Ông Phạm Bình An

Ngày 14/1/2019 Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực với Việt Nam. Nhưng theo các chuyên gia, nếu doanh nghiệp Việt Nam không chuẩn bị kỹ, họ sẽ không được hưởng những ưu đãi từ CPTPP và thậm chí rất khó cạnh tranh trên sân nhà của mình.

Bàn về vấn đề này, ông Phạm Bình An, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Hội nhập quốc tế TPHCM cho hay, về bản chất, CPTPP cơ bản giữ nguyên trên nền tảng hiệp định TPP trước đây, nhưng không có sự tham gia của Mỹ.

 

“Nhưng tất cả các nước tham gia CPTPP đều “để cửa” để đến một thời điểm nào đó Mỹ quay lại tham gia”.

“Tôi cho rằng, những doanh nghiệp lớn thực sự họ đã có sự chuẩn bị cho TPP trước đây, giờ có là CPTPP thì họ cũng sẵn sàng”, ông An nói.

Tuy nhiên, theo ông An, truyền thông và Nhà nước cũng mới chỉ có một số thông tin cơ bản về hiệp định này, không rầm rộ như TPP trước đây.

CPTPP là hiệp định mở nên có tính chất rất quan trọng, kể cả doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng cần rất lưu ý. Vì trước đây TPP ưu tiên cho các nước trong lòng chảo Thái Bình Dương, nhưng CPTPP thì khác, họ qui định rộng hơn, khi nước nào đồng ý các điều kiện thì đều có thể ra nhập.

Ông An cho biết, “nhiều quốc gia đang xem xét xin ra nhập, như Anh, Đài Loan, Thái Lan, Indonesia…”

Mặt khác, vấn đề nội địa hóa trong CPTPP yêu cầu rất cao, không giống như một số hiệp định khác.

“Như về da giày, CPTPP quy định hàm lượng nội khối lên đến 45 – 55%. Như hiện nay ngành dệt may, da giày hay một số ngành khác, nguyên liệu phụ thuộc khá nhiều từ các quốc gia ngoài khối CPTPP, như dệt may phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc.

Dệt may và da giày là một trong những ngành phải thay đổi nhiều về xuất xứ hàng hóa

“Nếu xuất hàng đi không đủ hàm lượng nội khối thì DN sẽ không được hưởng các điều kiện ưu đãi”.

Và trong CPTPP, thì vấn đề xuất xứ dần dần sẽ giao lại quyền tự chứng nhận xuất xứ cho doanh nghiệp. Khác hoàn toàn với trước đây là phải do một cơ quan nào đó cấp cho.

“Vấn đề này cũng phức tạp, nên nhiều doanh nghiệp không giám làm, bởi nếu làm không đúng, khi xuất không những hàng trả lại mà doanh nghiệp còn bị ghi vào “sổ đen”, nên nhiều DN không mặn mà làm”, ông An nói.

“Trung tâm chúng tôi được giao đào tạo tự chứng nhận xuất xứ cho DN, nhưng đến nay mới chỉ có 5 doanh nghiệp tự chứng nhận được xuất xứ”…

Một vấn đề nữa trong CPTTP mà ông Bình An nói đến là vấn đề về sở hựu trí tuệ (SHTT) cũng rất quan trọng,

“CTPP đặt ra một thách thức, họ đưa ra một tiêu chuẩn, nhu cầu tuân thủ về môi trường, minh bạch ngay từ phía DN rất cao”.

Hiện tại Việt Nam đang xuất siêu trong khối này, cơ bản là hàng hóa của Việt Nam không có tính chất bổ sung, nên sự cạnh tranh với hàng gia công trên thị trường nội địa là không nhiều.

Nhưng nếu mở rộng xuất đi các thị trường khác, vấn đề SHTT buộc Việt Nam phải tuân thủ. Điều này buộc doanh nghiệp phải thay đổi thói quen, với các DN nhỏ và vừa thì đó là cả một vấn đề, nhưng bù lại cơ hội để ta xuất đi là rất lớn, giúp doanh nghiệp nâng tầm mình lên.

“Hiện nay tiêu chuẩn của DN Việt nhiều nhưng không cao, với CPTPP thì yêu cầu chuẩn rất cao, mà để DN tự bơi thì rất khó, nên địa phương cần đưa ra những chính sách, hỗ trợ cho DN để họ nhận ra rằng, làm ăn bây giờ phải đầu tư bài bản”.

Chia sẻ thêm, ông An cho biết, hiện nay, Trung tâm Hỗ trợ hội nhập quốc tế có những nghiên cứu về CPTPP đi cụ thể vào các ngành dệt may, chế biến lương thực thực phẩm và  ngành dịch vụ bán lẻ.

“Câu chuyện doanh nghiệp tiếp cận các hiệp định TMTD giờ đây không còn chung chung nữa, mà phải đi vào từng thị trường cụ thể. Nên vai trò của các Hội, Hiệp hội phải giải quyết các nhóm vấn đề cụ thể”, ông Bình An khẳng định,

Trần Quỳnh