Thị trường nhập khẩu rộng mở, nhưng trái cây tươi của chúng ta muốn cạnh tranh với các nước khác như Thái Lan, Mexico… thì phải có sản phẩm độc đáo với chất lượng tốt nhất. Ảnh: Ngọc Bích.

Chưa tới 5% doanh nghiệp ở ĐBSCL hiểu sâu về hiệp định CPTPP, dù có nhiều cuộc chia sẻ, bà Nguyễn Thị Thương Linh, phó giám đốc VCCI chi nhánh Cần Thơ, nhận xét.

Mắt xích dễ hình dung nhất là Nhật Bản, nhưng xu hướng đầu tư vào ĐBSCL của các DN Nhật Bản gần đây đã thay đổi.

Thị trường tỷ dân nhưng không dễ ăn

Theo bà Linh, thay vì đầu tư nhà xưởng, hạ tầng, máy móc…, các doanh nghiệp (DN) xứ Phù Tang thích mua đứt DN để đưa công nghệ vào làm hàng giá trị gia tăng, đưa về nước. Với cách đầu tư này, nhu cầu về lao động có kỹ năng, biết tiếng Nhật từ đó cũng tăng lên. “Họ hiểu về chúng ta, trong khi chúng ta biết về họ chưa được bao nhiêu”, bà Thương Linh dẫn chứng thêm.

Trong buổi họp bàn tìm cách gia nhập thị trường CPTPP, cộng đồng DN khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nhìn nhận thị trường này có 500 triệu dân, tổng kim ngạch nhập khẩu của mười nước đối tác nội khối trên 2.500 tỷ USD, nhưng Việt Nam chỉ mới xuất khẩu sang các nước thành viên khoảng 42 tỷ USD, riêng Nhật đã chiếm 18,85 tỷ USD. Như vậy, dư địa xuất khẩu vào “chợ” CPTPP còn rất lớn, nhưng trừ Nhật, Úc là thị trường truyền thống, hầu hết là thị trường quá mới, chưa có đối tác mua – bán, thậm chí DN chưa biết gì về nhu cầu, văn hoá tiêu dùng, đường đi nước bước để bắt kịp xu hướng.

Ông Nguyễn Minh Toại, giám đốc sở Công Thương Cần Thơ, thú thật: sở cũng chưa có bộ phận chuyên trách để hỗ trợ chi tiết về từng thị trường được. Tất cả cũng phải chờ hướng dẫn từ bộ, ngành. Các DN cần chú ý nắm bắt thông tin về thị trường xuất khẩu, lộ trình hiệu lực của các hiệp định thương mại để chủ động vượt qua rào cản và tận dụng tối đa các cơ hội đối với ngành và lĩnh vực sản xuất kinh doanh cụ thể của mình.

Ông Nguyễn Hoàng Cung, giám đốc công ty Đại Thuận Thiên (chuyên xuất khẩu trái cây) nói: nhìn vào CPTPP thì đúng là thấy có thị trường mới, nhưng nói chính xác hơn là “mù” thông tin bạn hàng. Bán hàng cho khách trong nước đã khó, khai phá thị trường mới theo kiểu ném đá dò đường như lâu nay thì các thị trường như Chile, Peru, Mexico là quá khó. Đại Thuận Thiên cũng đang làm thị trường Singapore và Nhật, nhưng phải qua một đối tác chứ không xuất trực tiếp. Theo ông Cung, đối tác yêu cầu chứng minh sản phẩm sạch, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, minh bạch chuỗi rõ ràng.

“Bây giờ phải biết chính xác đối tác cần tiêu chuẩn gì ở sầu riêng, vú sữa, xoài… rồi mới làm đúng như vậy; chứ tự sản xuất, tự sơ chế, tự tìm khách hàng theo kiểu dò đường từ A đến Z sẽ rất mệt, kết quả chẳng đi tới đâu”, ông Cung chia sẻ.

Tận dụng sản phẩm thế mạnh

Năm 2019, công ty dự kiến đưa hàng vào Malaysia và Singapore, nhưng phải nói thật là thông tin còn rất mập mờ, mình phải tự mò mẫm, ông Nguyễn Minh Phương, giám đốc công ty Minh Đức Thành (KOCANA) cho biết: sản phẩm  KOCANA được sản xuất theo chuỗi khép kín, đạt chứng nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn VietG.A.P và ISO 22000:2005. Nhưng từ trước tới nay cũng không thể bán trực tiếp mà phải qua các mối quen, họ hướng dẫn cách làm theo tiêu chuẩn, quy cách, hễ thấy giá cả “êm” thì làm. Còn nắm bắt xu hướng tiêu dùng, chỉ có đối tác bên đó biết.

