Hình ảnh về nền nông nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam qua câu chuyện drone Hera từ Việt Nam đang dậy sóng thị trường thế giới

Cuối giờ chiều qua, tôi tiếp đoàn khách Hà Lan chào tạm biệt sau khi đã đi thăm ba đơn vị làm nông nghiệp công nghệ cao là hội viên của Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao. Họ bày tỏ ấn tượng về cách làm nông chỉn chu của Danny Green và cứ hỏi mãi về ông chủ công ty này. Hẳn là một kỹ sư công nghệ? Một kỹ sư nông học? Không, tôi cười và nói anh người Úc gốc Việt, kỹ sư hàng hải, nghề chính là dịch vụ tàu vận chuyển.

Các vị khách tròn xoe mắt, thì tôi “chốt hạ”: “Bằng nghề chính, làm được bao nhiêu anh ấy đem đầu tư hết vào mấy cái trang trại hữu cơ, xưởng chế biến và trung tâm R&D”. Họ ồ lên và bật ra câu hỏi khó: “Vì sao có nhiều người Việt đam mê hết mình với nông nghiệp Việt đến thế?”

Tôi như được “cởi tấc lòng”.

Có nhiều người chứ. Như cô tiến sĩ truyền thông QP, học ở Pháp về, đang làm lương ngất ngưỡng ở một tập đoàn lớn Việt Nam, bỗng xin nghỉ để đi kinh doanh ẩm thực với giấc mơ đem ẩm thực Việt vào bếp ăn thế giới với công nghệ cao.

Tiến sĩ Lương Việt Quốc trong văn phòng làm việc tại TP.HCM

Rồi mình nghĩ ngay đên bài viết của một bạn nữ, rất thú vị mới cách đây hai ngày “Cám ơn thầy Quốc”. Đó là một tiến sĩ kinh tế của đại học danh giá Berkeley của Hoa Kỳ, thay vì yên vị ở một công ty lớn ở bển thì về Việt Nam làm nông nghiệp, với giấc mơ cung cấp drone công nghệ cao cho nông nghiệp quê nhà.

Thu Lê Vivian viết: “ Với thầy Quốc yêu quý. Cám ơn thầy đã dìu dắt em bao nhiêu tháng qua, giúp em biết con drone là khác con flycam. Và giúp em lần đầu làm một content chức chan tình yêu kỹ thuật đến vậy…”.

Còn mình, theo dõi câu chuyện “nữ thần HERA” lâu rồi mà ngại viết vì drone là lãnh vực kỹ thuật quá xa lạ. Ngay sau khi đọc bài đăng ngày 17/6 của Thu Lê Vivian: “Lần đầu tiên một sản phẩm công nghệ hoàn toàn do người Việt chủ động từ sáng tạo, thiết kế, chế tạo, sản xuất đã có thể chính thức xuất khẩu sang thị trường Mỹ, nơi công nghệ cạnh tranh khắc nghiệt nhất” thì mình can đảm thêm, lại xé nháp viết tiếp (và vẫn không xong).

Mãi đến hôm qua khi bị các chuyên gia nông nghiệp công nghệ cao Hà Lan hỏi cái ngọn nguồn khiến lắm ông bà yêu mê nông nghiệp Việt Nam thế, thì mình nhất quyết đem tư liệu ra viết. Mà tháng 8 này, cũng là đúng lịch giao hàng. Hera sẽ được giao cho Đại học Michigan của Mỹ lô hàng đầu tiên họ mua để nghiên cứu cho trường.

