Mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp đến năm 2020 chỉ đạt được nếu mở “room” khuyến khích hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành doanh nghiệp.

So với con số hiện nay khoảng 600.000, thì mục tiêu này sẽ rất khó đạt được.

Để nâng tầm lực lượng hộ kinh doanh cá thể, giúp họ gia nhập mạnh mẽ hơn vào sân chơi lớn của nền kinh tế, ngoài việc cải thiện thủ tục hành chính, tạo ra các chính sách khuyến khích hợp lý, còn là việc phải làm sao để hỗ trợ xây dựng lực lượng kế thừa cho loại hình doanh nghiệp rất đặc trưng này.

8, 9x và cửa hàng tạp hoá

Chúng tôi thử lấy một ví dụ cụ thể ra phân tích: đó là mô hình hộ kinh doanh cá thể trong ngành bán lẻ. Chắc chẳng ai xa lạ với các cửa hàng tạp hoá. Khảo sát năm 2018 tại TP.HCM: hiện có khoảng 50.000 cửa hàng tạp hoá đang kinh doanh, trong đó có khoảng 10.000 cửa hàng thuộc nhóm cửa hàng lớn (còn gọi là bách hoá). Tuy chiếm khoảng 20% về số lượng, nhưng doanh thu của họ lại hơn 60%, và là người dẫn dắt thị trường bán lẻ truyền thống. So với cách đây 3 – 5 năm, nhóm bách hoá này có nhiều chuyển biến rất đáng chú ý. Có khoảng 15% trong số họ đang được quản lý bởi những ông chủ, bà chủ mới. Chúng tôi gọi họ là thế hệ thứ hai, theo đúng nghĩa của từ này. Với các bạn trẻ 8x, 9x, sau khi tiếp nhận việc kinh doanh của cha mẹ, họ tiếp cận và vận hành cửa hàng theo cách khác.

Có hơn một nửa trong số họ mong muốn sẽ mở rộng công việc kinh doanh, thành lập công ty thương mại, chứ không muốn dừng ở việc một cửa hàng tạp hoá (thực tế thì rất nhiều bạn trẻ đã có trong tay giấy phép thành lập doanh nghiệp rồi). Để làm được điều đó, họ bắt đầu mày mò học hỏi về quản lý.

Suy nghĩ của đa số ông, bà chủ trẻ này: trước khi nghĩ cái gì lớn hơn thì phải đảm bảo quản lý cái hiện tại thật tốt đã, phải biết được hàng vào, hàng ra, hàng tồn thế nào. Rất nhiều cửa hàng, giờ đây đã chấp nhận đầu tư cả chục triệu đồng mua máy tính, dụng cụ tính tiền, máy in hoá đơn… để quản lý. Chưa kể, họ còn bỏ ra cả mấy chục triệu nữa để mua kệ hàng, thiết kế lại không gian mua sắm cho người mua thuận tiện hơn.Họ có thể cạnh tranh ngang ngửa với siêu thị, cửa hàng tiện lợi đang mọc lên như nấm.Với kinh doanh tạp hoá, lượm bạc lẻ mỗi ngày, thì việc đầu tư lớn như vậy thể hiện một lối suy nghĩ lâu dài, có tính đột phá và tham vọng không nhỏ trong việc phát triển kinh doanh. Trong cuộc khảo sát, chúng tôi thấy một sự “đặt cược” lớn của các bạn trẻ này vào tương lai, họ dám nghĩ dám làm và rất “mở” để đón nhận những xu hướng mới.

Chúng ta sẽ rất dễ tìm ra một cửa hàng đang sử dụng phần mềm quản lý khách hàng, ứng dụng Facebook, Zalo để tạo mối liên hệ với người mua hàng quen thuộc.Họ biết rõ một khách hàng nào đó sinh ngày mấy và có thể tặng quà khi đến sinh nhật. Một hình ảnh có thể thường gặp ở các kênh bán hàng hiện đại, nhưng ở kênh truyền thống thật sự là một sự đột phá cực kỳ lớn về tư duy kinh doanh. Không phải vài chục, vài trăm, mà có vài nghìn cửa hàng đang chuyển đổi theo mô hình như vậy. Đứng sau không ai khác chính là thế hệ thứ hai của các hộ gia đình kinh doanh bán lẻ.

Muốn quản chuyên nghiệp

Sự thay đổi này chẳng phải đến từ chính sách nào của Nhà nước cả (đáng buồn là vậy), mà là do thị trường quyết định, gộp chung lại một chữ “cạnh tranh”. Cuộc phỏng vấn sâu của chúng tôi với hơn 100 bạn trẻ 8x, 9x này trong mấy tháng qua đã cho thấy: hơn một nửa trong số họ có nhu cầu được học về quản lý cửa hàng chuyên nghiệp, học mô hình quản trị doanh nghiệp, quản trị khách hàng trong bán lẻ… nhưng không biết học ở đâu, nhờ ai. Không ít người trong số họ, đã thành lập doannh nghiệp rồi, nhưng vì khó khăn quá lại muốn quay vềvới hộ kinh doanh cá thể như cha mẹ mình.

Một khảo sát với một mẫu nhỏ, trong một ngành cụ thể, tại một thành phố, nhưng vẫn có thể coi là đại diện được cho tình hình khó khăn chung của hàng triệu hộ kinh doanh cá thể trên cả nước. Họ đang chuyển đổi, họ đang và sẽ vận hành bởi các thế hệ kế tiếp, dù chính sách hỗ trợ có hay không. Muốn đạt được mục tiêu xây dựng cộng đồng doanh nghiệp 1 triệu thành viên hùng mạnh, phải quan tâm đến đối tượng này. Xây dựng thế hệ thứ hai không chỉ dành cho doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đã thành danh.


Nguyên nhân chủ yếu làm cho hộ kinh doanh cá thể không mặn mà chuyển đổi thường là lo ngại về thuế, việc công khai thông tin, thủ tục hành chính… Nhưng nguyên nhân chủ yếu còn là năng lực quản lý khi chuyển lên mô hình công ty. Hộ kinh doanh cá thể thuần tuý là việc kinh doanh của một gia đình, một thời gian dài quen với việc “liệu làm, liệu bán, liệu tính”, nên giờ dù muốn chuyển sang mô hình mới thì gặp ngay khó khăn về khả năng vận hành. Có một tỷ lệ lớn các chủ hộ dù muốn phát triển nhưng không có người kế thừa, họ lo sợ chiếc áo quá rộng của mô hình công ty sẽ khiến họ kham không nổi và dẫn tới chuyện tiền mất, tật mang. Chẳng thà yên vị với hiện tại sẽ an toàn hơn.

Phan Tường (theo TGHN)