiêu chuẩn quốc tế; (2) cải tiến công nghệ; (3) tích hợp vào chuỗi cung ứng toàn cầu theo các điều kiện cạnh tranh; (4) nâng cao năng lực phòng vệ bằng liên kết sản xuất và xây dựng mạng phân phối nội địa vững chắc; (5) thông qua các hiệp hội để nắm vững pháp luật kinh doanh trong nước và quốc tế, sẵn sàng cho các tranh chấp nếu có.

Doanh nghiệp là vậy, còn Chính phủ sẽ làm gì? Tôi cho rằng, thành bại khi tham gia hiệp định CPTPP phụ thuộc vào mức độ thay đổi của Chính phủ. Trước hết, chính sách thu hút doanh nghiệp nước ngoài cần thay đổi, phải yêu cầu doanh nghiệp nước ngoài đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, sử dụng công nghệ cao, có trách nhiệm thực sự với môi trường (chắc chắn sẽ xảy ra nạn đưa nguyên liệu từ đâu đó vào cho doanh nghiệp Việt gia công, rồi xuất từ Việt Nam để hưởng ưu đãi thuế quan).

Chính phủ cần tạo điều kiện để các hội ngành nghề, doanh nghiệp hoạt động hiệu quả; tạo lập các hàng rào kỹ thuật hợp lý như cách mà Chính phủ của nhiều quốc gia khác vẫn làm để bảo vệ doanh nghiệp bản địa. Đặc biệt, Chính phủ yêu cầu các bộ thường xuyên cập nhật thông tin thị trường, chính sách cho doanh nghiệp (tôi biết các bộ có sẵn thông tin, nhưng chưa thiết tha cung cấp cho doanh nghiệp).

Chính phủ cần năng cao năng lực phòng vệ của quốc gia thông qua đội ngũ cán bộ có tầm và có tâm, và nỗ lực tạo dựng môi trường kinh doanh công bằng, thuận lợi. Đó là chưa kể Chính phủ đủ bản lĩnh đối phó với các hoạt động lợi dụng hiệp định của một số doanh nghiệp nước ngoài.

Ngổn ngang nhiều chuyện

Việt Nam chuẩn bị gì cho ngày CPTPP có hiệu lực?Chỉ còn lại 12 ngày nữa là hiệp định CPTPP sẽ có hiệu lực tại Việt Nam (vào ngày 14/1/2019). Theo WTO dự đoán, mỗi nước thành viên phải chi trung bình 150 triệu USD để chuẩn bị nhân lực và tiến hành thông tin, huấn luyện nhằm thực thi các cam kết. Việt Nam cũng cần đầu tư phương tiện, thiết bị và nhất là tập huấn cho cán bộ quản lý, doanh nghiệp và người tiêu dùng hiểu về CPTPP để thực thi CPTPP cho đúng.

Về hiệu lực của luật An ninh mạng và thành lập công đoàn độc lập, là hai vấn đề được nhiều doanh nghiệp quan tâm. Một số vấn đề “ngoại lệ” của Việt Nam đã được mười quốc gia trong hiệp định thoả thuận tạm thời, là không trừng phạt đối với các vấn đề về an ninh mạng và quyền lợi người lao động. Thoả thuận này sẽ kéo dài từ 3 – 5 năm sau khi hiệp định có hiệu lực tại Việt Nam, ngày 14/1/2019. Nội dung của “thoả thuận tạm thời không trừng phạt” có nghĩa là, các nước sẽ “tự kiềm chế” không khởi kiện Việt Nam ra trọng tài về vi phạm quy định đặt máy chủ (Dispute settlement) trong 3 – 5 năm đầu của hiệp định.

Cần chú ý, trong thoả thuận chỉ nói đến thuật ngữ “tự kiềm chế” (refrain) chớ không phải bắt buộc đối với các thành viên còn lại. Do vậy, khả năng tranh chấp về quy định đặt máy chủ giữa Việt Nam và mười quốc gia thành viên vẫn có thể xảy ra.

Chính phủ Việt Nam có nhiều cố gắng để được tham gia hiệp định “thế hệ mới” này. Thực tế tại Việt Nam, môi trường kinh doanh, cơ sở hạ tầng, trình độ và sự chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước, điều kiện cạnh tranh, ý chí liên kết của doanh nghiệp, phải cần cải thiện nhiều để tận dụng cơ hội lớn từ CPTPP. Bằng ngược lại, cơ hội có thể biến thành… thách thức.

Tin vui đầu tiên của các quốc gia trong hiệp định CPTPP là đơn giản hoá thủ tục xin chứng chỉ xuất xứ CO (certificate of origin). Từ ngày 14/1/2019, các doanh nghiệp Việt Nam, nếu xuất hàng hoá sang sáu nước thành viên CPTPP là Canada, Úc, New Zeanland, Nhật, Mexico và Singapore, có thể tự làm tờ khai nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.

Tờ khai CO mới trong CPTPP không cần con dấu của bất cứ cơ quan chính quyền nào, mà chỉ cần có chữ ký của nhà xuất khẩu hoặc nhà sản xuất. Bộ Ngoại thương Canada cung cấp bản mẫu này, chỉ dành riêng và có giá trị thi hành cho các nước như Singapore, Nhật, New Zealand, Canada, Úc và Mexico.

Kim Hạnh (theo TGTT)