ĐBSCL có vô số DN nhỏ, năng lực tài chính và đàm phán quốc tế hạn chế, nên việc  tiếp cận các thị trường khi các hiệp định thương mại có hiệp lực không hề dễ chút nào. Ông Phan Ngọc Tuấn, công ty Kim Xuân, chuyên lĩnh vực cơ khí ở Cần Thơ, gợi ý: nên chăng các cơ quan chức năng xây dựng, phổ biến cẩm nang và thị trường cần được ưu tiên cho các ngành hàng mà địa phương đang có thế mạnh như: gạo, thuỷ sản, trái cây và nông sản… Đồng thời mở các khoá tập huấn chuyên sâu cho các nhóm DN hiểu rõ, làm đúng yêu cầu tiêu chuẩn, cam kết của hiệp định thế hệ mới.“Chúng ta không cần làm cho “hoành tráng”, chỉ cần mở các lớp bồi dưỡng quy mô nhỏ mà chuyên sâu là được”, ông Tuấn kiến nghị.

Vấn đề là tham gia các hiệp định để làm sao cạnh tranh tại thị trường truyền thống và việc phát triển ở thị trường nội địa tốt hơn, theo bà Thương Linh. Riêng ông Đỗ Minh Hiền, phòng phát triển sản phẩm công ty TNHH MTV The Fruit Republic (FR), lại đánh giá khi Việt Nam tham gia các hiệp định, đưa đến thị trường nhập khẩu rộng mở, nhưng trái cây tươi của chúng ta muốn cạnh tranh với các nước khác như Thái Lan, Mexico… thì phải có sản phẩm độc đáo với chất lượng tốt nhất.

Hiện tại FR đang xuất khẩu hàng đi Mỹ, EU, Nga, Hong Kong, Singapore, mỗi tháng thu mua bình quân khoảng 120 tấn bưởi, 50 tấn cam, 600 tấn chanh, 10 tấn mít… Tuy nhiên, theo ông Hiền, để được thị trường chấp nhận, FR phải xây dựng vùng nguyên liệu trái cây tươi đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, thông qua liên kết với 250 nhà vườn trên diện tích hơn 700ha. Các nhà vườn tuân thủ theo quy trình sản xuất của công ty đưa ra.

Qua kinh nghiệm xuất khẩu của FR, ông Hiền cho rằng, ngày nay DN muốn đưa hàng đi Nhật, EU, Mỹ, Singapore hay nước nào chăng nữa, thì chung quy lại là phải có quy chuẩn, chất lượng, chứng nhận, kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. ĐBSCL có ưu thế về khí hậu và điều kiện tự nhiên, có thể sản xuất và cung cấp các loại trái cây nhiệt đới quanh năm, có khả năng làm trái vụ như thanh long, xoài, chôm chôm, sầu riêng… nhưng phải cải thiện nguồn giống cho phong phú. Ngoài ra, chúng ta phải khắc phục hệ thống cảng biển tại chỗ, vì việc trung chuyển lên cảng lớn tại TP.HCM khiến tăng thêm chi phí vận chuyển, bốc vác.


Theo bộ Công Thương, CPTPP mở ra triển vọng cho ngành dệt may, da giày, đồ gỗ, điện máy, nông thuỷ sản… nhưng là thị trường khó tính, vì thu nhập bình quân đầu người nội khối trên 30.000 USD/năm. Việc quan tâm hàng đầu là chất lượng sản phẩm và các yêu cầu kỹ thuật của thị trường này. Đối với ngành dệt may, CPTPP có quy tắc xuất xứ là ba công đoạn (quy tắc từ sợi trở đi: công đoạn sản xuất sợi, công đoạn dệt vải và công đoạn cắt-may, phải thực hiện tại nước thành viên). Bà Trịnh Thị Thu Hiền, trưởng phòng Xuất xứ hàng hoá, cục Xuất nhập khẩu thuộc bộ Công thương chia sẻ: theo điều khoản về xuất xứ hàng hoá của CPTPP, các sản phẩm xuất khẩu trong các nước thành viên phải có xuất xứ nội khối mới được hưởng ưu đãi. Trong khi đó, Việt Nam đang nhập khẩu hơn 60% nguyên phụ liệu từ Trung Quốc, Hàn Quốc để làm hàng xuất khẩu, đây là một thách thức không nhỏ. Nếu không chuyển đổi được vùng nguyên liệu, hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ không được hưởng ưu đãi thuế.

Khánh An – Ngọc Bích (theo TGTT)