… Sau khi Lương Việt Quốc đưa Hera đi dự hai cuộc triển lãm mới – Xponential 2022 tại Orlando, Florida và SOFIC 2022 tại Tampa, Florida –  thì rất nhiều trang web chuyên nghiệp về drone đã khẳng định Hera đạt chuẩn NDAA của chính phủ Mỹ và có nhiều tính năng phải nói là vượt hẵn. Xin tóm lược một vài bài ở trang web chuyên về drone. Họ chủ yếu nói về các thông số “khó tin” vượt trội gấp nhiều lần các loại đang có trên thị trường ở tất cả các tính năng quan trọng nhất: (1). Nhỏ gọn và cơ động nhất. (2). Sức nâng tối đa lớn nhất, gấp 10 lần so với máy bay cùng cỡ. (3). Số lượng thiết bị có thể gắn cùng lúc nhiều nhất, gấp 4 lần. (4). Tầm quan sát của thiết bị tốt nhất. (5). Càng đáp giấu kín tối ưu. (6). Khả năng xử lý dữ liệu mạnh nhất và (7). Đạt chuẩn an toàn dữ liệu của chính phủ Mỹ.

Trước cao điểm mùa dịch năm ngoái, tôi co dịp đi thăm xưởng của Quốc ở Thủ Đức.

Thật ngạc nhiên, các bạn đều quá trẻ, rất sôi nổi, sinh động. Quốc cho biết 80% các bạn đến từ Đại học Bách Khoa TP.HCM và 20% còn lại là từ trường Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM. Quốc trầm giọng xuống khi kể, một đặc điểm của đội ngũ này là: “Các bạn có quá nhiều sáng kiến. Vừa đưa được một số sáng kiến vào Hera, thì lại có thêm các sáng kiến mới. Đến nỗi phải “ra lệnh” là phải ngừng đưa sáng kiến mới vào Hera để còn sản xuất kịp cho thị trường. Nhiều sáng kiến tiếc phải xếp hàng, chờ đưa vào phiên bản sau”.

Đội ngũ kỹ sư trẻ của Real Time Robotics

Gặp PDQ, kỹ sư trưởng thiết kế thân máy bay Hera và bạn NVHV, kỹ sư trưởng về điện tử và tích hợp hệ thống, người bay demo Hera ở Hoa Kỳ và T. kỹ sư thiết kế pin cho Hera, cùng với Đ. kỹ sư điện tử, những người đang cầm “bộ não-hệ thống điện tử” của Hera. Nhìn họ làm việc càng thấy khâm phục, càng phục ông thầy Lương Việt Quốc hiền khô.

Tôi biết Quốc từ nhiều năm trước, đã rủ Quốc đi triển lãm giới thiệu drone anh chế tạo hai lần ở hội nghị Mekong Connect. Xa hơn, lúc đầu tôi rất cảm động và tò mò muốn làm quen khi đọc bài trên Tuổi Trẻ về cậu bé Lương Việt Quốc nhặt rác ở chân cầu Thị Nghè mà nay chuyên tung cánh cho “nữ thần Hera” lên trời. Tôi thường hỏi Quốc bí quyết học giỏi tiếng Anh vì đã nghe “thành tích” đi dịch giùm người Việt khi phải ra tòa Mỹ (ngôn ngữ ở tòa Mỹ dĩ nhiên phải siêu rồi!).

Những lúc rủ nhau đi ăn tối cùng Quốc và con gái anh, thấy Quốc “phụ nhĩ” để “xin ý kiến” cô con gái mới 13 tuổi cực thông minh, khó hình dung ông bố có phần quá chiều con này, vốn có một ý chí tuyệt vời để được tuyển và lấy luôn bằng tiến sĩ điểm cao của đại học Berkeley, có một tình yêu đất nước và nông nghiệp Việt sâu đậm đã làm thế nào mà qui tụ và nuôi dưỡng được sức mạnh đam mê và trí tuệ cho đội ngũ kỹ sư trẻ hết sức giỏi của anh.

Trả lời câu hỏi khó của anh bạn Hà Lan, chắc chỉ có thể nói hơi công thức chút: Đó là vì  tình yêu dành cho đất nước luôn nặng trĩu trái tim mỗi người Việt Nam.

Kim Hạnh