Nhờ áp dụng phương pháp chăn nuôi khoa học, mô hình nuôi gà sạch của chị Lê Thị Thanh Thu (sinh năm 1996) tại phường Ba Ngòi, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa đã cho hiệu quả kinh tế cao, từng bước tạo nên thương hiệu Gà sạch Cam Ranh.
Tốt nghiệp đại học năm 2015, cũng như nhiều bạn trẻ khác, Thu trở về quê (thành phố Đà Nẵng) để tìm việc làm. Khi trở về quê với tấm bằng loại giỏi, chị Thu được nhận vào làm việc trong một cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, với ước muốn được thử sức trên lĩnh vực mới, chị đã từ bỏ công việc ổn định tại cơ quan nhà nước để về nuôi gà.
Chị Thu cho biết: Nhờ sự tích lũy kinh nghiệm trong bốn năm học đại học cộng với việc phân tích thị trường, thị hiếu của người tiêu dùng lẻ, chị Thu đã chọn nuôi gà sạch thay vì nuôi lợn sạch bởi nuôi lợn sạch cần nhiều vốn và các điều kiện khác kèm theo.
Học về chuyên ngành Môi trường, chị Thu hiểu, việc chăn nuôi phần nào đó tác động xấu đến môi trường. Vì vậy, thay vì chọn địa điểm trong thành phố hay vùng quê gần đô thị, chị Thu quyết định chọn đặt trang trại ở trên một khu đồi, thuộc phường Ba Ngòi, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Đặc biệt, nơi đây còn có đầy đủ nguồn thức ăn tự nhiên, khí hậu thuận lợi cho phát triển chăn nuôi…
Hiện trang trại của chị Thu đang nuôi giống gà ri quý Lạc Thủy (huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình). Giống gà này phù hợp với điều kiện sống của vùng đất Khánh Hòa và cho năng suất, chất lượng thịt cao, thơm ngon.
Ngoài giống, chị áp dụng phương pháp chăn nuôi tiên tiến. Toàn bộ thức ăn cho gà đều có nguồn gốc tự nhiên, được lên men bằng vi sinh hoặc nấu chín trước khi cho gà ăn nhằm hạn chế giun sán cho gà. Nhờ đó, thịt gà ngon, ngọt, không bị bở như các loại gà ăn cám công nghiệp. Đa phần sau khi sử dụng thịt gà sạch của chị Thu, khách hàng đều có đánh giá tốt, nhiều người từ đó trở thành khách hàng thân thiết của chị.
Điểm khác biệt của mô hình gà sạch rộng 2.000 m2 này chính là sự kết hợp nuôi trang trại, thả vườn, không sử dụng kháng sinh. Ở phía trong trang trại, gà sẽ được nuôi trên đệm lót sinh học và nghe nhạc giao hưởng cả ngày lẫn đêm.
Nói về cách nuôi độc đáo, công phu này, chị Thu cho hay, việc này sẽ giúp gà làm quen với tiếng động từ bên ngoài, không bỏ ăn hoặc hoảng sợ khi gặp người lạ, tiếng ồn lớn. Ngoài ra, giúp chúng có tinh thần thoải mái, không chen lấn, cắn phá nhau làm giảm năng suất, còn đệm lót sinh học giúp chị giảm công sức để vệ sinh chuồng nhưng vẫn đảm bảo sự trong lành cho môi trường.
Phía ngoài trang trại là khu vườn hơn 300m2 được chị Thu tiến hành trồng nhiều loại cỏ, thảo dược làm nguồn thức ăn thuốc nam cho gà. Nhờ đó, đàn gà của chị luôn khỏe mạnh, không bị dịch bệnh…
Trang trại gà của chị Thu đang chăn nuôi khoảng 1.000-1.500 con, do đó, để đảm bảo việc chăm sóc tốt cho đàn gà, chị thuê thêm 2-3 nhân công lao động bán thời gian, với mức lương 3 triệu đồng/người/tháng. Gà sạch nuôi trong khoảng 4 tháng sẽ cho năng suất thịt từ 1,6 kg-1,8kg/con. Sau khi trừ các chi phí, trung bình chị có thu nhập khoảng hơn 150 triệu đồng/năm. Trong tương lai, mức thu nhập có thể tăng bởi chị đang tìm hướng mở rộng trang trại.
Chị Thu cho biết, hiện mô hình nuôi gà sạch này đang trong quá trình làm thủ tục để được công nhân đạt chuẩn VietGAP. Song song với đó, chị sẽ nhân rộng thương hiệu gà sạch theo hướng mô hình hợp tác xã nhằm tạo việc làm ổn định cho nông dân trong lĩnh vực chăn nuôi.
Chị Thu đã chủ động chia sẻ kinh nghiệm và hướng dẫn, kêu gọi mọi người xung quanh nuôi gà sạch, cùng nhau xây dựng thương hiệu Gà sạch Cam Ranh. Hiện đã có một số hộ chăn nuôi làm theo mô hình của chị Thu và cho kết quả tốt.
Đây cũng chính là động lực để chị Thu chia sẻ bí quyết, mô hình này lên mạng xã hội và được sự hưởng ứng của nhiều bạn trẻ muốn lập thân, lập nghiệp. Nhiều bạn trẻ, đoàn thanh niên các phường quanh khu vực đã đến tham quan, học tập và được chị Thu hướng dẫn tận tình.
Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Khánh Hòa Bùi Hoài Nam cho biết, phong trào khởi nghiệp của thanh niên Khánh Hòa hiện nay còn nhiều khó khăn. Nhiều mô hình khởi nghiệp mới có bước phát triển ban đầu, về lâu dài cần cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể.
Thanh niên trẻ khởi nghiệp, thời rất cần sự chia sẻ của cộng đồng, hệ sinh thái khởi nghiệp, đặc biệt là những người đã thành công trước đó để đưa mô hình càng ngày càng phát triển, lan tỏa và tạo thương hiệu cho sản phẩm.